Vbaly (gởi cho GNA)
Tôi hăm hở xung phong quá bộ vào một “hang động” núp bóng Nhà hàng ở
Quận 2. Nó tựa như một “quần thể ôm” rộng khoảng 2 hecta nằm dọc bờ
sông, có dịch vụ nhà hàng, tiệc cưới, karaoke ôm, cà phê ôm, câu cá giải
trí ôm, du ngoạn sông ôm bằng du thuyền nhỏ. Còn nhớ đó là “mùa nước
lên”, các du thuyền phải neo chết ở bờ vì không thể chui lọt qua cái gầm
cầu vắt ngang sông trước mắt và cả cái gầm cầu xa tít phía sau lưng!
Có 2 má mì và 2 ê kíp khoảng vài chục gái ôm lẫn gái gọi, họ được bao
ăn ở nhưng không lương, họ kiếm chác bằng cách moi tiền “bo” của khách,
họ tưng bừng như nắng mai khi tiền bo hậu hĩnh, họ u sầu như áp thấp
khi gặp phải tay chơi cũng hẻo đời như họ!
Chỉ một ngày sau khi quá bộ, tôi nhận ra mình đã bị hố với vai trò
“tình báo” này. Nó không giống như bất cứ trừu tượng hào nhoáng nào của
tôi trong quá trình nghiên cứu các tư liệu trước đó. Mọi thứ ở đó đều
quá giản đơn, trần trụi quẫn quanh trong cái vòng tuần hoàn của ăn ngủ,
chưng diện, mồi chài, gợi dục, làm tình và đếm tiền bo!
Không một ai trong số họ học qua lớp 7. Họ không biết Xuân Diệu,
Nguyên Sa là đàn ông hay đàn bà, nhưng họ biết chắc Nguyễn Du là đàn ông
và Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều và Truyện Kiều có trong một loại sách
giáo khoa nào đó của Việt Nam. Họ không biết cũng chả quan tâm đến xuất
xứ thực sự của Truyện Kiều, không hề biết đến Kim Vân Kiều Truyện và tác
giả của nó.
100% trong số họ là con nhà nông, họ có gia cảnh tương tự nhau: Nhà
nghèo đông con, mần không đủ ăn! Nhiều người trong số họ có cha “nhậu
như hủ chìm”, có mẹ “sống không bằng chết”, và bản thân họ nhận định
“mần ruộng cực như con trâu”! Họ lên Sài Gòn vì Sài Gòn không có ruộng,
và vì họ tin là ở Sài Gòn cho dù có thế nào thì họ cũng sẽ không phải
sống giống như mẹ của họ!
Các tiền bối của tôi đưa ra 2 vấn đề: CÁI NGHÈO và NHẬN THỨC, nhưng
tôi nghĩ đó là vấn đề của NÔNG NGHIỆP và GIÁO DỤC. Chúng ta không thể kỳ
vọng vào nhận thức của một người trong khi họ thậm chí không biết nhận
thức nghĩa là gì, trong khi với bản năng sinh tồn, họ thấy tương lai
mình mờ mịt. Và rồi những lời mời mọc “đổi đời” vo ve, một biểu tượng
Kiều lung linh được truyền bá, nhưng không phải Kiều nguyên bản mà là
một Kiều lai bản với Lọ Lem, và không chỉ là truyền thuyết, vì trong
hàng trăm cô gái bỏ ruộng ra đi, chắc chắn có vài cô trở về thăm quê một
cách huy hoàng như Việt Kiều, ngon lành như đại gia, sang trọng như quý
bà, và lung linh như biểu tượng!
Đó không phải là tất cả, nhưng trong một tháng tiếp cận với 2 ê kíp
mại dâm đó, tôi nhận thấy một hiện tượng rằng, họ xem Kiều như một điểm
tựa tinh thần và niềm tin, cứ như thể họ đang sống ngay chính tại thời
của Kiều vậy!
Và rồi ê kíp mà tôi thầm chờ đã đến. Sáng sớm hôm đó, nhà hàng nhộn
nhịp xôn xao, 2 chiếc 24 chỗ và 2 chiếc 46 chỗ lần lượt tiến vào, hơn
100 cô gái rất trẻ từ trên xe túa xuống. Cùng với đó là một loạt các xe
gắn máy gồm 2 cặp tú ông tú bà độ tuổi ngoài 40 và 6 tay ma cô ở độ tuổi
20-30.
Và sau đó, một chiếc 7 chỗ, 5 người đàn ông Hàn Quốc từ trên bước
xuống, một người đi cà thọt khoảng 30, một người mặt nghễnh trông rất
giống bệnh down khoảng 30, một người trông như một nông dân khắc khổ
ngoài 40, và 2 người trắng trẻo bảnh bao chừng 40.
Thông qua một cặp tú ông tú bà cởi mở tôi được biết, gần 120 cô gái
ấy phần lớn từ Tây Ninh, độ tuổi từ 15 đến 22, họ đến đây để được 5
người đàn ông Hàn Quốc kia tuyển làm vợ. Cuộc tuyển chọn được diễn ra ở
dãy phòng karaoke phía sau nhà hàng. Được biết, các cô gái phải trần
truồng, xếp hàng để được lần lược kiểm tra và tuyển chọn. Những người
đàn ông Hàn Quốc được toàn quyền kiểm tra như sờ bóp và kể cả chọc tay
vào vùng kín để thăm dò màng trinh!
Cuộc tuyển chọn thoải mái đến mức kéo dài từ 9 giờ sáng đến gần 4 giờ
chiều, họ có luân phiên nhau dùng bữa trưa. Vãn cuộc, các cô gái rớt
tuyển bị các tay ma cô lùa lên xe như thể lùa một bầy vịt xác xơ sau một
trận bão càn. Một số mắt đỏ hoe, một số khóc hồn nhiên, một tú ông nói
gần như quát “Khóc gì mà khóc! Chuyến này không được thì đợi chuyến sau,
khóc gì mà khóc!”. Họ rời khỏi nhà hàng, tôi hỏi một tú bà “Giờ họ đi
đâu?” tú bà đáp “Đứa nào thích zề thì cho zề, đứa nào ở lại thì cho tới
nhà trọ, đợi chuyến khác!”.
Và 5 cặp tình nhân ở lại, họ tay trong tay, hun hít, tình tứ, hân
hoan ra hiệu chuyện trò, họ đi dạo lòng vòng khắp khu quần thể ôm và 2
anh thợ chụp hình bám theo sau lớp chớp ghi lại hình ảnh về việc họ có
hẹn hò yêu đương, một loại chứng cứ cần thiết cho các thủ tục kết hôn và
xuất cảnh.
Phần việc tiếp theo của các tú ông tú bà là xác định hồ sơ lý lịch
của 5 cô gái. Có 1 cô gái chỉ mới 15 tuổi, và ngay trước mặt tôi, họ gọi
điện thoại đến một đầu nậu khác, yêu cầu hợp thức hóa cô gái thành 18
tuổi!
Và 4 ngày sau đó, một đám cưới tập thể cho 5 cặp cô dâu chú rễ đó
được tổ chức ngay tại nhà hàng đó. Họ hàng và khách mời của chú rễ hầu
hết là từ đội ngũ nhân sự của các tú ông tú bà!
Giá cả lúc đó theo tôi được biết từ một tú bà là: phí cho nhà gái từ
10-30 triệu, phí tiệc cưới 20-30 triệu, chi phí vé máy bay, ăn ở lại
trong khoảng 10 ngày của chú rể là 20-30 triệu, phí dịch vụ cho các tú
ông tú bà là từ 30 – 40% trên tổng các phí. Lúc đó tôi không được biết
về phí xuất khẩu cô dâu. Nhưng có vẻ như suốt hơn 1 thập kỷ qua, chả
thay đổi là bao!
Vấn đề mại dâm của Việt Nam chưa bao giờ lớn so với thế giới, cứ thử
chọn 10 quốc gia bất kỳ để làm một khảo sát về mại dâm thì sẽ biết Việt
Nam ở mức độ nào. Vấn đề là ở chỗ, nó phát triển như bệnh dịch, nó làm
người ta ớn, nó khiến người ta xót xa hoặc kỳ thị! Nó biến tướng như cái
nghiệp từ rẻ đến rẻ bèo, từ gái ôm, gái nhảy, gái massage, đến gái gọi,
gái bao; gái bao ngắn hạn, gái bao dài hạn rồi gái bao vô hạn! Một cuộc
hôn nhân giá rẻ đang được các môi giới ma cô xuất khẩu khỏi Việt Nam
thực chất là một phương pháp hợp thức hóa GÁI BAO VÔ HẠN!
Một hệ quả của nền nông nghiệp nghèo nàn triền miên, một lỗ hổng giáo
dục không được nỗ lực cải thiện. Nhiều bé gái khóc oe oe giữa năm 2000,
lại đang sắp sửa trở thành hàng xuất khẩu. Và cũng giống như nhiều đàn
chị của nó, cố bám vào giấc mơ đổi đời, để một ngày nào đó có thể quay
về thăm quê một cách huy hoàng như Việt Kiều, ngon lành như đại gia,
sang trọng như quý bà, và lung linh như biểu tượng! Họ đang kỳ vọng vào
một tương lai không thể tồi tệ hơn, ở bất cứ nơi nào được cho là giàu
hơn Việt Nam. Trung Quốc thì đã sao?
Và không chỉ có họ mà rất nhiều những thành phần cao cấp khác của
Việt Nam hình như cũng chả thèm đoái hoài gì đến một thứ được gọi là ‘tự
trọng dân tộc’. Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa giờ đang thôn tính Trường
Sa, nhưng Trung Quốc vẫn hiện diện tại Việt Nam như một bậc đàn anh! Phố
Tàu vẫn ngày càng phát đạt khắp nơi nơi, Made in China thì đố ai đếm
được, và một nỗi NGƯỢNG khó tả cho văn hóa Việt Nam đó là những đạo diễn
của Việt Nam vẫn kéo nhau qua Trung Quốc để quay phim SỬ VIỆT!