Ba trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm ngừa viêm gan B tại Quảng Trị.
Một sản phụ và đứa con sơ sinh bị đùn đẩy đến chết ở Cần Thơ. Hàng nghìn
xét nghiệm máu được sử dụng vào mục không lương thiện tại Hà Nội. Một
trẻ sơ sinh chẩn đoán đã tử vong, trong khi cháu còn sống ở Quảng Nam.
Xã hội sục sôi, tức giận đòi trảm bà Bộ trưởng Y tế. Trước khi đưa bà ra pháp đình, để tôi kể bạn nghe vài câu chuyện vỉa hè
Không giấy giới thiệu… tử vong
Nhà nông học Lương Định Của làm việc tại Viện Cây lương thực ở Gia
Lộc, Hải Dương. Chẳng may ông bị hóc xương khi ăn tối. Mảnh xương gà vừa
dài vừa nhọn đã đâm thủng thực quản, rồi xuyên ra sau làm rách thành
động mạch chủ ngực. Tính mạng ông như ngàn cân treo sợi tóc.
Người ta đưa ông đến bệnh viện tỉnh Hải Dương. Nhưng bảo vệ không cho
vào vì không giấy giới thiệu của tuyến huyện. Người lái xe đành đưa ông
về lại Gia lộc để xin giấy, nhưng không kịp, ông đã chết trên đường.
Năm đó ông 55 tuổi.
Không tiền… tử vong
Vào những năm cuối của thập kỷ 80, Đổi mới bắt đầu, phải đoạn tuyệt
với bao cấp. Tất cả phải hạch toán sòng phẳng. Sức khỏe cũng nằm trong
quan niệm đó. Đau ốm là một dạng của hàng hóa. Thuận mua vừa bán. Tiền
trao cháo múc.
Lê Văn Đen, người đàn ông trung tuổi gốc miền Tây, Nam bộ, cố lết tấm thân gầy yếu
run rẩy trong cơn sốt vào Khoa Cấp cứu của Bênh viện tỉnh Đồng Nai, thành phố Biên Hòa. Ông bị từ chối vì không có tiền. Ông nằm lỳ. Ông năn nỉ, hy vọng động đến lòng trắc ẩn. Nhưng giám đốc bệnh viện Tăng Ngọc Minh cho bảo vệ khiêng ông ra đường. Ông Đen đã chết gục, trong đớn đau, cô đơn, tủi nhục, tại cổng bệnh viện đêm đó.
run rẩy trong cơn sốt vào Khoa Cấp cứu của Bênh viện tỉnh Đồng Nai, thành phố Biên Hòa. Ông bị từ chối vì không có tiền. Ông nằm lỳ. Ông năn nỉ, hy vọng động đến lòng trắc ẩn. Nhưng giám đốc bệnh viện Tăng Ngọc Minh cho bảo vệ khiêng ông ra đường. Ông Đen đã chết gục, trong đớn đau, cô đơn, tủi nhục, tại cổng bệnh viện đêm đó.
Không nghe lời… tử vong
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ trần năm 1967. Dân miền Bắc thời đó
được bảo rằng Đại tướng đã hy sinh anh dũng tại chiến trường. Nhưng đến
năm ngoái tình cờ tôi đọc được một bài báo của người thân, kể lại phút
lâm chung của ông.
Ba giờ sáng Đại tướng lên cơn đau “thắt ngực, nóng ran, như cào xé”
tại nhà riêng trên đường Hoàng Diệu, Hà Nội. Bác sỹ Thuận, người bảo vệ
sức khỏe riêng của ông, đo huyết áp, mạch. rồi tháp tùng ông đến Quân y
Viện 108. Trong xe, ông nằm, trò chuyện với bác sỹ và bảo vệ. Xe đến
nơi, bác sỹ Thuận đề nghị đưa cáng ra khiêng. Ông nói: “Chú Thuận chúa
hình thức, quan trọng hóa”, rồi ngồi dậy đi thẳng vào buồng cấp cứu. Ông
vừa nằm xuống giường, thì phát ra một tiếng “ặc”, toàn thân tím tái.
Các bác sỹ đầu ngành có mặt. Những phương tiện hiện đại nhất được sử
dụng. Từ nhà ông đến Viện 108 chỉ vài phút lái xe. Nhưng Đại tướng đã
trút hơi thở cuối cùng, ở tuổi 53.
Để bệnh nhân tự đi đang cơn đau thắt ngực là một lỗi sơ đẳng ngay
những bác sỹ mới ra trường cũng không mắc phải. Hay nói một cách khác,
đi bộ khi bệnh đang thời kỳ cấp tính là một hành vi tự sát. Vậy, hai câu
hỏi được đặt ra: Đại tướng là người thận trọng mà tại sao lại bỏ qua
lời khuyên của giới chuyên môn? Tại sao các bác sỹ không bắt bệnh nhân
phải tuân theo y lệnh?
Không học… vẫn thành bác sỹ
Dân miền Bắc thường dùng phân người để bón rau và ăn rau sống. Hậu
qủa có đến 95% dân số nhiễm kí sinh trùng mà con giun đũa là thủ phạm
chính. Giun đũa gây tắc mật, tắc ruột, suy dinh dưỡng. Giun đũa tràn vào
phổi, chui vào động mạch. Do vậy, đời sống chu kỳ của nó là một chủ đề
quan trọng được giảng dậy ở trường Y.
Một buổi thi vấn đáp, Giáo sư Đặng Văn Ngữ hỏi một sinh viên là cán
bộ đảng viên. Anh đã không thể trả lời được một câu hỏi nào cho ra hồn.
Giáo sư yêu cầu anh đọc tên khoa hoc của giun đũa. Anh vẫn im lặng. Cuối
cùng Giáo sư phải đọc to tên Latin của nó “Ascaris Lumbricoides” rồi
bảo anh nhắc lại, nhưng anh vẫn ú ớ. Giáo sư thất vọng khuyên anh không
thể học nổi ngành y.
Anh nổi giận, cho họp chi bộ để kiểm điểm giáo sư: sai quan điểm, mất lập trường, coi thường giai cấp công nông.
Không muốn cày… sao lại bảo cày xong
Khi bàn giao chức Bộ trưởng Y tế cho bà Nguyễn Thị Kim Tiến, ông
Nguyễn Quốc Triệu cảm thấy “nhẹ nhõm”, “thoải mái như bác nông dân vừa
cày xong thửa ruộng”. Của đáng tội, ông Triệu đã cày bừa gì đâu mà bảo
cày xong. Ông nhẹ nhõm là vì ông đã trút được gánh nặng qua vai người
khác. Tiền thân là một bác sỹ phu sản, ông hiểu khối ung thư ở vùng đáy
châu đã di căn, vào giai đoạn cuối, không dại gì mà đụng dao kéo vô cho
rách chuyện.
Bà Bộ trưởng Tiến, không làm lâm sàng, nên bà không có khả năng tiên
lượng. Thấy ông Triệu nhẹ nhõm, thoải mái, bà nên biết sơ. Bà không
lường được những rủi ro đang chờ bà phía trước. Bà bị làm nhục ở Quốc
hội. Bà bị bắt bẻ từng câu từng chữ. Bà bị xăm xoi từng hành động. Bà
phải chịu búa rìu dư luận. Có người gọi bà là “Thím” là “Mợ”. Có người
yêu cầu bà từ chức. Vậy thử hỏi những tai biến của nền Y tế hôm nay có
phải do bà gây ra không?
Không công bằng với bà
Căn bệnh y tế hôm nay là hậu quả của “Lỗi Hệ Thống”. Giấy giới thiệu
đã gây không biết bao nhiêu phiền nhiễu cho xã hội, mà cái chết của nhà
nông học Lương Định Của là một thí dụ. Chăm sóc sức khỏe lại phân chia
theo cấp hành chính đã sinh ra một nền y tế đùn đẩy. Tuyến dưới đẩy lên,
tuyến trên đùn xuống. Lương bổng tồi tệ đã sinh ra nạn phong bì. Cán bộ
được hưởng những dịch vụ chăm sóc đặc biệt là mầm của sự phân chia giai
cấp. Viện phí cao ngất ngưởng đã vứt người nghèo ra rìa xã hội. Nền
công nghiệp dược lạc hậu đã không thể đáp ứng được nhu cầu của 90 triệu
dân. Tuyển sinh và đào tạo bừa bãi kéo dài nhiều thập kỷ đã sinh ra một
đội ngũ yếu chuyên môn, kém đạo đức. Người sinh viên không phát âm nổi
tên giun đũa không những vẫn thành bác sỹ mà còn nắm vị trí huyết mạch
của nghành. Bà Tiến là Bộ trưởng, nhưng bà không có quyền cách chức hay
bổ nhiệm một giám đốc sở, hay giám đốc bệnh viện tỉnh, huyện vì đó là
việc của chính quyền. Thí dụ, Giám đốc bệnh viện Hương Hóa, nơi sảy ra
ba trẻ sơ sinh tử vong, do chính quyển tỉnh Quảng trị bổ nhiệm. Vậy tại
sao lại chỉ đòi mình bà Bộ trưởng từ chức.
Dư luận phẫn nộ trút lên đầu ngành y những từ thảm hại nhất “ Thất
đức, tàn nhẫn, khốn nạn, vô nhân”, đòi đình chỉ người đứng đầu ngành Y
tế. Không có gì sai khi đòi bà Bộ trưởng từ chức. Nhưng sẽ không công
bằng nếu chỉ có mình bà từ chức.
Đó là “Lỗi Hệ Thống”. Ông Triệu, bà Tiến hay bất cứ ai làm Bộ trưởng Y
tế lúc này đều không thể cải thiện được tình hình. Trừ khi, dám dũng
cảm loại bỏ cái “Lỗi Hệ Thống” đi, làm lại từ đầu, mới ngõ hầu bớt đi
những thương đau cho người bệnh.
© Trần Hồng Tâm
© Đàn Chim Việt