Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

Có một Lê Hiếu Đằng khác

Đỗ Trung Quân

Thư ngỏ của ông Lê Hiếu Đằng đang dấy thêm ngọn sóng uất ức lẫn yêu thương đất nước của rất nhiều người Việt Nam trong lẫn ngoài nước. Con người mang một án tử hình khiếm diện từ trước 1975 vẫn đanh thép, quyết liệt như xưa nay trên các diễn đàn “lề phải” lẫn lề …không [bên] phải.
Nhưng có một Lê Hiếu Đằng khác không nhiều lắm người biết. Một Lê Hiếu Đằng văn nghệ văn gừng cũng “tới bến”. Hơn 15 năm qua, ở Sài Gòn có một câu lạc bộ mang tên “Bolero” gồm nhiều nhân vật của phong trào sinh viên, báo chí Sài Gòn thành lập “bán công khai” mục đích chỉ để hát thứ nhạc được gọi là “không sang” này, để đi tìm cái ý nghĩa đích thực của cuộc đời ẩn khuất sau những ca từ có vẻ “sến” ấy. Lê Hiếu Đằng cũng là thành viên của CLB. Rất hiếm khi ông vằng mặt, ông cũng ca hát tưng bừng với anh em CLB những đêm gặp mặt.
Đếm qua [6 – 9- 2011] sau thư ngỏ được post lên Thông tấn xã vỉa hè Ba Sàm, ông và vài người bạn cũ nhắn tôi đến chơi ở một tiệc rượu nho nhỏ. Cây đàn guitar dựng góc tường chờ tôi đến để cùng hát hò như vẫn từng hát hò ở CLB bolero kia. Lê Hiếu Đằng hát “Hướng về Hà Nội”, “Tình Cố đô”, những ca khúc có tuổi hơn nửa thế kỷ mà hôm nay không nhiều người trẻ biết được. Tôi đàn, ông hát. Một Lê Hiếu đằng say đắm và hết mình. Cái tình cảm hướng về Hà Nội của người Sài Gòn đã có từ hơn nửa thế kỷ trước, khi lịch sử mang hơn 2 triệu người dân miền Bắc vào miền Nam sinh sống. Cái tình cố hương đã đành, nó còn là cái tình đất nước khi còn chia cắt. Hà Nội là linh hồn của người Việt mà như một nhà thơ đã từng nói “Mỗi người Việt Nam dù ở đâu cũng mang theo trong máu của mình một hạt phù sa của Sông Hồng …”
Thế mà nay, có người ở ngay chính Thủ đô phải kêu lên “Thành phố của hòa bình” đã biến thành “Thành phố của công an” . Ông tướng của quân đội lại đi thề nguyền hứa hẹn với kẻ đang uy hiếp Tổ quốc, miệng nói một đàng tay làm một nẻo. “hôn má bên này bật máu mà bên kia” – Nguyễn Duy. Đến nỗi ông phải gửi thư ngỏ vì không thể chịu đựng nổi điều kỳ quái ấy.
Nhưng tôi cũng xin được “trêu” ông qua thư ngỏ này bằng tinh thần Bolero của một bài hát mà lâu nay anh em CLB bolero vẫn “trêu” những lá thư ngỏ cho quí vị lãnh đạo nào đấy mà luôn 100% thư có đi, không có trả lời: “Sao chưa thấy hồi âm, thư gửi đi mấy lần đợi hồi âm không thấy…Anh ơi nhớ rằng đây còn có em đêm ngày chờ lòng thương nhớ vơi đầy…Ngày xưa chàng đã hứa toàn những lời chan chứa, còn hơn gió hơn mưa…mỏi mòn đợi hồi âm thềm hoa đành lẻ bóng…nhớ thương anh ngập lòng…Từ lâu đành xa cách làm em hờn em trách …hỏi anh có hay chằng. Chỉ cần một hồi âm, là em mừng vui lắm …cớ sao anh phụ lòng …” Có lẽ chưa bao giờ cái bài hát Bolero rất sến, rất sướt mướt này này phản ánh đúng hệt tâm trạng những con người ngày đêm lo âu về vận nước gửi thư ngỏ đi hôm nay.
Lo âu, buồn bã, chờ đợi, hy vọng và …tuyệt vọng.
Tôi, người viết những dòng này cũng cố nuôi một hy vọng [dù quá mong manh]. Thư ngỏ của ông Lê Hiếu Đằng không rơi vào trường hợp như cô gái bị…lừa tình trong bài hát nọ.
Nếu thư ngỏ của ông được trả lời, bài hát kia sẽ được quay trở về đúng tinh thần vốn có của nó: chỉ là chuyện não tình!
Chứ không phải não lòng vì chuyện quốc gia đại sự .
Tác giả gửi cho Quê choa

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"