Song Chi
RFA
Nhảy nhổm lên khi bị chê
Nhà văn Phan Thị Vàng Anh trong tập tản văn “Nhân trường hợp chị Thỏ
Bông” với bút danh Thảo Hảo, có viết một bài “Ai cho mầy chê con tao
xấu?” rất thú vị. Hình như nếu tôi nhớ không lầm, bài tản văn đó ra đời
nhân dịp một bộ phim bị báo chí chê và nhà đạo diễn của bộ phim đó nhảy
nhổm lên thì phải.
Ấy vậy mà nhiều năm sau, cái tính nhảy nhổm lên khi bị chê ấy, vẫn cứ
diễn ra, mới đây nhất là trường hợp một ca sĩ tự xưng là Mít-tơ gì đó,
và nghe đâu còn được phong (chả biết ai phong) là “ông hoàng nhạc Việt”,
khi bị một nhạc sĩ lớn tuổi nhận xét thẳng thừng về giọng ca của mình.
Tôi không muốn bàn nhiều về câu chuyện đang làm nóng một số trang báo
và trên mạng về văn hóa ứng xử của một thiểu số trong giới nghệ sĩ,
showbiz Việt này, cũng không muốn lạm bàn về ca khúc, giọng hát, phong
cách hát của ngày xưa trước 1975 (chủ yếu nói đến ca khúc, nhạc sĩ, ca
sĩ ở miền Nam) và bây giờ.
Điều tôi muốn nói đến ở đây là cái tính không thích nghe chê ấy hình
như không chỉ ở một vài cá nhân, cho dù không phải ai khi bị chê cũng
phản ứng theo kiểu như ca sĩ Mít-tơ gì đó. Mà cái tính không thích nghe
chê bai ấy dường như có ở rất nhiều người Việt mình.
Còn nhớ câu chuyện về một blogger Mỹ có tên Matt Kepnes đi du lịch
sang VN, sau đó viết bài chê “Why I’ll never return to Vietnam?” đăng
trên tờ Huffingtonpost vào ngày 30 tháng Một, 2012. Sau khi một số tờ
báo VN đăng tải lại bài viết này, với cái tựa tiếng Việt là “Cho tiền
cũng không quay lại VN” thì bên dưới bài báo lẫn trên các trang mạng
xuất hiện làn sóng phản pháo.
Đa số là người VN, cảm thấy tự ái đùng đùng vì những lời chê bai,
liền không tiếc lời phản bác, thậm chí “mắng mỏ” anh chàng Matt Kepnes,
mà không chịu suy ngẫm xem những điều người ta nhận xét về ngành du
lịch, về con người VN có đúng không.
Một ví dụ khác, ông Joel Brinkley, Giáo sư chuyên ngành báo chí tại
Đại học Stanford, Hoa Kỳ, viết một bài bình luận đăng trên tờ Chicago
Tribune ngày 29 tháng Một, 2013, trong đó ông phê phán thói quen ẩm thực
(ăn thịt chó, thịt thú rừng…) cùng tính cách của người VN. Giáo sư này
cho rằng thói quen ăn thịt nhiều khiến người Việt trở nên hung hăng
(aggressive) và trong quá khứ VN luôn luôn là một quốc gia hung hăng so
với các nước láng giềng.
Bài bình luận đã nhận được phản ứng rất mạnh từ người Việt trong và
ngoài nước, đến nỗi vào đầu tháng Hai, 2013, ban biên tập của Chicago
Tribune đã phải đăng đính chính, xin lỗi vì đã đăng bài của ông Brinkey.
Người Việt còn gửi thỉnh nguyện thư với hàng ngàn chữ ký yêu cầu trường
Stanford đuổi việc Giáo sư Brinkey.
Tất nhiên, bài bình luận của ông Brinkey đáng để người VN giận dữ vì
mang tính kỳ thị và được viết một cách hoàn toàn cảm tính, không có cơ
sở khoa học, lại không chính xác về lịch sử. Nhưng trong vô số ý kiến
phản hồi gửi vào trang mạng của tờ Chicago Tribune hay trên những trang
báo, mạng trong nước, nếu chúng ta không kềm chế và có những lời nóng
giận, mạt sát ông Giáo sư kia thì chẳng phải chúng ta đang vô tình chứng
minh nhận xét “người VN hung hăng” của ông ta là đúng hay sao.
“Ở đâu mà chả vậy”
Nếu bạn là người VN, bạn nói đến những cái xấu, tệ hại của xã hội,
của chế độ cũng vậy, sẽ có những người nhảy vào với những luận điệu quen
thuộc như: Tham nhũng à, ở đâu mà chả có tham nhũng, tình trạng tội
phạm ngày càng tăng ư, nói cho mà nghe nhé, VN mình còn ổn định hơn khối
nước, không có khủng bố, không có chiến tranh, không có nã súng giết
người hàng loạt, cứ thử nhìn sang Mỹ xem… Hoặc, bạn là ai, có phải là
người VN không, sao lại dám mở mồm chê bai, xúc phạm đến đất nước, dân
tộc VN? Thật khó mà tranh luận với những luận điểm đánh đồng “ở đâu mà
chả vậy”, hoặc đánh đồng giữa đảng, nhà nước với dân tộc, tổ quốc!
Tuy nhiên, nếu nói đến những cái xấu của chế độ hay xã hội, dù sao
bây giờ cũng ngày càng có nhiều người đồng tình với bạn. Nhưng nếu cứ
thử viết bài mà nói đến những thói hư tật xấu, nhược điểm của đồng bào
là dễ bị mọi người ném đá lắm.
Còn trong lĩnh vực văn học nghệ thuật càng phiền hơn. Từ văn học, thơ
ca, âm nhạc cho đến hội họa, phim ảnh…ở VN bây giờ dường như đều thiếu
vắng những cây bút phê bình có uy tín, có trình độ chuyên môn, sắc sảo,
thẳng thắn chỉ ra những cái dở, cái tệ của tác phẩm, của người sáng tác,
người biểu diễn.
Trên mặt báo, những nhà báo đi viết về những lĩnh vực này không phải
ai cũng có hiểu biết vể chuyên môn, ví dụ như nhà báo đi viết về điện
ảnh không phải ai cũng học/làm về điện ảnh nên khi viết về một bộ phim
chẳng hạn, hầu hết chỉ là giới thiệu nội dung, khen một tí, chê nhẹ nhẹ
một tí, thế là xong. Chê mạnh, thể nào cái đám làm phim cũng sừng sộ lên
bảo sao không giỏi làm phim đi, hoặc anh/chị không hiểu gì về phim của
tôi, rồi nhà sản xuất, đạo diễn cạch mặt không chơi, không mời đi xem
phim mới nữa, lấy gì mà viết?
Âm nhạc cũng thế. Nhà báo nếu không phải là nhạc sĩ, không học chuyên
môn về âm nhạc, dù có thể có tai nghe, thẩm thấu tốt về âm nhạc, nhưng
đố dám bảo đụng vào những ổ kiến lửa tự xưng là “ông hoàng, bà chúa”
nhạc Việt với lại di-va di-viếc kia, cùng hàng lũ fan hùng hậu của họ.
Nên cứ viết những gỉ vui vui hiếu hỉ, khen nhau cho nó lành. Thế là
người ta càng quen được nghe khen, càng tưởng mình tài năng lớn, cộng
với bao nhiêu sự hâm mộ của quần chúng…đến khi một ai đó chê thẳng một
cái là có chuyện.
Nhìn rộng ra, cái nước mình bây giờ trong mọi lĩnh vực đều cần có
những “nhà phê bình” có uy tín, có trình độ, dũng cảm, từ văn hóa nghệ
thuật, y tế, giáo dục, kinh tế và cả cái chính phủ này. Chính vì không
có ai giám sát, phản biện, chất vấn, chê bai nên mọi thứ mới thành ra
hỗn loạn đến vậy.
Và cũng chẳng khác gì cái anh ca sĩ kia, nhà nước VN khi bị nghe
những lời phản biện thẳng thừng là “chạm nọc” ngay, khi có ai đó lên
tiếng đề nghị thành lập đảng phái, tổ chức chính trị đối lập để giám sát
những chính sách, việc làm sai lầm của nhà cầm quyền, tất cả vì lợi ích
chung của đất nước, dân tộc…là lập tức cho truyền thông báo đảng xúm
vào đánh hội đồng, tiếp theo là còng số 8, là nhà tù, là bịt miệng…ngay.
Một con người dù có một ít tài năng đi nữa mà chỉ thích nghe khen,
không thích bị chê thì rất khó tránh sai lầm, khó tiến xa. Một nhà nước,
một dân tộc cũng vậy thôi.
*****
Nguồn: