Nguyễn Tiến Dũng
Không biết từ khi nào, nhân vật Xuân tóc đỏ của Vũ Trọng Phụng đã
trở thành điển tích, biểu tượng cho các loại người phản diện, tuy dốt
nát nhưng chiếm được những vị trí “ăn trên ngồi trốc” trong xã hội nhờ
gian trá và cơ hội chủ nghĩa. Để chỉ sự suy đồi của xã hội hiện nay, một
vị tiền bối đã thốt lên “Việt Nam bây giờ lắm Xuân tóc đỏ quá”.
Tuy nhiên, khi tôi đọc truyện Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng, thì lại thấy
Xuân tóc đỏ không phải là nhân vật có tính phản diện, hay ít ra không
phản diện đến mức như người ta tưởng: so với các loại người lưu manh
hãnh tiến ngày nay, thì Xuân tóc đỏ là người quá tử tế !
Thật vạy, theo như Vũ Trọng Phụng mô tả, thì tuy Xuân tóc đỏ là
“thanh niên đường phố” không hề được học hành quy củ, nhưng cũng là một
người rất có tài chứ không phải là loại bất tài: tài về trí tuệ (học mót
rất nhanh, chỉ sau ít lâu là nói vanh vách về các mốt quần áo “Âu Hóa”
còn thạo hơn cả nhân vật TYFN, và chỉ có thời gian bán thuốc dong mà
biết cách chẩn đoán bệnh còn giỏi hơn cả một vị bác sĩ trong truyện),
tài về thể thao (chỉ nhặt bóng và đánh hầu các quí tử, thế mà chơi giỏi
hơn cả các quán quân môn quần vợt), và tài bẩm sinh trong cả kinh doanh
nữa.
Không chỉ có tài, mà Xuân tóc đỏ còn có cả tình người nữa. Ví dụ, anh
ta đã thương tình một người ăn xin mà cho khá nhiều tiền. Về hảo tâm đó
có lẽ hơn hẳn trung bình so với xã hội thời nay. Tất nhiên, Xuân tóc đỏ
cũng có những hành động lưu manh, nhưng đó không phải là “tội bẩm sinh”
mà là “được” xã hội truyền cho.
Ở bên cạnh Xuân tóc đỏ, thì một số nhân vật khác trong Số Đỏ phản
diện hay đáng thương hơn nhiều: nào là các thầy tu “sư hổ mang” ăn tiền
(đến thời nay vẫn vậy: bao nhiêu phần trăm sư trong chùa là sư phàm tục
?!), nào là những người đạo đức giả trong gia đình Văn Minh, nào là
những thầy lang băm và đốc tờ dốt nát. Gọi họ là phản diện cũng không
hẳn đúng: truyện của Vũ Trọng Phụng có lẽ không nhằm chia con ngươi
thành chính diện hay phản diện, mà như là một bi hài kịch về một xã hội
nhố nhăng trong đó ai cũng vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm.
Xã hội thời nay cũng đang là một tấm bi hài kịch. Nhưng trong đó có
các “yêu tinh” hãnh tiến, hoàn toàn độc á chứ không tử tế như Xuân tóc
đỏ, và cũng bất tài hơn nhiều so với Xuân tóc đỏ. Nếu coi họ như là
những Xuân tóc đỏ, thì thật là oan cho Xuân tóc đỏ!
NTZUNG