Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Cả thế giới đang dõi theo

Vài tháng trước, khi ghé thăm Hà Nội, tôi đã có dịp trò chuyện với một số thanh niên quan tâm sâu sắc đến tương lai của đất nước. Họ chia sẻ với tôi khát vọng đóng góp cho sự phát triển của quốc gia. Những người trẻ này hào hứng với việc khám phá các ý tưởng và cơ hội.
Họ thông minh, nhiệt tình và ấm áp. Họ bất bạo động. Họ muốn đất nước mình có một tương lai tươi sáng hơn.
Vâng, họ lo lắng cho tình hình đất nước. Nhiều người trong số họ suy nghĩ nghiêm túc về những ý kiến mà Đảng Cộng sản Việt Nam chưa chấp nhận hoặc đã gạt phăng đi.

Nhưng làm thế nào, tôi tự hỏi, mà một nhà nước với khẩu hiệu “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” lại gắn liền với một loạt hành vi bạo lực mà chúng ta được chứng kiến trong những ngày gần đây, như việc bố ráp và đàn áp cả về tinh thần lẫn thể xác với những thanh niên này?
Vào thời điểm mà Việt Nam đang cố nuôi dưỡng những mối quan hệ gần gũi hơn, thúc đẩy sự hiểu biết lớn hơn và xây dựng những quan hệ đối tác quốc tế có hiệu quả hơn, họ sẽ đạt được những gì từ lối hành xử như thế?
Chiến thuật đàn áp khốc liệt này có phải là cách tốt nhất để giành sự tin tưởng của các quốc gia trong cộng đồng quốc tế (trừ Trung Quốc) không?
Và những thanh niên yêu nước này khao khát gì? Chính quyền, phải chăng, chỉ đơn giản là muốn họ ngừng suy nghĩ về chính trị và quyền lực?
Và cuối cùng, những sinh viên này nên làm gì để phản ứng? Họ có nên đáp trả bằng việc theo đuổi kiện tụng, dù biết rằng hệ thống pháp luật và tư pháp Việt Nam chắc chắn sẽ chẳng cho họ một cơ hội công bằng nào, nhưng cũng biết rằng họ có thể vạch trần thêm bộ mặt đáng xấu hổ của chính quyền Việt Nam? Hay họ nên đơn giản chấp nhận rằng Tổ quốc của mình bị thống trị bởi một đảng không chấp nhận sự phản biện ôn hòa?
Rằng họ sẽ sống những thập niên còn lại của cuộc đời mình như những đứa trẻ bị tẩy não, không có chút tư duy phê phán nào, và không mảy may đóng góp gì cho sự phát triển của đất nước?
Đặc tính nhất quán của tất cả các nhà nước công an trị là, ngoài chuyện ưa bạo lực, thiếu trách nghiệm giải trình và cực kì nguy hiểm, họ rất ngu xuẩn và vụng về. Mới một tháng sau khi Chủ tịch Trương Tấn Sang gặp Tổng thống Obama, các vụ bắt bớ và đánh đập thanh niên ở Hà Nội gần đây cũng có thể tạo ra những cơ hội chính trị hiếm có để đẩy nhanh sự sụp đổ của phái bảo thủ, nếu không thì sẽ lại phá hoại một lần nữa những nỗ lực của nhà nước Việt Nam để phát triển các quan hệ quốc tế.
Đã 87 năm kể từ cái chết của Phan Chu Trinh dưới chế độ Pháp thuộc. Ông sẽ nghĩ gì về cách hành xử của Nhà nước Việt Nam hiện nay? Ông sẽ nghĩ gì về “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” của Việt Nam vào năm 2013?
Chỉ trong hai tuần nữa, Việt Nam sẽ kỷ niệm ngày Độc Lập. Nhưng nền độc lập có ý nghĩa gì nếu người dân Việt Nam không được hưởng những quyền tự do cơ bản của công dân?
Tôi đã nghiên cứu Việt Nam suốt 20 năm qua. Tôi có nhiều bạn bè trong mọi ban ngành của Đảng và Nhà Nước. Nhưng tôi đã đi đến cái ngưỡng mà tôi không thể chỉ im lặng đứng nhìn nhà nước tiếp tục cổ súy một xã hội trong đó việc tuân theo những chủ trương và quan niệm sai lầm lại được coi trọng hơn phẩm giá con người. Tôi tin nhiều người quan tâm đến Việt Nam đều nên lên tiếng.
Tôi hoan nghênh mọi ý kiến bình luận của tất cả mọi người, kể cả những người trong chính quyền Việt Nam. Tôi chỉ có thiện chí thôi.
JL

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"