Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Hiểu về ông Lê Hiểu Đằng từ đằng nào?

Bùi Văn Bồng
Luật gia Lê Hiếu Đằng
Đọc bài: Thư gửi anh Lê Hiếu Đằng – “Đằngấy… đằng mình” của TS. Hoàng Văn Lễ, đăng trên báo Sài Gòn giải phóng ngày 26-8, tôi thấy một bức thư được ‘báo chí hóa’, lời lẽ có vẻ nhẹ nhàng, khuyên can, không nặng về đấu lý mà phân tích giảng giải làm rõ sự khác biệt về quan điểm, cách nhìn và cách xem xét, đánh giá thực trạng đất nước, về chính trị-xã hội hiện nay. Theo tôi, trong bất cứ trường hợp nào cũng không nên dùng cụm từ "bất đồng chính kiến", vì nó tối nghĩa, đã là chính kiến là nhận thức, nhãn quan của mỗi người, khó mà ai giống ai, và nó luôn luôn vận động, nó là bất định, có thể thay đổi ngay trong mỗi người tùy tác động khách quan và cả chủ quan.
Bất đồng chính kiến không phải chỉ với thế chế, cơ chế, với người khác mà đó cũng là mâu thuẫn nội tại trong tư duy từng cá nhân - đó là chuyện bình thường! Chính K.Marx cũng nói: "Con người, cuộc sống là sự tổng hòa các mối quan hệ xã hội"; rặng: "Con người là một thực thể tự nhiên, vừa là thực thể xã hội, đồng thời là chủ thể cải tạo hoàn cảnh". Dù dưới hình thức nào thì bài "Thư gửi..." cũng coi là bài báo phản biện, cũng mang tính ‘bút chiến’. Chính cách diễn đạt cũng như rút tít bài báo  này đã gợi cho tôi suy nghĩ: Hiểu về ông Lê Hiếu Đằng từ đằng nào”.


Ở đây, tôi muốn nói một điểm rất chung là hiện nay xã hội Việt Nam ta chưa thực sự yên tâm để khẳng định là “ổn định chính trị”. Dù trong báo cáo chính trị, các nghị quyết của đảng mấy nhiệm kỳ qua đánh giá rất tự hào, coi đó là thành tích lãnh đạo của đảng, nhưng có “ổn định chính trị” thực sự (theo đúng nghĩa của chính cụm từ này) hay không thì ai cũng rõ. Khác nhau là nói như thế nào, diễn đạt như thế nào, nói ra hay chỉ im lăng để ‘biết vậy thôi’. Là người thuộc tầng lớp trí thức đi theo cách mạng, vào đảng, đi theo đảng đã 45 năm, nay vào tuổi 71 rồi, ông Lê Hiếu Đằng có ‘trở cờ”, có phải là một đảng viên đã bộc lộ quay ngoắt trở thành kẻ phản đảng, phản dân hại nước? Có lẽ nhận định, đánh giá là đúng thế, TS. Lễ mới viết: Ông Lê Hiếu Đằng  bị lung lay, dao động đi đến phản bội mục tiêu, lý tưởng, con đường cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam… nói năng rất liều mạng, tư duy có sâu sắc chi đâu,  trở thành ‘nhà bất đồng chính kiến’, bắt đầu hoạt động chống Đảng… tự huyễn hoặc mình,… mắc mưu những kẻ thọc gậy bánh xe đầy ác ý”. 

Tôi tán thành (tuy không toàn bộ) Lời tòa soạn báo SGGP đã  ‘phi lộ’ đầu bài: “Những quan điểm trên vốn đã xuất hiện đầy rẫy trên các diễn đàn, được một số cá nhân và tổ chức khoác lên chiêu bài “dân chủ”. Điều đáng nói ở đây, ông Lê Hiếu Đằng là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; đã từng tham gia phong trào học sinh - sinh viên chống chiến tranh tại Sài Gòn từ trước năm 1975; đã từng tham gia xây dựng TPHCM, xây dựng đất nước một cách tự nguyện, lại có thể phủ nhận mọi thành quả của cách mạng Việt Nam, nhìn nhận qua lăng kính cá nhân một cách phiến diện, ấu trĩ và lệch lạc. Đáng lẽ ra, nếu thật sự tâm huyết với đất nước, ông Lê Hiếu Đằng phải cùng chung tay với Đảng để xây dựng đất nước ổn định, hòa bình, phát triển”… Tuy vậy, cần coi lại cho kỹ những đánh giá mang tính áp dặt cho ông Lê Hiếu Đằng là ‘chiêu bài dân chủ’, ‘phủ nhận mọi thành quả của cách mạng’…đã chính xác hay chưa? Theo tôi, những dẫn liệu, phân tích, những mạnh dạn đề xuất của ông Lê Hiếu Đằng trong bài: “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh” của ông Lê Hiếu Đằng không sai thực tế xã hội, không nói trật những đánh giá về những yếu kém của Đảng, Nhà nước mà gần đây nhất là Đại hội XI và các hội nghị TW4,5,6,7 (*) đã đánh giá, mổ xẻ, có những chỗ dám nhìn thẳng vào sự thật và nhất là phát biểu khai mạc, bế mạc Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, có chăng chỉ khác ở cung độ, văn phong, diễn đạt, cách lý giải…Phải nhìn nhân thời điểm và hoàn cảnh ông Lê Hiếu Đằng viết bài này, tuổi đã cao, bệnh quá nặng, không biết sống-chết thế nào, ông không muốn mình ra đi mà còn trĩu nặng 'nợ đời'. Vì thế, ông hạ bút dùng các từ như "tính sổ", "thanh toán", ai mà chẳng thế trước khi biết mình sẽ từ giã cõi trần. Qua đó, dễ nhận ra ông là người chân chất, sóng phẳng, không việc gì mà nhiều người khó chịu, bắt bẻ, có những người thấy "bị dội", lôi từ ngữ ra chửi ông Đằng!?

Có người viết bài chỉ trích, phê phán gay gắt ông Lê Hiếu Đằng về những 'suy nghĩ' trên giường bệnh, và nói rằng ông Lê Hiếu Đằng không tỉnh táo, có sự hồ đồ, vội vàng, nhìn nhận phiến diện… Nhưng chính những tác giả viết các bài báo để phản biện, bút chiến ấy có nhìn lại xem mình có hồ đồ, vội vàng, ấu trĩ, một chiều và áp đặt quá mức cho ‘đối tượng phản ánh’ hay không?
Thế nên, đúng là trước “sự kiện” này, mọi người cần đứng từ đằng nào, góc độ nào, cái tâm và cái tầm nào để hiểu, đánh giá về động cơ cũng như những ý kiến thẳng thắn, trung thự của ông Lê Hiếu Đàng cho đúng.
Bị bệnh nặng, lo đối phó, chịu đựng với “con bệnh” nhưng ông Lê Hiếu Đằng đã viết một bài tới trên 7.000 chữ như thế là một nghị lực, một cố gắng lớn. Đọc kỹ, toàn bộ bài viết là lối văn phong nhẹ nhàng, ít chỉ trích, không kích động, không gay gắt, như lời góp ý xây dựng chân tình. Toát lên trong bài viết là lời tự sự, suy ngẫm, lý giải mang tính tự trào, có nét như một đoạn 'tự truyện', kể về đời tư, về các kỷ niệm công tác, giao tiếp xã hội, những thăng trầm, gay cấn, những dồn nén tâm tư, tất nhiên đều gắn với chính trị-xã hội. Bài viết cũng thể hiện tác giả trải biến nhiều, đọc và nghiên cứu nhiều, suy tư chín chắn, sử dụng tư liệu, sự việc, con người đẻ minh dẫn có chọn lọc. Đọc xong bài viết, câu đầu tiên bật lên trong đầu tôi là “Có gì mà phải ầm ĩ lên thế?, Có gì phải đao to búa lớn?".

            Gọi cho đúng tên sự vật, hiện tượng: Đã là dân chủ thì người dân thực hiện quyền dân chủ, được thụ hưởng môi trường nền dân chủ xã hội - nhân quyền; chính quyền thực thi những chính sách bảo đảm nền dân chủ xã hội một cách thực sự tốt đẹp, không có cái lối suy diễn rồi ném vào mọi sự cái cụm từ tưởng như 'ní nuận' là "lợi dụng dân chủ". Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lợi dụng đồng tiền, lợi dụng lòng tin, tình cảm...chứ dân chủ thì lợi dụng sao được? Nhân cái gọi là "sự kiện Lê Hiếu Đằng", "sự kiện kiến nghị 72"..., những tác giả viết bài cứ tìm cách nâng quan điểm, nặng về suy diễn chủ quan, bảo thủ, thậm chí dùng các ngôn từ thóa mạ, mạt sát, miệt thị, châm chích, cố tình áp đặt, thay tòa án luận tội, thay tổ chức quy kết, tâng công và bơm kích lãnh  đạo..., thì chỉ tổ gây ra phản cảm, làm cho đọc càng coi thường tác giả đó, vì trước hết đập nào mắt bạn đọc những "chua từ học" thấy rõ làm báo mà thiếu văn hóa! Để làm rõ bản chất sự thật, phân ra phải-trái, chứng minh cho một chân lý, để bảo vệ đảng, giữ uy tín đảng không đồng nghĩa với những lớp lang chửi mất gà đã quen mồm, xấu thói! Tư duy tồn tại nhờ nghệ và mượn nghề tồn tại, chất cơ hội, thực dụng đắp dày đã khiến họ tự biến mình thành người máy có da thịt, đã làm cho nhiều người lấy "cái Ta giả đánh ngã cái Ta thật".

              Thực ra, những điều ông Lê Hiếu Đằng nêu, có phân tích mổ xẻ và đề xuất cũng không mới, không đến mức “sự kiện bất ngờ”, mà thực ra cùng ‘đồng thuận’ những suy nghĩ này các vị như tướng Trần Độ, tướng Nguyễn Nam Khánh, ông Nguyễn Văn An, ông Trần Xuân Bách, nhiều nhà nghiên cứu chính trị-kinh tê-xã hội học trong và ngoài nước có học hàm giáo sư, tiến sĩ,, nhiều nhà báo, trang mạng đã nêu lên từ lâu rồi. 
Ví du như ông Đằng viết: “Muốn có dân chủ thực sự thì phải thay đổi thể chế từ một nhà nước độc tài toàn trị chuyển thành một nhà nước cộng hòa với tam quyền phân lập: lập pháp, hành pháp, tư pháp độc lập và kiểm soát lẫn nhau. Phải có một nền tư pháp độc lập thì mới có thể chống tham nhũng hiệu quả. Cần có Quốc hội lập hiến để soạn thảo và thông qua Hiến pháp mới. Sau đó thực hiện một cuộc bầu cử dân chủ để bầu quốc hội lập pháp theo đúng các nguyên tắc mà học giả Jeane Kirkpatrick đã tổng kết: “Phải có các tính chất cạnh tranh, định kỳ, phổ thông, bỏ phiếu kín”. Đảng Cộng sản phải thông qua cuộc bầu cử tự do, bình đẳng như vậy mới trở thành Đảng cầm quyền nhà nước của dân, do dân, vì dân một cách thuyết phục”. Thế thì có gì là sai? Có gì xuyên tạc, quá đáng? Ông đã từng 8 năm giảng dạy ở trường đảng nguyễn Văn Cừ, theo tôi cách phân tích như thê slà có cơ sở lý luận và thực tiến. Đó là đè xuất với gợi ý đóng góp xây dựng đảng, đâu có “trở cờ’, quay lưng, “ăn phải bã…”?
Trong LTS của báo SGGP có đoạn: “phủ nhận mọi thành quả của cách mạng Việt Nam, nhìn nhận qua lăng kính cá nhân một cách phiến diện”  Nhưng ông Lê Hiếu Đằng viết một cách chân tình, thẳng thắn, có tính xây dựng, gợi mở mà đánh giá như vậy đã đúng chưa (?): “Tôi nghĩ trong một thời gian dài Đảng Cộng sản vẫn là một lực lượng chính trị mà không có bất cứ lực lượng nào có thể tranh chấp được. Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản cần tự tin điều đó. Dần dần các đảng đối lập sẽ trở thành một lực lượng làm nhiệm vụ như một kháng thể trong một cơ thể xã hội lành mạnh. Nếu xã hội không có lực lượng đối lập mà cứ duy trì thể chế "toàn trị độc đảng" thì tham nhũng, cửa quyền, xâu xé giữa các nhóm lợi ích đang kết nối với quyền lực thành một thế lực mafia khuynh loát toàn bộ hoạt động xã hội, đẩy đất nước vốn đang lâm vào cơn bạo bệnh trở nên vô phương cứu chữa, chỉ còn chờ chết mà thôi”. 
Phân tích như ông Đằng là có cơ sở khoa học lý luận, có lý và sát thực tế. 


Ông giãi bày nỗi niềm: “Nhà văn Nguyễn Khải đã nói: “Khi đọc cuốn Bàn về tự do của Stuart Mill thì vỡ ra nhiều vấn đề”, và cuốn sách đó khơi nguồn cảm hứng cho ông viết bài tùy bút để đời: Đi tìm cái tôi đã mất. Nguyễn Khải đã nhìn lại những gì mà ông đã trải nghiệm một cách sâu sắc với một giọng văn nhẹ nhàng không hàm hồ nên rất thuyết phục. Đây là quyển sách đã đi sâu vào tim óc của chế độ mà không thấy các vị “phê bình chỉ điểm” (cách gọi mới đây của nhà văn Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội, đối với Nguyễn Văn Lưu cùng với một số người trong việc “bề hội đồng” bài viết của Thạc sĩ Nhã Thuyên về nhóm “Mở miệng”) nào dám phê phán, chửi rủa”.
Và, ông Lê Hiếu Đằng viết: “Con người khác con vật ở chỗ là có tự do. Tự do là thuộc tính của con người. Không có tự do thì con người chỉ là một đàn cừu (như cách Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu nói). Không có tự do thì không thể có khoa học, văn học, nghệ thuật, báo chí… thật sự. Do đó Hiến pháp 1946 đã qui định những quyền tự do của con người. Đó là vấn đề quyền con người. Nhưng giờ đây chế độ toàn trị đã phản bội lại Hiến pháp đó, tước đoạt tất cả các quyền cơ bản mà Hiến pháp 1946 đã ghi, vất bỏ Tuyên ngôn Nhân quyền và nhai đi nhai lại luận điệu mỗi nước có hoàn cảnh riêng, có vấn đề nhân quyền riêng để lấp liếm cho sự phản dân chủ, phản tiến hóa của họ. Họ không biết rằng đó là quyền cơ bản và phổ quát mà loài người đã đấu tranh qua nhiều thế hệ mới có được”…
Nếu như theo ý muốn, theo đà phản biẹn mà đưa những câu chữ trong Thư của TS, Hoàng Văn Lễ “so găng” với bài Suy nghĩ…” của ông Lê Hiếu Đằng thì còn rất nhiều, có thể viết “tràng giang đại hải” nhiều kỳ. Để kết lại bài trao đổi công khai này, tôi chỉ trích dẫn cái động cơ mà ông Lê Hiếu Đằng đã bộc bạch: “Bài viết này cũng là để trải lòng với bạn bè, đồng đội và những nhân sĩ trí thức, các văn nghệ sĩ, các bạn thanh niên, sinh viên, học sinh mà tôi đã quen hoặc mới quen, để khẳng định một điều: với lòng tự trọng của một công dân một nước có lịch sử hào hùng chúng ta phải hành động. Không nên ngồi tranh luận với nhau về sự đúng, sai khi chọn lựa đứng bên này hay bên kia. Vì thật ra cả một bộ phận loài người trong đó có người Việt Nam khát khao với một xã hội tốt đẹp hơn, chống lại cái ác, cái xấu nên đã có thời gian dài nuôi ảo tưởng về đường lối xã hội chủ nghĩa theo mô hình xô viết Stalin của Đảng Cộng sản.Trước đây chúng ta chưa có đủ điều kiện, dữ liệu để nhận thức một số vấn đề sống còn của đất nước nhưng hiện nay tình hình trong nước và trên thế giới đã thay đổi, vì vậy chúng ta phải nhận thức lại”.

Theo ông Đằng: “Hiện nay là cuộc đấu tranh trên thế giới về dân quyền, dân sinh, dân chủ, tự do, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường. Nghĩa là đây là cuộc đấu tranh quyết liệt cho con người, vì con người chống lại các thế lực phản động đang âm mưu nô dịch nhân dân, phá hoại môi trường vì những lợi ích kinh tế ích kỷ của các tập đoàn, lũng đoạn nhà nước” 
Trước đó, ông Lê Hiếu Đằng nhớ lại những kỷ niệm và tự sự: “Về anh Nguyễn Ngọc Phương – người phụ trách tôi sau này bị địch bắt, đã hy sinh trong tù năm 1973. Năm ngoái, nhân ngày giỗ anh, tôi có kể lại việc mỗi lần sinh hoạt với tôi xong anh đề nghị tôi hát bài “Trăng mờ bên suối” của Lê Mộng Nguyên. Hát xong tôi hỏi anh: “Anh là bí thư Đảng ủy sinh viên mà sao thích bài hát ướt át quá vậy?”. Anh cười buồn và nói: Chúng ta chiến đấu xét đến cùng là vì con người. Nhưng bài hát đó viết rất hay về con người thì sao mình không thích được!”. Và:  “Sau 1975, không khí vui vẻ, sum họp của những ngày đầu đã tạo hứng khởi để nhạc sĩ Văn Cao làm bài “Mùa xuân đầu tiên” với điệu valse dìu dặt. Nhưng tội nghiệp cho Văn Cao đã ngây thơ tin rằng Từ đây người biết yêu người, từ đây người biết thương người, từ đây người biết quê người…”.
Với những bài viết, ý kiến của ông Lê Hiếu Đằng, tôi nghĩ: Một người đã suốt đời đóng góp, có lúc như xả thân đi theo đảng, theo cách mạng, với 45 tuổi đảng như ông Lê Hiếu Đằng không dễ mà bỗng chốc "trở cờ", "phản bội" nhân dân, đi ngược lại lợi ích nhà nước, dân tộc. Còn khi đảng sai, biểu hiện suy thoái, biến chất, vai rò lãnh đạo bị mất thế, bị hạ bệ rất nhiều so với những  thời kỳ trước đây, đảng yếu kém mặt này mặt kia, thì mạnh dạn xây dựng đảng. Đó là thực thi nhiệm vụ của một đảng viên, đó là chủ đích rất khách quan, biện chứng: "Xây phải đi kèm với Chống",  như quan điểm đề cao phê bình, tự phê bình, coi phê bình,tự phê bình là vũ khí sắc bén của đảng, quan điểm "muốn đổi mới đất nước nhanh,mạnh, hiệu quả cao phải dám nhìn thẳng vào sự thật, phải thực sự dân chủ". Những đề xuất, kiến nghị của ông Lê Hiếu Đằng cũng là ý nguỵện  chung của những đảng viên chân chính, trung kiên và toàn dân. Việc đề nghị lập một đảng đối lập từ lâu đã có nhiều ý kiến đề xuất công khai, theo hình thức chế độ đa đảng cũng là tạo động lực mới, mô hình, đối tượng, cái biến cách thức mới theo dòng thời đại và xu thế phát triển chung, có thêm đối trọng chung mục tiêu, mục đích vì dân, vì nước để cải biến xã hội như nhiều nước đã thực thi có hiệu quả. Nếu vì thế đưa ra đánh giá, quy chụp ông Lê Hiếu Đằng "chống đảng" thì là áp đặt, vội vàng và quá chủ quan. Đảng hiện thời của ông Putin, ông Obama, bà Thử tướng Thái Lan,... Đảng Nhân dân CM Campuchia ngay sát nách nước ta vừa qua thắng thế, đâu có ngán "đa đảng", vấn đề là đảng phải thể hiện được vai trò lãnh đạo đất nước, thực sự được lòng dân. Ông Hunsen chấp nhận lãnh đạo, điều hành đất nước trong mô hình cạnh tranh đa đảng có phải là chống lại người "cha đẻ" là đảng CS Việt Nam hay không? Hay cũng là một kiểu "hiện đại hóa" sự lãnh đạo của đảng? Không chấp nhận cạnh tranh, "sợ ra gió" vô hình trung tự nhận mình yếu! Giả như trong nhu cầu xã hộ đặt ra và trong tình huống nhiều đảng, (tôi không thích dùng từ đối lập, nên  gọi là cạnh tranh lành mạnh) mà đảng Cộng sản chứng minh được tính hơn hẳn về uy tín , tầm cỡ lãnh đạo thì càng vinh quang chứ sao?

             Tôi có một câu chuyện khó quên: Năm xưa, phong trào HTX Nông nghiệp đang rầm rộ, làng tôi có một cậu thanh niên tay cầm bó lạt, tay cắp nón đi trên bờ đê hát nghêu ngao: "Hôn nay ta vào hợp tác, mai ta lại ra hợp tác, anh em ta không phải người nhác...". Thế là liền bị công an mời lên xã nẹt cho một trận. Có gia đình xã viên ngỏ ý xin ra HTX, liền bị quy tội phản động "chống đảng, chống nhà nước". Nhưng chỉ hơn hai năm sau, phong trào HTX vốn được coi phù hợp một thời, bị vỡ, tự tan rã, không biết phản động nào mà "phá" giỏi thế?
Thế nên, như phần đầu bài viết đã nêu: Trước “sự kiện chính trị” bị coi là không bình thường này, trong thực trạng, bối cảnh, hiện tình đất nước, trước nhiều mối “đe dọa sự tồn vong của đảng, của chế độ” (như  phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng), trước “hiện tượng suy nghĩ” như Luật gia, đảng viên kỳ cựu Lê Hiếu Đằng, chúng ta nên đứng từ góc độ, động cơ nào đểHiểu về ông Lê Hiếu Đằng từ đằng nào cho đúng bản chất vấn đề, sự việc và con người.?!
BVB

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"