Lan Anh
Phiên họp giải trình về trách nhiệm phòng chống tham nhũng trong cơ quan hành chính nhà nước - Ảnh: Hoàng Trang
Liên tục 2 ngày 17, 18/7, liên quan đến Phòng chống tham nhũng (PCTN)
đã có 2 cuộc họp của 2 cơ quan cực kỳ có trách nhiệm. Đó là phiên họp
thứ 3 của BCĐ PCTN TW do TBT Nguyễn Phú Trọng chủ trì ngày 17/7 và Sáng
18/7, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên giải trình “Việc phát hiện
và xử lý hành vi tham nhũng thuộc trách nhiệm của các cơ quan hành chính
nhà nước”. Có thể nói thanh âm, khẩu khí tại các cuộc họp này rất khác
nhau và vì vậy nó cũng gây cảm xúc khác nhau cho những người quan tâm
đến quốc nạn này.
Chúng ta đều biết, tham nhũng lãng phí đã được chỉ mặt đặt tên là
giặc nội xâm, là nguy cơ đe doạ sự tồn vong của chế độ và chúng ta đã
thực hiện không biết bao nhiêu chủ trương, biện pháp. Gần đây nhất là ra
nghị quyết TW4, thành lập lại Ban Nội chính TW, BCĐ TW về PCTN do TBT
đứng đầu… Nhưng tình hình nhìn chung là chưa được cải thiện, thậm chí
càng lúc càng trầm trọng với nhiều biểu hiện tinh vi, phức tạp như đánh
giá của các cơ quan chức năng. Thực tế đó, phải chăng (Chữ của TBT) là
chúng ta tiếp cận sai hướng, điều trị không đúng cách, liều lượng không
đủ mạnh để bệnh không những không được chặn đứng mà càng ngày càng nặng
thêm. Bài viết này xin được trao đổi với TBT, Giáo sư Nguyễn Phú Trọng
(Gs NPT) và các quan chức cao cấp có trách nhiệm trong PCTN như trao đổi
với các nhà khoa học về cách nhìn mới trong PCTN.
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết Quy mô các vụ tham nhũng ngày càng lớn,
6 tháng đầu năm 2013, toàn ngành thanh tra đã triển khai hàng nghìn
cuộc thanh tra về quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, quản
lý và sử dụng ngân sách… Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm 12.225 tỷ
đồng, 452 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 4.934 tỷ đồng
và 401 ha đất (đã thu hồi 2.306 tỷ đồng), xử phạt vi phạm hành chính 252
tỷ đồng; xuất toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 6.109 tỷ
đồng, 44,5 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 431 tập
thể, 819 cá nhân; đã khởi tố 116 vụ/266 bị can về tội danh tham nhũng...
Tóm lại là vô cùng lớn. Các vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện
chủ yếu ở cấp cơ sở. Số vụ việc tham nhũng phát hiện và xử lý thông qua
công tác thanh tra, kiểm tra còn ít. Quy mô các vụ tham nhũng ngày càng
lớn, thể hiện ở số đối tượng liên quan, lượng tài sản bị chiếm đoạt,
thất thoát, xu hướng liên kết, hình thành tổ chức phạm tội trong các khu
vực, lĩnh vực kinh tế ngày càng tăng, tính chất ngày càng tinh vi, phức
tạp, có sự móc nối, câu kết của nhiều loại đối tượng, với nhiều phương
thức thủ đoạn che giấu hành vi phạm tội. Tham nhũng đang diễn ra phức
tạp tại nhiều lĩnh vực “nóng” như: tín dụng, ngân hàng, quản lý sử dụng
đất đai, tài nguyên khoáng sản... (Nguồn Báo cáo của TTCP tại phiên họp
thứ 3 BCĐ TW về PCTN).
Tại cuộc họp này, BCĐ TW đã thống nhất lập 7 đoàn công tác của BCĐ để
kiểm tra giám sát tại một số ngành, địa phương; khẩn trương sửa đổi, bổ
sung quy định về các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đang thực hiện
nhưng hiệu quả thấp; chỉ đạo, đôn đốc công tác điều tra, kiểm tra, thanh
tra, kiểm toán nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các vụ án có dấu hiệu
tiêu cực, tham nhũng; cùng với đó là triển khai kế hoạch kiểm tra, giám
sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án
tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp hoặc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm…
Còn tại cuộc họp của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thì những người tham
dự đã thẳng thắn chất vấn Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh và Tổng Kiểm
toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn nhiều câu hỏi xưa như trái đất nhưng chất
chứa bức xúc đến cùng cực: “Người dân, báo chí không được đào tạo bài
bản về điều tra nhưng họ lại là những người phát hiện giúp cơ quan nhà
nước nhiều vụ việc tham nhũng”. (Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, HN);
“Nghiệm thu khống 3 tỉ đồng không khởi tố có đúng không?” (Đại biểu Đỗ
Văn Đương, TP HCM); ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) bày tỏ nghi ngại khi
báo cáo cho biết trong giai đoạn 2006 - 2011 không phát hiện ra hành vi
tham nhũng trong các ngành tài nguyên môi trường, tổ chức cán bộ. Trong
khi, theo bà Dung: “Đây là hai lĩnh vực vô cùng nhạy cảm”, với nhiều
than phiền của người dân về tình trạng nhũng nhiễu, hối lộ.
Còn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga dành cho Tân Tổng Kiểm toán Nhà
nước Nguyễn Hữu Vạn câu hỏi không thể thẳng thắn hơn về trách nhiệm của
Kiểm toán trong việc kiểm toán nhiều nhưng hầu như không phát hiện được
bao nhiêu. “nhiều thông tin, dư luận cũng cho biết hiện tượng các Kiểm
toán viên nhận tiền bồi dưỡng mà bản chất là nhận tiền hối lộ của đối
tượng bị kiểm toán để bỏ qua vi phạm trong thời gian qua là không ít. Ở
Quảng Ngãi, chỉ riêng số tiền nhận bồi dưỡng, ngoài số tiền gợi ý hối
lộ của bốn Kiểm toán viên đã là 181 triệu. Đề nghị Tổng kiểm toán cho
biết ý kiến và có cam kết hay giải pháp gì để chống tham nhũng trong nội
bộ ngành?', bà Nga hỏi.
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga (đại biểu tỉnh Thái Nguyên) Ảnh: HLong
Rất nhiều ĐBQH cũng đề nghị giải thích về chuyện quá nhiều vụ chỉ dừng ở xử lý hành chính, cảnh cáo hoặc kỷ luật. Những vụ việc được thông báo là 'đã chuyển cơ quan điều tra" cũng không nêu rõ kết cục sẽ xử lý thế nào. Bởi thế khi bị ĐB "truy", Tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn mới cho hay, trong số 5 vụ chuyển cơ quan điều tra thì 1 vụ cơ quan điều tra không khởi tố, 1 vụ trả lời là chưa rõ dấu hiệu và ba vụ thì chưa có hồi âm.
"Chuyện cơ quan thanh tra, kiểm tra phát hiện ra ít sai phạm hoặc sai
phạm mà xử chưa nghiêm cũng là nguyên nhân gây mất lòng tin trong nhân
dân về sự nghiêm minh trong đấu tranh chống tham nhũng", ông Huỳnh Nghĩa
kết luận. Vị Phó trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng cũng băn khoăn, tại sao
thống kê của các cơ quan thanh tra chủ yếu chỉ nêu các vụ việc nhỏ, dưới
cơ sở chứ không đề cập đến các vụ sai phạm lớn, đặc biệt là những vụ
việc mà Quốc hội đã từng lên tiếng.
Giải trình với Ủy ban Tư pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong
Tranh thừa nhận "chúng tôi cũng chưa hài lòng". Về việc tại sao thanh
tra nhiều mà phát hiện ít vụ.
Những thông tin từ 2 cuộc họp nói trên đã phơi bày toàn bộ thực trạng
tham nhũng và những hạn chế, yếu kém thậm chí bất lực của toàn bộ hệ
thống chính trị trong PCTN. Vì sao lại như vậy?
Trước hết, nếu chúng ta vẫn tiếp tục coi tham nhũng là quốc nạn, là
giặc nội xâm, là nguy cơ đe doạ sự an nguy của chế độ, của đất nước thì
PCTN cần có nền tảng tư tưởng và cách tiếp cận mới. Ai cũng biết tham
nhũng là phạm trù lịch sử, gắn liền với sự tồn tại của nhà nước. Còn nhà
nước thì còn tham nhũng. Và vì thế, trong chừng mực nào đấy, chúng tôi
đồng ý ý kiến của Gs NPT, khi kết luận cuộc họp trên, rằng “Đây là cuộc
đấu tranh gian nan, lâu dài, phức tạp, hết sức khó khăn, không thể chủ
quan, bằng lòng được…”. Thế nhưng nhìn vào thực tế và kết quả PCTN chúng
tôi thấy cách phát biểu đều đều, vô thưởng, vô phạt, không nhất quán
trong cơ sở lý luận của Gs NPT khiến chúng tôi nhận định, mặc dù là con
người liêm khiết, trong sạch nhưng Giáo sư rất lúng túng trong huy động
trí tuệ toàn dân tộc và kinh nghiệm của nhân loại để xây dựng, triển
khai hệ thống các biện pháp PCTN có hiệu quả. Thì đây, chúng ta cũng kê
khai tài sản nhưng ta làm không đến nơi, đến chốn. Kê khai tài sản mà
không có kiểm tra kiểm soát, kê xong gấp kín vào hồ sơ thì hết nhiệm kỳ
kê khai đó chỉ còn là tờ giấy lộn mà thôi; chúng ta cũng minh bạch công
khai nhưng chiếu lệ, nửa vời, thậm chí chỉ đến khi nhân dân, công luận
phát hiện thì mới công khai; chúng ta cũng quyết tâm xử lý trách nhiệm
người vi phạm nhưng khi bắt tay vào xem xét thì rối như tơ vò vì ai cũng
đã làm hết trách nhiệm và đúng quy trình. Thưa Gs NPT, mặc dù tham
nhũng có ở nhiều nơi trên thế giới nhưng không ở đâu tham nhũng lại
hoành hoành thách thức cả hệ thống chính trị như ở Việt Nam. Tham nhũng
Việt Nam là tham nhũng chính sách, tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ
pháp luật (Công an, toà án, Thanh tra, kiểm toán…). Đây là tham nhũng
gốc mà hiện nay chưa thấy có biện pháp gì có thể trị được. Không những
thế, lực lượng này còn vô hiệu hoá hoặc làm sai lệch các chủ trương,
chính sách của Đảng và nhà nước để dễ bề tham nhũng. Thật là đau xót.
Hơn ai hết, Gs NPT hiểu rõ tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội.
Thì đây, giáo dục đào tạo, y tế, văn hoá, tín ngưỡng càng ngày bộc lộ sự
ngây ngô, ấu trĩ thậm chí là vô sĩ; chợ búa thì buôn gian bán lận,
người dân không biết ăn rau gì, thịt ở đâu cho an toàn; tài nguyên,
khoáng sản thì đang bị xẻ thịt không thương tiếc; văn hoá phong bì càng
lúc càng nghiêm trọng; XDCB đường sá, cầu cống, nhà xưởng, thuỷ điện
…thì bị rút ruột khủng khiếp, làm chưa xong đã hỏng…; các tập đoàn kinh
tế nhà nước thì ăn cắp như rươi, tiền của nhà nước rót vào như rót bồ
thủng đáy. Đã có vinashin, vinalines thất thoát hàng tỷ đô la. Tới đây
sẽ là EVN, các ngân hàng với cục nợ xấu khủng…Những tập đoàn này nhờ có
bầu sữa mẹ là ngân sách nhà nước nên thất thoát hàng trăm tỷ mà lãnh đạo
tập đoàn coi như không; bất chấp lệnh cấm của Thủ tướng, chi nhiều tỷ
đồng để rầm rộ đón nhận huân chương và còn nhiều vụ khác nữa. Lãng phí
và phản cảm đến thế là tận cùng nhưng chẳng ai bị làm sao.
Còn thực trạng tham nhũng thì Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh cho biết,
tham nhũng vẫn ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Đối tượng tham nhũng
thường là những người có chức có quyền, có trình độ, có khả năng che
giấu hành vi vi phạm. Tổng TTCP cũng thừa nhận, kết quả phát hiện tham
nhũng qua thanh tra còn hạn chế, chưa phát hiện được nhiều vụ việc mà
phải nhờ vào dư luận và báo chí. Tổng TTCP lý giải, đó là trình độ, năng
lực hạn chế, công khai, minh bạch tại các đơn vị còn hình thức. Để khắc
phục vấn đề này, Tổng Thanh tra cho rằng, cần xây dựng đội ngũ tốt,
tăng cường giám sát, công khai, minh bạch hoạt động thanh tra, tăng
cường thẩm quyền cho cơ quan thanh tra.
Người đứng đầu KTNN Nguyễn Hữu Vạn cũng nhìn nhận kết quả của ngành
kiểm toán chưa đáp ứng với kỳ vọng nhân dân. Lý giải việc có quá ít vụ
việc chuyển sang CQĐT, ông Vạn cho rằng do đặc thù hoạt động của ngành
không đủ điều kiện để làm rõ các dấu hiệu, hành vi sai phạm như CQĐT.
Mặt khác, do trình độ nghiệp vụ và chế tài nên kiểm toán nhiều khi vẫn
có thể bị qua mặt bởi các đối tượng làm giả hóa đơn chứng từ. Ông Vạn
cũng thừa nhận còn có một số cán bộ kiểm toán làm chưa tốt chức trách
được giao và hứa xử lý nghiêm đối với bất cứ sai phạm nào của kiểm toán
viên. “Chúng tôi có nghe nói về hiện tượng nhưng bằng chứng thì rất khó.
Vì vậy, chúng tôi mong được chỉ mặt điểm tên những cán bộ sai phạm và
sẵn sàng xử lý để làm trong sạch đội ngũ”, ông Vạn nói.
Ô hay, cả nước mới chọn được ông Tổng thanh tra, ông Tổng Kiểm toán,
những tưởng các ông ấy và bộ máy đồ sộ của TTCP và KTNN rành rẽ mọi thủ
đoạn dù tinh vi, xảo quyệt của tội phạm tham nhũng để lôi chúng ra ánh
sáng và thu tiền về cho nhân dân thì hoá ra các ông lại bất ngờ. Rằng,
đối tượng tham nhũng là những người có chức, có quyền, có trình độ và có
khả năng che dấu…Chẵng lẽ nhân dân lại cũng có khả năng tham nhũng?!
Lại nữa, một trong những chức năng chính của TTCP và KTNN là tham mưu
cho Chính phủ bịt các kẽ hở trong quản lý để PCTN thế mà các ông lại
biện bạch không đủ điều kiện làm rõ các dấu hiệu, hành vi, vi phạm hoặc
do trình độ nghiệp vụ và chế tài nên nhiều khi vẫn có thể bị qua mặt…Ôi
các ông, các ông khi thấy những bất cập đó thì phải ngày đêm trăn trở
tham mưu cho Thủ tướng để có quy định phối hợp trong xử lý chứ. Các ông
biết mà vẫn “cứ mần thinh” là gây thất vọng lớn cho nhân dân trong PCTN.
Đội ngũ của cán bộ của các ông năng lực kém ư thì phải đào tạo, bổ
sung, để thay thế, cứ công khai thi tuyển vào, chứ lại tuyển dụng CCCCC
(con cháu các cụ cả) thì lại đâu hoàn đấy mà thôi. Có khi còn xấu hơn
nữa.
Nên nhớ, các phát biểu trên đây của Tổng TTCP và Tổng KTNN liên quan
đến trình độ nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ vẫn mới chỉ là một nữa sự
thật. Vẫn có khả năng nói vậy nhưng không phải vậy. Trình độ của các
thanh tra viên (TTV) và kiểm toán viên (KTV) về quản lý kinh tế, về khoa
học kỹ thuật, về công nghệ thông tin, ngoại ngữ… phần nhiều là non kém.
Tiếp xúc là biết ngay mà. Nhưng chính đội ngũ này lại có kỹ năng thượng
thừa trong phù phép, bới móc tại các DN; cùng với DN, giúp DN xoá phụ
lục, tồn tại trong thanh tra kiểm toán theo kiểu “vuốt ve, che chở” …Tất
nhiên là không phải ai cũng được TTV, KTV vuốt ve che chở đâu nhé. Muốn
biết ai tốt ai hư, muốn biết ai hoàn thành nhiệm vụ, ai lợi dụng thanh
tra, kiểm toán để làm tiền DN xin mách cho Tổng TTCP và Tổng KTNN là hãy
công khai so sánh để công luận biết các bản dự thảo kết luận thanh tra,
kiểm toán và bản kết luận chính thức thì sẽ rõ vì sẽ khác nhau 1 trời 1
vực. Nếu TTCP và KTNN không có điều kiện công khai vấn đề này thì tới
đây chúng tôi buộc phải công khai kết quả tại một vài tập đoàn và làm rõ
bản chất những sai khác giữa bản dự thảo và bản chính thức của kết luận
thanh tra, kiểm toán.
Một vấn đề khác theo báo cáo của TTCP rất đáng lưu tâm đó là các vụ
việc đều do dư luận, báo chí phát hiện. Nói như vậy có nghĩa là cả hệ
thống chính trị với lực lượng đông đảo cơ quan bảo vệ pháp luật nhưng đã
bị che mắt, hầu như không phát hiện được tham nhũng, mà chỉ phát hiện
qua dư luận, báo chí. Không phát hiện được thì biết phòng chống làm
sao?. Và nếu cứ vậy thì tới đây 7 đoàn công tác toả đi các địa phương
liệu có kết quả gì không hay chỉ trống dong cờ mở đọc bản báo cáo na ná
như nhau rồi kết luận na ná như nhau?! Hay là biện pháp chỉ đạo thanh
tra, kiểm toán phát hiện tham nhũng… Chắc Gs NPT biết TTCP, KTNN người
ta báo cáo như vậy rồi thì còn chỉ đạo gì nữa. Đã và đang chỉ đạo liên
tục và quyết liệt nhưng kết quả có gì khá hơn đâu.
Tồn tại xã hội như thế, tham nhũng như thế thì ý thức về PCTN trong
toàn bộ hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội cũng cần phải thay đổi
để thích ứng. Theo đó, sự quyết liệt không thể chỉ bằng lời nói; phải
tăng tốc khẩn trương chứ không thể nhấn nhá qua ngày, tình hình nguy cấp
lắm rồi. Khi coi tham nhũng là giặc nội xâm thì PCTN phải sử dụng tất
cả các biện pháp như chống giặc, kể cả phải dùng bạo lực cách mạng với
các tập đoàn tham nhũng để cứu tiền về cho dân. Khi coi tham nhũng là
bệnh nan y thì phải coi tham nhũng đồng thời là con nghiện, không thể
thuyết phục, động viên hô hào theo kiểu đừng tham nhũng nhé, rồi phê
bình kiểm điểm qua loa để dĩ hoà vi quý; sợ thù hằn, sợ mất lòng, sợ rối
nội bộ… mà trái lại phải cưỡng chế để cai nghiện. Tuyệt đối đừng bao
giờ nghe con nghiện giải trình! Nếu chưa sẵn sàng tâm thế như vậy thì
đừng mong PCTN hiệu quả và thay vì phòng chống tham nhũng thì thực ra
chúng ta đang sống chung với tham nhũng mà thôi.
Tôi và nhiều người dân khác hăm hở, phấn khởi biết bao nhiêu khi Gs
NPT trên cương vị TBT đã lãnh đạo thành lập Ban Nội chính TW và đưa Ban
Chỉ đạo PCTN TW về trực thuộc TBT đồng thời đưa Ông Nguyễn Bá Thanh
(NBT) về làm Trưởng Ban Nội chính TW thì chúng tôi lại thất vọng bấy
nhiêu trước sự chậm trễ, chồng chéo trong triển khai công việc của Ban
Nội chính TW. Nói thật là chúng tôi rất tin tưởng vào phẩm chất và cách
làm của Ông NBT thông qua những thành quả mà Đà nẵng đạt được. Thử hỏi
trên đất nước này, vào buổi hôm nay được mấy người nói đi đôi với làm và
để lại thành quả được nhiều người công nhận như Ông NBT. Tất nhiên, tôi
không nghi ngờ việc Ông NBT có thể có sai sót này nọ trong quá trình
công tác. Nhân bất thập toàn mà. Nhưng cần khẳng định, hiện tượng NBT là
có thật và quyết định lựa chọn Ông NBT của Gs NPT là hoàn toàn chính
xác. Đành rằng, một mình Ông NBT thì chẳng làm được gì trước thực trạng
tham nhũng trầm trọng hiện nay. Nhưng vai trò dẫn dắt cuộc chiến PCTN
của một cá nhân có phẩm hạnh, có ý chí, quyết tâm và đủ bản lĩnh đối mặt
với mọi thách thức trên mặt trận này là vô cùng cần thiết. Chúng ta cần
nhiều những cá nhân như thế. Họ chỉ cần có vài động tác là có thể tạo
xung lực góp phần thay đổi trật tự ngay.
Đơn cử, từ khi Ông Nguyễn Đức Chung được giao làm Giám đốc Công an Hà
Nội, không còn ai dám xưng cháu, xưng em hay xưng bồ ông Chung khi bị
CSGT hạch hỏi nữa. Ông ấy cũng sẵn sàng tuyên chiến với xe 80 B hay xe
biển xanh nếu vi phạm. Ông ấy thường xuyên một mình một xe… máy đến kiểm
tra tình hình trực ban tại các đồn trên địa bàn thành phố… Rõ ràng, đó
chỉ là các hành vi nhỏ, không quan trọng và chưa cần động não nhiều
nhưng đáng nói là nó đã mang lại hiệu quả tức thì. Nói thật nhân dân
chúng tôi biết hết tất cả các việc quan chức làm cho chúng tôi và luôn
trân trọng những việc làm, hành vi dù nhỏ nhưng mang lại cho chúng tôi
sự bình yên. Quan trọng hơn, từ những việc làm nhỏ lẻ đó, chúng tôi có
niềm tin rằng việc nhỏ mà đã chú tâm thì nhất định việc lớn vì cuộc sống
bình yên của nhân dân vì sự phát triển của đất nước lại càng được người
ta ngày đêm trăn trở để giải quyết. Hy vọng niềm tin đó là có cơ sở.
Tôi viết bài này không hề nhằm mục đích nói xấu hay chống ai, cũng
không hề tâng bốc ai vì tôi đã lớn tuổi và có nhiều năm tuổi đảng. Lý do
chỉ đơn giản là tôi không thật sự an tâm với cách thức PCTN mà ta đang
làm, xót xa cho của cải của nhân dân bị bọn tham nhũng chiếm đoạt mà
không ngăn chặn được. Dù biết Gs NPT và các quan chức cấp cao có trách
nhiệm trong PCTN cũng thường xuyên “nữa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt,
nước mắt đầm đìa… ”vì bọn tham nhũng nhưng tôi vẫn ước sẽ có một ngày
(không xa), với thái độ cầu thị và khoa học, Gs NPT trên cương vị TBT sẽ
lãnh đạo hệ thống chính trị thực hiện đến nơi đến chốn những việc không
hề mới sau đây:
1. Minh bạch trong kê khai tài sản của đội ngũ cán bộ công chức. Để
nhân dân và công luận giám sát việc kê khai này. Nếu phát hiện gian dối
thì xử lý ngay. Tình hình đến nước này rồi, nếu cần thì thưa với QH để
QH xin với nhân dân là chỉ kê khai tài sản hiện có mà không truy nguồn
gốc của cải trước đây vì sao có. Nhưng nhất cử, nhất động từ nay thì một
đồng cũng phải kê khai minh bạch nguồn gốc để nhân dân và công luận
biết. Thôi thì, nhân dân chịu thiệt nốt lần này vậy. Còn hơn kiểu kê
khai bùng nhùng vô tích sự như hiện nay.
2. Công khai, minh bạch trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được
giao. Bao gồm công khai minh bạch các khoản mục chi phí trong DNNN nhất
là các tập đoàn. Ai ký lệnh chi tiền, trực tiếp hay gián tiếp mà sai, mà
lãng phí, mà dẫn đến tham nhũng thì nhất thiết ngoài việc bị kỷ luật,
bị truy cứu trách nhiệm hình sự phải bồi thường đầy đủ cho nhà nước;
công khai kết luận thanh kiểm tra, kiểm toán đồng thời với công khai
phần giải trình của đối tượng được thanh kiểm tra những nội dung đã được
loại bỏ khỏi kết luận chính thức so với bản kết luận dự thảo; công khai
quy hoạch phát triển KTXH, bao gồm quy hoạch về sử dụng đất đai, tài
nguyên và các nguồn lực khác, công khai trong phân bổ nguồn lực để phát
triển KTXH…; công khai việc bổ nhiệm cán bộ, thực hiện tranh cử dân chủ
trong bầu cử, tránh hiệp thương khép kín như hiện nay, đúng quy trình mà
không chọn được cán bộ có đức có tài. Tất cả sự công khai này phải có
sự giám sát thực chất của công luận và nhân dân.
3. Qua mỗi vụ việc tham nhũng bị phát hiện xử lý thì việc quan trọng
hơn là làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan, tìm các kẽ hở trong
quản lý, tuyên truyền rút kinh nghiệm để bảo đảm không ai vô tình vi
phạm lỗi tương tự. Để răn đe, để phòng ngừa, để ai có tham lam muốn vi
phạm cũng bị chùn tay, khiếp sợ. Thí dụ, qua vinashin, vinalines thì
phải cập nhật các bài học quản lý ngay để các Tập đoàn khác còn biết mà
đề ra các biện pháp quản lý thích hợp. Rõ như thế rồi thì còn gì phải bí
mật mà không cho nhân dân và công luận được biết.
4. Không họp liên ngành để chỉ đạo án điểm như hiện nay. Pháp luật
phải được độc lập trong xét xử. Thực hiện tranh tụng công khai, dân chủ
tại toà. Án tại hồ sơ. Nếu còn có quan điểm khác nhau về vấn đề nào đó
thì các cơ quan chức năng liên quan phải tiến hành làm rõ. Quy định của
Bộ, ngành nào bị lợi dụng để tham nhũng thì xử lý người đứng đầu của bộ
đó. Nếu quy định do Chính phủ mà sơ hở, rồi người ta vin vào đó để
phạm tội thì truy cứu trách nhiệm chính phủ còn đối với bị cáo thì áp
dụng nguyên tắc suy đoán vô tội, có lợi cho bị cáo.
5. Đối với quan chức có vai trò đặc biệt trong PCTN như Ô Nguyễn Bá
Thanh thì phải công khai địa chỉ Email, nếu có điện thoại nữa thì càng
tốt (Hơn một lần Ông NBT hứa với nhân dân Đà nẵng nếu có gì bức xúc thì
cứ gọi cho Ông, nhưng có ai biết Ông ở đâu mà gọi!) để người dân và công
luận phản ánh tham nhũng thậm chí là báo án. Xin được đề nghị thêm với
Ông NBT và các quan chức có trách nhiệm PCTN là đối với các đơn khiếu
nại tố cáo kèm theo bằng chứng cụ thể thì cần sớm quan tâm xem xét để
tạo động lực trong nhân dân, làm cho nhân dân thêm tin tưởng. Nên nhớ,
mỗi bằng chứng tố cáo tham nhũng đều phải rất khó khăn mới lấy được,
người tổ cáo luôn đối mặt với quyết định đuổi việc của người có chức
quyền, thậm chí phải trả giá bằng máu. Nên rất mong được quý trọng, bảo
vệ và xem xét rốt ráo.
PCTN đang gắn với vận mệnh quốc gia, kết quả PCTN có thể bảo toàn,
làm sinh sôi hoặc triệt tiêu thành quả gần 1/3 thế kỷ đổi mới dù còn rất
khiêm tốn. (Nên nhớ, chỉ 20 năm thì nhiều nước quanh ta đã hoá Rồng,
trong khi Việt nam mình còn nghèo khổ quá). Thêm lần nữa tôi đồng ý với
Gs NPT rằng, “Đảng không làm thay, không cản trở hoạt động bình thường
của các cơ quan…”. (Nguồn: như đã dẫn). Đây là câu nói luôn luôn đúng.
Nhưng nếu Gs NPT, trên cương vị TBT, lại để mọi người dùng câu nói đó
như thần chú, như vòng kim cô trói tay trói chân bộ máy PCTN của Đảng
(mà rất nhiều người mong như thế) thì đó lại là thất bại của Gs.
Lan Anh
(Hải Vân Đà Nẵng)
(Hải Vân Đà Nẵng)