Thứ Năm, 1 tháng 9, 2011

Thư gửi bác Nguyên Ngọc

Hiệu Minh


Bác Nguyên Ngọc. Ảnh: internet.
Thưa bác,
Cho dù bác chẳng biết cháu là ai, nhưng cháu lại biết bác rất rõ. Đó là vì bác viết “Đất nước đứng lên” để cho thế hệ con cháu biết về Tây Nguyên, về anh hùng Đam San Đinh Núp, về một thời hào hùng của đất nước.
Nhờ có bác mà thế hệ cháu biết được huyền thoại về một người miền núi dùng nỏ bắn lính Pháp chảy máu, chỉ để chứng minh với dân làng rằng, bọn Pháp cũng là người, có thể chống lại được. Số là người Pháp tuyên truyền cho dân Tây Nguyên rằng, không có mũi tên nào có thể bắn lính Pháp chết.
Ông Đinh Núp có thật ngoài đời, người được phong anh hùng, được huân chương cao quí. Khi ông mất, có cả một khu tưởng niệm ở Tây Nguyên.
Vì thế, bao nhiêu thế hệ rất tin lời bác Nguyên Ngọc. Nguyên Ngọc nói thế này về bauxite, bàn thế kia về họa xâm lăng, rồi phát biểu về biểu tình yêu nước, lo lắng cho văn hóa Tây Nguyên bị mai một. Người 80 tuổi mà xuống đường thì họa mất nước là có thật.
Cháu vừa đọc thư của bác gửi ông Phạm Quang Nghị và được biết “Tối ngày 22 tháng 8 năm 2011, đài phát thanh và truyền hình Hà Nội, trong chương trình thời sự hằng ngày của mình từ 18 giờ 30 đến 19 giờ, đã cho phát một phóng sự về những cuộc biểu tình và những người biểu tình ở Hà Nội trong thời gian vừa qua, mà chính ông Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an thành phố, đã trịnh trọng tuyên bố trong một cuộc họp báo trước đó là biểu tình yêu nước chống Trung Quốc gây hấn, đe dọa nghiêm trọng nền độc lập của Tổ quốc Việt Nam. Vậy mà đến tối 22 tháng 8, đài phát thanh và truyền hình Hà Nội đã quay ngược hoàn toàn, coi các cuộc biểu tình và những người biểu tình ấy là phản động, và trong khi nói như vậy đã đồng thời đưa rõ hình ảnh ba người là giáo sư Nguyễn Huệ Chi, tiến sĩ Nguyễn Văn Khải và tôi (Nguyên Ngọc)”.
Cháu tin ông Phạm Quang Nghị đã gọi điện cho bác với sự chân thành, và nói, đài THHN “đã on ớt” khi phát phóng sự tối ngày 22-8-2011.
Ông ấy từng lỡ lời trong trận lụt lịch sử 11-2008. Khi trả lời phỏng vấn qua điện thoại của phóng viên Vietnamnet về tình hình chống lũ, dân chúng kêu thấu trời vì không thấy lãnh đạo HN ở đâu, ông Nghị bức xúc “Tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm”.
Sau đó, ông đã lên tiếng vào ngày 5-11-2008 “Tôi thực sự lấy làm tiếc và muốn chân thành xin lỗi bạn đọc, xin lỗi mọi người”.
Vị Bí thư thành ủy HN chọn cách ứng xử văn minh: thấy sai thì “xin lỗi”, như nhà báo Huy Đức bình luận trên SGTT mấy năm trước.

Nguyên Ngọc và anh hùng Núp. Ảnh: internet
Huy Đức còn nói thêm “Có thể vì đã từng là Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, ông Phạm Quang Nghị hiểu sức mạnh của truyền thông, việc “xử lý” một tờ báo hay vài phóng viên không làm thay đổi nhận thức của những người dân đã đọc được những lời phát biểu ấy”.
Ông cũng thừa hiểu, dù đã xin lỗi, nhưng tai tiếng ấy vẫn vang vất đâu đó. Không phải ai cũng đọc lời xin lỗi trên mạng.
Ông Phạm Quang Nghị biết rất rõ quyền lực thứ 4. Một khi lời nói và hình ảnh đã “bắn” lên sóng truyền hình thì những nhân vật trong ảnh minh họa sẽ bị “chảy máu”, vì họ cũng là người.
Cho dù may mắn, bức thư của bác được công bố, có lời xin lỗi của ai đó, thì huyền thoại về tác giả “Đất nước đứng lên” đã biến mất sau đêm 22-8. Hàng triệu khán giả đồn đoán rằng, Nguyên Ngọc và một số trí thức đáng kính đã “phản bội” đất nước.
Tự nhiên cháu muốn thành thật khuyên bác hãy về với núi rừng Tây Nguyên. Cháu nhớ rằng người vợ hai  của anh hùng Núp – bà H’Ben – đã bỏ cuộc sống bon chen nơi thị thành về với cố hương trong những năm cuối đời.
Người mang tên “Núp” ngày nay đã tràn ngập, chỗ nào cũng có nhân vật của bác đó. Vì đây là thời đại của họ.
“Núp” ở gốc cây đợi xe vi phạm để kiếm tiền. “Núp” ở nơi cửa quan để hạch sách và dân xin phải phong bì mới xong. Xa hơn và nguy nan hơn là núp bóng XHCN, dưới danh nghĩa hội nhập, đồng thuận với phương Bắc, 16 chữ vàng, rồi đổ thừa cho chống phá cách mạng hay diễn biến hòa bình. Quốc gia èo uột và dân mất lòng tin cũng từ những “Núp” đó mà ra.
Ngay cả cháu đang viết thư này thì có những “Núp” ảo trên mạng internet và đợi ra tay. Họ “bắn” là tức khắc “chảy máu”. Người ta chết vật lý đã may, còn chết lâm sàng về tiếng tăm là cái chết đau đớn triền miên vì mũi tên tẩm thuốc độc.
Bỗng nhiên, cháu lại mong bác Nguyên Ngọc về Tây Nguyên núi rừng trước khi quá muộn. Mảnh đất “ít người nhiều Núp thời đại” này không dành cho cụ già 80 tuổi, cho dù đó là cây đại thụ của nền văn hóa Tây Nguyên.
“Núp” có quan tâm tới bác là ai. Họ chỉ cần thả “lẫy ná” trên sóng tivi, dù chỉ vài giây, cũng đủ đặt dấu chấm hết cho “Đất nước đứng lên” với những anh hùng Đam San.
Cảm ơn bác đã lắng nghe. Và mong bác luôn bình yên trong tâm hồn.
HM. 31-08-2011.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"