Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã đã có buổi gặp gỡ và trò chuyện về chủ quyền biển đảo tối qua tại Praha (cộng hòa Séc). Khoảng gần 100 người Việt trong đó có đại diện cộng đồng, đại diện báo chí tới dự. Cuộc hội thảo về Hoàng Sa và Trường Sa do nhóm Văn Lang tổ chức tại nhà Văn hóa quận 4 (Praha).
Tiến sĩ Nguyễn Nhã là người đã mấy chục năm nghiên cứu sử học, từng phụ trách tập san Sử Địa – một tập san chuyên ngành ra đời từ trước năm 1975.
Giầu bằng chứng lịch sử
Theo đánh giá của tiến sĩ Nguyễn Nhã, không có nước nào trong khu vực tranh chấp có nhiều bằng chứng lịch sử về chủ quyền với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như Việt Nam.
Những bằng chứng liên quan tới Hoàng Sa được tìm thấy trong Phủ biên Tạp lục (1776) của Lê Quý Đôn và liên tục được khẳng định và phát huy trong những thập niên sau đó, đặc biệt là thế kỉ 19. Vương triều Nguyễn với rất nhiều sử liệu như Dư Địa Chí (1821), Địa Nam thập Lục Chính Biên (1848), Khâm Định Đại Nam (1851), Đại Nam Nhất Thống Chí (1910)…
Bên cạnh sự khẳng định mang tính liên tục của các vương triều Nguyễn, Việt Nam cũng lưu giữ được nhiều bằng chứng lịch sử được ghi chép bởi phương Tây qua sự có mặt của thực dân Pháp ở Đông Dương từ nửa cuối thế kỉ 19. Những tài liệu này, theo tiến sĩ Nguyễn Nhã là “hết sức rõ rệt, không có gì tranh cãi”.
Cũng theo tài liệu để lại, thì các vương triều Nguyễn đã có sự đo đạc, vẽ bản đồ và cắm cột mốc trong những năm từ 1835 tới 1837 ở Hoàng Sa. Các đội lính của vương triều có mặt đều đặn ở Hoàng Sa và sử còn ghi lại Châu bản thời Bảo Đại phong thưởng cho những người lính có công ở Hoàng Sa.
Và cho tới năm 1909, bản đồ Trung Quốc hoàn toàn không có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trương Sa mà họ gọi là Nam sa và Tây sa.
Theo tiến sĩ Nguyễn Nhã, quá trình tranh chấp khởi đầu từ năm 1909 khi địa phương của Trung Quốc coi đây là quần đảo vô chủ và sáp nhập vào địa phương của mình và tiếp đó năm 1921 chính quyền Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Sự phản ứng của chính quyền Thực dân diễn ra khá chậm trễ, trong khi vương triều Nguyễn lúc đó nằm dưới sự kiểm soát của Pháp. Năm 1956 Trung Quốc chính thức chiếm một phần Hoàng Sa và tới 1974 chiếm toàn bộ.
Sự khẳng định là cần thiết
Vẫn theo tiến sĩ Nguyễn Nhã, sự tuyên bố liên tục của các đời phát ngôn bộ Ngoại Giao Việt Nam như: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền hợp pháp của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” là hết sức cần thiết. Nếu không có sự tuyên bố như vậy, Trung Quốc sẽ cho là Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền của họ.
Trong phần giao lưu, rất nhiều những thắc mắc thú vị từ phía thính giả được nêu ra như bằng chứng của phía Trung Quốc liên quan tới chủ quyền Hoàng Sa, hay nên đánh giá công hàm 1958 như thế nào, đưa giáo dục chủ quyền vào sách giáo khoa, rồi biểu tình cũng là khẳng định chủ quyền.v.v.
Theo tiến sĩ Nguyễn Nhã, mối quan hệ với một nước lớn như Trung Quốc là hết sức tế nhị và đòi hỏi sự khéo léo, không chỉ trong bối cảnh hiện nay mà qua lịch sử hàng ngàn năm.
Được biết, buổi tọa đàm tại Praha là một trong một chuỗi các buổi nói chuyện của tiến sĩ Nguyễn Nhã tại châu Âu. Trong đó có 2 buổi tại Séc, 2 buổi tại Đức và một vài cuộc gặp gỡ khác ở Pháp. Các buổi nói chuyện của tiến sĩ Nguyễn Nhã về chủ quyền biển đảo diễn ra khá đều đặn ở nước ngoài trong mấy năm qua kể từ năm 2010.
Trong một diễn biến liên quan, ở Hà Nội, năm 2011 buổi nói chuyện của TS Nguyễn Nhã với nhóm No- U và các biểu tình viên tại nhà hàng Cá Mập (bên Hồ Gươm) đã bất ngờ bị cúp điện. Ở Séc, có dư luận cho rằng, Đại sứ quán Việt Nam đã gây sức ép với nhà hàng Hoàng Thành khiến cho buổi nói chuyện dự tính diễn ra tại đây bị hủy bỏ.
Đây là lần thứ 2 Văn Lang tổ chức sự kiện liên quan tới biển đảo. Đầu năm 2012, cùng với Đàn Chim Việt và một số bạn hữu tại Đức, Pháp nhóm này đã tổ chức thành công đợt chiếu phim“Hoàng Sa Việt Nam- Nỗi đau mất mát” ở châu Âu của ông André Menras Hồ Cương Quyết.
Ban tổ chức cho hay, buổi nói chuyện tối qua của tiến sĩ Nguyễn Nhã đã quyên góp được khoảng 1.700 đô-la cho quỹ dịch thuật và công bố những tài liệu liên quan tới chủ quyền biển đảo ra tiếng Anh.
Hôm nay, 26/8 tiến sĩ Nguyễn Nhã sẽ tiếp tục chương trình của mình tại Plzen, một thành phố cách Praha 100km, trước khi ông qua Belin và trở lại Pháp.
Một số hình ảnh
Tường thuật từ Praha, Cộng hòa Séc
© Đàn Chim Việt