Lê Nguyên Hồng
Tuần trước Báo quân Đội nhân Dân (http://qdnd.vn)
đã có loạt bài khá mạnh nhưng cũng khá vụng về tấn công đảng viên Cộng
Sản kỳ cựu Lê Hiếu Đằng. Có lẽ chưa yên tâm, báo này hôm nay “bồi” thêm
một bài chính luận biện minh cho quyền lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt
Nam, đó là bài viết “Trọng sự thật và chân lý để hành động có trách nhiệm” tác giả là giáo sư tiến sĩ Hoàng Chí Bảo.
Ngay đoạn mở đầu của bài viết nói trên, tác giả Hoàng Chí Bảo đã nói sai, xin trích:“Đảng Cộng sản Việt Nam là một Đảng chính trị đang thực thi trọng trách của một đảng lãnh đạo và cầm quyền duy nhất ở Việt Nam”.
Thứ nhất, nói về “trọng trách”, người ta chỉ có thể nói về trọng trách
khi đang nhận lãnh, gánh vác những trách nhiệm quan trọng. Vấn đề là ở
chỗ công việc đó ai giao phó cho họ? Theo tìm hiểu thì kể từ ngày 03/02
năm 1930 thành lập Đảng Cộng Sản Việt nam (ĐCSVN) đến nay, chưa có một
cuộc tuyển cử nào của nhân dân Việt Nam lựa chọn họ làm lãnh đạo. Vậy
“trọng trách” của ĐCSVN thực ra là do tác giả tự nghĩ ra chứ không có
nhân dân nào trao công việc đó cho họ.
Trong cuộc sống, trách nhiệm - nghĩa vụ - (nếu quan trọng thì có
thể gọi là trọng trách như ông Hoàng Chí Bảo nói), thì một vế khác cũng
luôn song hành, đó là quyền lợi. Vậy một khi nghĩa vụ đã không có một
cách chính thức và rõ ràng thì ắt hẳn quyền cầm quyền lãnh đạo của ĐCSVN
hiện nay là quyền lợi chứ không thể gọi là trách nhiệm hay trọng trách
gì cả!
Thứ hai, ngay cả Hiến pháp hiện hành của Việt Nam cũng không ghi
ĐCSVN là “lãnh đạo và cầm quyền duy nhất” nhưng tác giả Hoàng Chí Bảo
lại dám khẳng định điều này, đó là cái sai thứ nhì. Nếu nói đến việc cầm
quyền của ĐCSVN hiện nay, người ta chỉ có thể nói là họ “đang cầm quyền
lãnh đạo” vì trên thực tế không có bất kỳ một triều đại nào, nhà nước
nào tồn tại vĩnh cửu.
Thứ ba, ông Hoàng Chí Bảo viết: “Toàn thể dân tộc Việt Nam, các
tầng lớp nhân dân ở trong nước cũng như đồng bào ta đang làm ăn sinh
sống ở nước ngoài, với ý thức dân tộc, tình cảm gắn bó với quê hương,
đất nước đều đồng tâm nhất trí với đường lối của Đảng, chủ động, tích
cực tham gia công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo”. Câu này lại sai vì
tại sao và dựa vào đâu để nói là toàn thể dân tộc Việt Nam (trong đó có
đồng bào ở nước ngoài) đều nhất trí với đường lối của ĐCSVN? Xin tác
giả cho bằng chứng, ví dụ đã từng có một cuộc khảo sát, bỏ phiếu kín hay
trưng cầu ý dân về quyền lãnh đạo của ĐCSVN hiện nay? Đảm bảo rằng
không thể có sự “nhất trí” như ông Hoàng Chí Bảo nói!
Thứ tư, ông Bảo nói “ý đảng – lòng dân – phép nước đã thống nhất và hòa quyện làm một”,
xin được nhận xét rằng câu này rất ẩu. Bản thân tác giả đã nói đến
“trọng trách” của ĐCSVN ở phần mở đầu thì dứt khoát nếu có chuyện đó
phải là ý dân, không thể là ý đảng. Đảng ở đây chỉ làm trách nhiệm thực
thi ý dân. Một khi đã nói “ý đảng” thì đó đích thực là quyền nằm trong
tay đảng (ĐCSVN) chứ nhân dân không có quyền gì.
Đối với vấn đề “lòng dân” như tác giả Hoàng Chí Bảo nhắc đến thì rõ
ràng đây lại tiếp tục là một nhận định chủ quan. Trên đời này cái khó
đoán nhất đó chính là lòng mỗi con người, ở đây lại không phải chỉ là
một người mà là lòng dân, nghĩa là toàn thể nhân dân Việt Nam gồm trên
dưới 90 triệu con người, ai có thể khẳng định được họ đã “hòa quyện” với
ĐCSVN và với “phép nước”? Điều đó chỉ có thể có một phép thử, đó là
trưng cầu dân ý công khai.
Nhắc đến phép nước, hẳn tác giả Hoàng Chí Bảo phải biết, phép nước
chính là pháp luật. Muốn biết phép nước có được nhân dân tôn trọng hay
không (chưa nói đến chuyện “thống nhất và hòa quyện” như tác giả khẳng
định liều) thì phải xem xem hệ thống luật pháp được thực thi như thế
nào? Công an bắt người có đúng luật hay không? Tòa án xét xử có công
khai minh bach hay không? Hệ thống công quyền có trong sạch không? Vv và
vv… Nhưng có lẽ chính tác giả Hoàng Chí Bảo cũng không dám khẳng định
rằng phép nước hiện nay ở Việt nam là tốt đẹp vì chính lãnh đạo chóp bu
của ông giáo sư tiến sĩ này như tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và chủ tịch
nước Trương Tấn Sang cũng còn phải nói công khai trên truyền thông báo
chí về “một bầy sâu” và “thoái hóa, suy thoái, biến chất” trong bộ máy
công quyền thực thi pháp luật.
Thứ năm, tác giả Hoàng Chí Bảo nói đến vấn đề “tự phê phán”, “tự
đổi mới” của ĐCSVN, đây là một sự ngụy biện hết sức vụng về bởi có lẽ
bản thân ông ta có thể không biết (?) tâm lý và bản chất của con người
là luôn có xu hướng ngả về những điều xấu: Tham vọng danh lợi, tiền bạc,
sắc dục. Bởi vậy sẽ không bao giờ có bất kỳ ai “tự phê phán” được bản
thân mình một cách công tâm trước bàn dân thiên hạ. Đó là còn chưa nói
đến việc tự phê phán đó có biến thành hành động thực tiễn hay không.
Ở đây lại lộ ra một vấn đề, đó là ĐCSVN thực ra đã đứng trên pháp
luật và ngoài vòng pháp luật vì họ chỉ tự phê phán chứ không nói “ĐCSVN
phải làm việc có luật và theo luật”. Sự phê phán (bao hàm cả tự phê) chỉ
xảy ra khi một người, một tổ chức vi phạm nội quy hay một cái gì đó
không nghiêm trọng. Một khi vấn đề liên quan đến pháp luật thì phải bị
pháp luật phân định và điều chỉnh trong một xã hội có pháp quyền.
Thử lấy ví dụ như tại cuộc Cải cách Ruộng đất những năm 1952 – 1954
trong thế kỷ trước, khi trung ương ĐCSVN đã chỉ đạo cấp dưới tàn sát
hàng chục ngàn người dân vô tội hoặc có tội nhưng không đến mức bị xử
tử, thì đó gọi là tội hay là lỗi của ĐCSVN? Giết người là trọng tội,
không thể là lỗi trong mọi trường hợp! Nhưng đã không có bất kỳ một kẻ
nào trong ĐCSVN (nhất là ở trung ương) bị điều tra và đưa ra xét xử
trước tòa. Vậy đấy là bằng chứng rõ nhất về việc ĐCSVN không tôn trọng
pháp luật và đứng trên pháp luật…
Như vậy chuyện “tự phê” mà tác giả Hoàng Chí Bảo nói rõ ràng là một
trò ngụy biện và chuyện “tự phê” của ĐCSVN thực sự là một tuồng diễn dở
không lòe bịp được ai! Và có lẽ chính vì thế cho nên hàng chục năm qua,
không ít các đảng viên “gộc” của ĐCSVN như trung tướng Trần Độ - trưởng
ban tư tưởng văn hóa trung ương, Trần Xuân Bách thường - trực Ban bí
thư trung ương, thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, thiếu tướng Nguyễn Tài
thứ trưởng bộ công an - con trai nhà văn Nguyễn Công Hoan, ông Nguyễn Hộ
phó chủ tịch công đoàn VN, ông Nguyễn Văn Trấn phó bí thư xứ uỷ Nam Kỳ,
ông La Văn Lâm cán bộ cấp cao ngành an ninh T4 vùng Sài Gòn Gia Định,
ông Nguyễn Xiển, Nguyễn Lân, cụ Hoàng Minh Chính, ông Hoàng Hữu Nhân -
cựu bí thư thành uỷ Hải Phòng, ông Lê Hồng Hà - chánh văn phòng bộ công
an vv.., đã công khai chống lại ĐCSVN…
Gần đây nhất là ông Lê hiếu Đằng – một đảng viên ĐCSVN 45 năm tuổi
đảng, phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
– đã tuyên bố kêu gọi thành lập đảng mới để đấu tranh với ĐCSVN. Đây
cũng là một ý mà tác giả Hoàng Chí Bảo đề cập trong bài viết trên Báo
qdnd.vn, ông ta viết: “Việc tuyên truyền lập một Đảng mới, một Đảng
khác, lại kêu gọi đa nguyên đa đảng để xây dựng dân chủ, coi đó là quyền
công dân chính đáng, kêu gọi những ai đang muốn ra khỏi Đảng hoặc không
còn sinh hoạt Đảng nữa hãy cùng tham gia thành lập đảng mới như các ông
Lê Hiếu Đằng, Hồ Ngọc Nhuận gần đây đưa ra là điều không thể chấp
nhận”.
Tất nhiên, với một phương châm “tự phê” ngoài vòng pháp luật, thậm
chí bất kỳ ai phê phán ĐCSVN cũng bị ghép vào tội “tuyên truyền chống
nhà nước” thì chuyện những đảng viên ĐCSVN như ông Lê Hiếu Đằng hay ông
Hồ Ngọc Nhuận tuyên bố kêu gọi lập đảng mới tất nhiên sẽ không được
ĐCSVN chấp nhận. Nhưng có lẽ nên hỏi ông giáo sư tiến sĩ Hoàng Chí Bảo
một câu: ĐCSVN của ông tốt thế, có cả “vũ khí” tự phê hay như thế tại
sao 100% các cán bộ tham nhũng trầm trọng đều nằm trong ĐCSVN? Và tại
sao ngày càng có nhiều người trong ĐCSVN ly khai chống lại họ, mà vụ
việc gần đây nhất là ông Lê Hiếu Đằng và ông Hồ Ngọc Nhuận kêu gọi lập
đảng khác?
Tuy nhiên trong bài viết “Trọng sự thật và chân lý để hành động có trách nhiệm” có một câu đúng, đó là “Không phải cứ đa nguyên đa đảng là có thể xây dựng được xã hội dân chủ”.
Quả thật đa đảng chưa chắc đã có một nhà nước dân chủ và xã hội dân chủ
nhưng chắc chắn nó tôn trọng tiếng nói đa nguyên, và đó là điểm đáng
quý. Và điều quan trọng nhất đó là, khi đã có sự cạnh tranh thì đảng cầm
quyền luôn sợ bị truất phế nên họ phải cố gắng tạo uy tín với nhân dân
bằng những hành động cụ thể. Như vậy nhân dân sẽ được hưởng lợi từ chính
sách cầm quyền.
Nhưng ngược lại, trong vế tiếp theo của đoạn văn đang nói đến, tác giả Hoàng Chí Bảo nói: “Không phải một đảng là trở ngại của sự phát triển dân chủ”
lại là câu nói hoàn toàn lệch lạc về nhãn quan dân chủ! Thế nào là dân
chủ? Dân chủ là sự thể chế hóa của tự do! Vậy tự do lập hội (đảng cũng
là một hội đoàn chính trị) là một biểu hiện của dân chủ, tại sao ông Bảo
lại nói “là điều không thể chấp nhận”? Đó, chính đó là điểm trở ngại
cho sự phát triển của dân chủ!
Có lẽ phải nói rõ hơn để ông Bảo và Báo quân Dội nhân Dân biết:
Một khi anh đã không tôn trọng quyền tự do thì chắc chắn anh không có
dân chủ! Mặt khác, không chấp nhận cạnh tranh chính trị thì đó cũng
chính là độc tài chính trị, không thể biện bạch loanh quanh bằng bất cứ
điều gì khác! Mong rằng những người như tác giả Hoàng Chí Bảo và Báo
quân Đội nhân Dân hãy đừng tiếp tục lừa người đọc và tự lừa dối mình
thêm nữa!
Lê Nguyên Hồng