Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

Pierre Journoud: De Gaulle và Việt Nam (1945- 1969) - Phần 1

Phong Uyên phỏng dịch
Vài lời giới thiệu: Tiến sĩ sử học Đại học Paris I Panthéon-Sorbonne, PIERRE JOURNOUD là nghiên cứu viên ở Học viện Nghiên cứu Chiến lược trường Đại Học Quân sự Pháp, đồng thời cũng là cộng tác viên nghiên cứu Trung Tâm Lịch sử Châu Á hiện đại. Cuốn sách viết về "De Gaulle và Việt Nam" dày 543 trang với 100 trang liệt kê danh sách các chú thích và các tài liệu lưu trữ trong văn khố Pháp, Mỹ, Canada... được ấn hành tháng Tư năm 2011, là công trình luận án tiến sĩ của ông. Luận án này được giải thưởng Jean Baptiste Duroselle dành cho luận án được coi là nổi bật nhất về lịch sử bang giao quốc tế Tôi xin lược dịch những đoạn chính trong cuốn sách nói về quan điểm và đường lối của De Gaulle đối với Việt Nam từ 1945 đến khi ông từ chức năm 1969. Có thể nói đường lối này vẫn được những người kế tiếp ông theo đuổi cho tới năm 1975. Nhưng cũng phải nói là cách nhìn của De Gaulle về Việt Nam đã thay đổi rất nhiều: Hồi nước Pháp mới được giải phóng năm 1945, De Gaulle vẫn còn mang nặng đầu óc thực dân và chỉ có mục đích duy nhất là bảo tồn đế quốc Pháp, muốn vậy phải canh tân và đổi mới đế quốc dưới cái vỏ Liên Hiệp Pháp và phải thoả mãn một phần nào khác vọng của các dân tộc bị trị. Phải đợi đến năm 1966 trong cuộc viếng thăm Phnom Penh De Gaulle mới trở thành quán quân của quyền dân tộc tự quyết.

Tháng 12 - 1945: một hi vọng lớn bị kết liễu?

Ngày 26-12-1945 chiếc máy bay Lockheed Lodestar trên đường bay về đảo Réunion bị rớt ở M'Baiki giữa khu rừng nhiệt đới thuộc nước Cộng Hoà Trung Phi bây giờ. Trong số 6 người tử nạn có một hoàng thân Việt Nam 45 tuổi. Vị hoàng thân này có một quá khứ lừng lẵy và óc thông minh chính trị có thể, với sự hưởng ứng của mọi người Việt, đi đến một thoả hiệp với De Gaulle để đưa nước Việt Nam ra khỏi chế độ thực dân.
Làm hoàng đế Annam từ 1907 đến 1916 dưới vương hiệu Duy Tân, hoàng tử Vĩnh San bị chính quyền Pháp đầy ra đảo Réunion khi cầm đầu một cuộc nổi loạn đòi độc lập cho đất nước mình. Trong gần 30 năm bị đầy ải, sống một cách khiêm nhường với số tiền trợ cấp ít ỏi và một nguồn đam mê là ngành vô tuyến điện. Khác với vua cha, hoàng đế Thành Thái (1889-1907), cũng bị Pháp truất phế và đưa đi đầy cùng với con, Vĩnh San không vứt bỏ văn hoá Pháp và cũng không chịu thoái vị nên vẫn là vị hoàng đế cuối cùng hợp pháp của Việt Nam. Nhờ giỏi về vô tuyến điện nên Vĩnh San đã bắt được lời kêu gọi của De Gaulle trên đài BBC ngày 18-6-1940, gia nhập nhóm kháng chiến, bị chính quyền thân Đức bắt cầm tù. Khi đảo Réunion trở về với nước Pháp Tự do, thì tình nguyện ký khế ước nhập ngũ hải quân trên tàu phóng ngự lôi Léopard với chức vô tuyến trưởng. Tuy nhiều lần Vĩnh San xin ra tiền tuyến nhưng chính quyền Pháp vẫn nghi ngờ cái quá khứ quốc gia phiến loạn của ông, nên chỉ cho ông gia nhập chính thức quân đội Pháp tháng Một 1944 với chức vị chuẩn úy.
Không những Vĩnh San gặp khó khăn trong quân đội mà ngay ở bộ Thuộc địa, tổng trưởng bộ này cũng chống đối sự có mặt của hoàng thân ở Paris mặc dầu có sự can thiệp của De Gaulle. Tháng 9-45 Vĩnh San kết liễu chiến tranh với chức vị tiểu đoàn trưởng trong đội quân chiếm đóng nước Đức và được trao tặng huân chương Kháng chiến. Cũng thời gian ấy Vĩnh San cho đăng trên báo Combat (Chiến đấu) một chúc thư chính ttrị trong đó ông khởi xướng Việt Nam phải đạt được độc lập và thống nhất. Cũng vì Paris tiếp tục chống đối những đòi hỏi đó, Vĩnh San Vĩnh San đã viết trên báo này những hàng gần như là tiên tri:
"Tôi nghĩ rằng tương lai gần nhất của Đông Dương phải được đặt trên tình bạn và lợi ích chung chứ không phải trên ý tưởng ngự trị. Tôi nghĩ rằng những người mất kiên nhẫn sẽ kêu gọi sự trọng tài có vụ lợi của Trung Quốc và Mỹ. Để khỏi mất kiên nhẫn tôi nghĩ nước Pháp phải chứng tỏ thiện chí của mình... chứng tỏ bằng cách bỏ những hàng rào chia cắt Bắc, Trung, Nam..."
Vĩnh San cũng tỏ ra là có óc thực dụng chính trị khi nói thêm: "tôi thiển nghĩ làm đúng bổn phận người An Nam khi tôi tạo được trong đầu mỗi người dân quê từ Lạng Sơn tới Huế tới Cà Mau ý nghĩa của tình huynh đệ. Không cần biết là mối tương thân đó được thể hiện bất cứ dưới chế độ nào, cộng sản, xã hội, quân chủ, vương quyền. Cái cốt yếu là tránh đắt nước bị phân chia từng mảnh một.
Ngày 14-12-45 thiếu tá Vĩnh San gặp De Gaulle trình bày ý kiến của mình. Tướng De Gaulle bị ông chinh phục có vẻ chấp thuận những điểm đại cương. Không chấp nhận về hình thức sự thống nhất Việt Nam, nhưng De Gaulle cũng tạo cho Vĩnh San ý tưởng là sau 1 thời gian nhất định, Pháp sẽ chấp thuận Việt Nam đi đến thống nhất.
Theo một vài chứng nhân, cái chết bất ngờ của Hoàng thân Vĩnh San đã làm De Gaulle thất vọng một cách sâu xa, vì cái ý định bí mật của ông muốn dựa vào Vĩnh San để giải quyết vấn đề Đông Dương mỗi ngày một thêm khó khăn, bỗng nhiên trở thành mồ côi. Theo hồi ký của tưóng De Boissieu (con rể De Gaulle), thì đó cũng là một trong những nguyên nhân làm De Gaulle từ bỏ chức vụ lần đầu ngày 20-1-46?

Chọn lựa chiến tranh

Khi tướng Leclerc đến Sài Gòn tháng 10-45, De Gaulle dặn là phải phô trương sức mạnh trước khi đàm phán, nhưng cũng dặn là phải thận trọng khi tiến quân, tránh những đụng độ với người Việt. Mặc dầu 3 tuần trước khi Leclerc đến, Jean Cédile, ủy viên cộng hoà tại Nam Kỳ, quyền đại diện nước Pháp, đã cảnh báo là "các lãnh đạo Việt Nam đều rất cứng đầu về từ ngữ độc lập"; người đồng sự với Cédile nhẩy dù xuống Bắc Kỳ bị bắt. Khi được thả tháng 11, Pierre Messmer (Lnd: sau này là thủ tướng Pháp) cũng nói như vậy về sự quyết tâm của những người theo Hồ Chí Minh: "các giáo viên, thư ký sinh viên, kế toán viên, không muốn một sự nhượng bộ nào cả. Những người này đều thành thật, phần nhiều là trung trực có khi tỏ ra rất can trường, sẽ không bao giờ chịu đầu hàng cả". Messmer kết luận là chỉ có thoả hiệp với Việt Minh mới khỏi mất mặt. Cuối tháng 12-45, đến lượt Jean Sainteny cảnh báo chính phủ là sẽ có đụng độ to lớn nếu Pháp muốn tái lập chủ quyền của mình bằng sức mạnh.
De Gaulle vẫn nuôi hi vọng là khi chủ quyền Pháp được tái lập lại ở Việt Nam, Pháp sẽ có thể đàm phán trong vị thế mạnh. Để có thể thực hiện ý định chính trị của mình và bảo vệ nó khi rời bỏ chức vụ, De Gaulle biết là có thể trông cậy vào sự trung thành của những người đại diện mình. De Gaulle bênh vực đến tận cùng đô đốc d'Argenlieu, Cao ủy kiêm Chỉ huy trưởng quân đội Pháp tại Đông Dương khi ông này bất đồng với tướng Leclerc mà theo hệ thống, phải ở dưới quyền d'Argenlieu.
Đầu năm 1946, De Gaulle rời bỏ chính quyền hi vọng sẽ được mời lại. Thật ra lập trường của De Gaulle về Đông Dương cũng không khác gì những đảng phái chính trị Pháp hồi bấy giờ. Ngoại trừ một vài nhóm cực tả, ngay cả ĐCS Pháp cũng không sẵn sàng chịu tách một phần đất nào ra khỏi đế quốc. Trong một cuộc thăm dò ý kiến hồi tháng 9-45, 63% người dân Pháp vẫn muốn Pháp giữ Đông Dương.
Những người theo De Gaulle sau này muốn mọi người tin rằng De Gaulle có thể có đủ khả năng chơi "lá bài Hồ Chí Minh" nếu còn nắm quyền chính. Người ta có quyền nghi ngờ: Khi từ chức khỏi chính phủ, De Gaulle lập đi lập lại là chế độ này (Chú thích của dịch giả: đệ Tứ Cộng hoà Pháp) sẽ không cưỡng lại được với một lực lượng cách mạng nào và sẽ không tránh khỏi, nếu điều đình với Hồ Chí Minh, phải từ bỏ mọi quyền của Pháp ở Việt Nam và bỏ mặc những người dân còn tin cậy vào nước Pháp dưới "chủ nghĩa Mác-Lê và dưới sự chi phối của Moscow".
Đó cũng là lí do mà De Gaulle viện ra để khuyên Leclerc nên từ khước đề nghị của thủ tướng Paul Ramadier, tháng 11-46, thay thế d'Argenlieu. De Gaulle cho là tương lai của Lelerc không phải nằm trong những cuộc chiến ở đồng ruộng Đông Dương mà là hoạt động chính trị. Leclerc tỏ ra khá sáng suốt về chính trị Đông Dương khi quên cái hăng hái ban đầu là làm yếu Hồ Chí Minh trước khi nghĩ đến đàm phán: Được thủ tướng Léon Blum phái đi thẩm tra ở Việt Nam cuối tháng 12-46, Leclerc đưa ra ý kiến rất rõ ràng: "chống cộng sản chỉ là một đòn bẩy không có điểm tựa nếu không giải đáp được vấn đề chủ quyền quốc gia của Việt Nam".
Ngày 19-12-46, cùng một lúc với các nơi khác trên toàn thể lãnh thổ Việt Nam, 2000-25000 dân quân và quân đội Nhân dân tấn công bất ngờ khu người Âu ở Hà Nội. Nhiều người Âu bị giết hay bị bắt làm con tin. Cuộc tiến công chỉ được đẩy lui sau nhiều tuần xáp lá cà giành nhau từng khu phố một. Người ta coi đó là khởi đầu của cuộc chiến tranh Đông Dương. Chiến tranh có thể tránh được, theo sử gia Stein Tonnesson. Nhưng chắc chắn là nhiều người muốn nó xẩy ra, trong số đó có De Gaulle. De Gaulle đích thân tán thành cuộc thử lửa này và nghĩ là quân đội Pháp sẽ mau chóng làm chủ tình thế: Từ nay trở đi d'Argenlieu sẽ là người chủ cuộc, có thể mặc sức hành động và giải quyết vấn đề. De Gaulle còn sợ được tiếp nối lại sự đàm phán giữa Hồ Chí Minh và Marius Moutet, tổng trưởng bộ Hải ngoại trong chính phủ Félix Gouin. Leclerc lại vừa mới gửi thông chi cho chính phủ nói là phải từ bỏ chính sách dùng võ lực và phải thật sự cố gắng dung hoà quyền lợi Pháp và quyền lợi Việt Nam của Hồ Chí Minh mà ông cho lả một nhà quán quân về ý tưởng độc lập và một người ái quốc". Ông dặn dò lần cuối (dịch giả: trước khi chết) cao ủy Émile Bollaert là phải "điều đình với bất cứ giá nào".
Cũng thời gian đó De Gaulle lập ra đảng Tập hợp Nhân dân Pháp tháng Tư năm 1947. Rứt khoát với cái chính sách đồng hoá có từ thời cộng hoà 1848, De Gaulle đưa ra chính sách gọi là "liên kết tuần tự" với các xứ trong Liên hiệp Pháp. Tuy vậy De Gaulle vẫn lấy cớ là cần phải bảo vệ Liên hiệp Pháp và chống cộng, ủng hộ đô đốc d'Argenlieu trong việc tách rời Nam Kỳ ra khỏi Việt Nam. D'Argenlieu cho là Nam kỳ đứng về phương diện lịch sử, địa dư và kinh tế không phải là một phần đất Việt Nam và vin vào đó để phá hoại Hội nghị Đà Lạt và Fontainebleau, tạo điều kiện cho một nền quân chủ lập hiến mà De Gaulle đã nghĩ đến từ 1945 còn d'Argenlieu thì nghĩ đến cựu hoàng Bảo Đại từ năm 1946-1947. Khi được Jean Sainteny cho biết dự định đó của d'Argenlieu, lãnh sự Mỹ ở Hà Nội tiên đoán là cái đó chỉ đưa đến sự toạ lập một chính phủ bù nhìn và một cuộc chiến tranh, trái với sự mong đợi của người Pháp. Giải pháp Bảo Đại được thành hình năm 1947. Mặc dầu vẫn nghi ngờ Bảo Đại, rút cục De Gaulle cũng ngả theo lá bài Bảo Đại trong bối cảnh thế giới mỗi ngày một mang dấu ấn chiến tranh lạnh, nhất là khi cộng sản Trung Quốc toàn thắng và khi Pháp thua trận Cao Bằng.
Mãi đến năm 1953, sau khi Staline chết, tình hình thế giới mới đỡ căng thẳng. Nhưng để chống lại sự quốc tế hoá chiến tranh Đông Dương làm mọi ảnh hưởng Pháp sẽ bị loại trừ, De Gaulle mới nghĩ đến chuyện điều đình với Hồ Chí Minh. Tuy vậy De Gaulle vẫn cho là nên đặt ưu tiên thương lượng thẳng vói Trung Quốc và Mỹ. Tháng 3-54 khi chiến tranh Đông Dương đi vào giai đoạn quyết định cuối cùng với trận Điện Biên Phủ, De Gaulle đã tin chắc là "áp phe" Đông Dương coi "như là đã kết liễu", chỉ còn "kiếm cho nó một thủ tục cho đúng hình thức", "phải hiểu là Pháp không còn giữ được Đông Dương nữa, Đông Dương không còn là của mình nữa". Nhưng De Gaulle cũng coi như tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội Pháp, là Hiệp định Genève tốt hơn người ta tưởng. Những nguyên tắc về độc lập, chủ quyền và thống nhất đất nước Việt Nam, Cam Bốt và Lào được công nhận một cách long trọng. Qua Hiệp Định Genève, Pháp có khả năng giữ được ảnh hưởng mình ở miền Nam và có trhể đứng làm trung gian giữa hai miền như hi vọng của những người theo De Gaulle. Ở miền Bắc, De Gaulle cũng tán thành một "sự hợp tác về kinh tế, văn hoá và, có thể một ngày kia, chính trị". Tháng 8-54, De Gaulle khuyến khích Jean Sainteny nhận chức vụ Tổng đại diện chính phủ Pháp ở Hà Nội.
Sau khi chiến tranh Cao Ly và chiến tranh Đông Dương kết thúc, De Gaulle đổi hẳn đường lối, muốn bắt cầu với những nước cộng sản Đông Nam Á và nghĩ đến chuyện công nhận Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc. De Gaulle muốn nước Pháp có một đường lối chính trị độc lập ở Á châu và đóng một vai trò xây dựng trong sự thống nhất Việt Nam. Thật là ngoạn mục sự thay đổi lập trường của De Gaulle, một người mà từ trước tới nay vẫn được coi là thuộc phái bảo thủ đã biết vượt qua được lòng tự ái của mình! Khi đọc cuốn "Lịch sử một cơ hội hoà bình bị bỏ lỡ" của J. Sainteny, De Gaulle tự công nhận là mình đã sai lầm, đã không hỗ trợ toàn vẹn những cố gắng điều đình với Hồ Chí Minh và đã nói to với Sainteny để mọi người nghe thấy: "Thật vậy, Sainteny, ông rút cục là người sẽ có lý".

Ngô Đình Diệm lên cầm quyền chính, giữa huyền thoại và thực tại

Ngày 16 tháng 6, chưa tới 48 giờ sau khi Mendès France được tấn phong thủ tướng, Ngô Đình Diệm được Bảo Đại ủy thác thay thế hoàng thân Bửu Lộc để thành lập chính phủ. Ngay sau khi ký Hiệp định Genève, Paris đã báo cho tân thủ tướng quốc gia liên kết Việt nam là Pháp chỉ công nhận nội các mới thành lập của Ngô Đình Diệm là chính phủ hợp pháp. Vậy mà sao chỉ chưa đầy một tháng sau khi được tấn phong, chỗ nào Diệm cũng bị coi là bù nhìn của Mỹ? Hình ảnh sai lầm về Diệm đã mọc rễ trong ký ức của nhiều người, nhất là những người theo De Gaulle, khi thấy sự ủng hộ và sự hiện diện của Mỹ đi ngược lại với ý định và quyền lợi chính trị của Pháp.
Diệm không phải chui ra từ cái mũ của một thuật sĩ. Năm 1950, sống lưu vong ở Mỹ, Diệm đã nhân cơ hội tiếp xúc với giới ưu tú Mỹ, đặc biệt là với các thượng nghị sĩ John Kennedy và Mike Mansfield, với giáo sư Wesley Fishel thuộc Đại học Michigan, với cựu giám đốc OSS William Donovan và nhất là với hồng y giáo chủ Francis Spellman. Cuộc đấu tranh của Ngô Đình Diệm để thành lập một "lực lượng thứ ba" chống cộng và chống thực dân lấy được cảm tình những người này. Là một người cương quyết đòi cho được độc lập quốc gia không một chút nhân nhượng, hệt như những người cộng sản đã bắt ông và giết anh ông, Ngô Đình Khôi, năm 1945. Ông đã tạo ra được một tiếng vang khi từ chức hượng thư bộ Lại hồi còn trẻ, tháng 9-33, để phản đối sự lộng quyền của viên khâm sứ Pháp đã ngăn cản mọi dự định cải cách Ông cũng từ chối sự mời mọc của Bảo Đại khi còn chiến tranh Đông Dương vì thấy là không đủ tự do với các nhà cầm quyền Pháp. Ông là người không phải dễ để bị thao túng.
Trong tập Hồi ký của mình Bảo Đại cũng không giấu là đã có mời Diệm lãnh đạo chính phủ: "Chúng tôi không còn trông cậy vào Pháp được nữa. Ở Genève, người Mỹ là đồng minh độc nhất của chúng tôi...". Nhưng sự lựa chọn Diệm cũng có lí do chính trị đối với trong nước: quá khứ của Diệm và sự hiện diện của em ông là Ngô Đình Nhu đứng đầu Phong trào Thống nhất Quốc gia, cho phép hi vọng lôi kéo được một số người quốc gia có tiếng là triệt để.
Ở Pháp Ngô Đình Nhu được mọi người biết hơn Diệm vì theo học ở trường đại học Pháp điển (École des Chartes) và có kết nối bạn bè trong khoảng thập niên 1930 với Jacques Bénet, bạn kháng chiến của François Miterrand và là đảng viên đảng Xã hội Pháp. Qua sự trung gian của ông này, Nhu tiếp xúc với nhiều lãnh tụ đảng Xã hội và hi vọng qua những người này, ông anh lớn của mình, người mà Nhu cho là chính trực nhất, tượng trưng tinh thần quốc gia đích thực nhất, sẽ đạt được quyền hành
Trong chiến tranh, Nhu tiếp tục trao đổi thư từ với Jacques Benet và có đàm phán nhiều lần với những cộng sự viên của thủ tướng Joseph Laniel và tổng trưởng bộ Ngoại giao Georges Bidault tháng Ba 1954. Hai người này quyết định hội đàm riêng với Ngô Đình Diệm qua sự trung gian của Trần Chánh Thành và cả ba đều thoả thuận những điểm căn bản. Tuy vậy Laniel và Bidault vẫn còn ngần ngừ chưa nói với Bảo Đại. Phải đợi đến tháng 6-54 khi chính phủ của 2 ôg này có lẽ sắp bị lật đổ hai người này mới nói với Bảo Đại là nên tấn phong Diệm làm thủ tướng. Bảo Đại chấp thuận ngay.
Theo hồi ký của Alain Griotteray phụ tá chính trị đối nội Việt Nam thuộc bộ Quốc gia liên kết, người đã gặp riêng nhiều lần Diệm: "quyền lực thật sự (ở Việt Nam) hồi đó nằm trong tay chính quyền Pháp. Hoàng đế (sic) không thể bổ nhiệm Diệm nếu chính phủ Pháp chống đối. Người Pháp cũng có thể dùng áp lực tài chính đối với Bảo Đại (theo Newsweek mỗi năm Bảo Đại nhận được của Pháp số lương là 500 ngàn đô la).
Nói tóm lại sự chọn lựa Diệm là cả Pháp lẫn Việt, nhưng đó là một chọn lựa nhằm mục đích thoả mãn Hoa Kỳ. Cái trớ trêu là De Gaulle và những người thuộc phái De Gaulle chỉ giữ ở Diệm hình ảnh một "con nộm" chống Pháp được Mỹ đặt ra mà không biết là người tổng thống Nam - Việt Nam chỉ tăng tốt độ một quá trình giải thực (dân) không thể tránh được trong khi vẫn dành một chỗ quá là quan trọng cho những quyền lợi kinh tế và văn hoá Pháp ở Nam - Việt Nam.

Luận cứ De Gaulle dưới sự thử thách của các sự kiện

Cần phải trở lại nguồn gốc của sự tranh cãi ngay sau chiến tranh thứ Hai mới chấm dứt để hiểu mối oán giận của tướng De Gaulle và những người theo ông đối với người Mỹ. Trong khi oanh tạc Đông Dương trong khung cảnh của cuộc chiến tranh chống Nhật, Mỹ đã gửi nhiều đội OSS hợp tác với những nhóm kháng chiến chống Nhật để làm những hoạt động hoạt động tình báo và khuynh đảo. Vì vậy mà năm 1945 OSS cung ứng cho những người tranh đấu đòi độc lập Việt Minh khá nhiều vật liệu võ khí. Biết sự quan trọng của tuyên truyền, đồng thời cũng biết là tổng thống Roosevelt có ý muốn tách Đông Dương ra khỏi chính quyền Pháp để đặt dưới quyền giám hộ quốc tế, Hồ Chí Minh đã khéo biết khai thác sự liên kết bề ngoài này với Hoa Kỳ. Những trưởng nhóm OSS đi công tác cũng tin chắc như tổng thống của họ là chế độ thuộc địa không thể sống sót được sau khi chiến tranh kết liễu và người Pháp không thể cứ khăng khăng giữ thuộc địa trong khi người Anh, người Mỹ đang tính bỏ những thuộc địa ở Á châu. Sau khi Roosevelt chết ngày 12-4-45, Truman mỗi ngày một bận tâm về mối nguy hiểm Liên Xô ở Á châu, nên đổi hướng, quyết định đứng giữa không thiên về bên nào ở Đông Dương.
Quyết định đứng trung lập này của Truman tới quá chậm và quá thời hạn để xoá bỏ được cảm tưởng của những quân nhân và thường dân Pháp phải chịu đựng một mình cuộc tấn công của Nhật 9-3, là đồng minh Mỹ đã phản bội mình, thiên về sự thành công cướp chính quyền ở Hà Nội hơn là số phận của người Pháp. Ký ức của những người Gaullistes hồi ấy là Hoa kỳ không những không làm dễ dàng cho sự người Pháp trở lại Đông Dương, mà còn trực tiếp góp phần tăng cường sức mạnh của kẻ địch mình là Việt Minh. Chiến tranh Đông Dương chỉ làm tăng sự nghi ngờ của người Pháp đối với người Mỹ.
Bắt đầu từ 1947-1948 và nhất là sau chiến thắng của Mao tháng 10-49, một vài hữu trách chính trị và quân sự Pháp mới quyết định phải nhờ Mỹ giúp đỡ về vật liệu và tài chính. Tháng Hai 1950, sau khi công nhận các Quốc gia liên kết Việt Nam, Cam Bốt và Lào, Mỹ mới chính thức quyết định giúp Pháp. Nhưng một khi đã để cho Mỹ vào cuộc, dù có muốn chỉ nhờ Mỹ giúp đỡ về vật chất, người Pháp đã mở chốt cho một quá trình sẽ đưa đến sự phó mặc Đông Dương dưới ảnh hưởng Mỹ.
Sau Hiệp định Genève, Mỹ được thể chui vào lỗ hổng Đông Dương khiến Pháp bực tức đến cùng cực, nhất là những người thân De Gaulle. Để tránh cuộc khủng hoảng bang giao giữa Pháp và Mỹ, Pierre Mendès France chính thức công nhận thế thượng phong của Mỹ ở Đông Nam Á
Thỏa hiệp giữa tướng Ely và Collins ngày 13-12-54 bắt Pháp cam kết là phải thừa nhận sự tự chủ hoàn toàn của quân đội Quốc gia Việt Nam và đặt các cố vấn và huấn luyện viên quân sự Pháp dưới quyền trưởng nhóm MAAG (Military Assistance Advisory Group) là tướng O ' Daniel. Những huấn luyện viên Pháp được mau chóng thay thế bằng những huấn luyện viên Mỹ.

De Gaulle và nước Việt Nam của Ngô Đình Diệm: một mối liên lạc lập lờ

Bận lo giải quyết những vấn đề tế nhị và khẩn cấp từ chuyện Hiến Pháp đệ Ngũ Cộng hoà đến chiến tranh Algérie, tướng De Gaulle (chú thích: trở lại chính quyền mùa Xuân năm 1958) ủy thác cho bộ Ngoại giao và cho những tổng trưởng có liên quan trực tiếp quản lí hồ sơ Đông Dương trong việc tái phục lại ảnh hưởng Pháp và làm cân bằng lại sự hiện diện của Mỹ mỗi ngày một lớn. Ông không chống đối lại sự tăng gia những mối liên lạc với Việt Nam Cộng hoà trong khi sự bang giao với Hà Nội vẫn còn ở trong tình trạng căng thẳng mà nguyên nhân chính là các chính phủ đệ Tứ Cộng hoà trước nay vẫn dành ưu tiên cho Sài Gòn và vì chiến tranh Algérie. Tháng 11-59, tổng trưởng bộ Tài chính của De Gaulle, Antoine Pinay ký một loạt thoả ước mới về tài chính, kỹ thuật và văn hoá với chính phủ Diệm. Những tranh cãi về ruộng đất và tài chính được giải quyết trọn vẹn. Trong bức thư cám ơn thủ tướng Michel Debré, Diệm gợi ý là về phần mình, sẵn sàng làm sâu rộng mối bang giao Pháp-Việt. Tình trạng kinh tế và xã hội ở Nam-Việt Nam hồi đó đáng lo ngại, căng thẳng với Mỹ về vấn đề kinh tế mỗi ngày một lớn, viện trợ Mỹ bị các cố vấn của Diệm chỉ trích là không kiến hiệu và sau chót là Diệm thấy quyền hành của mình quá mong manh nên cũng muốn tìm ở Pháp một chỗ dựa. Sau đảo chính hụt 11-11-60 mà ngay toà đại sứ Hoa kỳ cũng không tỏ vẻ mạnh mẽ chống lại như sự mong đợi của anh em Diệm, Nhu khẳng định với đại sứ Pháp Roger Lalouette là "nếu nước Pháp muốn, giờ của Pháp đã điểm ở Việt Nam".
Để lời nói đi đôi với viêc làm, chính phủ Diệm làm dễ dàng sự nhập cảng hàng Pháp mặc dầu Mỹ ráng giấu sự không bằng lòng của mình. Trong địa hạt quân sự, Diệm cũng có vẻ chỉ trích phương pháp của các huấn luyện viên Mỹ và cho là phương pháp chống chiến tranh du kích của Pháp thích hợp hơn. Mỗi ngày Diệm một thêm bực tức về sự vụng về và ngược thời của viện trợ Mỹ, cũng như vòng cương tỏa của Mỹ mỗi ngày một quá đỗi sau cuộc viếng thăm của phó tổng thống Johnson tháng 5-61, và của tướng Taylor tháng 10-61, Diệm tâm sự với Roger Lalouette là ông muốn "cân bằng lại sự chi phối của Mỹ bằng sự hiện diện của một cường quốc thứ ba, ưu tiên là Pháp, hay Pháp cùng Anh". Quai d'Orsay (bộ Ngoại giao Pháp) biết là Diệm bất lực trước sự mất an ninh mỗi ngày một lớn, nên mỗi ngày một trở lên độc đoán, thất nhân tâm, bị cả 2 phía đe doạ: phía những người chống cộng quá khích muốn dựa vào Mỹ nhiều hơn, phía những người theo Pháp muốn dân chủ và trung lập. Nhưng bộ ngoại giao Pháp bị phó mặc, phải tự định đoạt lấy đường lối trong sự giao thiệp với Sài Gòn nên chỉ có cách đứng ở thế trung dung, thoả mãn một vài đòi hỏi của chính phủ Sài Gòn, đồng thời cũng tránh những liên lạc cá nhân quá thân thuộc...
Có lẽ cũng vì vậy mà De Gaulle tiếp tục từ chối không tiếp Diệm hay Nhu ở điện Élysée mặc dầu nhiều nhân vật Pháp có mối liên lạc mật thiết với Diệm từ trước tới nay như Marius Moutet (Tổng trưởng bộ Hải ngoại năm 1946-47), Antoine Pinay, bộ ngoại giao Pháp... Những người này tự cho mình trách nhiệm nhắc lại với De Gaulle là năm 1959 tổng thống trước De Gaulle là René Coty có ngỏ ý mời Diệm qua thăm Paris. Mùa Xuân 1960, Roger Lalouette, đại sứ Pháp, chuyển lời của phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ muốn Diệm qua thăm Pháp hay nếu không được thì cho chủ tịch Quốc hội Trương Vĩnh Lễ cũng là chủ tịch hội Pháp-Việt Nam qua thăm. Một năm sau, tổng thư ký điện Élysée trình bày lí lẽ mong De Gaulle chấp thuận cho Ngô Đình Nhu vào yết kiến trong triển vọng một cuộc thăm viếng Paris. Lí lẽ đưa ra: Ngô Đình Nhu là một người thấm nhuần văn hoá Pháp và là một người có ảnh hưởng lớn ở Nam-Việt Nam đến nỗi những người thân cận cho là đây mới là đầu não của chế độ, Diệm chỉ là ông... trưởng phòng! Về phía Nhu, Nhu cũng muốn có sự giúp đỡ của Pháp để giành lại được một chút tự do đối với Mỹ đang hăm dọa đẩy ông xa người anh để gia tăng sự giám hộ của Mỹ trên đất nước.
Nhu chỉ được vào yết kiến thủ tướng Michel Debré chưa đầy một giờ ngày 24-6-61. Khi trở về Nhu tuyên bố rất hài lòng về cuộc thăm viếng... mặc dầu gặp "kháng cự trên đỉnh". Cái kháng cự này làm Diệm buồn rầu vì Diệm là người thành thực ngưỡng mộ De Gaulle. Diệm đã có một lần tâm sự với Lalouette là ảnh hưởng của De Gaulle ở những nước trong thế giới thừ Ba vừa lớn, vừa sâu rộng, vừa lâu dài là vì De Gaulle từ chối thỏa hiệp với những sức mạnh của hỗn độn và không đứng lại ở những quyền lợi vật chất nhất thời. Nhưng nếu Diệm khen ngợi De Gaulle rất cương quyết với cộng sản ở Âu Châu, rất có óc độc lập và hợp tác với các nước nói tiếng Pháp, thì Diệm cũng rất tiếc là ở Á châu De Gaulle nhượng bộ trước tiếng kèn trung lập mà Diệm đồng hoá với một đường lối chính trị yếu ớt và với chủ nghĩa thất bại.
(còn tiếp)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"