AFR Dân Nguyễn
Lâu nay ta hay nghe nói “Đảng viên chân chính”.
Tôi cũng nghe nói tới “Đảng viên chân chính” nhiều lần. Nhưng điều
khiến tôi hơi băn khoăn là, dường như những người đề cập tới loại đảng
viên này với lòng cảm phục và kính trọng. Có lẽ tôi không hiểu sai “Đối
tượng” mà những người này đề cập tới. Tuy nhiên tình cảm mà tôi dành cho
loại đảng viên này, rất tiếc lại không giống như những người trên kia.
Hình như trong nội bộ đảng cs VN thường có bình xét xếp loại đảng
viên theo quý hay theo năm, tôi không biết. Có danh hiệu đảng viên bốn
tốt hay lăm tốt gì đó, tôi cũng không biết nữa; Bởi vì tôi biết nằm lòng
rằng, những kiểu bình xét như thế, mang tính hình thức vô cùng, chẳng
đánh giá được thực chất, hình thức y chang cuộc vận động “Học tập và làm
theo tấm gương đạo đức HCM” ấy mà. (Không hình thức sao học mãi mà chỉ
tốn thời gian và tiền bạc của dân, chẳng thu được kết quả gì cả). Dù
đảng viên nào được bình bầu là bốn tốt hay lăm tốt hôm qua, ngày mai vẫn
có thể bị tra tay vào còng số tám như thường…
Vậy những đảng viên thế nào mới được gọi là “Đảng viên chân chính”?
Vai trò của họ trong đảng, trong đời sống Đất Nước và xã hội thế nào,
công lao họ ra sao…
Ta thử chia loại đảng viên xem có “sát thực tế” hiện nay không.
Với những gì chúng ta đang thấy diễn ra trong nội bộ đảng cs VN hiện nay, có thể chia đảng viên thành 3 loại.
1- Đảng viên chân chính. Nói tới loại đảng viên này,
chắc ai cũng đồng ý đó là loại đảng viên TRUNG THÀNH VỚI CHỦ NGHĨA CS,
TRUNG THÀNH VỚI LÝ TƯỞNG CỦA ĐẢNG CSVN. Và tất nhiên không thể tham
nhũng.
2- Đảng viên tham nhũng. Đó là loại đảng viên mà mục
đích vào đảng là để tư lợi. Họ mua quyền mua chức, nịnh trên nạt dưới.
Họ tận dụng tối đa những cơ hội có thể cho phép họ thực hiện hành vi
tham nhũng.
3- Đảng viên quần chúng. Đó là những đảng viên không
chức, không quyền. Họ là những đảng viên hồi hưu, lão thành CM, hay
những đảng viên còn đang công tác nhưng trình độ học vấn hạn chế, hoặc
hiền lành thật thà, không ganh đua, an phận…
Nếu xét số lượng thì số đảng viên xếp loại thứ 3 là đông hơn cả. Tuy
nhiên họ không làm hại dân hại nước, vai trò của họ có thể coi là “Vô
thưởng vô phạt”.
Loại đảng viên xếp thứ 2, số lượng đông không kém gì loại đảng viên
xếp thứ 3. Họ là những cán bộ đương chức đương quyền, trải rộng từ khu
vực kinh tế nhà nước, chính quyền tới các cơ quan đảng, đoàn thể. Tóm
lại là những đảng viên trong cả “Hệ thống chính trị”. Có thể khẳng định
không một ai trong số họ không dính tới tham nhũng (Hay là tay “dính
chàm”, như cách nói của người đứng đầu đảng).
Loại đảng viên xếp thứ nhất ít hơn cả. Thậm chí có thể nói vô cùng
hiếm. Nhưng vai trò của họ ra sao trong đời sống xã hội và Đất Nước hôm
nay?
Nếu nói tới loại đảng viên này, những người phải kể đến đầu tiên phải
là Bác Hồ kính yêu, là các học trò xuất sắc của Người như Lê Hồng
Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Ngô Gia Tự, Hà Huy Tập, Lý Tự trọng… Đó là
những đảng viên cs trung kiên, sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình cho
sự tồn vong của đảng, cho “CNM-L vô địch muôn năm”…
Nhưng giả sử những “Đảng viên chân chính” này còn sống đến ngày nay,
ai dám chắc họ sẽ không tham nhũng. Ai dám chắc tay họ sẽ không “Dính
chàm”? Sống trong một thể chế độc tài, mà quyền lực do họ nặn ra và cũng
chính thao túng, khó có thể nói họ không tham nhũng, thậm chí là những
ông trùm của tham nhũng.
Nhưng cứ cho họ “Trong sạch”, giống như sự “Trong sạch” của người
đứng đầu đảng cs VN hiện nay, tay không nhuộm chàm, nhưng họ “Tuyệt đối
trung thành với CNCS thì sao?
Nghĩa là họ vẫn “Kiên trì định hướng XHCN”, vẫn bám chặt lấy điều 4
HP, vẫn kiên quyết lấy quân đội làm cái áo giáp cho riêng mình, kiên
quyết không chấp nhận đa đảng, đa nguyên, hay tam quyền phân lập…
Thà rằng họ, những “Đảng viên chân chính” cứ tham nhũng còn hơn là bóp chết tự do dân chủ.
Họ không tham nhũng kim tiền, nhưng họ tham nhũng quyền lực.
Và lịch sử VN cũng như lịch sử cs TG cho thấy, những kẻ tham nhũng
quyền lực là đáng lên án và đáng nguyền rủa nhất. Sự ngu dốt, thủ cựu
của họ chính là vật cản ghê gớm cho một dân tộc, là tội ác dưới mọi hình
thức.
Đọc “Bên thắng cuộc” của Huy Đức, ta càng thấy ghê sợ loại “Đảng viên
chân chính” này. Khi một số đảng viên trung cao cấp chủ trương và đồng ý
“Xé rào”, nhằm tìm ra cách cứu cả Dân Tộc đang có nguy cơ chết đói đến
nơi, kết quả khả quan của chủ trương “Xé rào” đã hiện rõ. Vậy mà vẫn có
kẻ (Như Bí thư tỉnh ủy Hải Hưng và nhiều kẻ khác) kiên quyết chống lại.
Họ la lớn “Thế này thì còn gì là lập trường!”. Gần đây nhất, chúng ta
được nghe phát biểu của một “đảng viên chân chính” hiếm hoi còn sót lại
trước đảng bộ một tỉnh. Ở đó “Đảng viên chân chính” này kêu gọi kiên
định CNXH, kiên định theo CNCS, và gọi những người chủ trương đòi tự do
dân chủ cho VN là “Suy thoái”. Ông ta đòi “Xử lý” những người chủ trương
đa nguyên đa đảng, nghĩa là đòi xử lý những nhà đấu tranh dân chủ…
Nhưng, sẽ là khiếm khuyết nếu không đề cập tới một loại đảng viên nữa
mà thực tế đang tồn tại trong đảng cs VN, với số lượng có lẽ không ít.
Họ thuộc loại đảng viên nào, thứ nhất, thứ hai hay thứ ba? Họ có thể có
mặt trong cả ba loại đảng viên kể trên. Nếu họ có “Trót” tham nhũng, thì
cũng trong hoàn cảnh nhất đinh nào đó, và không mang tính hệ thống,
không thuộc loại “Cố ý làm trái quy định gây hậu quả nghiêm trọng”… Đặc
điểm khác biệt ở họ chính là họ có lương tri, nếu có từng sai phạm thì
cũng bị lương tâm cắn rứt. Đặc biệt họ có tư tưởng đổi mới toàn diện,
nhất là đổi mới về chính trị. Họ đang trăn trở với vận nước, đang nung
nấu con đường thoát ra khỏi “Vòng kim cô” kìm hãm Dân Tộc suốt ba phần
tư thế kỷ qua. Có thể kể ra rất nhiều những cái tên. Họ là những lão
thành cách mạng, là những trí thức, là những đảng viên hồi hưu, là những
cán bộ đảng viên từ trung đến cao cấp, vì những lý do nào đó mà chưa
thể bước ra ngoài ánh sáng để có thể cất tiếng nói dõng dạc như luật sư,
đảng viên lão thành Lê Hiếu Đằng, Hồ ngọc Nhuận…
Nếu có cái tên đặt xếp loại cho họ, có lẽ gọi họ là những đảng viên
giác ngộ, hay đảng viên Nhân Dân. Nếu gọi họ là những đảng viên chân
chính, e nhầm với những đảng viên không chịu rời bỏ tư tưởng Markxit ở
trên.
Aug/28th/2013
AFR Dân Nguyễn
Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả