Song Chi
Sự việc hai đảng viên cộng sản kỳ cựu, ông Lê Hiếu Đằng, tiếp theo
là Ông Hồ Ngọc Nhuận, thẳng thắn nói lên sự cần thiết phải đa nguyên đa
đảng để cứu đất nước thoát khỏi tình thế bế tắc và nguy cấp hiện tại,
đồng thời kêu gọi thành lập Đảng Dân chủ Xã hội để đấu tranh công khai
với đảng cộng sản, đã gây nên nhiều phản ứng trái chiều từ nhiều phía,
trong những ngày qua.
Ông Lê Hiếu Đằng là luật gia, nguyên phó Tổng Thư ký Ủy ban TƯ Liên
Minh các lực lượng Dân tộc, dân chủ và Hòa bình Việt Nam, nguyên phó Chủ
Tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM (từ 1989-2009)…Ông Hồ Ngọc Nhuận từng là Phó
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy
ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Về phía nhà cầm quyền, phản ứng được bộc lộ qua việc “lệnh” cho báo
chí “lề đảng” tung ra hàng loạt bài đánh vào ông Lê Hiếu Đằng trên báo
Quân đội Nhân dân, Đại Đoàn Kết, Nhân dân, SGGP…
Như hầu hết những bài viết đứng về phía đảng và nhà nước cộng sản,
những luận điểm trong các bài viết trên cũ rích, mà người dân đã phải
nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần, như cuộn băng cũ tua đi tua
lại. Có lẽ không cần thiết phải nhắc lại hoặc đập lại những luận điểm đó
vì trong những ngày qua, đã có nhiều bài viết làm điều này, và phải nói
rằng trước mắt, trong cuộc chiến truyền thông, lý luận này phe “đảng
ta” ngày càng thất bại thảm hại, từ đội ngũ bồi bút trên báo đảng cho
tới đám dư luận viên trên mạng. Thói chụp mũ, vu khống, nói lấy được bất
chấp tình hình thực tế, đã không còn lừa bịp được mấy người.
Về phía những người đang đấu tranh đòi tự do dân chủ, trong hay ngoài nước, cũng rất nhiều ý kiến khác nhau.
Do “quá khứ, nhân thân” của ông Lê Hiếu Đằng, là một trong các “lãnh
tụ” sinh viên trong phong trào đấu tranh tại Sài Gòn và các đô thị Miền
Nam trước 1975, còn ông Hồ Ngọc Nhuận là dân biểu đối lập thời VNCH,
Giám đốc chánh trị chủ bút nhật báo Tin Sáng, nghĩa là đối với người
chống Cộng xuất thân từ chế độ miền Nam VNCH, hai ông là dạng “ăn cơm
quốc gia thờ ma cộng sản” trước đây, nên dễ bị nghi ngờ.
Từ đó nhiều người suy ra cái đảng Dân chủ Xã hội mà các ông kêu gọi
thành lập, có thể cũng chỉ là một dạng dân chủ cuội, “hợp tác” với đảng
cộng sản, thậm chí là ý tưởng của chính đảng cộng sản để từ từ chuyển
màu, chuyển tên đảng cộng sản, giúp bảo toàn được tài sản, sinh mệnh
chính trị của đám quan chức, lãnh đạo từ trên xuống dưới…Nghĩa là “bình
cũ rượu mới”.
Có người cho rằng chưa cần thiết lập thêm đảng lúc này, nhất là khi
chưa biết được cái đảng ấy cương lĩnh, đường lối hoạt động ra sao, có
phải là một đảng dân chủ cuội hay không. Mà thay vào đó hãy tập trung
đấu tranh đòi xóa bỏ điều 4 Hiến pháp, xóa bỏ các quy định luật pháp bảo
vệ sự độc quyền của đảng CSVN và sự trung thành của các lực lượng vũ
trang với chính quyền…
Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng khoan vội nghi ngờ, chụp mũ, hãy
cứ để các ông thành lập đảng, nếu như cái đảng đó có thể thành lập được
và có thể hoạt động được. Người viết bài này cũng có những suy nghĩ như
vậy, trong bài “Trở ngại của người Việt nằm ngay trong chính mình” đăng
trên báo Người Việt với những ý sau:
“Khi đã xác định dân chủ hóa, đa nguyên đa đảng là cần thiết thì việc
thành lập càng nhiều đảng càng có sự cạnh tranh. Ngay Cambodia mà cũng
có cả vài chục đảng khác nhau. VN rồi sẽ có những đảng phái chính trị
mới trong đó đa phần là cựu đảng viên cộng sản, có đảng đa phần là người
dân trong nước, có đảng đa phần là người Việt ở hải ngoại… Các đảng
phái cần phải có cương lĩnh, đường lối, mục tiêu hành động rõ ràng,
không thể chỉ có mỗi một cái tên là đủ.
Tất cả cùng một mục tiêu chung là vì một nước VN tự do, dân chủ, pháp
trị, tam quyền phân lập. Sau này khi đảng cộng sản đã bị lật đổ hoặc tự
diệt vong, đất nước đã thay đổi về mặt thể chế chính trị, lúc đó người
dân sẽ chọn lựa đảng cầm quyền thông qua hình thức bầu cử.
Việc cần thiết phải thành lập các đảng đối lập để đấu tranh công khai
với đảng cộng sản, buộc đảng cộng sản phải thay đổi đã đành, mà còn để
chuẩn bị nhân sự, chuẩn bị quá trình chuyển giao quyền lực sau này…”
Dù sao, qua sự việc này có những cái lợi gì?
Thứ nhất, thông qua những bài viết của phe “lề đảng” đánh vào ông Lê
Hiếu Đằng và những bài trả lời lại, người dân có thể thấy phe nào đuối
lý về lập luận, nói càn, chụp mũ, thóa mạ người khác, ai đúng ai sai.
Người dân sẽ sáng ra. Còn đối với phe dân chủ, phe “lề dân”, càng có
những cuộc va chạm, cọ xát, sẽ giúp cho những người đang đấu tranh dứt
khoát hơn về mặt nhận thức, về sự chọn lựa, sắc sảo hơn về mặt lý luận.
Xã hội dân sự hình thành do nhiều yếu tố, trong đó có một phần từ những trận cọ xát, va đập nhau về mặt lý luận này.
Thứ hai, như có thể thấy từ thực tế bao nhiêu năm qua, một trong
những trở ngại lớn nhất trên quá trình đấu tranh vì tự do, dân chủ cho
VN là sự chia rẽ sâu sắc trong người Việt. Điều này là một hệ quả của
lịch sử, không thể một sớm một chiều vượt qua. Dù sao, chúng ta vẫn phải
quen và xem tất cả những sự chia rẽ, khác biệt nhau này là bình thường,
đồng thời tập tôn trọng sự khác biệt, học để có văn hóa trong tranh
luận.
Nếu phe phò đảng cộng sản vì bị đuối lý, vì không còn tính chính
nghĩa, vì sâu xa trong thâm tâm cũng không còn tin vào những điều đảng
nói và mình nói, nên thường xuyên sử dụng cách nói càn, bất chấp logic,
bất chấp thực tế, hoặc ngôn ngữ chợ búa, chửi bới, bôi nhọ, vu khống một
cách mất văn hóa là điều dễ hiểu. Nhưng không lẽ chúng ta, những người
muốn đấu tranh chống lại một chế độ độc tài để xây dựng một xã hội dân
chủ lại hành xử giống như vậy?
Về phía những người đang muốn thành lập một đảng phái chính trị, sự
hoài nghi của người khác có lẽ cũng giúp họ nhận ra rằng không thể chỉ
kêu gọi xuông, không thế chỉ có mỗi cái tên đảng là đủ. Trách nhiệm của
họ là phải hóa giải sự hoài nghi đó, phải chứng minh bằng hành động. Họ
cần phải chuẩn bị cương lĩnh, mục tiêu, nhân sự, lộ trình hành động…bây
giờ cũng như về sau này, khi quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra
cũng như khi phải xây dựng lại đất nước thời “hậu cộng sản”…Như thế, mọi
người mới có thể tin tưởng. Và những đảng phái, tổ chức chính trị đã
tồn tại từ trước đến nay cũng vậy.
Đã 38 năm trôi qua kể từ khi thống nhất đất nước, VN bây giờ lạc hậu,
thua kém các nước khác về mọi mặt hàng chục, hàng trăm năm cũng như
đang đứng trước nguy cơ mất nước ra sao không cần phải nói nữa, thời
gian không còn nhiều nên mọi bước đi đều phải chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng
để đạt được kết quả, lấy lại quãng thời gian đã mất.
Trên con đường đấu tranh còn rất dài, làm sao để có thể có sự ra đời,
hoạt động của những đảng phái chính trị khác nhau bên cạnh những tổ
chức, phong trào xã hội dân sự của những cá nhân hoặc các hội đoàn tôn
giáo muốn lựa chọn những phong trào nhân danh quyền con người hơn là các
đảng phái chính trị. Mỗi người làm một việc, phù hợp nhất với mình. Mỗi
người đặt một dấu chân, đi một quãng đường, từ đó người sau bước tới,
bước tiếp, dồn đảng cộng sản đến một lúc buộc phải thay đổi hoặc tự diệt
vong.