Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Một chính đảng đối lập tại Việt Nam

Bắc Trung Nam
Những ngày gần đây cư dân mạng và những câu chuyện bên ly cà phê xôn xao bàn tán rất nhiều về dự định thành lập đảng Dân Chủ Xã Hội (DCXH) của ông Lê Hiếu Đằng, một nhân vật nổi tiếng trong thập niên 1960 với phong trào sinh viên học sinh đấu tranh chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn, một đảng viên ĐCSVN với bề dày 45 năm phục tùng sinh hoạt. Qua rất nhiều bài viết về sự kiện này nổi cộm lên hai vấn đề lớn: dân VN đang mơ ước xuất hiện một đảng chính trị đối lập với chính quyền cộng sản để đưa đất nước vào một tương lai mới tự do trong một thể chế chính trị dân chủ thật sự và làm sao để có một đảng chính trị đối lập lương thiện, thành tâm để cùng dấn bước đấu tranh.

Ước mơ có một đảng đối lập ĐCSVN

Không cần nói nhiều và nói lại vì quá nhiều bài viết, tư liệu đã vạch trần hậu quả bi thương và việc làm gian ác độc tài của ĐCSVN sau khi cướp chính quyền từ thời ông Hồ Chí Minh khai lập đảng đến ngày nay. Nhân dân và dân tộc Việt Nam đã trải qua một giai đoạn lịch sử đau thương đầy máu và nước mắt trong ai oán hờn căm, nhưng bàn tay sắt của ĐCSVN đã bóp chết những ý tưởng chống đối một cách dã man tàn ác nhất, khủng bố tinh thần đấu tranh một cách đê tiện bỉ ổi nhất để biến mọi người thành những cá nhân sợ hãi tự trốn mình trong sự im lặng và chịu đựng để không còn dám tin ai.

Nếu không nhờ phương tiện truyền thông hiện đại qua internet, face book…có lẽ sự im lặng và chịu đựng tủi nhục sẽ còn kéo dài rất lâu. Bằng những phương tiện này, giảm thiểu được sự nguy hiểm, người dân bắt đầu bày tỏ lập trường chính trị của mình, lên tiếng phản kháng bất đồng trước những bất công của chính quyền cộng sản và ngọn lửa đấu tranh đã được thắp sáng truyền nhanh và rộng cho mọi giới. Phương tiện liên kết phần nào an toàn này đã tạo điều kiện cho những người có cùng chí hướng và mục đích quy tụ lại với nhau trong một nhóm sinh hoạt nhiều người gọi là thế giới ảo. Từng ngày, từng giờ thế giới ảo đã khai phá nhiều vấn đề bí ẩn, giúp mọi người trưởng thành trong nhận định hiện tình đất nước với những ý kiến đa chiều, vạch trần những dối trá và thủ đoạn của đảng cầm quyền để cuối cùng nhiều người từ trong thế giới ảo đã hiên ngang bước vào thế giới thật. Họ kiên cường đấu tranh cho sự thật, cho công bằng, cho chủ quyền dân tộc trước tham vọng bành trướng của Trung cộng, cho tự do và cho một Việt Nam do dân làm chủ. Những người can đảm được tôi luyện sinh ra từ thế giới ảo không còn cô đơn khi tranh đấu, họ biết rõ sẽ bị tù đày đánh đập nhưng bên cạnh họ nhiều người đang ủng hộ và với phương tiện truyền thông cả thế giới biết rõ họ đang làm gì để vạch trần tội ác của ĐCSVN.
Khi nhóm người can đảm bước ra công khai đối đầu với ĐCSVN, họ vấp phải nhiều thử thách cam go nhiều khi không nhất thiết phải có và phải trả giá. Một trong những yếu kém đó tồn tại là sức mạnh hậu thuẩn của một tập thể đông người chưa có, một chiến thuật đấu tranh chưa nhất quán vì thiếu tổ chức và đoàn kết để trở thành một sức mạnh đặt nhà cầm quyền cộng sản vào thế bị động đưa đến đối thoại để giải quyết vấn đề. Sự thiếu vắng một đảng chính trị đối lập trong thời điểm này là nổi khao khát của tất cả mọi người. Phương cách đấu tranh theo kiểu nhân sỹ không còn hợp thời và không đáp ứng được mong muốn của mọi người cũng như có quá nhiều hạn chế và thiếu sót.
Trong nước thật ra đã có nhiều tổ chức hình thành nhưng chưa thấy một tổ chức nào quy tụ được đông đảo dân Việt Nam. Có thể những tổ chức đó khi được thành lập người dân chưa thoát khỏi sự sợ hãi ám ảnh cố hữu để rồi những kêu gọi xuống đường tại gia, mời gọi hưởng ứng những chiến dịch mặc áo trắng, tẩy chay bầu cử quốc hội nhằm chống lại chính quyền không được hồi đáp. Không khí đấu tranh thật sự khởi sắc sau những đêm đốt nến cầu nguyện của Giáo xứ Thái Hà, tiếp theo là biến cố Blogger Điếu Cầy Nguyễn Văn Hải bị bắt và bị kết án. Các blogger trong nhóm Nhà Báo Tự Do đã can đảm xuống đường, một trong những lần xuống đường công khai từ sau 1975, vì lý tưởng đấu tranh của họ ĐCSVN không thể nào chà đạp chụp mũ được khi họ đấu tranh cho lãnh hải và lãnh thổ Việt Nam bị Trung cộng xâm lăng. Sau Anh Hải Điếu Cầy, nhiều người khác đã lao vào đi đầu cuộc đấu tranh chống Trung Quốc và hiên ngang can đảm lãnh nhận những bản án vô nhân của ĐCSVN cho dù đảng không muốn làm thế, không phải vì họ có lương tâm và có trách nhiệm với dân tộc nhưng đảng đã sợ. Những bản án dành cho các bạn trẻ chống Trung Quốc đã khơi dậy sự chia rẽ trong nội bộ đảng, gây hoang mang lo lắng trong quân đội, làm cho nhiều cán bộ cộng sản phải dè dặt nghĩ lại...
Những tổ chức chính trị sau này được khai sinh tại Việt Nam như Con Đường Việt Nam đã chưa được hưởng ứng vì bối cảnh hình thành tổ chức có nhiều khúc mắc, người đứng đầu lãnh đạo phong trào còn ở trong tù, mọi sinh hoạt do nhiều cá nhân khác đảm nhiệm như một sứ giả hay phát ngôn viên của phong trào.
Mới đây nhất là dự định thành lập Đảng Dân Chủ Xã Hội do ông Lê Hiếu Đằng khởi xướng đã làm tuôn đổ không ít mực và giấy qua nhiều bài viết trong đó các tác giả không che dấu được niềm hy vọng có một đảng chung cho nhiều người tham gia nhưng nhiều vấn đề , nhiều dấu hỏi chung quanh tổ chức mới và nhóm người khởi xướng đã được cân nhắc thận trọng đặt ra. Như con chim bị bắn hụt thấy cành cây cong đã hoảng sợ, một đảng chính trị đối lập được hiên ngang thành lập ngay trước mũi ĐCSVN là một điều bất thường. Ông Lê Hiếu Đằng và nhóm người của ông còn nhiều thời gian để minh chứng sự chính đáng, lương thiện và mục đích đấu tranh vì tiền đồ dân tộc của đảng DCXH tuy rằng chưa có thông báo nào chính thức.
Mọi người, mọi tấng lớp nhân dân Việt Nam đang khao khát trông chờ một chính đảng đứng về với dân tộc và vì dân tộc. Tất cả đều đồng ý muốn đánh tan tập đoàn cộng sản độc tài phải cùng đoàn kết đứng chung một chiến tuyến có tổ chức. Thời điểm như đang đến gần.
Tổ chức chính trị nào có thể quy tụ toàn dân.
Một chính đảng, một phong trào được phát động thành lập bởi những đảng viên cộng sản phản tỉnh yêu nước sẽ phải chờ một thời gian dài và rất lâu để mọi người nhìn rõ mục đích đấu tranh của họ là vì một dân tộc dân chủ trong chiều hướng đa nguyên, đa đảng để tránh những ám ảnh của một sự “lột xác” hay “thay màu”.
Những tổ chức yêu nước tự phát qua những nhóm nhỏ tại VN đang làm đau đầu chính quyền chưa thể quy tụ đoàn kết với nhau để tạo thành sức mạnh lớn của một chính đảng đối lập. Họ đang đấu tranh luồn lách dựa theo luật và hiến pháp của chính quyền cộng sản với phương châm “luật không cấm thì dân có quyền làm”. Với cách này, phần nào họ được an toàn hơn trước móng vuốt và sức mạnh của chế độ. Đây là một trong nhiều nguyên do giải thích vì sao các phong trào đối lập tại VN chưa hoặc không dám liên kết với các tổ chức chính trị hải ngoại.
Các tổ chức chính trị đấu tranh cho dân chủ VN ở hải ngoại có rất nhiều và quy tụ không ít những người có bản lãnh và lòng yêu nước, nhưng họ không vượt qua được biên giới thật của VN để có mặt và đồng hành cùng dân tộc, cùng chia sẻ tù đày, đánh đập, khủng bố với anh em đấu tranh trong nước. Hơn nữa với tư cách công dân mang quốc tịch của một quốc gia nào đó ngoài VN đã hạn chế nhiều mặt trong công cuộc đấu tranh dân chủ. Nếu nghĩ rằng muốn đánh thắng cộng sản chỉ cần chửi nhiều, viết nhiều hay có một dự án chính trị lý tưởng chưa là điều kiện ắt có và đủ cho công cuộc đấu tranh đi đến thành công. Một điều rất rõ là các tổ chức dân chủ hải ngoại có một sức mạnh rất lớn và giữ một vai trò quan trọng trong sự thành công của cuộc đấu tranh cho một VN dân chủ mặt khác hải ngoại là nơi lý tưởng để đặt “căn cứ”.

Một giải pháp lý tưởng?

Để có một chính đảng công khai có đủ sức mạnh đối đầu với chính quyền cộng sản VN, điều kiện tất yếu đầu tiên là tất cả mọi người, mọi tổ chức trong và ngoài nước đoàn kết với nhau đứng chung một thuyền và cùng hoạt động chung theo một chiến lược có tổ chức. Cơ hội và vận may của đất nước chỉ đến khi những người lãnh đạo các tổ chức đối lập tìm cách liên kết trao đổi với nhau không kể là người của chế độ nào, của đảng phái nào hay có một quá khứ như thế nào để thành lập một chính đảng chung cho mọi người trong giai đoạn đấu tranh đánh đổ ĐCSVN.
Tại sao chính đảng đó không phải là Đảng Dân Chủ Xã Hội nhưng thành phần lãnh đạo và tham gia không chỉ là nhóm 20 người của ông Lê Hiếu Đằng, của những đảng viên cộng sản phản tỉnh mà là của nhiều người, nhiều giới, nhiều tổ chức gộp lại dưới sự lãnh đạo của một nhóm người đại diện của những tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Cương lĩnh và dự án chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên rất phù hợp với một tổ chức quy tụ nhiều thành phần có những quá khứ và lập trường đối kháng dị biệt như thế trong tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc trong giai đoạn đấu tranh cam go bằng sự ôn hòa tránh đổ máu. Các ông Nguyễn Gia Kiểng, Đổ Hoàng Điềm, Nguyễn Đan Quế, Hà Sĩ Phu, Lê Hiếu Đằng, nhóm 72 trí thức, nhóm liên kết các tôn giáo tại VN, nhóm 8406 và còn rất nhiều cá nhân và các phong trào sao không bước thêm một bước nữa để nắm tay nhau đi trước trong công cuộc đấu tranh trong đoàn kết, lấy vận mệnh tương lai của đất nước làm mục đích duy nhất.
Đảng DCXH với hình thái, mục đích và tổ chức như thế hay một danh xưng nào khác cần sự cộng tác chân tình và dấn thân của những trí thức yêu nước trong và ngoài nước. Cuộc chiến đấu càng cam go, chiến thắng càng huy hoàng, chỉ sợ rằng mỗi người trong chúng ta không vượt qua được cái tôi, đảng tôi, nhóm tôi để cùng kề vai đấu cật chia sẻ chung sứ mệnh đưa dân tộc thoát khỏi sự cai trị độc tài bất nhân của ĐCSVN.
Bắc Trung Nam

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"