Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Tại sao lại có kết quả bất ngờ trong phiên phúc thẩm vụ án Phương Uyên?

Kami
Chắc rằng chiều ngày 16.8.2013 những ai khi biết quả phiên xử phúc thẩm Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha đều phải hết sức ngỡ ngàng và không tin vào mình. Vì lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng của Việt Nam XHCN, phiên tòa phúc thẩm tuyên án khác xa với tòa sơ thẩm nhưng lại có lợi cho bị cáo. Điều đó khiến cho nhiều người vui sướng trong sự bất ngờ, không bất ngờ sao được chỉ cách đấy vài giờ đồng hồ các diễn biến của trước và trong phiên tòa đã làm cho người ta đã nghĩ đến những điều bất lợi hơn đối với cô bé Phương Uyên.

Tôi cũng chăm chú theo dõi phiên tòa này, kết quả của phiên tòa cũng làm tôi vui mừng. Tôi mừng với tư cách một người đang làm cha, tôi thông cảm với các bà mẹ có con bị tù đầy, vì tôi biết "Một ngày tù nghìn thu tại ngoại". Nếu đặt địa vị mình vào họ thì mình vui mừng đến cỡ nào? Còn ai cho rằng kết quả của phiên tòa ấy là thắng lợi của công cuộc vận động cho dân chủ ở Việt nam thì tôi chưa đồng ý. Vì như thế là quá dễ thỏa mãn với những kết quả nhỏ bé mà không hoàn toàn do hành động của chúng ta. Còn nhớ khi vào khoảng giờ nghỉ trưa của phiên tòa, một nhà báo kỳ cựu đang theo dõi phiên tòa tại Long An có bảo tôi rằng "Chắc chả hy vọng gì đâu, may thì sẽ y án sơ thẩm. Kể cả khi Phương Uyên từ chối luật sư thì cũng muộn rồi". Hơn nữa là khi Phương Uyên dõng dạc tuyên bố: "Tôi không cần giảm án. Tôi chỉ cần toà xử đúng người đúng tội. Tôi cho rằng chống ĐCS không phải chống phá đất nước, dân tộc. Các ông đừng đánh đồng” tại tòa. Khi ấy mọi người chỉ còn hy vọng bản án của Đinh Nguyên Kha sẽ được ưu ái hơn. Vây mà kết quả phán quyết của Tòa án Tỉnh Long an là: Đinh Nguyên Kha – 4 năm tù giam; Nguyễn Phương Uyên – 3 năm tù giam nhưng cho hưởng án treo; Tuy vậy phán quyết "động trời" vừa nói không thể là phán quyết của Thẩm Phán Trương Thị Minh Thơ - chủ tọa phiên tòa và cộng sự. Nó càng không phải là phán quyết của chánh tòa án Long An, mà nó phải là quyết định của một cơ quan đảng cấp cao (có thể là cấp cao nhất) thông qua Ban Nội chính TW như thường lệ đối với các vụ án nhạy cảm về chính trị mà người ta gọi là bản án bỏ túi.
Đây có thể không phải là thành quả của lòng can đảm của các sinh viên yêu nước, sự hy sinh của gia đình, sự khích lệ của bạn bè, phối hợp của các bloggers, sự sát cánh của truyền thông lề dân như một số bình luận. Những cái đó nếu có thì chỉ có tác dụng về mặt tinh thần đối với Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha. Vì nếu so sánh với vụ án Nguyễn Văn Hải - Điếu cày thì sự ủng hộ của cộng đồng mạng, lòng can đảm của Điếu Cày, sự hy sinh của gia đình, sự khích lệ của bạn bè, phối hợp của các bloggers, sự sát cánh của truyền thông lề dân còn lớn hơn gấp nhiều lần. Rồi kết quả số phận của ông Điếu Cày ra sao thì ai cũng đã rõ. Đúng ở đây vấn đề tác động của cộng đồng quốc tế là quan trọng, nhưng vấn đề "may hơn khôn" lại là yếu tố mang tính quyết định. Vì phiên xử phúc thẩm diễn ra đúng thời điểm mà các bối cảnh chính trị liên quan đến vấn đề quốc tế và trong nước, đã gây áp lực cho chính quyền tới mức buộc họ phải có các phán xét có lợi cho Uyên - Kha. Nhưng một khía cạnh tuy nhỏ có liên quan nhưng không thể không nhắc đến đó là tỉnh Long An là quê của ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Đây chính là lý do vì sao công an tỉnh Long An đã gần như "thả nổi" các khâu trong công tác bảo vệ phiên tòa, nên đã có người cài được máy ghi âm và điện thoại di động vào ngay phòng xử án. Bát chấp sự can thiệp nhiều lần, dưới nhiều hình thức từ Bộ Công an.
Trong sự vui mừng nên cũng khiến nhiều người trong số chúng ta đã không làm chủ được bản thân mình, tôi nghĩ như thế. Trên mạng đã có nhiều ý kiến cho rằng do tác động của cuộc biểu tình, hô khâu hiệu ở Long An trong ngày xử án đã khiến cho chủ tọa phiên tòa phải phán quyết có lợi cho bị cáo như vậy(!?). Thật là những suy nghĩ quá ấu trĩ và thiếu chín chắn, không có lẽ chỉ bằng một phán xét của Tòa trong phiên xử phúc thẩm vụ án Uyên - Kha ngày 16.8.2013, mà đã khiến họ có cảm giác đảng CSVN đã rũ bỏ được cáo buộc hoàn toàn có cơ sở là: đảng luôn trực tiếp chỉ đạo các vụ án đặc biệt là án chính trị bằng các bản án bỏ túi. Đó là vì suy nghĩ sai và cảm tính của rất nhiều người. Nên nhớ đảng ở cấp cao không chỉ đạo như thế thì có mà thách... tòa Long An dám làm, có nghĩa là không có kết quả làm cho mọi người vui mừng. Hơn nữa bản án bỏ túi đảng đã chuẩn bị từ trước đấy hàng tuần, hôm xử mới mang ra đọc thôi chứ ai họ chờ để xem áp lực của quần chúng thế nào để phán quyết? Do vậy không phải bàn nhiều vì sao đảng lại có động thái bất ngờ như vậy.
Việc có những bất ngờ đến mức không ai tưởng tượng nổi, như trong phiên tòa xét xử phúc thẩm Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha không phải là mới. Còn nhớ vào khoảng 2007, trước thời điểm Việt Nam chính thức tham gia Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) có một vụ án chính trị khá nổi tiếng cũng có kết cục tương tự. Đó là theo đề nghị giảm án của đại diện Viện KSND Tối Cao, Tòa Án TP.HCM đã chấp thuận, quyết định sửa bản án sơ thẩm, giảm nhẹ hình phạt đối với các ông Lê Nguyên Sang từ mức án 5 năm xuống còn 4 năm tù, ông Nguyễn Bắc Truyển 3 năm 6 tháng tù (án sơ thẩm 4 năm tù), phạt Huỳnh Nguyên Đạo 2 năm 6 tháng tù (án sơ thẩm 3 năm tù) về tội danh "tuyên truyền chống phá Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam" theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự năm 1999. Một trong ba người nói trên đã từng nói với tôi rằng "Chúng tôi đúng là may hơn khôn, chứ cứ xử đúng ra thì sẽ bị án ít nhất 8 năm tù". Trong vụ án Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” thì cũng thế. Đây là hệ quả chuyến đi thăm Hoa kỳ của ông Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang và tầm quan trọng của biển Đông, TPP hay đối tác chiến lược trong quan hệ giữa hai nước. Đây là vấn đề có tính mấu chốt, bởi ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đang muốn chứng tỏ rằng, ông là người nói được và làm được để tìm kiếm lòng tin trước đối thủ chính trị của mình.
Dù sao kết quả của phiên tòa xét xử phúc thẩm Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha là đáng mừng và đáng khích lệ đối với những ai đấu tranh hay ủng hộ công cuộc vận động cho dân chủ ở Việt nam. Kết quả này thể hiện một bước lùi của chính quyền trong việc đàn áp những người bất đồng chính kiến. Đây là dấu hiệu cho thấy tới đây sẽ có những thay đổi có liên quan đến vấn đề trong chính sách và đường lối của đảng CSVN. Cái mà chúng ta mong muốn và phán đoán thông quan phiên tòa ở Long An ngày 16.8.2013 chỉ phù hợp, khi chính quyền ra tuyên bố thả toàn bộ tù chính trị để tiến hành cải cách chính trị toàn diện như Myanmar vừa qua. Hoặc tối thiểu cũng phải trả tự do cho các đối tượng mà họ coi là nguy hiểm như Nguyễn Văn Hải - Điếu Cày. LS. Lê Quốc Quân... thì mới thực sự có ý nghĩa.
Tuy nhiên với những ai quá khát vọng, khi thấy cái gì để thỏa mãn cơn khát thì những sai lầm cũng dễ được thứ tha. Trong việc này cũng vậy. Song đừng quên, sau khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO vào năm 2007 thì mọi việc đàn áp những nhân vật bất đồng chính kiến lại quay trở lại với chiều hường còn ngày càng khốc liệt hơn. Thì sẽ chẳng có gì đảm bảo lần này sẽ không tái diễn ra như thế.
Nhưng một khi nếu ta vẫn chỉ là một hạt cát trong lòng bàn tay của họ, mà bàn tay đó họ thích nắm lại hay mở bất kỳ lúc nào mà họ thích thì niềm vui chưa thể trọn vẹn được.
Ngày 17 tháng 08 năm 2013
© Kami

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"