Hoàng Ngọc Diệp
Gợi ý đến các bạn trẻ để cùng suy gẫm!
Trong nhiều năm qua, tôi phải chịu đựng thường xuyên nghe và đọc
những từ ngữ như “các nước Tư Bản”, “Tư Bản Chủ Nghĩa”, v.v… thường
xuyên và nhiều đến mức trở thành nhàm chán, thường xuyên đến mức nó gần
như trở thành một cụm từ tất yếu dành cho các nước tự do dân chủ, rồi
sau này lại nghe lại đọc thêm những cụm từ như “các nước chủ nghĩa xã
hội tiên tiến”, “xã hội chủ nghĩa tiên tiến”, v.v… dành cho một số nước
rất thịnh vượng từ Bắc Âu là chính…
Nhưng tại sao phải là chuyện “chịu đựng”? "Chịu đựng" là vì theo tất
cả những gì tôi đã đọc, nhìn, suy nghĩ… cho đến nay thì chúng rất “ảo”,
rất không có thật. Và tôi nghĩ cũng nên thử viết một bài gợi ý ngắn bằng
ngôn ngữ bình thường, dễ hiểu nhất, không lấy hình thức học thuật chính
trị, hay triết học xã hội, hoặc học thuật kinh tế làm cơ sở, nhằm tạo
sự thoải mái cho các bạn trẻ tùy thích mà tự chọn góc độ nào mình thích
mà tiếp cận.
Bài trước tiên tôi gợi ý về “Tư Bản Chủ Nghĩa”.
* * *
Kể từ khi Cộng Sản Chủ Nghĩa ra đời, thế là một số từ ngữ mới ra đời,
và một số từ ngữ khác được/bị “nâng cấp” lên thành những “chủ nghĩa”,
trong đó, có lẽ từ “tư bản” là từ được/bị“nâng cấp” và biến dạng quan
trọng nhất.
Trong khi định nghĩa của “tư bản” chỉ đơn giản là “vốn”, là “tài sản
vật chất”, là “tạo giá trị về giá trị vật chất”, v.v… như là một phần tự
nhiên trong mỗi cá thể, mỗi xã hội hay ngay cả con người nói chung, các
bạn có thể bắt đầu từ chỗ sơ khởi nhất trở đi: http://en.wikipedia.org/wiki/Capital_(economics)
và những con người chuyên tập trung vào kinh doanh phát triển tài sản
vật chất được gọi là những capitalists, còn được gọi là những người hoạt
động tập trung vào xu hướng hay trường phái vật chất, một cách rất
chung chung.
Tin liên quan:
Capitalism, hay có thể dịch ra là “trường phái tư hữu”, hay ngay cả
miễn cưỡng là “chủ nghĩa tư bản”, đã được rất nhiều triết gia, nhà lý
luận viết về nó, nhưng tất cả đều chỉ ở mức lý luận triết học mà chưa
bao giờ có thành một loại “chủ nghĩa” có những “cương lĩnh” để từ đó lập
ra những thể chế để áp dụng như một guồng máy lãnh đạo một xã hội nào
cả. Và vì chẳng có môt "chủ nghĩa" với cương lĩnh rõ ràng cho nên chưa
bao giờ được áp dụng vào thực tế như kiểu “Chủ Nghĩa Cộng Sản” cả. Mọi
sự phát triển của “capitalism” trong thế giới tự do và dân chủ đã đều là
sự phát triển tự nhiên của xã hội, cho dù nó nằm dưới chế độ quân chủ,
dân chủ, độc đảng hay đa đảng quân chủ. Và nó trở thành vô cùng đa dạng,
uyển chuyển cũng như rất tự phát theo môi trường đặc thù của mỗi quốc
gia. Vì nó là sự phát triển và biến đổi tự nhiên của xã hội mà thôi.
Nhưng khi cần vạch ra “chiến tuyến”, thì những người theo chủ nghĩa
Công Sản, nhất là Karl Marx và những tay lý luận sừng sỏ của các đảng
CS, tự dựng cho nó - một hiện hữu có sẵn và thay đổi một cách tự nhiên
từ khi con người bắt đầu có trên trái đất - thành một loại “chủ nghĩa”
và tự đóng khung cũng như đặt để nó ngang hàng một cách cứng nhắc như
Chủ Nghĩa Cộng Sản - một chủ nghĩa đi từ một nghiên cứu triết học của
một cá nhân, một loại triết học xã hội nhân tạo - để đi chống lại nó!
Một nỗ lực chống lại sự phát triển tự nhiên của loài người!
Tệ hại hơn nữa, bênh cạnh đóng khung để triệt tiêu quyền tư hữu tự
nhiên của loài người, thì phía CS này còn loại bỏ những giá trị tự
nhiên hằng có và cực kỳ quan trọng của xã hội loài người, như những hoạt
động phát triển về tinh thần, phát triển về tâm linh… Họ chỉ đưa ra một
phạm trù chính, đó là giá trị vật chất, và cho nó là điều quan trọng
nhất mà tất cả những phạm trù khác còn lại chỉ là những chuyện phụ,
không quan trọng, không cần thiết phải quan tâm đến, và tệ hơn nữa là
những giá trị quan trọng này phải hy sinh hoặc chuyển đổi để phục vụ cái
mục tiêu “đại đồng” nặng mùi vật chất của Chủ Nghĩa Cộng Sản.
Nếu các bạn thử nhìn lại những gì đã và đang xảy ra với thế giới tự
do và dân chủ (tất nhiên không tính những nước “dân chủ giả hiệu”, độc
tài tàn ác tự xưng là dân chủ), mà phía CS cho là “Tư Bản” và so sánh
với những gì thực tế đã và đang xảy ra trong các nước tự xưng là “Cộng
Sản” hay biến dạng thành "Xã Hội Chủ Nghĩa", thì khi đó các bạn sẽ thấy
rất rõ những hiện tượng trái ngược chính như sau:
1. Tuy sự lợi dụng sức lao động rẻ tiền vẫn cứ xảy ra trong các nước
tự do và dân chủ, nhưng những nhóm người lợi dụng này luôn bị lên án bởi
những tổ chức bảo vệ người lao động và từ đó, xã hội của họ đều có
những phương pháp để khắc phục hay trừng phạt thích đáng, và khi cần
thiết thì có luôn những cuộc biểu tình rầm rộ chống lại hệ thống đang
cầm quyền để bảo vệ người dân của họ. Trong khi đó, việc lợi dụng bóc
lột sức lao động ở các nước “Cộng Sản” và "Xã Hội Chủ Nghĩa" lại có “hệ
thống” và hầu hết mọi phản kháng đều bị dập tắt.
2. Trong khi phía CS vẽ một bức hình tàn tệ về tính bóc lột của thế
giới tự do, thì ngược lại, nhất là trong 20 nước dẫn đầu về thịnh vượng,
thì đại đa số người dân của họ có những chính sách an sinh xã hội tốt
đến mức trở thành sự mơ ước không bao giờ vươn tới ở trong tất cả các
nước thuộc quyền lãnh đạo bởi CS hay lãnh đạo bởi những bọn xảo quyệt
với danh xưng CS hoặc XHCN.
3. Trong khi cuộc sống của các nước tự do và dân chủ này rất trù phú
về vật chất, thì họ cũng phát triển và tận hưởng những phạm trù khác vô
cùng phong phú, nhưng phạm trù vô cùng quý giá và cần thiết thể hiện giá
trị của con người và đóng góp cho sự phát triển chung của cả nhân loại,
chẳng hạn các lĩnh vực lớn như các ngành khoa học - công nghệ, quản
trị, nghê thuật, triết học… Thì ngược lại, tất cả các nước CS lại rất
nghèo đói, không những nghèo đói về vật chất mà còn nghèo đói hơn về
những dưỡng chất tinh thần, kiệt quệ về khoa học (hoặc khoa học chỉ phát
triển để phục vụ cho những sức mạnh bảo tồn chế độ CS là chính mà
thôi), và tất nhiên, từ khi chế độ CS lên ngôi thì sự phát triển về
triết học trong các nước đó bị đóng băng vĩnh viễn cho tới khi nó sụp
đổ.
...
Và tất nhiên, các bạn có thể cộng thêm vài chục dòng khác nữa, cho
từng lĩnh vực một của xã hội, từ y tế đến giáo dục, từ môi sinh đến an
toàn cuộc sống, v.v…
Vì vậy, nếu các bạn chưa rõ thì nên tự tìm hiểu cho thật rõ về cái sự
đóng khung và gán ép phản khoa học để có một loại “Tư Bản Chủ Nghĩa”
nào đó, mà trên trần gian này chưa hề có một nước nào áp dụng nó như là
một chủ nghĩa, một chính sách chuyên chế, nhất quán như “Chủ Nghĩa Cộng
Sản”, hay xảo quyệt như "Xã Hội Chủ Nghĩa" thì khi đó, các bạn sẽ thấy
rằng trước giờ chưa hề có một chủ nghĩa, một thể chế, một cương lĩnh có
tên là "Chủ Nghĩa Tư Bản" hay "Tư Bản chủ Nghĩa" nào hết, mà chỉ là một
sản phẩm "ảo" gượng ép tạo ra bởi những nhóm lý luận của CS nhằm tạo ra
một "kẻ thù" để chúng chiến đấu!
Và từ đó, nếu và khi các bạn đã tìm ra và hiểu rõ, các bạn nên xóa
cái tên ảo này ra khỏi bộ nhớ của mình để không phải bị lừa như bao
nhiêu năm qua nữa.
Nhớ đó.