Huỳnh Ngọc Chênh
Trang Ba Sàm tổng kết, đến hôm nay (29.8) đã có 18 bài viết trên hệ
thống truyền thông độc quyền của đảng, phản biện lại việc "tính sổ cuộc
đời" của ông Lê Hiếu Đằng và việc ông hô hào lập đảng mới để lành mạnh
hóa hoạt động chính trị, để xây dựng xã hội dân sự và tiến đên dân chủ
hóa đất nước.
Bài viết thì nhiều nhưng luận điệu phản biện thì giống hệt nhau,
nghèo nàn và xơ cứng, đi lại cũng hô các khẩu hiệu: Con đường đi lên
CNXH là chọn lựa duy nhất của dân tộc VN, đảng độc quyền lãnh đạo là tất
yếu lịch sử, đảng đưa đất nước đi từ thắng lợi nầy đến thăng lợi khác,
xương máu của hàng triệu đảng viên (?) góp phần làm nên thắng lợi nên
đảng đời đời độc quyền lãnh đạo là đương nhiên, dân chủ VN theo kiểu của
VN, dân chủ và nhà nước pháp quyền không cần đa nguyên, đa đảng sẽ đưa
đến bất ổn chính trị và rối loạn xã hội...Rồi trên cái nền khẩu hiệu duy
ý chí, phản khoa học và ngược ngạo ấy, các tác giả lý luận cung đình
lại lặp lại cung cách truyền thống của những người bình dân nơi chợ búa
vẫn làm khi muốn "phản biện " đối thủ của mình: Thóa mạ, quy chụp, chửi
bới về nhân thân cũng như động cơ của ông Lê Hiếu Đằng.
Mà xuyên suốt cả cuộc đời chiến đấu và lao động trong sáng vì lý
tưởng của mình, ông Đằng đã không để lại chút vẩn cợn nào để họ bấu víu
vào đó mà bôi nhọ. Lại thêm, khi viết những lời tâm huyết là lúc ông
Đằng đang trong những ngày đối diện với cái chết không còn ham muốn gì
với danh lợi cá nhân nên không có lý do để suy diễn và quy chụp động cơ
của ông là đen tối. Cuối cùng họ chỉ biết cho rằng ông là người phản bội lại lý tưởng, phản bội đảng, là người thay lòng đổi dạ...
Điều duy nhất mà hàng lô những nhà lý luận cung đình, chuyên hay thời
vụ, quy chụp được ông Lê Hiếu Đằng là ông đã thay lòng đổi dạ, phản bội
lại lý tưởng mà ông đã theo đuổi.
Nhưng thử hỏi lý tưởng mà ông Đằng đã theo đuổi suốt cuộc đời của
mình, từ hồi trai trẻ còn cắp sách đến trường cho đến lúc gần đất xa
trời là gì?
Xem xét về những gì ông đã làm, đọc qua những gì ông đã viết, mọi
người thấy ngay rằng lý tưởng theo đuổi suốt cả cuộc đời của con người
nầy là: đấu tranh chống bất công, chống áp bức, chống xâm lược nhằm xây
dựng một đất nước Việt Nam độc lập, tự do, dân chủ, công bằng và hạnh
phúc. Đó là lý tưởng chung của hàng chục triệu người VN yêu nước, cũng
là lý tưởng của các phong trào Đông Du, Duy Tân, Việt Cách, Việt Minh...
cũng là lý tưởng của các đảng phái chính trị: Quốc Dân, Đại việt, Cộng
Sản...
Nhờ giỏi tuyên truyền, giỏi tổ chức, giỏi lợi dụng thời cơ, đảng CSVN
đã vươn lên thu phục được nhiều người rồi đi đầu công trạng trong việc
thực thi lý tưởng đã nêu. Lý tưởng đó của đảng CS phù hợp với lý tưởng
của bộ phận lớn nhân dân VN, trong đó có người thanh niên Lê Hiếu Đằng
cũng như bao thanh niên cùng trang lứa với anh ở miền Nam trước năm
1975. Một bộ phận thanh niên cũng như nhân dân miền Nam đi theo đảng CS
là vì có sự phù hợp lý tưởng của nhau hoặc tưởng rằng có sự phù hợp.
Vấn đề đặt ra bây giờ là ai rời bỏ lý tưởng đó? Đảng CS hay những người đã và sắp bỏ đảng như ông Lê Hiếu Đằng?
Dưới sự lãnh đạo của đảng CS, nước VN thống nhất trong 38 năm qua đã
có được những gì: Độc lập? Tự do? Dân chủ? Hạnh phúc? Công bằng? và Ấm
no cho toàn dân? Hãy so sánh một cách biện chứng với chính thời gian 38
năm trong thời đại thay đổi với tốc độ tên lửa chứ đừng ngô nghê so sánh
với thời điểm dừng 1975 khi trả lời câu hỏi trên.
Nhìn vào thực trạng đất nước hiện nay, ông Đằng đã đưa ngay câu trả
lời. Đảng lãnh đạo hầu như lệ thuộc vào đảng Trung Cộng từ lý luận đến
thực tiễn hành động. Đất nước thì bị đe dọa mất chủ quyền bởi vòng kim
cô "4 tốt, 16 chữ vàng" để bị kẻ thù phương Bắc bao vây trên nhiều
phương diện: Quân sự, ngoại giao, kinh tế và cả văn hóa nữa. Kinh tế thì
suy sụp, xã hội thì đảo điên, áp bức bất công khắp mọi nơi, nạn tham
nhũng thì càng ngày càng phát triển đến mức không còn cách để ngăn
chặn...
Điều gì đã đưa đất nước đi đến thực trạng như vậy? Ông Lê Hiếu Đằng
cũng như nhiều trí thức nhân sĩ trong và ngoài đảng đều có chung một
nhận định: Do đảng lãnh đạo đã liên tục mắc vào các sai lầm mà không hề
đúc kết rút kinh nghiệm để sửa sai. Từ trước đến nay đảng chưa hề có một
lời xin lỗi với nhân dân về những sai lầm của mình. Từ đó, những người
ấy nghi ngờ rằng đảng đã không còn đi trên con đường lý tưởng như ban
đầu đã chọn lựa.
Hai con đường đã không còn phù hợp với nhau. Ông Đằng, giống như
nhiều người khác, dù tuổi già sức yếu, lại không nghĩ ngơi vì phải tiếp
tục đi theo con đường lý tưởng mà mình đã chọn lựa từ thuở ban đầu.
Ông vẫn trung thành với lý tưởng của mình tại sao lại bảo ông thay lòng đổi dạ?