Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Vui buồn ở Hàm Tân (1992-1996)

(Hồi tưởng của một người tù ở trại Z 30D)  
Ðoàn Thanh Liêm
 
Tôi bị công an đón bắt ở phi trường Ðà Nẵng, ngay khi vừa từ Saigon ra tới đó vào buổi chiều ngày 23 Tháng Tư 1990.
 
 
Những vòng tay ấm nồng trong ngày hội ngộ cựu tù Nam Hà và Hàm Tân. Trong hình là chị Minh, phu nhân một cựu tù gặp lại người em cựu tù ở Nam Hà khi đi thăm nuôi chồng. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt) Ngay bữa sau họ áp giải tôi về lại Saigon và tống giam vào Trại B34 tức là trong khu vực của Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia cũ. Mãi đến ngày 14 Tháng Năm 1992, họ mới đưa tôi ra xử tại Tòa Án Saigon và tuyên án xử phạt tôi 12 năm tù giam về tội “Tuyên truyền chống chủ nghĩa xã hội.” Tôi đã không kháng cáo bản án này.

Ðến Tháng Mười 1992, thì họ đưa tôi đi “thi hành án” tại Trại Z30 D, khu K2 ở Hàm Tân gần với thị xã Phan Thiết. Phân trại K2 nằm trong khu Rừng Lá nơi căn cứ 6 của Pháo Binh thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ngày trước.
Trại này cách xa quốc lộ 1 chừng 3 cây số. Trong số 7-800 tù nhân tại đây, thì có đến 30 người là tù nhân chính trị mà được phân bố trong nhiều đội khác nhau, chứ không hề có một chế độ riêng biệt cho tù nhân chính trị. Vào cuối năm 1992, thì không còn một “người tù cải tạo” nào nữa. Mà chỉ là các tù nhân đã có án. Vào lúc đó, thì ngoài đa số là thường phạm, thì cũng có một số là “tù nhân kinh tế” gồm cả nam lẫn nữ do sự đổ bể của các công ty buôn bán kinh doanh gây ra. Phải nói rõ rằng đây là thứ trại lao động cưỡng bức, nhưng được người cộng sản gọi là “lao động cải tạo.” Tù nhân được phân phối thành các đội lao động, bình quân mỗi đội có 30-40 người ở trong lán trại chung với nhau, và được dẫn đi ra làm việc ở ngoài trại. Hồi đó, phần lớn các đội phải lo việc trồng cây thuốc lá. Và vào mùa mưa, thì thường trồng khoai mì, bắp, đậu v.v... để cải thiện bữa ăn. Có một đội chuyên làm gạch. Và các người già yếu thì được sung vào một đội chuyên về đan tre v.v...
Mấy năm bị giam giữ trong các trại tạm giam xung quanh Saigon, kể cả nhà tù Chí Hòa, suốt ngày bị nhốt kín trong căn buồng chật chội đến ngộp thở, mà nay được ra ngoài đồng trống với nắng gió thông thoáng, thì quả là thuận lợi cho việc phục hồi sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần. Buổi trưa thì thường được ăn ở ngoài trại, gần với chỗ lao động. Nói chung, thì vào hồi đó cơm dành cho các tù nhân không đến nỗi thiếu thốn lắm so với hồi sau 1975, mà lại cũng ít khi bị ăn độn khoai mì, bo bo hay bắp, khoai lang... Chỉ có thức ăn kèm theo cơm là còn yếu kém thôi. Bù lại chúng tôi lại được gia đình tiếp tế tương đối đầy đủ, nên về vật chất thì không đến nỗi nào. Và chiều về thì thường được xuống suối tắm ở gần khu vực đập thủy điện, vì các giếng ở trong trại không đủ nước cho hàng mấy trăm con người phải làm việc vất vả mệt nhọc, nóng bức ở ngoài bìa rừng.
Bình thường thì khi bị mất tự do, bị đối xử thô bạo như kẻ phạm pháp, thì phải buồn tủi nhục nhã nữa. Nhưng mà, nếu có được một thái độ thanh thoát của người tu luyện theo đạo thiền chẳng hạn, thì tù nhân vẫn có được những niềm vui tương đối nhẹ nhàng, phiêu lãng, chứ không phải để cho tâm hồn mình bị dằn vặt bởi sự bất mãn, hậm hực hận thù đối với chế độ độc tài hà khắc của người cộng sản. Phải nói là sau khí chế độ cộng sản bị sụp đổ tại Ðông Âu, và nhất là tại Liên Xô, thì thái độ của người cán bộ coi tù đối với loại tù nhân chính trị như bọn tôi ở Hàm Tân vào năm 1992-93 lúc đó cũng đã bớt gay gắt, ít thô bạo hơn nhiều, so với cái thời cuối thập niên 1970 khi trại này mới được thành lập.
Lại nữa, vì có nhiều tù nhân hình sự được ra ở ngoài trại sinh sống như trông coi hồ cá, hoặc lao động thong thả “theo diện rộng,” thì họ dễ dàng tiếp xúc với dân chúng địa phương, hay nghe được các đài ngoại quốc như VOA, BBC, v.v... nên chúng tôi được thông tin khá đầy đủ và thường xuyên về tình hình của thế giới bên ngoài. Và mỗi khi gia đình lên thăm nuôi gặp mặt, thì cũng cho biết thêm nhiều tin tức này nọ. Và anh em lại truyền các thông tin đó cho nhau, việc này giúp anh em tù chính trị bọn tôi rất là phấn khởi tinh thần. Bởi vậy mà không cần chấp nhất những chuyện bực bội nhỏ nhặt do cán bộ gây ra, bọn tôi coi đó là cái thứ “lẻ tẻ, vặt vãnh,” khỏi cần bận tâm thắc mắc đến làm chi cho mệt cái thân mình. Phần đông cán bộ ngành công an thường xuất thân từ các tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa trong các gia đình được gọi là “thành phần cơ bản,” tức là thuộc hàng ngũ được đảng cộng sản tin cậy, nên trình độ văn hóa cũng không đòi hỏi là phải ở mức độ cao so với các ngành chuyên môn khác. Nói rõ ra, thì họ cũng phải có một cái nghề sao cho bản thân và gia đình được yên ấm, ổn định, chứ không thể có cái tham vọng được cất nhắc lên địa vị của “kẻ ăn trên ngồi trốc” trong cái xã hội cộng sản được. Ðến nỗi mà có anh cán bộ có lần lại tâm sự: “Các anh là tù, mà chúng tôi cán bộ quản giáo ở đây cũng lại là một thứ tù nữa, chứ đâu có phải là danh giá cao sang cái nỗi gì!” Biết rõ tình hình như vậy, nên hầu hết anh em tù chính trị bọn tôi thì luôn tìm cách tránh cái cảnh phải đương đầu, căng thẳng với giới cán bộ quản giáo. Mình để họ yên, mặc cho họ làm việc phận sự của họ, thì đối lại họ cũng không tìm cách gây ân oán khó dễ gì với mình.
Ðại khái cái lối xử thế của chúng tôi hồi đó là luôn cố gắng giữ được sự bình tĩnh, không bao giờ tỏ ra mình là thế này thế nọ để mà khinh khi, coi rẻ bất kỳ người nào, kể cả cán bộ là giám thị trực tiếp canh giữ tù nhân là bản thân mình. Là tù nhân chính trị, thì mình đối lập với chính sách độc tài của cả cái đảng cộng sản, chứ mình đâu có thù oán riêng tư gì với người cán bộ công an mà chỉ hành động theo lối “Thiên lôi chỉ đâu thì đánh đó,” hay chỉ làm việc theo chỉ thị cấp trên, và cũng vì “miếng cơm manh áo” cho bản thân gia đình của họ mà thôi. Và để cho được công bằng, tôi sẽ ghi thêm về một vài người cán bộ mà đối xử tương đối phải chăng với các tù nhân chính trị chúng tôi hồi đó.
Còn đối với các bạn tù khác mà hầu hết là tù hình sự và còn trẻ, thì chúng tôi thường có dịp chia sẻ đồ ăn, thức uống, trà lá, thuốc hút với họ, vì họ ít khi được gia đình thăm nuôi tiếp tế. Ðổi lại, thì các em lại giúp đỡ mình bằng cách đi xách nước, kiếm củi thổi nấu hay có khi đem giặt quần áo cho “các chú, các bác” hay “các bố,” vì các em ở lứa tuổi 20 thì cũng chỉ vào độ tuổi con cháu của các tù nhân chính trị bọn tôi mà hầu hết cũng phải từ 45-50 tuổi trở lên cả. Nhờ có bọn trẻ này, mà chúng tôi được sống trong bàu không khí gia đình, mà lại có dịp tìm cách kềm bớt được tính hung hãn hay nổi máu anh chị giống như hồi còn ở ngoài đời của chúng nữa. Và riêng đối với tôi, thì đây cũng là cơ hội để mình quan sát tìm hiểu về cái môn “Xã hội học hình sự” nữa (Criminal Sociology). Tôi nhớ lại hồi theo học với Giáo Sư Nguyễn Ðộ về môn Hình Luật vào năm 1956-57 tại trường Luật ở Saigon, thì hay được giáo sư nhắc đến những nghiên cứu về Tội Phạm Học (Criminology) của các tác giả Ferrari và Lombroso người Ý ngay từ hồi đầu thế kỷ XX, nên cũng tò mò để ý quan sát cách thức sinh hoạt, ngôn ngữ, sở thích, tâm lý... của các bạn tù đồng cảnh với mình, để xem có những đặc điểm nào, có những điểm tương đồng hay khác biệt nào so với các nghiên cứu đã được công bố trước đây ra sao. Cái sự chú tâm theo dõi quan sát như vậy rõ ràng là kích thích đầu óc mình phải suy nghĩ, tìm kiếm, phân tích thường xuyên, nhờ vậy mà giảm bớt được sự buồn bực chán nản do cuộc sống đơn điệu, tẻ nhạt của người bị giam giữ cô lập khỏi môi trường sinh hoạt tự do thoải mái ngoài xã hội.
Niềm an ủi lớn lao nhất của tôi là được thường xuyên gặp gỡ trao đổi với các bạn tù chính trị là “chiến hữu,” là “đồng chí” với mình. Chúng tôi thường chia sẻ mọi thứ đồ ăn thức uống với nhau, tương thân tương trợ, liên đới bảo bọc lẫn nhau, giống như anh chị em ruột thịt trong cùng một gia đình vậy. Người lớn tuổi nhất là cụ Nguyễn Quốc Sủng, một giáo sư nổi tiếng ở Saigon từ trước 1975. Cụ bị án chung thân trong vụ án có người bị tử hình là Luật Sư Phạm Quang Cảnh. Nhà thơ Huy Trâm cũng bị dính líu trong vụ án này. Vì sức khỏe yếu kém, nên cụ không phải đi lao động và sau này được đưa về Saigon chữa bệnh và cũng được trả về với gia đình không lâu trước khi cụ mất.
Người lớn tuổi thứ nhì là bác Lý Trường Trân cựu dân biểu. Bác Trân đã bị đi tù đợt trước rồi, bây giờ bị tù lần thứ hai. Tôi có thời gian ở chung với bác tại trạm xá dành riêng cho người lớn tuổi như chúng tôi đều đã ngoài 60 kể từ giữa năm 1994 trở đi, cho đến khi bác được trả tự do vào cuối năm 1995. Hiện bác Trân cũng định cư ở vùng Little Saigon, Nam California. Cùng vụ với bác Trân là Bác Sĩ Trần Thắng Thức, cũng là cựu dân biểu và bị tù lần thứ hai y hệt bác Trân. BS Thúc hiện định cư tại Virginia gần miệt thủ đô Washington DC. Tôi có làm mấy câu thơ tặng BS Thức, xin xem ở Phần Phụ Lục 2 gồm một số bài thơ tặng các bạn tù khác nữa kèm theo bài viết này.
Người tù lâu năm nhất là anh Lê Thái Chân (1975-95). Anh Chân trước là sĩ quan Pháo Binh Sư Ðoàn Dù, vì tội trốn trại không thành mà bị bắt lại lúc ở trại Xuân Phước-Tuy Hòa, mà bị kêu án chung thân. Nhưng đến năm 1995, thì được trả tự do. Anh Chân hiện định cư tại miền Boston, Massachusetts. Lúc anh được thả về, tôi có làm hai câu thơ để tặng anh Chân, xin được ghi như sau:
Hai mươi năm ấy, chung không thiếu
Vẫn tình non nước, nghĩa anh em.
Người có nhiều kỷ niệm với tôi nhất là Thầy Ðạt, tức Hòa Thượng Thích Huệ Ðăng. Thầy người cao lớn, nước da ngăm đen. Ông rất rành về Ðông y và hay giúp đỡ rất nhiều tù nhân khác. Thầy là người luôn lạc quan và gây được tinh thần phấn khởi rất nhiều cho các tù nhân chính trị chúng tôi, ngay từ hồi còn bị biệt giam ở các trại chung quanh Saigon. Ông luôn ca hát, giúp cho không khí trong tù biệt giam đỡ được cảnh buồn chán, bi quan. Hiện nay Thầy về trụ trì tại một chùa ngoài phía Nha Trang Tuy Hòa.
Còn rất nhiều bạn tù chính trị khác đã ở chung với tôi ở Hàm Tân, kể cả một số bạn ở bên trại K1 trong thời gian 1992-1996, tôi sẽ viết trong Phần Phụ Lục 3 kèm theo bài viết này. Lý do là để cho bài viết khỏi quá nhiều chi tiết rườm rà dài dòng, khiến làm mệt thêm cho người đọc.
Có hai trường hợp tù chính trị chết ở Hàm Tân vào năm 1994-95. Ðó là anh Trần Phước Huệ bị tai nạn xe công nông do anh lái thì bị lật xuống bìa rừng, khiến anh bị đè ép chết. Còn người khác là anh Lê Nghiêu bị chết vì bệnh phổi ở bên phân trại K1. Tôi có gặp anh ấy mấy tháng trước, thì không thấy có dấu hiệu là anh bị bệnh nặng đến thế. Ðó phải kể là hai trường hợp mất mát thiệt thòi rất lớn của anh em tù nhân chính trị chúng tôi ở Hàm Tân thời đó.
Vắn tắt lại, thì ở tù nói cho rõ ra là buồn nhiều hơn vui đấy. Nhưng mà không phải vì thế mà đâm ra tuyệt vọng, hay giữ mãi lòng căm thù oán giận đối với người cán bộ là giám thị canh giữ mình. Tù nhân chính trị là người dám có can đảm đối lập, chống đối chính sách độc tài chuyên chế của cả đảng cộng sản, mà vẫn cố gắng bảo nhau giữ được lòng nhân hậu, từ bi khoan dung của bậc hiền nhân quân tử. Bởi vậy mà không cần để tâm đến cách hành xử không mấy tốt đẹp của từng cá nhân người cộng sản đối với bản thân mình. Rốt cuộc, tôi vẫn giữ lại cho mình được nhiều kỷ niệm vui tươi, tích cực như đã được ghi trong bài này.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"