Nhiều khi tôi cứ bần thần tự hỏi, nước Việt mình giàu hay nghèo? số người nghèo là bao nhiêu và phần còn lại thì những người được xem là giàu thì bao nhiêu? Câu hỏi không phải lúc nào cũng nằm trong đầu nhưng mỗi khi đọc thấy tin về việc nghèo giàu thì câu hỏi này lại lởn vởn chung quanh.
Tin mới nhất đang làm cho người dân khắp nước rộ lên những tiếng than khác nhau nhưng nỗi buồn và căm giận hoàn giống nhau: UBND tỉnh Quảng Nam vừa thông qua việc duyệt kinh phí xây tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng từ 120 tỉ tăng lên thành 410 tỷ.
Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng làm bằng chất liệu đá sa thạch, được Hội đồng Nghệ thuật chọn từ phác thảo của họa sĩ Đinh Gia Thắng và kiến trúc sư Nguyễn Luận. Quần thể tượng đài tọa lạc trên đỉnh núi Cấm, thôn Phú Thạch, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, với tổng diện tích 150.000m2.
Phải thừa nhận rằng đây là tham vọng về hai mặt, thứ nhất muốn vinh danh bà mẹ Việt Nam với những thăng trầm trong suốt chiều dài lịch sử chiến tranh, và thứ hai theo những người chủ trương thì tượng đài này sẽ chứng tỏ cho cả khu vực Đông Nam Á thấy tài năng, ý chí và sức mạnh dân tộc.
Khoan nghĩ tới sự hoành tráng sẽ làm bức tượng nổi tiếng, hãy hỏi xem số tiền không hề nhỏ này mang lại gì cho tỉnh Quảng Nam và cho cả nước.
Theo số liệu thống kê thì Quảng Nam có số dân gần 1 triệu rưỡi người với hai thành phố và 16 huyện. Địa danh này vốn là nơi địa linh nhân kiệt với truyền thống cách mạng lâu đời và cũng là tỉnh có nhiều vấn đề kinh tế cần giải quýêt. Dân chúng phần đông vừa thoát nghèo và hàng trăm ngàn gia đình liệt sĩ cần phải xem xét lại chính sách để điều chỉnh mức trợ cấp cho họ nay đã quá lạc hậu so với nhiều lần lạm phát xảy ra.
Quảng Nam là một trong nhiều tỉnh miền Trung mỗi năm phải đối phó với bão lụt mà thiệt hại phải được nhà nuớc hỗ trợ mới có thể giúp cho nạn nhân qua được ngặt nghèo. Người dân luôn bị tình trạng mất mùa, sâu bệnh và hạn hán ám ảnh. Thu nhập bấp bênh đối với một bộ phận rất lớn của công nhân viên chức không phải chỉ là nỗi lo, mà thật sự đang là nguy cơ bùng nổ bất công ngay trong bộ phận xương sống của nhà nước.
Quảng Nam thường xuất hiện trên mặt báo hai hình ảnh trái ngược. Nếu Hội An là niềm tự hào của tỉnh thì hình ảnh các em bé thơ dại phải lội qua sông để tới trường hàng ngày vẫn là nỗi nhức buốt của người dân cả nước. Những hình ảnh đau lòng này không riêng gì Quảng Nam mới có mà cả nước đang cần hàng trăm ngàn cây cầu như vậy để người dân không phải thí cả sinh mạng để tìm con chữ.
Rõ ràng là ngân sách nhà nước rót cho các tỉnh phải được chia đều cho tất cả mọi khâu điều hành, trong đó một phần lớn cho an sinh xã hội và các khoản đề phòng thiên tai. Không thể không thắc mắc tại sao bao năm trôi qua mà những cây cầu lương tâm này vẫn không được chú ý, mặc dù báo chí và dư luận kêu gào hằng năm khi mỗi lần bắt đầu một niên học mới.
Tỉnh luôn kêu là không đủ kinh phí để xây những chiếc cầu con con này nhưng bỗng nhiên xuất hiện một công trình "thế kỷ" thì làm sao dư luận không bức xúc?
Tôi thật sự thắc mắc rằng khi đặt bút ký vào văn bản tăng kinh phí cho tượng đài này thì người ký có một chút tỉnh táo nào không, hay ông ký ngay sau khi một tiệc nhậu hoành tráng được các "nghệ sĩ" chỉ đạo nghệ thuật công trình cũng "hoành tráng" này chiêu đãi tại một quán bia nào đó?
Tôi cũng giả thiết rằng, khi tượng đài được cắt băng khánh thành thì ai là người hưởng lợi? Cả nước chăng? Khó mà thuyết phục người dân cả nước hãnh diện chung với tỉnh Quảng Nam khi hình ảnh chính con em trong tỉnh của họ bơi trong mưa để tới trường. Các bà mẹ liệt sĩ chăng? Bà mẹ liệt sĩ nào chấp nhận một hình ảnh phản cảm như vậy khi tính hy sinh của bà nằm trong sự mong ước nhìn các thế hệ con cháu sau này hạnh phúc và hãnh diện cùng thế giới.
Không có tượng đài nào đủ lớn để che lấp được khốn khó của người dân. Cũng không có tượng đài nào đủ đẹp để mê hoặc thế giới rằng đất nước đã thật sự vĩ đại trên con đường chống đói nghèo thông qua vóc dáng khổng lồ của tượng đài. Tượng càng lớn trước nỗi bất hạnh của người dân thì sức phản cảm càng nhiều. Càng cố phô trương sự biết ơn giả tạo càng nhân lên lòng căm phẫn của các bà mẹ anh hùng thật sự.
Tượng đài là một khái niệm mơ hồ với họ, những người đáng được hưởng sự biết ơn của xã hội qua đại diện là các cơ quan nhà nước một cách cụ thể hơn. Hãy nói với họ bằng chén cơm manh áo, bằng quan tâm thật sự bởi trái tim thay vì bằng cái lưỡi. Đừng "hót lời chim chóc" mãi, nhất là lời hót ấy nay được quy ra bằng tiền, rất nhiều tiền.
Mấy ông ăn nhậu có câu nói khá hay: "vòng bụng càng to thì vòng đời càng ngắn."
Với Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng có thể nói: "càng tiêu tốn nhiều tiền thì tuổi thọ của chế độ càng ngắn."