Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Rất cần thiết có đảng đối lập

Phương Quỳnh
Mấy hôm nay, trên mạng xã hội dồn dập có nhiều ý kiến phản biện lại bài viết trên tờ Quân đội Nhân dân của tác giả Trọng Đức về bài “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh…” của nguyên Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP HCM Lê Hiếu Đằng.
Còn nhiều bài khác (Màn tung hứng vụng về, Kiến nghị lỗi thời nhận thức sai lệch), cũng trên tờ Quân đội Nhân dân, phê phán ông Lê Hiếu Đằng, tựu trung các tác giả muốn duy trì sự độc đảng toàn trị. Các tác giả này cũng đã nhận được nhiều phản biện khác.
Sau đây tôi có vài suy nghĩ về vấn đề liên quan tới đảng đối lập mà ông Lê hiếu Đằng nêu ra.
Theo tôi, việc có đảng đối lập (đối thoại ôn hòa, bất bạo động) để giám sát quyền lực, chỉ ra những sai lầm của đảng cầm quyền, là vô cùng cần thiết.
Trong quá khứ, nếu chủ trương Cải cách ruộng đất mà có các đảng đối lập được hoạt động hợp pháp, được quyền tham gia ý kiến và được quyền giám sát đảng cầm quyền, thì sai lầm về CCRĐ đã không xảy ra. Các đảng Dân chủ và Xã hội lúc bấy giờ không phải là đảng đối lập, không có tiếng nói nào có trọng lượng đối với đảng Lao động VN.
Hiệp định biên giới trên đất liền mà Việt Nam ký với Trung Quốc cho tới nay vẫn gây nhiều thắc mắc cho nhân dân VN.

2/3 thác Bản Giốc (phần mà hiện nay thuộc Trung Quốc và họ gọi là thác Đức Thiên) trước đây theo công ước Pháp-Thanh thuộc về ai? Phần đất biên giới thuộc mục Nam Quan sau ký kết bị lùi về phía Việt Nam bao nhiêu mét? Điểm cao 1509 (Núi Đất thuộc Vị Xuyên, Hà Giang), một vị trí rất quan trọng về mặt quân sự trước kia thuộc Việt Nam, sau cuộc chiến biên giới lần thứ hai (1984-1991) thuộc về ai? Sau ký kết hiệp định biên giới, hiện nay Núi Đất thuộc về ai?
Tất cả những thắc mắc đó đều không được chính phủ giải thích rõ ràng.
Nếu có đảng đối lập được quyền giám sát đảng cầm quyền, nếu có báo chí tư nhân được hoạt động hợp pháp thì chắc chắn những thắc mắc đó được giải đáp và nếu có sự mất đất của Tổ quốc thì sẽ xác định được trách nhiệm thuộc về ai?
Bộ Chính trị đề nghị Hội nghị Trung Ương Đảng xem xét đề nghị kỷ luật mình về tình trạng điều hành yếu kém khiến đất nước rơi vào tình trạng bi đát hiện nay và đề nghị kỷ luật một ủy viên Bộ Chính trị, nhưng Ban Chấp hành Trung Ương sau khi xem xét nghiêm túc đã quyết định không kỷ luật ai hết.
Nếu có đảng đối lập được hoạt động hợp pháp và báo chí tư nhân được hoạt động hợp pháp thì vì trách nhiệm của ĐCSVN lãnh đạo toàn xã hội VN, chắc chắn quyết định kỷ luật hoặc không kỷ luật phải được đưa ra thảo luận trước Quốc hội (mặc dù trong Quốc hội có tới 90% đảng viên) chứ không phải chỉ ở Hội nghị Trung Ương Đảng, đại diện cho các đảng viên chỉ chiếm 3-4% dân số VN.
Trong đợt góp ý sửa đổi Hiến pháp, ông Phan Trung Lý nói là không có vùng cấm, kể cả góp ý về điều 4, nhưng những ý kiến khác với dự thảo liên quan tới điều 4, với việc quân đội trung thành với ai, không được thảo luận rộng rãi trên truyền thông nhà nước, và đặc biệt hơn nữa Tổng bí thư lại nói những ai muốn xóa bỏ điều 4 là “suy thoái”!!!
Các góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp của 72 nhân sĩ trí thức, góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp của Hội đồng Giám mục Công giáo đều không được phổ biến trên hệ thống báo chí truyền thông nhà nước.
Nếu có đảng đối lập được hoạt động hợp pháp, có quyền giám sát đảng cầm quyền, nếu có báo chí tư nhân được hoạt động hợp pháp, thì chắc chắn những góp ý của 72 nhân sĩ trí thức và của Hội đồng Giám mục sẽ được công khai mổ xẻ, thảo luận rộng rãi để tìm ra những điều hợp lý và không hợp lý, góp phần hoàn thiện bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp theo đúng nguyện vọng của nhân dân.
Còn rất nhiều vấn đề quan trọng khác mà tôi không thể kể hết như việc cho thuê rừng 50 năm ở biên giới, cả ở Cà Mâu (như ông Lê hiếu Đằng đã nêu) mà người VN không được vào, vấn đề Bô xít Tây nguyên, vấn đề xét xử các vụ án tuy thông báo là công khai, nhưng nhân dân không được tham dự, v,v… tất cả đều thuộc trách nhiệm lãnh đạo của ĐCSVN.
Nếu có đảng đối lập, nếu có báo chí tư nhân thì sẽ có mổ xẻ công khai trên báo chí về những vấn đề ấy.
Các bài phê phán ông Lê Hiếu Đằng đều né tránh các sai lầm cụ thể của ĐCSVN, trách nhiệm to lớn của ĐCSVN trước dân tộc VN về các sai lầm đó. Để bảo vệ quan điểm khẳng định sự độc quyền lãnh đạo của ĐCSVN, nhiều tác giả lập luận Đảng có công giải phóng đất nước khỏi thực dân Pháp, Mỹ, nên bây giờ sự lãnh đạo của Đảng là tất yếu.
Nhưng nên nhớ rằng công lao ấy thuộc về nhân dân, thuộc về những người lãnh đạo của thế hệ trước. Còn tình trạng đất nước bi thảm như hiện nay thì lại thuộc về trách nhiệm của những người lãnh đạo hiện nay.
Trong lịch sử, thời Lê sơ, vua Lê Lợi có công đánh đuổi giặc Minh thì việc nhân dân suy tôn vua Lê Lợi là tất yếu. Đến cuối thời Lê Trung hưng, vua Lê Chiêu Thống chạy sang Tàu cầu viện nhà Thanh chống Tây Sơn thì liệu ai có thể chấp nhận việc suy tôn vua Lê Chiêu Thống?
Để kết luận, tôi thấy việc có đảng đối lập, đấu tranh bất bạo động (không đổ máu) để giám sát đảng cầm quyền là cần thiết và ĐCSVN nên chấp nhận sự giám sát này.
Hơn nữa, ĐCSVN cần phải chấp nhận tiếng nói công khai của người dân phân tích những đường lối, chủ trương có thể sai lầm của mình.
Do đó, cần xét lại việc cấm ra đời báo chí tư nhân, nên sửa lại nghị định 72 về quản lý Internet để người dân có thể công khai phản biện đường lối chủ trương có thể của ĐCSVN.
P.Q.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"