Võ Hưng Thanh
Con đường ra có nghĩa muốn nói một con đường đi ra duy nhất, tối ưu,
không phải có nhiều con đường đi ra cũng đều tối ưu như thế. Nói con
đường ra, cũng là nói thực tế, nói so sánh cụ thể, không phải nói trừu
tượng, lý thuyết, cảm thức hay ảo tưởng.
Vì so sánh vẫn là so sánh tự bản thân mình, so sánh các cấu trúc nội
tại trong chính xã hội mình, so sánh quá khứ với hiện tại, và so sánh
mình với các thực tế chung quanh, không phải chỉ có la làng suông, không
phải chỉ có nói suông, không phải chỉ mơ hão, mà nhất thiết phải chỉ ra
được các lý do thực tế, chỉ ra được giải pháp thực tế, cũng như đặt nền
tảng được cho triển vọng hay tương lai thực tế.
Thời kỳ trước năm 1945 của thế kỷ trước, mọi người VN nhiệt tình yêu
nước đều mong muốn xóa bỏ được ách thống trị thực dân Pháp, tiến lên
giành độc lập và phát triển đất nước. Lúc đó ý thức giải phóng dân tộc
cũng đi liền với ý thức tự do dân chủ, nên việc mong muốn thiết lập một
nền cộng hòa dân tộc theo kiểu cổ điển và tư sản là hoàn toàn cần thiết
và chính đáng. Đó cũng là sự dung hợp quan điểm đa đảng, đa nguyên một
cách khách quan, tự nhiên.
Nhưng cũng có những người đi xa hơn, đi theo con đường của Liên Xô,
của lý thuyết mác xít nhằm hòa đồng vào tham vọng của phong trào cách
mạng vô sản chung cho toàn thế giới lúc đó, đó mới là mục đích sau cùng,
không chỉ dừng lại duy nhất ở giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước.
Sự đấu tranh giữa hai khuynh hướng đó tất nhiên xảy ra, dưới nhiều hình
thức, nhiều giai đoạn khác nhau, kể cả sự loại bỏ, sự thỏa hiệp hay sự
đầu hàng hay thất bại của một khuynh hướng, và cuối cùng nói đơn giản là
thực tế hay hoàn cảnh đất nước ngày nay.
Ngày nay thì tham vọng của phong trào hay khuynh hướng muốn thực hiện
một thế giới vô sản đại đồng theo kiểu mác xít trên toàn thế giới đã
không còn nữa. Liên Xô và khối CS Đông Âu cũng đã sụp đổ và tan rã từ
lâu. Ngày nay chỉ còn bốn nước vẫn giữ theo đường lối cũ, nhưng đó cũng
chỉ là mặt bài bản lý thuyết, còn thực tế coi như hầu hết mọi nước ngày
nay đều đi vào quỹ đạo chung của nền kinh tế thị trường và của sự hội
nhập thực tế toàn cầu.
Cái giá mà VN đã phải trả cho con đường lựa chọn đi lên trong quá khứ
của mình, đó là hai cuộc chiến tranh kéo dài tàn khốc, tốn kém mọi mặt,
và thành tựu và kết quả duy nhất chính là thực tế và tình trạng xã hội
ngày nay mà ai cũng biết. Nên vấn đề ngày nay là mọi người có hiểu biết
phải cần nhìn vào thực tế khách quan đó, đánh giá đúng nó về mọi mặt,
không phải bêu rếu nó, ảo tưởng về nó, tức nói chung đánh giá nó theo
chủ quan, thiên lệch hoặc thiển cận. Cả hai thái độ đó đều thật sự chỉ
tiêu cực, không kết quả, hay không có lối ra đúng đắn, thực chất.
Bởi khách quan mà nói, bất cứ sự vật nào cũng phải có phát triển,
hoặc theo chiều hướng này hay theo chiều hướng khác, hoặc thậm chí cả
chiều hướng ngược lại. Do đó mọi cái so sánh là đối chiếu với bên ngoài,
với hoàn cảnh thực tế chung quanh, không chỉ chủ quan, tự mê ngủ, cố
chấp hoặc hủ lậu. Sự ngay thật, sáng suốt, có ý thức hoặc có mục đích
tốt đẹp vì lợi ích chung hay không chính là ở chỗ ấy. Cứ so sánh VN với
các nước chung quanh, các nước khu vực hay cả trên toàn thế giới ngày
nay ra sao thì phải thấy rõ. Ngay như chỉ so sánh với Hàn Quốc thôi,
trong quá khứ và trong hiện tại cũng vỡ được ra mọi điều đó.
Vậy thì chính nhận thức và ý thức chung của mọi người VN ngày nay
chính là lối ra duy nhất mà không điều gì khác. Bởi có sự nhận thức thì
mới giúp cho ý thức cũng như ngược lại. Không có ý thức về nhận thức
cũng không có xu hướng tìm hiểu về thực tại. Mà không có nhận thức cũng
chẳng bao giờ có ý thức đi lên hay phát triển. Chính sự nhận thức khách
quan, xác đáng, đúng đắn, rạch ròi là quan trọng như thế, nó là đầu mối
cho mọi hành động thực tiễn, hiệu quả và kết quả là như vậy.
Nhưng nói cách rõ ràng hơn, tính cách nhận thức và ý thức này phải là
số đông mà không thể chỉ số ít. Nếu được đa số hay toàn thể xã hội thì
đó mới là điều quyết định nhất, mới tạo được con đường đi ra thênh thang
và chắc chắn nhất cũng chỉ là đó. Bởi chính điều đó cũng có thể tạo nên
được sự đoàn kết tự nhiên nhất, tức sự hợp lực thực chất nhất mà không
phải chỉ là đoàn kết kiểu lý thuyết hay giả tạo.
Dĩ nhiên không loại bỏ được bản tính riêng của mỗi người, nhưng số
đông của những người tích cực, có thiện chí sẽ khuynh đảo hay chiến
thắng được thiểu số người tiêu cực, thấp kém hoặc ác ý.
Còn nếu nói một cách thực tế hơn, thì chính yếu tố những người đang
cầm quyền hiện nay là yếu tố quan trọng nhất. Những người cầm quyền tức
những người đứng đầu cao nhất trong guồng máy nhà nước, guồng máy đảng
cầm quyền, còn thực chất bộ máy hành chánh nhà nước bên dưới hay toàn
thể đảng viên bên dưới cũng chỉ là công cụ sử dụng, chỉ là quần chúng
làm nền mà không là gì khác. Cứ lái chuyển thì thuyền cũng đổi hướng, đó
là điều hoàn toàn tự nhiên. Chỉ cần một hay vài nhân sự quan trọng
nhất, quyết định nhất của quyền hành mà chuyển hướng, tất nhiên toàn bộ
xã hội phải chuyển hướng, điều đó hết sức hiển nhiên.
Dĩ nhiên nói như thế không phải xã hội chỉ phụ thuộc vào người nắm
quyền, guồng máy bên dưới cứ mãi mãi lệ thuộc vào ý thức riêng tư của
người lãnh đạo. Nhưng nếu để xảy ra một sự dội ngược, một sự phản ngược
như thế rõ ràng có thể sẽ gây ra những sự khủng hoảng, những sự tốn kém
nào đó có khi có thể rất nghiêm trọng. Đầu xuôi đuôi lọt, đó luôn luôn
là giải pháp tiết kiệm nhất mà mọi người vẫn biết. Và cũng chỉ có thể
thì chính những người cầm quyền mới đúng nghĩa là người lãnh đạo, tức
dẫn dắt, đi tiên phong trước, còn không chỉ là sự nắm quyền thô lậu mà
có mang tính cách lãnh đạo hay dẫn dắt xứng đáng hay giá trị, đúng đắn
và hữu lý nào.
Có nghĩa cuộc cách mạng toàn xã hội có hiệu lực và đạt kết quả tốt
đẹp nhất không ngoài cuộc cách mạng bản thân của tất cả mọi người, mà
như trên đã nói chính là cuộc cách mạng về nhận thức và ý thức có liên
quan đến. Bởi vì chính sự mạnh chung nhất, sức mạnh tổng hợp hay tổng
gộp như thế thì chắc chắn không thể ai địch nổi, chắc chắn mọi sự thành
công sẽ tự nhiên nhất, tất yếu nhất. Bởi chỉ do những suy nghĩ theo vết
mòn, không dám đột phá hay bứt phá, cũng luôn dẫn tới mọi bế tắc, mọi
tiêu cực, mọi sự đồng lõa, đầu hàng hoặc nô lệ. Những chế độ tự do dân
chủ thật sự thì không mắc phải sự khiếm khuyết này, bởi ý thức và tư duy
độc lập của mọi người đều được bảo đảm, khuyến khích. Nhưng trong các
chế độ chuyên đoán, toàn trị, đó lại là một thực tế, khó ai có thể thoát
ra nổi, vì nó luôn trở nên một sức mạnh vô hình, vô thức, mà thực tế
cũng quái ác, phi lý nhất.
Bởi thế, yêu cầu hòa giải dân tộc thật sự, đoàn kết dân tộc thật sự,
quên đi quá khứ, chỉ đổi mới hiện tại và hướng tới tương lai chỉ thực
chất thực hiện được hay thực tế giải quyết được vẫn không ngoài việc
giải quyết chính vết mòn, chính các não trạng bế tắc như nói trên. Mọi
sự bứt phá, đột phá ở đây cũng đều không đi ra ngoài điều đó. Nó chẳng
khác việc chọc thủng một ung mủ, không phải ai không can đảm cũng đều có
thể làm được. Cái chính là sợ đau cho bản thân, hay cả cho xã hội cũng
là như thế.
Bởi con đường đi lên danh vọng, đi lên quyền hành, lợi lộc, đi lên
chóp bu của quyền lực nơi hầu hết những người VN trong guồng máy nắm
quyền đã từ rất lâu rồi nó chỉ như vậy. Để thực hiện được điều đó buộc
phải răm rắp nói theo, thực hiện theo mệnh lệnh quyền lực trực tiếp,
không đi ra ngoài quyền lực cao nhất mà không là gì khác. Cho nên khiến
có hiện tượng lời nói không đi theo với suy nghĩ, việc làm có khi không
đi theo với lời nói, bởi chủ nghĩa bề ngoài, chủ nghĩa hình thức, chủ
nghĩa trình diễn trở thành như là cái gì phổ biến nhất, quyết định nhất,
thực tế nhất, và thường xuyên nhất.
Vô hình chung, chủ nghĩa xã hội đúng đắn, ý thức xã hội thực chất đã
hầu như không có hay không còn nữa, nó đã biến thái thành chủ nghĩa cá
nhân ích kỷ tiềm ẩn, chỉ còn là chủ nghĩa vụ lợi, vụ quyền, ý thức tiêu
cực, đầu hàng khách quan, không còn ý nghĩa gì là độc lập, tự chủ, tự
giác hay tự tỉnh cả. Nó chỉ còn là khuynh hướng hình thức thuần túy, cốt
thích nghi và trục lợi riêng thế thôi. Việc phục vụ chung chỉ là phương
tiện để đạt đến lợi ích riêng, không còn là phục vụ chung một cách hoàn
toàn vô tư, thuần túy hay thật sự hết lòng. Chính vòng tròn lớn cũng
xoay như thế và mọi vòng tròn nhỏ bên trong cũng xoay như thế, tạo thành
một hệ sống bánh răng hoàn toàn ăn khớp, chặt chẽ rất khó phá vỡ hay
rất khó cá nhân nào thoát ra được.
Nói trắng ra bài bản phổ biến và cơ bản nhất vẫn là bài bản ca ngợi
lãnh đạo, ca ngợi lãnh tụ, ca ngợi chủ nghĩa, ca ngợi hệ thống, tuyệt
đối nhất thiết phải luôn luôn là lời thiệu cần được biểu hiện ra bên
ngoài, còn thực chất mọi sự suy nghĩ, nhận định bên trong bản thân cá
nhân mình ra sao lại là chuyện khác. Đó cũng chính là tình trạng vong
thân, đánh mất bản thân của con người như xưa kia Mác đã nói. Con người
không còn là con người thật của mình nữa mà chỉ còn là cái bóng, những
cái bóng kịch cỡm, luôn luôn phải đóng kịch một cách giả tạo trên chính
cái nền xã hội.
Điều đó không chỉ ở trong giới nắm quyền lực mà nó cũng lan đại trà
ra dân theo kiểu đó. Tức là phần lớn người dân chỉ cầu an, thủ khẩu như
bình, trở nên ngoan ngoãn, tiêu cực, chai lì, thụ động, cũng thể hiện
chủ nghĩa bề ngoài, lời nói không đi với tâm tư, ngôn ngữ thành xa lạ
với thực tế hay thực chất. Điều đó đôi khi còn dẫn đến tâm lý vô cảm, vô
ý thức đối với các giá trị hay yêu cầu chung, trở thành thái độ vô
trách nhiệm, dửng dưng trước mọi thực tế xã hội và đời sống của người
khác, tạo nên những tâm lý thấp kém, riêng tư, ích kỷ, đánh mất hết mục
đích ý thức và tinh thần xã hội đúng nghĩa. Ý thức và mục tiêu xã hội
chỉ trở thành ngôn ngữ hình thức, không hề còn là suy nghĩ chiều sâu,
tiềm tàng hay có cảm thức thật sự.
Ngay cả điều đó còn lan ra cả tâm lý của hầu hết Việt kiều ở nước
ngoài. Hoặc trở nên dửng dưng, tiêu cực với mọi điều trong nước, hoặc
trở thành chống đối cực đoan, tức chống cộng cực đoan, vì không những
căm ghét quá khứ mà còn bất mãn với hiện tại và phần lớn chỉ tiêu cực,
thụ động hay buông xuôi với mọi tương lai của đất nước. Mọi sự chia rẽ
trong và ngoài, mọi sự chia rẽ thực chất giữa những người Việt với nhau
về mọi vấn đề chung đều có nguồn gốc hay cũng đều như thế. Thực chất họ
không còn niềm tin vào đất nước, vào dân tộc, vì tất cả niềm tin đều đã
bị đánh mất, nó chỉ còn biểu hiện ra thuần túy bằng ngôn ngữ khi này khi
khác, nơi này nơi khác, người này người khác nếu có được nói đến cũng
chỉ là như thế. Nói trắng ra lớp hiểu biết, trí thức thì chán ngán, bế
tắc, lớp kém hiểu biết thì mù quáng hoặc chỉ nói suông thế thôi.
Như vậy, nói chung lại con đường đi ra của đất nước, của xã hội VN
ngày nay chắc ai cũng thấy. Đó trước hết không ngoài là con đường nhận
thức, con đường ý thức của tất cả mọi người. Bởi vì nếu chỉ có ở số ít
thì không đủ mà phải cần ở số đông hay ở tất cả mọi người. Đó chính là
con đường dân chủ tự do đúng đắn mà mọi người phải cần nhận thức và thừa
nhận. Bởi không nhận thức đúng thì cũng không thể thừa nhận. Mà nhận
thức sai là do chính sự tuyên truyền sai lệch hay nói trắng ra là sự ngu
dân hay sự đầu độc nếu quả đã rơi vào chính các trường hợp như thế. Có
nghĩa phải cần xây dựng và phát huy lý tính cho toàn xã hội mà không
phải chỉ con đường cảm tính, mù quáng, một chiều như lâu nay vẫn có.
Có nghĩa phải đoạn tuyệt tất cả quá khứ một cách thật sự và thực chất
để đi lên các bước phát triển có kết quả lớn lao mới. Sự nhận thức xã
hội dưới những nguyên lý đúng đắn, khách quan, mới giúp được các điều
như thế, mà không thể nào chỉ mãi thuần túy là các ngôn ngữ hình thức
hay niềm tin mù quáng. Chẳng hạn như ý nghĩa đa nguyên đa đảng cũng chỉ
là nguyên tắc xã hội hiệu quả, khách quan mà không phải chỉ là niềm tin
mù quáng, nhằm lạm dụng, lợi dụng hay mang tính chất cảm tính nào cả,
bởi đó thực chất chỉ là nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả và
tích cực. Cho nên chỉ khi nào mọi người hay toàn thể xã hội đều suy nghĩ
đúng đắn, hữu lý hoặc chính xác, thì ý nghĩa của bản chất xã hội đó mới
trở thành đúng đắn, trong sáng, cũng như tương lai của nó mới luôn luôn
trở nên đúng đắn, có triển vọng, luôn luôn đạt được sự thành công, và
qua đó tất yếu sẽ phải đạt đến được những kết quả tốt đẹp nhất.
Võ Hưng Thanh