Thiện Tùng
Dân Luận
Mọi trì trệ người ta đều đổ do cơ chế. Vậy cơ chế hiện nay là gì? từ đâu ra? nếu bất lợi sao còn giữ mãi nó?...
Theo tôi, cơ chế là một thiết chế do giới cầm quyền đặt ra nhằm giữ
vị thế thượng phong cho họ. Cơ chế chính trị bao trùm ở VN hiện nay là đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, dân làm chủ. Nó ra đời cùng thời với thể chế chính trị độc tôn, toàn trị của Đảng CSVN.
Vì lợi quyền, người ta cố giữ nó với bất cứ giá nào, đó là điều dễ
hiểu. Còn có chấp nhận nó hay không đó là việc của người bị trị.
Để giữ thế độc tôn, toàn trị, từ Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp, các
bộ ở Trung ương đến lãnh đạo các địa phương đều do Đảng CSVN cơ cấu đảng
viên của mình ra ứng cử, theo thể thức “Đảng chọn Dân bầu”. Từ
đó, họ có làm bậy dân cũng không có quyền bãi miễn. Cán bộ chủ chốt ở
các cấp, các ngành… đều là đảng viên. Họ ngồi vào ghế quan do đảng, họ
được thăng quan tiến chức do đảng… Họ chỉ sợ đảng cấp trên của họ. Đối
với cấp dưới và dân, họ như những ông vua con, tha hồ mà tác oai tác
quái. Đảng là trừu tượng, như một cơ thể; đảng viên là cụ thể, như những
tế bào. Đảng bảo vệ đảng viên là bảo vệ tế bào của bản thân mình, đó là
điều dễ hiểu. Đảng giết đảng viên khác nào tự sát. Rõ mối liên hệ chung
riêng ấy, đảng viên mới dám làm những điểu mà người ngoài đảng không hề
dám. Người ta đánh giá đảng qua đảng viên, đảng viên tốt thì đảng mới
tốt và ngược lại.
Nói con số tròn, dân số Việt Nam hiện nay gần 90 triệu, trong đó có
khoảng non 4 triệu đảng viên. Những vụ tham nhũng, tiêu cực được phát
hiện, vụ nào cũng có ít nhất bốn phần năm (4/5) can phạm là đảng viên –
một tỷ lệ hư hỏng trong đảng đang cầm quyền đã báo động đỏ. Tế bào (đảng
viên) hư nhiều như vậy, cơ thể (đảng) nếu không vào nhà thương nhờ danh
y dùng thuốc đặc trị, tử vong là cầm chắc?
Tại sao lúc đầu dùng cụm từ chống tiêu cực, nhưng ít lâu sau thay nó bằng cụm từ chống tham nhũng ?
– Tôi nghĩ, có lẽ Trung ương Đảng thấy vi khuẩn đã thâm nhập vào não
bộ. Tham thì có thể bất cứ ai, còn nhũng phải người có quyền. Chống tham
nhũng là chống người có quyền mà tham. Người không quyền mà bảo chống
người có quyền thì ớn lắm ?!. Thật khôi hài, lãnh đạo mà ở dơ rồi bảo người ta tắm, có người hảo tâm tắm giúp, chẳng biết mang ơn, còn đạp người ta! Những
người làm bậy ấy do đảng cơ cấu họ vào ghế quan, họ là tế bào của đảng,
tốt hơn hết để đảng tự xử cho tròn trách nhiệm với dân. Nếu không tự xử
được thì người đời tâm và khẩu đều không phục.
Tôi về nông thôn dự giỗ, một lão nông vốn quen biết hồi còn chiến tranh, ông xề lại gần tôi nói: “Hồi đó tao đánh giá tụi bây tốt là sai…”. Tôi đáp lại: “Hồi đó ông đánh giá chúng tôi tốt là đúng, giờ đây ông xem chúng tôi vẫn tốt như xưa là sai“. Ông vỗ vai tôi, cười nói: “Sám hối như thế còn có thể chơi được”.
Trong tiệc cưới ở nhà hàng, hai người khách ngồi gần nhau, một người chỉ người mới vào cửa nói: “Thằng đó tuy đảng viên nhưng nó tốt” - Vậy là sao?!
Trong chiến tranh, vào đảng là vào đội tiên phong chiến đấu, ngày
nay vào đảng như vào dân Tây. Được thẻ đảng là được ghế quan. Thẻ đảng
có giá trị hơn bằng Đại học, có bằng Đại học đôi khi thất nghiệp, có thẻ
đảng thì chắc ăn như bắp. Do vậy, kẻ thất đức, bất tài bằng mọi cách
luồn lách để được vào đảng, được đảng cơ cấu làm quan. Hễ quan thì có
quyền, hễ có quyền thì có lợi: Ngoài việc ăn trên ngồi trước, ít nhất
cũng có lương khá; có phương tiện công đi lại; được ưu đãi trong trị
bịnh; con cái được ưu tiên trong học hành và làm việc ; có chế độ tiếp
khách; chữ ký bán rất có giá trị; làm quấy nếu bị phát hiện có đảng
binh, xử lý nội bộ; lộ liễu quá không thể che được phải ra tòa thì được
tòa xử theo chỉ thị của đảng ; kẹt lắm phải vào tù thì ở tù cha và sẽ
được tha vào kỳ ân xá gần nhất v.v… Càng về sau chất đảng viên càng kém, dễ tha hóa biến chất. Từ thực tế đó, dân gian mỉa:
“Đảng là mẹ, Bác là cha,
Từ khi Bác mất, Đảng ta tái chồng,
Sanh ra một lũ con đông,
Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều”. (1)
Làm cán bộ ở VN thời nay sướng chưa từng thấy. Tôi mô tả cái sướng của họ bằng bài thơ “Sống, chết như Ông”:
Làm việc như Ông (bà) sướng bậc tiên:
Việc gì cũng có trợ lý riêng,
Xe đưa, xe rước trưa, chiều, sớm,
Trần thế khác gì chốn non tiên?
Tiếp khách kiểu Ông sướng quá tay:
Bao nhiêu phí tổn cứ chi xài,
Kê chung phiếu đỏ đưa Ông ký,
Công quỹ phải nào của riêng ai?
Nằm viện như Ông sướng bậc cha:
Nhân viên nuôi bịnh chia thành ca,
Ông sai Ông khiển như đày tớ,
Lựng bựng coi chừng Ông thải ra.
Đám táng của Ông lớn quá trời:
Ngày đêm phúng điếu chẳng giờ ngơi,
Tiễn đưa Ông đến nơi an nghỉ,
Xe nối đuôi dài đếm hụt hơi.
Đâu chỉ thế, còn chôn trước chôn sau, mả lớn mả nhỏ theo tôn ty trật
tự Phong kiến. Trường, đường… không đủ cho các vị chia nhau đặt tên để
“lưu danh” cho muôn đời sau!
Người ta biến ê kíp thành cánh hẩu (nhóm lợi ích). Hễ hẩu thì hảo
(gôm vào), hễ bất hẩu thì bất hảo (thải ra). Tội phạm cộng với quyền lực
thành băng nhóm Mafia. Mầy ăn, tao ăn, nó ăn = chúng ta cùng ăn. Phải
rạch ròi: Cái nào ăn thì ăn, cái nào cúng thì cúng, cái nào kiếng thì
kiếng. Phải giữ kín cho nhau, thực thi luật giang hồ “Mi không đánh ta, ta không đánh mi”, ngăn ngừa lây lan “bịt khẩu” là thượng sách. Bọn cơ hội, tham nhũng thường dùng thủ thuật “Tạo rồi biến cái nhược của người thành cái lợi thế cho mình”...
Đã là đảng thì sớm muộn gì cũng sẽ chia phái. Phái nầy đấu đá với
phái kia để tranh quyền đoạt lợi. Nếu có liên minh các phái với nhau, đó
cũng là sự liên minh ma quỷ: khi hạ gục đối phương rồi thì quay lại
thanh toán với trong phái để giành quyền làm đảng trưởng.Trong thể chế
Độc tài Toàn trị, giới cầm quyền như một đàn Khỉ, con khỉ đực nào nhứt
thời mạnh nhứt, nó nhăn d…tất cả những con khỉ đực khác để độc chiếm…,
giống như vua chúa ngày xưa, thiến tất cả đàn ông phục vụ nội cung để….
Cuộc đấu đá tranh giành ngôi thứ dưới thể chế Độc tài không bao giờ kết
thúc, xã hộ luôn bất an, không loại trừ nội chiến.
Muốn chấm dứt việc đấu đá tranh giành quyền lực nầy chỉ có con đường
duy nhất là thực hiện Dân chủ Đa nguyên, thiết lập Nhà nước Dân chù
Pháp quyền, bằng cách: để cho dân chọn người đứng ra quản lý xã hội,
phúc quyết Hiến pháp và các Luật cơ bản…
Bọn tham nhũng chống chế ghê gớm đối với bất cứ ai chống lại chúng.
Cũng dễ hiểu, nếu để bị bóc vỏ thì mất hết, nếu không mất mạng thì mất
quyền, mất cả những gì mà họ dày công thu vén, và mất uy tín đối với xã
hội. Chúng rất sợ báo chí phanh phui việc làm sai trái của chúng, nếu để
đổ bể ra chết chùm hoặc ít nhất cũng “đội quần” trước công chúng.
Việt Nam đang trong thực trạng tiền và quyền
cấu kết với nhau: Tiền nhờ Quyền giúp đỡ, che chắn trong làm ăn ; Quyền
nhờ Tiền xây cơ lập nghiệp, biến đổi thành phần từ Vô sản thành thành
Tư sản. Họ đã và đang cấu kết với nhau, xem tiền là tất cả:
Tiền là Tiên là Phật
- là sức bật tuổi trẻ
- là sức khỏe ông già
- là cái đà danh vọng
- là cái lộng che thân
- là cán cân công lý
- là tình đồng chí
- hết ý cuộc đời...
Quan chức thích kết thông gia với nhau: Con anh dâu tôi, con tôi rễ anh, chúng ta có trách nhiệm lo cho chúng có cuộc sống đàng hoàng, có vị thế xã hội xứng đáng. Người ta thường nói “nhứt thân, nhì thế”. Họ quen thân nhau và đều có thế, chơi trò: Anh nhận con tôi, tôi nhận con anh ; anh chiếu cố con tôi, tôi chiếu cố con anh ; anh đuổi con tôi, tôi đuổi con anh.
Chủ nghĩa lý lịch theo kiểu cha truyền con nối, cơ cấu nhân sự lãnh đạo theo huyết thống (dòng máu) – “Con vua thì được làm vua, con sải ở chùa thì quét lá đa”.
Chủ nghĩa lý lịch, ngoài cản trở việc kén chọn nhân tài, nó còn là
nguồn gốc của nạn tham nhũng, tiêu cực xã hội. Thử lấy người đương nhiệm
làm trung tâm để xét xem: Có khi nào họ mạnh tay đánh vào sai trái của
hậu duệ ?. Có khi nào họ mạnh dạn truy cứu lỗi lầm của người tiền nhiệm ?
– Tiền nhiệm, đương nhiệm và hậu duệ cùng dòng tộc với nhau họ nở nào?.
Đã thế thì họ yên tâm “quậy”, quậy cũng được “đôn”, cũng được “hạ cánh an toàn” thì dại gì. Vậy, “Chủ nghĩa lý lịch” không những là tội đồ, mà còn là tội đầu – nơi khởi nguồn tội lỗi.
Có người hỏi tôi: “Vì sao con em cán bộ học dở, không có cấp bằng
học vị, kém tài đức mà được trọng dụng, còn không ít con em dân thường
có cấp bằng học vị, có đức độ mà nhà nước không trọng dụng?”.
Tôi liếc anh ta: “Vô duyên, sao không tìm Đảng và Nhà nước hỏi mà hỏi tôi?!”.
Ân hận về câu nói của mình làm cho người bạn cụt hứng, tôi chêm vào để xả căng: ”Về
đức độ thế nào thì tôi không rõ, nhìn vào danh sách ứng cử, người nào
cũng có cấp băng học vị, một số không ít, nếu không bằng thật học giả,
thì cũng bằng chính trị. Nhưng mà anh ơi, thời bấy giờ, kẻ có thân thế
thì:
Bằng có người lo
Chức to có người bầu
Đi đâu có xe chở
Nói dở có người nghe
Đe có người sợ
Làm dở có người khen
Hèn có người giấu
Nhậu có người bao
Đau có người bớp
Họp có người ghi
Chi có người bù
Tù có người chạy... “.
Một người khác lại hỏi tôi: “Theo anh có độc quyền yêu nước không?”
Một câu hỏi hóc búa thật, đắn đo một hồi rồi một chữ cũng thi, hai chữ cũng thi, tôi nói: “Suy
cho cùng chẳng có đâu, yêu nước phải vì dân, xả thân không vụ lợi. Thời
nay chẳng mấy ai chịu làm như thế, giành quyền yêu nước thì có thật:
Họ nhân danh gì có thể nhân danh, lợi dụng gì có thể lợi dụng theo kiểu
ăn mày dĩ vãng. Đến mức, hết năm nầy sang năm nọ, người ta đem Hồ Chí
Minh ra “thế chấp” thì không còn gì để nói. Họ cho mình là người yêu
nước hơn cả, và là con cháu Cụ Hồ, thử đụng đến họ khắc biết, sẽ bị chụp
cho cái mũ “thế lực thù địch”, tù mụt gông”.
Kê khai tài sản, kiểm tra thu nhập trong cán bộ là một chủ trương
lớn của Đảng CSVN, nhưng thực tế nó không mang lại kết quả mà đem lại
hậu quả là thêm mất lòng tin trong nhân dân. Thử hỏi, kê khai mà không
công khai thì người ngoại cuộc biết đâu mà có ý kiến ?!. Nếu để người
trong diện phải kê khai giám sát lẫn nhau thì chặng lẽ lươn chê lịch (2), thôi thì “Mi không đánh ta, ta không đánh mi”
thì huề cả làng? Chủ trương ấy chắc có lẽ cốt để giải nhiệt, làm thiệt
chết chùm làm sao? Nhìn chung, cán bộ lãnh đạo quận, huyện, tỉnh, thành
và trung ương nói chung, những ngành kinh tế Hải quan, Công an, Tài
chính, Thuế vụ, Sổ số… nói riêng, hầu như tuyệt đại đa số họ đã là đại
gia. Tài sản ngầm của họ cỡ nào khó mà biết được, chớ nhà cửa, cơ ngơi
làm ăn của họ sờ sờ ra đó còn giấu được ai. Muốn biết cơ ngơi, cơ sở làm
ăn của họ cụ thể thế nào vào mạng Internet gõ “CLB NOKIA.Wordpress.com”
(Câu lạc bộ Nó Kìa) thì rõ họ là những ai.
Có người thắc mắc: Họ tham nhũng giàu quá rồi sao mà vẫn tiếp tục
tham nhũng? Tôi nói: Họ giàu như thế không quá đâu, thử ước tính các
khoản cần chi của họ:
Chi cho xây dựng cơ ngơi hiện đại
Chi cho đi lại cao sang
Chi cho ăn uống như ông Hoàng
Chi boa cho những cô nàng bồ nhí
Chi cho cô cậu Tí đi học nước ngoài
Chi cho Ngài trị bịnh ngoại quốc
Chi cho xây cất từ đường
Chi cho sắm sẵn hàng rương, nhà mộ
Chi cho hối lộ lúc lâm nguy...
Tính lại suy đi biết bao là đủ ?
Đôi lời nhắn nhủ:
Hãy tận thu cho đủ để có mà chi.
Hiện nay, người tốt, người xấu rất khó phân biệt. Hiện tượng và bản
chất những kẻ xấu không đồng nhất vói nhau, họ lớn tiếng hô hào chống
tham nhũng, nhưng họ lại là chúa chổm tham nhũng không chừng. Hãy xem họ
làm, đừng tin họ nói. Nhìn chung có vẻ phức tạp như vậy, nhưng theo
tôi, chung quy chỉ có 3 nhóm người:
- Nhóm thấy đúng bảo vệ, thấy sai đấu tranh, họ chỉ sợ lẽ phải chớ không sợ bạo lực cường quyền. Đó là những chính nhân quân tử, đáng nể trọng.
- Nhóm thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, họ sợ bạo lực cường quyền hơn sợ lẽ phải. Đó là những người cơ hội xu thời, nhu nhược, theo đốm ăn tàn (3)…, đáng chê trách.
- Nhóm bất chấp phải trái, ỷ thế cậy quyền, sống ngoài vòng Pháp Luật, họ không sợ lẽ phải, không sợ Pháp Luật, dùng bạo lực cường quyền để mưu danh đoạt lợi… Đó là những kẻ không nhân cách.
31/07/2013
T.T
_____________________
(1) Thạch Sanh, Lý Thông là 2 anh em kết nghĩa. Thạch Sanh tử tế, Lý Thông gian manh.
(2) Lươn và Lịch đều loại da trơn, đều có nhớt.
(3) Ám chỉ loài động vật không khả năng săn mồi, theo đốm lửa người
thợ săn nướng thịt, vớt vát những thứ thừa của người thợ săn bỏ lai.