Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Giới thiệu tóm tắt tác giả và tác phẩm Đỉnh Cao Chói Lọi

Phạm Linh Chi
Dương Thu Hương, tác giả tiểu thuyết “Đỉnh cao chói lọi“ sinh năm 1947 tại Thái Bình nhưng sống nhiều năm tại Hànội. Thời sinh viên 20 tuổi, năm 1967 Thu Hương đã phục vụ trong một đoàn văn công ở khu vực chiến tranh ác liệt nhất là Bình Trị Thiên. Sau chiến tranh, Thu Hương bắt đầu sự nghiệp viết văn. Năm 1989, bà bị khai trừ ra khỏi ĐCSVN vì bất đồng chính kiến với đảng. Năm 1991, bà đã bị tù giam 8 tháng vì bị quy tội viết sách, phê phán ĐCSVN áp dụng chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam và thực hiện chế độ độc tài đảng trị là sai lầm. Tháng 4/2006, Thu Hương được mời sang Pháp, sau đó sang Mỹ dự hội nghị Văn bút quốc tế. Sau chuyến đi này, bà xin lưu trú chính trị tại Pháp.
Dương Thu Hương đã có nhiều tác phẩm tiểu thuyết, chuyện dài, chuyện ngắn và viết cho phim điện ảnh, trong đó có thể kể đến các tác phẩm đã được dịch ra tiếng nước ngoài như Thiên đường mù, Bên kia bờ ảo vọng, Đỉnh cao chói lọi.

Trong tác phẩm “Đỉnh cao chói lọi“, đã phát hành tại Paris với tên tiếng Pháp là “ AU ZÉNITH “, Dương Thu Hương viết về một vị lãnh đạo nổi tiếng và cao tuổi đã yêu một phụ nữ miền núi dịu dàng xinh đẹp, khi còn ở trên chiến khu Việt Bắc, tên là Xuân kém ông 40 tuổi và đã có 2 đứa con với cô. Mọi người đọc đều đoán ra vị lãnh đạo nổi tiếng đó chính là Hồ Chí Minh, chủ tịch Đảng Lao động, chủ tịch nước VNDCCH. Ông không chỉ nổi tiếng yêu nước mà còn nổi tiếng do bộ máy tuyên truyền của Đảng do ông thành lập đã tạo ra hình ảnh ông như một vị thánh sống, cả đời lo cho hạnh phúc của dân tộc, không bao giờ nghĩ đến hạnh phúc gia đình vợ con. Toàn bộ Bộ chính trị Đảng lao động Việt Nam (chỉ trừ một người) lúc ấy cho rằng việc ông yêu cầu chính thức hoá trước pháp luật về việc có vợ con sẽ phương hại đến hình ảnh thần thánh của ông nên đã biểu quyết phản đối và các đồng chí của ông đã bí mật giết chết cô Xuân, đặt xác ra đường, nguỵ tạo một vụ tai nạn giao thông giả để xoá dấu tích mối tình của ông trong các tư liệu lịch sử, tương tự họ đã giết cả gia đình nhà biên kịch Lưu Quang Vũ bằng việc nguỵ tạo một tai nạn giao thông năm 1988
Trong cuộc phỏng vấn của BBC tháng 2/2009, Dương Thu Hương cho rằng những người cầm quyền cộng sản đã biến ông thành con người toàn bích như thánh sống để che chắn cho chế độ, còn với những thuyền nhân phải bỏ Tổ quốc ra đi trong nỗi đau khổ khôn cùng do Đảng của ông gây ra thì ông là biểu tượng của nỗi hận thù khôn nguôi để chửi rủa. Mỗi bên xuất phát từ một mục đích riêng như vậy nên không thể nhìn nhận khách quan để tiếp cận chân lý.
Theo bà, sau 100 năm sống dưới chế độ đô hộ của thực dân Pháp, dù muốn hay không thì công lao sáng giá của ông Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam vẫn là người lãnh đạo thành công Cách mạng tháng Tám, xoá bỏ chuỗi ngày dài nô lệ. Nhưng mặt khác bản thân ông cũng đã tham dự một phần vào hình ảnh của tên đao phủ và các nhà cầm quyền dùng phần hình ảnh sáng giá của ông để bảo vệ một chế độ đầy sai lầm và tội lỗi mà người dân đã ngán đến tận tai. Ánh sáng của quyền lực, ảo vọng của vinh quang và ước muốn trở thành Cha già dân tộc đã khiến ông trở thành nạn nhân, hèn nhát để mặc cho cô Xuân phải chịu số phận oan nghiệt. Cũng theo đánh giá của bà, xét cho cùng ông là một chính trị gia. Chính trị gia thường phải mưu mẹo và khó tránh khỏi sự thoả hiệp trong đó có cả sự gian dối và đạo đức giả.
Với bạn đọc trẻ, bà nói tìm hiểu lịch sử và nhìn nhận chân lý là việc không dễ dàng vì mỗi con người luôn luôn là nô lệ cho một hệ thống ý tưởng giả định. Bứt ra khỏi nó là điều rất khó khăn. Mỗi người phải can đảm đối diện với lịch sử và có con đường riêng để tiếp cận chân lý. Bà tiết lộ rằng nhiều cuộc phỏng vấn và tìm hiểu những sự thật cốt lõi là do em trai bà làm vì nếu bà chính thức “ chường cái mặt ra “ thì họ không để bà sống đến ngày hoàn thành cuốn sách. Bà tự cho rằng bà không phải là người bán hàng cần tính toán nhu cầu thị trường nhưng nếu làm được việc gì giúp dân mình thay đổi được số phận thì bà làm hết sức mình.
Trích chương cuối cuốn “Đỉnh cao chói lọi“ của nhà văn Dương Thu Hương
“Chủ tịch đã đoán đúng nhưng cắt nghĩa sai“
Chủ tịch từ trần đúng ngày Quốc Khánh, mồng hai tháng chín năm Kỉ Dậu. Lũ đàn em tuy chẳng thông kim bác cổ nhưng cũng hiểu được sự trùng lặp này mang tính nguyền rủa đối với thể chế hiện hành nên họ lừa dối mọi người bằng cách tuyên bố ông ra đi vào ngày mồng ba.
Từ lúc Chủ tịch nhắm mắt, một tuần liền, mưa như thác đổ. Nước trắng xoá đất lẫn trời. Sông Hồng cuồn cuộn lũ dâng. Chưa bao giờ có lũ lớn như vậy vào mùa thu, bởi khi sen tàn, cỏ ngả màu chanh là lúc các dòng sông phải thu mình lại và các con hồ phải lắng trong nhìn thấy rong rêu đáy nước. Vậy mà lúc đó, sông Hồng đỏ ngầu bọt, réo ào ào, hung dữ như đang mùa giông bão. Khắp Hànội, nước mưa không tiêu kịp, dềnh lên các vỉa hè, tràn vào thềm nhà, xoáy ồ ồ trên các vũng lội hình thành nơi ngã ba, ngã tư đường phố. Từ thủ đô đến các thành phố đồng bằng cũng như miền núi, dân chúng đứng túm tụm dưới chân các cột đèn nghe loa phóng thanh tường thuật tang lễ. Thành phố cũng như thôn quê, người ta khóc nức nở như vừa xảy ra một cuộc tàn sát tập thể trên xứ sở này.
Tang lễ cử hành tại quảng trường Ba Đình, dưới thác nước. Lính đứng theo đội hình trong đồng phục quân nhân ướt sũng. Dân chen chúc nhau từ quảng trường sang các ngã phố, quần đen áo nâu, gài băng tang, trùm vải ni-lông. Các quan chức rường cột quốc gia đứng trên khán đài, có cận vệ giương ô đen che đầu. Diễn văn thống thiết như mọi sự thống thiết trên đời. Lời lời châu ngọc tuôn ra để ca ngợi công đức của vị lãnh tụ quốc gia, người khai sinh ra nhà nước cách mạng, người dìu dắt biết bao đàn em, đào tạo lớp hậu sinh thành những kẻ kế nghiệp thuỷ chung, tận tuỵ ?
Không hiểu vào thời khắc đó linh hồn Chủ tịch ở nơi nào. Chắc ông quan sát được đầy đủ mọi lớp lang của tấn tuồng. Toàn dân khóc. Đám dân đen khóc đã đành. Ngay những kẻ mưu hại ông cũng khóc rống lên như cha đẻ họ chết thật. Họ khóc thảm thê, nước mắt chan hoà, giọng tắc nghẹn vì đớn đau, sụt sùi mũi rãi. Diễn văn của họ được tô điểm bằng những tiếng xì mũi, được phóng đại lên, lan truyền trên khắp hệ thống phóng thanh công cộng.
Điều dự đoán của Chủ tịch là đúng: Họ khóc thật sự.
Nhưng Chủ tịch lại cắt nghĩa sai. Họ không khóc vì ông từ trần. Họ khóc vì điều mong ông chết đã được toại nguyện vì đó là lối mòn của con đường quyền lực. Tuy nhiên, lý do chính khiến họ nức nở trên khán đài là đến lúc diễn ra tang lễ, họ mới thật sự hiểu thật sự họ là ai. Sự tự hiểu vốn là thứ kiến thức khó khăn nhất có thể truy cập được trong cuộc sống của con người. Rất nhiều kẻ, đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn sống trong bóng tối của chính mình hoặc sống trong đám sương mù do trí tưởng tượng của họ tạo nên. Người ta thường chỉ khám phá được chân giá trị của mình nhờ những hoàn cảnh đặc biệt, trong sự cọ sát với ngoại giới, bởi vì dung mạo của con người chỉ được nhận diện qua tấm gương của tha nhân. Cái chết của ông chính là cái cơ hội ấy. Từ nhiều năm thâu tóm quyền lực quốc gia, lũ đàn em phản trắc của ông nắm trong tay cả một hệ thống tay sai từ thượng cấp xuống hạ cấp, từ các vị trí rường cột triều đình xuống tận người lính gác doanh trại, đến các tên chỉ điểm ở thôn xã, đã tin chắc vào khả năng khống chế của chúng. Chúng cho rằng chính chúng mới là hoàng đế trên ngôi còn ông chỉ là thái thượng hoàng đã bị liệt trong hậu cung, phải làm tất thảy những gì chúng muốn như một con rối. Chúng nghĩ rằng chính chúng mới là anh hùng đương đại còn ông chỉ là tấm bảng mạ vàng ghi danh sách các liệt tướng đã tan rã dưới đất bùn. Chúng nghĩ rằng chiếc khải hoàn môn chúng đang xây sẽ vĩnh cửu ngự trị trên đất nước này còn ông chỉ là loại tiền sảnh người ta phải đi qua trước khi bước vào chính điện. Nhưng trong ngày tang lễ, những ảo vọng đó đã bốc bay như khói. Chúng hiểu rằng quyền lực của ông có thể gây nên lòng đố kỵ đối với chúng nhưng chúng không thể chiếm đoạt. Chính trong thời khắc đó, chúng hiểu ra chúng không là gì cả trước ông già đó, cho dù chúng đã bỏ ra biết bao công sức và mánh khoé để tự tuyên truyền cho mình. Sự lan truyền mối xúc động chung trong ngày tang lễ ông tựa như sự lan truyền của giông bão. Từ đó, chúng hiểu ra rằng ông vẫn sống mặc dù trái tim ông đã ngừng đập và chúng hiểu ra là phải tiếp tục sử dụng cái bóng của ông để che chắn đầu mình. Rốt cuộc chúng hiểu rằng chúng chỉ là lũ chồn, lũ cáo nhảy nhót kiếm ăn sau đuôi một con sư tử. Chúng cần ông, dù ông đã chết. Sự hiện diện của con sư tử già ấy vẫn là điều kiện tối cần để bảo đảm cho quyền lực và vinh quang của lũ đàn em nên bằng mọi giá chúng phải kiến tạo một cái xác nhồi bông và lăng Ba Đình tức thời được khởi công xây cất, mặc dù chúng biết chúng đã phản bội di chúc của ông là sau khi ông chết, thi thể ông phải được hoả thiêu, tro cốt phải được rải trên non sông, tên ông phải được khắc lên một tảng đá nhỏ đặt trên một ngọn núi ở tỉnh Vĩnh Phú.
Tuy nhiên, cũng từ ngay mồng hai tháng chín năm Kỉ Dậu, trên đỉnh trời Hànội treo lơ lửng một lưỡi gươm khổng lồ, trong suốt, người ta nhìn thấy lúc bầu trời vắng mây. Lưỡi gươm ấy chờ đợi khoảnh khắc định mệnh để kết thúc cái chế độ phản trắc và tàn bạo, tiêu diệt hết loài quỷ dữ đã cắn cổ hút máu chính dân tộc đã nuôi dưỡng chúng.
Paris, 19 tháng giêng 2007
Dương Thu Hương
________________________
Mời đọc cuốn “Đỉnh cao chói lọi“ của Dương Thu Hương tại Việtnam thư quán (http://www.vnthuquan.net/)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"