Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

Quảng Ngãi: Lát cắt điển hình của chủ nghĩa xã hội Việt Nam.

Trà Giang
Gần đây, tôi có một vài entry trên mục chính trị - xã hội của danluan.org về một số việc của Quảng Ngãi. Theo mục đó, nội dung của các entry đề cập đến khía cạnh chính trị nói chung, thể hiện trong lát cắt của một tỉnh, với những con người, sự kiện, hiện tượng chỉ diễn ra trong một tỉnh. Đã chính trị, trong đất nước này, ắt phải đựng chạm đến chế độ, đảng, những con người của hệ thống chính trị, và, nói to tát, những quá trình chính trị. Trong những đụng chạm ấy, có ông bí thư tỉnh ủy, có ván cờ người mà ông tham gia thiết kế, có chuyện tờ báo đảng của tỉnh tìm cách ngốn thêm tiền của dân một cách vô ích.
Ấy vậy mà trong tỉnh cũng có nhiều người đọc; thống kê của mạng cho biết mỗi entry đến hơn nghìn bạn đọc. Lại có hiện tượng in nhân bản, phát tán, trao đổi với nhau đến nỗi các vị lãnh đạo chủ chốt và các cơ quan tuyên truyền, các tổ chức đảng, các cơ quan an ninh phải vào cuộc để chỉ đạo truy tìm, xử lý cả về thông tin và kỹ thuật; cơ quan tuyên giáo của đảng phải có văn bản răn đe, cấm đoán cán bộ công chức. Đôi lúc thấy không khí có vẻ nóng lên trong cộng đồng đảng viên, cán bộ công chức, các cơ quan trong hệ thống chính trị của tỉnh.

Người ta đem Trà Giang và danluan.org ra phê phán hoặc khen ngợi, chia sẻ. Chỉ có điều những động thái đó có vài chỗ chưa phù hợp lắm. Ấy là, người ta không biết rằng Trà Giang là bút danh, và là bút danh không phải của một người, và trên không gian mạng, thậm chí đó cũng chẳng là bút danh của ai. Mỗi entry phơi bày ra một số nội dung nào đó, được đọc, hiểu, cảm, sử dụng lại như thế nào là chuyện và quyền của người đọc, gắn với những liên hệ, quan tâm của họ với chuyện riêng của tỉnh. Tuy nhiên, và dĩ nhiên, đàng sau nội dung phơi bày đó, là chuyện chính trị của đất nước: Quảng Ngãi là lát cắt, là một mảnh điển hình mang đầy đủ những vấn đề bản chất của “chủ nghĩa xã hội” Việt Nam hiện nay.
Vùng đất này đã sục sôi từ thời kháng thuế, khất thực 1907 – 1909, tháng tám 1945, của vùng tự do từ An Tân đến Sa Huỳnh lộng gió 1945 - 1954, của phong trào học sinh đỗ tú tài bán, tú tài toàn trong chế độ cũ nhảy núi thoát ly 1963 – 1967, của Tết Mậu Thân 1968 với hàng ngàn chàng trai khỏe mạnh, chỉ sau một cái tết đã bỏ cày cuốc, sách vở đi theo “cách mạng”, chỉ với một niềm tin giác ngộ, dù bây giờ là nhầm lẫn và bị lừa, là chống ngoại xâm, chống áp bức, chống độc tài, chống bất công. Vô số trong họ đã nằm xuống mảnh đất này để làm nên chiến lợi phẩm mà ông bí thư tỉnh ủy đang hưởng hiện nay, góp phần biến nhân dân thành con tin của những người chiến thắng và sẽ cấm quyền. Khi nằm xuống với quê hương, rất nhiều trong số họ không biết gì về chủ nghĩa xã hội, về một đảng duy nhất độc quyền cai trị.
Mảnh đất này cũng chứng kiến vô kể những thăng trầm khi chiếc la bàn chính trị định hướng xã hội chủ nghĩa quay ngược 180 độ suốt 38 năm giải phóng, từ thời đảm phụ, nghĩa vụ lương thực, hợp tác hóa nông nghiệp, phá hoại đền chùa ở nông thôn, thuế siêu ngạch ở thị xã đến đổi mới tư bản hoang dã hiện nay, với không biết bao nhiêu cái bi hài của cuộc chơi cách mạng; trong đó, chỉ kể những cái xấu của chế độ cũ như hối lộ, tham nhũng đã được phục hồi ngay từ cuối năm 1975 trong các “công tác cách mạng” có liên quan đến tài sản, lợi ích của người dân, trong việc cấp bến vượt biên, cấp phép hồi hương cho Hoa kiều 1978. Nhiều cán bộ cách mạng đã vơ vét cả thùng đạn đại liên vàng ròng và hiện nay vẫn đang sống nhởn nhơ trong tỉnh, rủng rỉnh tiêu pha và đầu tư cho con cháu của nả vơ vét đó. Mấy chục năm cách mạng, mấy thế hệ con người Quảng Ngãi còn đến giờ với những hoàn cảnh, thân phận khác nhau, trong đó có những người, trước 1975, học hành chẳng ra gì, tham gia băng nhóm du côn chợ búa, thậm chí đã mon men chuẩn bị đi theo, tham gia vào bộ máy chiến tranh của Mỹ hoặc chính quyền Sái Gòn, nay đã trở thành những người cộng sản “trung kiên”, cán bộ lãnh đạo, “chính khách” trong tỉnh. Sự đời vẫn còn đó, vài chục năm nữa.
Mảnh đất này, là chủ nghĩa xã hội sau 38 năm, để mỗi buổi sáng dậy, 5 giờ, đài truyền thanh thành phố, qua hệ thống loa đến tận từng xóm dân cư, mở đầu bằng “Toàn dân… học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, và sau đó là Một cõi đi về của Trịnh Công Sơn hoặc Bông hồng cài áo của Phạm THế Mỹ, và v.v… Huề cả làng, chỉ có nhân dân và những người đã nằm xuống vĩnh viễn là không can dự gì.
Cái lát cắt gọi là chủ nghĩa xã hội Quãng Ngãi là như vậy; nó góp phần tạo nên hào khí của tỉnh oanh liệt đến mức qua hơn chục năm không tự chọn bầu được bí thư tỉnh ủy, nội bộ lục đục, đến mức trung ương phải điều động chỉ định cán bộ đâu đâu về lãnh đạo; để có người mặt búng ra sữa, nhờ hàm úy viên trung ương, lên tiếng dạy dỗ con dân tỉnh nhà.
Chính vì nói điều đó mà nghe đâu, trong một hội nghị cốt cán cấp tỉnh, ông bí thư rất trẻ đăng đàn phân tích, tranh luận với Trà Giang, gọi Trà Giang là kẻ địch với sự viện dẫn cả Mao Trạch Đông (sic), và trực tiếp kết luận ông đảng viên già tiền bối có ý kiến trong hội nghị với hàm nghĩa là suy thoái chính trị.
Hỡi ôi! Khi ông đóng vai chơi trò bí thư tỉnh ủy mà phát biểu như vậy thì cũng chỉ vì ông đang hưởng chiến lợi phẩm của các thế hệ “cách mạng” đi trước, với cái mục tiêu cũng thực dụng là “ăn cây nào rào cây ấy thôi”. Chỉ có điều, trong số những người đã đi qua các giai đoạn cách mạng đó, nay đã già yếu, bệnh tật, gần đất xa trời như ông Lê Hiếu Đằng mà chắc ông bí thư tỉnh ủy biết rất rõ, bây giờ lại muốn đi làm cách mạng một lần nữa; và dĩ nhiên, cách mạng để phủ nhận sự lãnh đạo độc tôn của Đảng cộng sản, như là một sự sử dụng bình thường cái quyền chính trị rất biện chứng về sự phủ nhận cái không còn phù hợp. Phủ nhận đảng là còn tôn trọng, còn thể hiện thái độ sòng phẳng, văn minh; đó chưa phải là sự chửi bới, khinh miệt. Chắc vì tin rằng ông bí thư cũng có cái tầm tư duy như vậy nên phong trào Con đường Việt Nam có lúc đã đưa tên ông vào danh sách mời tham gia. Dù sao, ông vẫn là bí thư của Quảng Ngãi chủ nghĩa xã hội.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"