Thưa bạn đọc,
Khi tôi quyết định lập một trang blog cách đây chưa đầy bốn tháng,
tôi chẳng biết mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào. Tôi không biết sẽ viết
nhiều hay ít. Ban đầu, tôi chỉ có ý định chia sẻ một số ý tưởng, trình
bày và thảo luận một số chủ đề nghiên cứu mà tôi và những nhà khoa họcxã
hội khác đang thực hiện tại Việt Nam.
Tôi cũng sẵn sàng thừa nhận rằng những bài viết đầu tiên trên trang
này không được thành công cho lắm. Thậm chí, những bài viết đó đã biến
thành một sự khủng hoảng cho cá nhân tôi vì những gì tôi đã viết về cờ
đỏ và cờ vàng chỉ làm nhiều người ở hai bên tức giận.Ở đây, tôi muốn gửi
lời cảm ơn đến các bạn đọc và chia sẻ một số ý tưởng của tôi về tình
hình chính trị xã hội.
Về lời cảm ơn
Trước hết tôi xin gửi lời cảm ơn tới những người đã phê bình tôi một
cách nghiêm túc và hơn cả nghiêm túc. Tôi không thích lắm khi phải đọc
những câu láo lếu, phi lý. Viết cho độc giả đại chúng thì phải mặt dày
chứ, thế nhưng, trong những ngày tôi đề cập đến vấn đề cờ Việt Nam, tôi
đã bị sốc vì đó là lần đầu tiên tôi bị ném đá hội đồng; bị chụp cho cái
mũ “cộng sản” và “phản động” trong vòng một tiếng đồng hồ và qua đó cũng
đã học được rất nhiều từ mới, thành ngữ mới, chẳng hạn như “ngu chết
mẹ”, v.v. Tôi ngẫm ra rằng mình phải thật thận trọng khi đề cập đến
những vấn đề nhạy cảm như thế này.
Đau khổ nhất trong những ngày đầu đó là cảm giác đã làm cho nhiều
người buồn. Khó chịu nhất là có nhiều người đã phán ngay tôi là người
như thế nào dù chưa biết đầy đủ về những quan điểm của tôi, những kinh
nghiệm của tôi cũng như bản chất con người tôi. Thế nhưng, quan trọng
hơn cả là từ khi tôi viết blog gây tranh cãi này, tôi đã biết nhiều hơn
(rất nhiều) nhờ những cuộc trao đổi với các bạn ở mọi phía.
Như nhiều bạn, tôi đã chán ngấy chuyện những lá cờ. Tôi vẫn ngại kết
bạn trên Facebook với những người tự cuốn mình vào trong lá cờ. Kết luận
tạm thời của tôi là cuộc tranh luận về quốc kì chỉ phản ánh một phần
rất nhỏ tư duy người Việt. Việt Nam vẫn còn đó nhiều vấn đề cấp bách mà
chỉ có thể giải quyết được qua một quá trình hòa giải. Gần đây tôi có
thảo luận với một số người ở mọi phía, kể cả ở Việt Nam và hải ngoại về
vấn đề này. Làm sao để Việt Nam có thể có một quá trình hòa giải thực
sự? Phải có những yếu tố nào? Phải hòa giải như thế nào? Phải xuất phát
từ đâu? Nên học tập kinh nghiệm của những nước nào? Nam Phi hay Đài
Loan?
Những vấn đề này chúng ta có thể bàn sau, ở Việt Nam và ở các nước khác có người Việt Nam sinh sống.
Diễn biến của blog này
Sau một thời gian, những bài viết của tôi đã thu hút sự chú ý của khá
nhiều người, trong đó có cả những người từ chính quyền Việt Nam. Đặc
biệt, có hai cá nhân – chưa rõ họ là ai (bị coi là DLV) – rất quan tâm
đến các bài viết của tôi. Nhiều khi họ phê bình tôi vì có những bài viết
chủ yếu nêu lên chính kiến chứ không phải là nghiên cứu khoa học. Những
người này có phần đúng khi nói một số khẳng định của tôi thiếu cơ sở về
mặt bằng chứng. Tôi lại phải thừa nhận đó là một vấn đề. Nhưng, như mọi
người đã biết, đây là một vấn đề chung chứ không phải là của riêng tôi.
Khi khẳng định, chẳng hạn, dân Việt Nam muốn cái gì, thì làm sao mà có
số liệu tin cậy để đánh giá?
Tôi đã mấy lần cố gắng giải thích blog của tôi không chỉ đơn thuần là
nơi chia sẻ nghiên cứu vì tôi muốn có độc giả đại chúng. Nếu chỉ hoặc
chủ yếu trình bày nghiên cứu thì chẳng có ai đọc đâu, đơn giản vì đại đa
số những bài nghiên cứu là “chán chết mẹ” (Xin lỗi mẹ yêu của con!).
Như vậy, tôi vẫn sẽ chia sẻ những bài nghiên cứu của tôi về Việt Nam ở
trang “tác phẩm chọn lọc” cho những ai muốn tham khảo.
Đến bây giờ tôi vẫn đang tìm cách tốt nhất để có nội dung phù hợp với
nhiều nguời mà đồng thời vẫn có chất lượng về phân tích và lý luận. Làm
được việc đó không hề đơn giản, ai cũng có thể nói là không thể làm
được. Khi viết bất cứ cái gì phải biết độc giả của mình là ai, mục đích
để làm gì. Có lẽ tôi chưa thể trả lời được câu hỏi này. Tạm thời, tôi
chỉ có ý muốn chia sẻ những nhận định chung và nếu ai muốn đi sâu hơn
thì chúng ta có thể thảo luận bằng một cách nào đó. Đồng thời, tôi sẽ
tiếp tục tiến hành nghiên cứu khoa học xã hội về những vấn đề nổi bật
của Việt Nam. Những ai quan tâm hãy lên link nghiên cứu trên.
Dù những bạn đồng tình với đường lối hiện nay chưa đồng ý với tất cả ý
kiến của tôi và nhiều khi phủ nhận những kết luận của tôi, tôi vẫn cảm
ơn việc họ cố gắng trao đổi một cách bình thường.
Có nên cho ôngTây này vào danh sách đen?
Khoan đã, cứ trao đổi thêm xem thế nào…Trong những ngày vừa qua các
bạn bảo vệ đường lối của Đảng hiếm khi bình luận, có lẽ họ nghĩ rằng tôi
đã trở thành “thế lực thù địch”. Nhưng đó là một quan điểm sai lầm. Ở
đây tôi xin nhắc lại những tình cảm tôi đã chia sẻ từ trước:
Tôi không phải là người chống Đảng Cộng sản Việt Nam, mà là người hy
vọng ĐCSVN là ĐCS đầu tiên trong lịch sử thế giới tự cải cách mình, làm
cho chế độ hoạt động hiệu quả, minh bạch, dân chủ hơn, đa nguyên hơn, có
trách nghiệm giải trình hơn nhằm bảo đảm những nguyên tắc đã có trong
hiến pháp từ lâu đời (dù tôi thấy hiến pháp 1946 là hay nhất từ trước
đến giờ) và tôn trọng những điều đã cam kết với quốc tế.
Vâng, cá nhân tôi cho rằngViệt Nam cần một quá trình diễn biến hòa
bình do chính người Việt Nam tạo ra. Để làm được như vậy, các thành phần
của xã hội Việt Nam phải có khả năng nói chuyện và trao đổi một cách
thẳng thắn, trên tinh thần cởi mở và tôn trọng lẫn nhau. Muốn có một xã
hội dân chủ hơn thì tốt hơn hết là nên rũ bỏnhững hận thù và ràng buộc
chính trị. Toàn dân nên tham gia vào các cuộc tranh luận chính trị một
cách ôn hòa và văn minh như ở Hàn Quốc hay Đài Loan. Nhiều bạn phản bác
rằng đó là điều không thể vì sự khác biệt về văn hóa. Ồ không, vấn đề
không phải là văn hóa. Đó chỉ là lời ngụy biện cho sự thiếu hiểu biết về
chính trị của các bạn thôi.
Trong những tuần tới, tôi sẽ cố gắng viết những bài thu hút sự chú ý
và tham gia của những người làm trong bộ máy của đảng-nhà nước. Ai muốn
đề nghị chủ đề tôi sẵn sàng lắng nghe.
Từ những kinh nghiệm trực tiếp, tôi biết rằng còn rất nhiều người tốt
và có đầu óc cải cách trong chính quyền. Vấn đề là họ chưa tìm ra một
lộ trình để hành động một cách mạnh mẽ, có lẽ vì họ sợ bị trừng phạt,
v.v. NHƯNG, tôi tin rằng những người này sẽ hành động và đó có thể là
một yếu tố quyết định nếu Việt Nam muốn thoát khỏi tình trạng hiện nay.
Tôi biết quan điểm này không phổ biến với tất cả bạn đọc và nhiều người
cho rằng tôi quá lạc quan.
Những blogger trẻ ở Thủ đô
Có hai vấn đề nữa xin bàn thêm. Một là phản ứng của tôi với việc các
blogger trẻ ở Hà Nội bị đàn áp. Tôi rất thất vọng về động thái này. Như
đã viết trước đây, tôi có làm quen và gặp gỡ một số thanh niên trong
nhóm đang bị đàn áp và tôi rất ấn tượng với họ. Hình như bây giờ ở Việt
Nam, ai mà có đầu óc độc lập dù là đảng viên hay không đều biết Việt Nam
rất cần những cải cách thể chế sâu rộng. Ngoài ra, những thanh niên này
rất quan tâm đến những vấn đề chính trị-xã hội.
Họ đâu phải là “thế lực thù địch” mà là những thanh niên yêu nước
chứ! Đã bao nhiêu lần Việt Nam đánh mất cơ hội để phát triển những mối
quan hệ quốc tế vì các hành động đàn áp? Ngaysau khi tôi biết những
người này bị đánh đập như súc vật, tôi vô cùng buồn.
Chính vì thế, vừa qua tôi đã gửi một bức thư trực tiếp cho Ngoại
trưởng John Kerry để bày tỏ quan ngại sâu sắc về hành động này. Trong
bức thư, tôi đã trình bày sự phẫn nộ của mình về việc chiến dịch đàn áp
đã bắt đầu ngay trong những ngày mà Chủ tịch Sang có mặt tại Washington
và có những cuộc tiếp xúc thân mật với Tổng thống Obama và cả John Kerry
nữa. Sau đó, chiến dịch đàn áp đã được tăng cường và tiếp tục diễn ra
ngay trong những ngày Phó thủ tướng Phúc có mặt ở Hoa Kỳ để để thúc đẩy
một mối “quan hệ toàn diện”. Ngoài một danh sách của những người ký
Tuyên bố 258 (thông tin công khai mà) ra, tôi có viết:
“Là một công dân Mỹ, tôi mong Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lưu ý đến những
diễn biến đáng quan ngại này và thúc giục Chính phủ Hoa Kỳ phản ứng một
cách thích hợp. Có rất nhiều người bạn của Việt Nam mong mỏi được thấy
đất nước tiến tới một xã hội nhân văn hơn mà trong đó nhân quyền được
tôn trọng. Không may là, những diễn biến gần đây lại cho thấy chiều
hướng ngược lại. Cảm ơn ngài đã xem xét những thông tin kèm theo. Tôi
rất hân hạnh được thảo luận với ngài về bất cứ khía cạnh nào của vấn đề
này vào một dịp phù hợp.”
Sáng nay họ có trả lời là đã nhận được thông điệp và gửi lời cảm ơn.
Xin chia sẻ, đây là lần đầu tiên trong đời tôi trao đổi với Chính phủ Mỹ
về những vấn đề có liên quan đến Việt Nam.
Chuyện trả lời thanh niên nghiêm túc và những người tương tự
Thưa các bạn, có nhiều người thắc mắc là sao tôi lại dành thời gian
để trả lời những lời phê bình nhảm nhí. Câu trả lời của tôi là NÊN thảo
luận với những người như thế nhằm phản bác những luận điểm vớ vẩn, vì
nếu không ai lên tiếng giải thích rõ thì những gì họ nói, nói nữa, nói
mãi sẽ làm bệnh ngu dân ngày càng trầm trọng hơn.
Giống như chuyện của một con ếch (ở đây tôi không nói láo về NTD đâu,
không phải ai cũng ưa ai, nhưng không nên mạt sát nhau), khi bỏ con ếch
vào trong nước nóng nó sẽ nhảy ra ngay, còn khi bỏ nó vào trong nước
rồi mới đun sôi thì nó sẽ bị nấu chín từ từ.
Dù có dành ra một chút thời gian, tôi coi đó là một cách đầu tư vào
tương lai của Việt Nam. Nhưng khi tôi trả lời những tố cáo phi lí, ít
nhất có vài bạn đọc đã có những quan điểm khác khi phản bác lí luận của
ông Tây nghiện thuốc lào này.
Hôm nay và ngày mai
Blog này được lập chưa đầy bốn tháng mà đến ngày nay trang đã có rất
nhiều lượt xem, chưa kể những bài được đăng lại trong những trang khác.
Cảm ơn các bạn!
Trong thời gian tới, tôi sẽ nỗ lực viết những bài hay, hấp dẫn hơn với một tinh thần xây dựng nhất.
Trong thời gian tới, tôi sẽ nỗ lực viết những bài hay, hấp dẫn hơn với một tinh thần xây dựng nhất.
Tôi tin rằng trong thời gian không xa, Việt Nam sẽ có một quá trình
hòa giải dân tộc. Và bằng một cách nào đó, người dân của đất nước Việt
Nam sẽ tiến tới một tương lai tươi sáng hơn. Tuy nhiên, thách thức hiện
này là làm sao để đẩy nhanh quá trình này.
Tôi hy vọng với những bài nghiên cứu và những bài viết khiêu khích và
có tính xây dựng (dù thỉnh thoảng có vài câu hơi lếu láo), tôi có thể
đóng góp một phần công sức vào quá trình này. Một lần nữa, xin cảm ơn
bạn đọc từ mọi phía. Và một lần nữa, xin các vị lãnh đạo của Nhà nước
Việt Nam có đủ dũng cảm để chấm dứt mọi hành vi đàn áp, qua đó cho phép
toàn dân tham gia vào quá trình cải cách.
Có người bạn thân (không phải là người Việt) bảo tôi, muốn phân tích
Việt Nam một cách hiệu quả thì phải khắc phục sự duy lý của mình. Bạn
này hỏi tôi muốn cái gì và mong đợi điều gì. Tôi không rõ, nhưng rất khó
cho tôi để ngồi im lặng. Nếu những gì tôi viết chỉ là ý kiến hời hợt
thì ít nhất, qua những trao đổi tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về Việt
Nam – Một đất nước tôi sẽ luôn luôn ủng hộ.
Vào năm 1945, Việt Nam đã có cơ hội để xây dựng một hệ thống chính
trị dân chủ và đa nguyên. Nhưng, do những tính toán chính trị mà đất
nước đã để vuột mất cơ hội đó. Quốc hội đã bị ĐCSVN vô hiệu hóa và thao
túng khiến nó chỉ còn mang tính hình thức. Điều mà đất nước Việt Nam cần
bây giờ, theo tôi, là những thể chế chính trị đa nguyên thực chất mà
trong đó ĐCS sẽ tham gia như một đối thủ cùng các chính đảng khác. Tất
cả sẽ cùng đồng tâm hiệp lực xây dựng một xã hội phồn thịnh, hòa bình và
dân chủ mà tất cả mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và được
pháp luật bảo vệ. Có như vậy, Việt Nam mới phát triển mạnh hơn được.
JL