Nguyễn Hà
Sáng 7/9, tại Hà Nội, Ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp
1992 đã có phiên họp đầu tiên khởi động nhằm xây dựng mô hình, tổ chức,
cách thức làm việc và lộ trình sắp tới. “Những nội dung sửa đổi sẽ bám
sát và kế thừa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ
nghĩa xã hội và các văn kiện khác của Đại hội lần thứ XI của Đảng và
kết quả tổng kết 20 năm đổi mới”, đó là yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội
Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Mở rộng dân chủ hay củng cố quyền lực?
Có thể nói, việc sửa đổi Hiến pháp lần này đã làm tốn không biết bao
nhiêu giấy mực của các tờ báo trong cũng như ngoài nước. Giới trí thức
đang bàn tán xôn xao về khả năng có hay không một bản Hiến pháp toàn dân
sau lần sửa đổi này? Đã có rất nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn Hiến pháp
lần này phải được sửa đổi một cách dân chủ, toàn diện và phải được toàn
dân phúc quyết thông qua. Các tiếng nói góp ý đáng quan tâm gần đây như
nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, nhà văn Nguyễn Thị Hảo, nhà thơ
Trần Mạnh Hảo, Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp) GSTS Lê
Hồng Hạnh, Đảng Dân Chủ Việt Nam, nhà báo Huy Đức, luật gia Lê Hiếu Đằng
– Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật…
Cứ mỗi lần sửa Hiến Pháp là người dân lại thêm một lần hi vọng. Sau
bản Hiến pháp đầu tiên 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Việt Nam
đã tiếp tục sửa đổi Hiến pháp vào các năm 1959, 1980, 1992, nhưng người
dân vẫn chưa thấy “quyền được sống, quyền được tư do, mưu cầu hạnh
phúc” (Tuyên ngôn độc lập – Hồ Chí Minh).
Nhìn sơ qua Ủy ban sửa đổi Hiến pháp lần này, có thể thấy rằng đa số –
nếu không muốn nói là tất cả – đều là viên chức nhà nước, không có đại
diện của các đoàn thể hay đảng chính trị, mà nếu có cũng là viên chức
của nhà nước. Có thể thấy, giới luật gia, luật sư, và thành phần trí
thức ngoài xã hội – những nhân tố cực kì quan trọng, để góp ý kiến cho
việc sửa đổi Hiến pháp đều không hiện diện trong Ủy ban này.
Theo phát biểu của Chủ chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, đồng thời cũng là Trưởng Ban sửa đổi hiến pháp, thì “những
nội dung sửa đổi sẽ bám sát và kế thừa Cương lĩnh xây dựng đất nước
trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và các văn kiện khác của Đại
hội lần thứ XI của Đảng và kết quả tổng kết 20 năm đổi mới”.
Hiến pháp không thể đơn giản là một đạo luật, bởi luật là do cơ quan
lập pháp làm ra, tức sản phẩm của bộ máy nhà nước, theo đó, nhà nước
(thông qua nghị viện hay quốc hội) có thể thay đổi nó. Hiến pháp không
như vậy; hiến pháp là khế ước tinh thần và pháp lý của toàn xã hội. Hiến
pháp đứng trên các đạo luật bởi nó chế ước cả nhà nước và không ai được
phép vượt qua. Bởi vậy Đảng Cộng Sản không thể tự sắp đặt Ủy ban sửa
đổi và nội dung hiến pháp, vì đơn giản đây không phải là cương lĩnh của
Đảng.
Chưa dừng lại ở đó, ông Hùng tiếp rằng “có cơ chế bảo đảm sự tham
gia tích cực của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý và
lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân các ngành, các cấp”.
Nhưng trong thực tế, “cơ chế” này là gì mà có thể “đảm bảo sự tham
gia của các chuyên gia”? Và cách để “lấy ý kiến rộng rãi của các tầng
lớp” như thế nào? Hoàn toàn không có – chỉ là phát biểu suông! Và như
thế làm sao dân tin được?
Điều quan trọng nữa là Điều 4 hiến pháp 1992 vẫn chưa thấy có ai
trong Ủy ban nhắc tới. Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, đại biểu
Nguyễn Minh Thuyết, cũng như nhiều người khác đã nhiều lần yêu cầu luật
hoá Điều 4 Hiến pháp… Đã đến lúc Đảng phải dũng cảm vượt lên chính mình,
dũng cảm phá bỏ mô hình quyền lực đã cũ, vì mọi quyền lực chỉ thật sự
tồn tại trên cơ sở lòng tin của người dân mà thôi. Phải trao trả quyền
lực về tay nhân dân, thông qua một bản hiến pháp dân chủ, tức được sự
phúc quyết của toàn dân.
Lòng tin của người dân
Mọi chế độ, nếu muốn tồn tại phải dựa vào lòng tin của người dân, chứ
không phải “cây dùi cui và cái còng số 8”. Thế nhưng, có thể nói không
ngoa rằng, chưa bao giờ lòng tin của người dân đối với chính quyền lại
xuống thấp như bây giờ.
Trước đây, khi còn chiến tranh, lòng tin của người dân đã mang lại
sức mạnh vô biên cho công cuộc chung. Và bây giờ, lòng tin ấy cần được
nuôi dưỡng và duy trì. Đừng nghĩ rằng đất nước đã ở “trong tay ta”, mà
hãy nhớ rằng, mọi sự lật đổ đều bắt đầu từ những uất ức nhỏ của người
dân.
Bài học của cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài Gaddafi ở Libya là
bằng chứng rõ ràng nhất, cho thấy cái mà chính quyền cần hôm nay chính
là niềm tin của người dân chứ không phải là đồng tiền để “mua vé” cho
chuyến tàu xuyên đường hầm, nhằm đào thoát khi có biến.
Dân chỉ có thể tin khi dân được biết và được hỏi ý kiến về những
chuyện liên quan mật thiết đến cuộc sống hằng ngày của họ: từ chuyện
chống tham nhũng đến chuyện quản lý các doanh nghiệp nhà nước, cho nước
ngoài thuê đất, thuê rừng, đến chuyện ngoài hải đảo xa xôi… Dân khó tin
khi quan chức nói một đằng làm một nẻo, rất khó tin khi tham nhũng vẫn
tràn lan…
Chính vì không “tham khảo” ý kiến của người dân, nên mới có chuyện vỡ
nợ như Vinashin. Thế nhưng “vết thương” này còn chưa lên được da non
thì mới đây, thông tin về việc Chính phủ bảo lãnh 1,375 tỉ USD vốn vay
nước ngoài cho các doanh nghiệp ximăng, trong đó có bốn dự án ximăng khó
có khả năng trả được nợ, đã gợi lại vấn đề an toàn nợ nước ngoài của
Việt Nam.
Viết đến đây, liếc nhìn qua chiếc tivi, Đài ĐN1 đang truyền hình trực
tiếp hội nghị về báo cáo viên giỏi (15h57’ ngày 07/09/2011), trong đó
Đại tá Phùng Thế Vinh phát biểu như sau: “Mất Hà Nội, TP.HCM thì Việt Nam còn không? Nhưng nếu mất biển đảo thì Việt Nam vẫn còn”!
Shock quá! Thật khó tin đây lại là phát biểu của một quân dân VN mang
hàm đại tá. Chẳng lẽ khẩu hiệu “còn Đảng còn mình” lại thấm nhuần như
vậy thật sao?
Khi không có lòng tin của người dân, thì một chế độ độc tài có thể
tan rã rất dễ dàng! Mùa xuân Ðịa Trung Hải đã bắt đầu ở Tunisia từ đầu
năm nay, lan sang Ai Cập và các nước Á Rập khác, nay đã tới Libya và có
thể sẽ tràn tới Syria trong những ngày sắp tới. Trong thập niên 1970 cả
vùng Ðịa Trung Hải toàn là những chế độ độc tài. Tito ngự trị ở Nam Tư,
Enver Hodja ở Albania. Các ông đại tá nắm quyền ở Hy Lạp. Thổ Nhĩ Kỳ
cũng nằm trong tay các ông tướng. Chế độ Franco ở Tây Ban Nha chỉ chấm
dứt khi nhà độc tài này qua đời năm 1975. Chế độ độc tài ở Bồ Ðào Nha
chấm dứt năm 1974 sau cuộc Cách mạng Hoa Cẩm Chướng…
Đây là những “tấm gương” mà Đảng Cộng sản Việt Nam cần nhìn vào mà
sửa đổi cho phù hợp. Không có cạnh tranh công khai, minh bạch trong
chính trị, không có tự do ngôn luận, không có tự do biểu tình và nhân
quyền bị hạn chế tối thiểu thì không có nhà nước pháp quyền dân chủ đúng
nghĩa. Sự uất ức của người dân sẽ dần được tích tụ, và khi nó bùng phát
thì “mọi chuyện đều có thể xảy ra”.
Để tránh điều này, Đảng hãy tự thay đổi chính mình. Hãy từ bỏ Điều 4
hiến pháp, để chia sẽ trọng trách gánh vác đất nước cho các đảng chính
trị khác. Và may ra còn lấy lại chút niềm tin nhỏ nhoi của nhân dân
trong tình cảnh “khốn cùng” – khi nền kinh tế đang xuống thấp, nạn tham
nhũng tràn lan, bờ cỏi biên cương bị xâm lấn…
Lần sửa Hiến pháp này là cơ hội, nhưng cũng là “nguy cơ” cho Đảng.
Niềm tin của nhân dân và toàn thể những con dân Việt trên khắp thế giới
đang ngoái nhìn theo cách sửa đổi Hiến pháp lần này, và Đảng cần nắm bắt
“cơ hội” quí hiếm này để trao trả quyền lực về tay nhân dân và tránh
một “nguy cơ” như ở các nước Địa Trung Hải.