Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2013

Lương thiện, điều không thể thiếu khi tham gia xây dựng Hiến pháp

Bùi Đức Lại*
Mọi cuộc thảo luận tử tế đều rất cần sự lương thiện. Ranh giới thiện ác, đen trắng ở đây rất mong manh, khó nắm bắt. Dùng xảo thuật ngôn từ để “ăn gian” trong thảo luận, tệ hơn nữa là quy kết vu vạ để hăm doạ, hãm hại người khác là những hành vi khó nhận diện và luận tội hơn nhiều so với tham nhũng, ăn cướp, giết người… Thế mà có khi những việc làm thiếu lương thiện như vậy đó gây ra tai hoạ cho xã hội không kém nặng nề. Không phải là vô cớ mà người xưa nói: “Một lời nói một đọi máu”. Không bao giờ có một cuộc thảo luận đúng nghĩa nếu người tham gia thiếu lương thiện.
Để tham gia xây dựng Hiến pháp của đất nước, càng cần sự lương thiện và cẩn trọng từ mọi người, nhất là những người nắm quyền phát ngôn, những cái “miệng có gang có thép” trên các phương tiện thông tin chính thống. Nếu không như vậy, thì là làm hại cho chính việc xây dựng  Hiến pháp và công việc chung, cũng là tự hại mình.

Gần đây việc xây dựng Hiến pháp đã thu hút được sự quan tâm rộng rãi hơn trong các tầng lớp nhân dân, là hiện tượng đáng mừng. Qua đó mỗi người nhận biết sâu hơn những vấn đề của đất nước và trách nhiệm công dân, người dân biết rõ hơn về những người lãnh đạo; ngược lại, những người lãnh đạo cũng hiểu dân hơn. Những hiểu biết đó là quan trọng, không chỉ đối với việc xây dựng Hiến pháp, mà sâu xa hơn, đối với việc toàn dân nỗ lực tìm kiếm đường đi nước bước tối ưu cho đất nước.
Kết quả đó sẽ lớn hơn nhiều, nếu không có một số biểu hiện có thể gọi là thiếu lương thiện trong xây dựng Hiến pháp, như kể ra dưới đây.
1- Lạm dụng quyền lực thay cho đối thoại lý lẽ. Trách nhiệm và quyền hạn của Quốc hội, của Đảng lãnh đạo đã được thể hiện trong việc quyết định chương trình, kế hoạch sửa đổi Hiến pháp và nội dung Dự thảo sửa đổi. Đưa toàn bộ Dự thảo ra để lấy ý kiến nhân dân, đồng nghĩa với việc trình tất cả các nội dung của Dự thảo ra công luận, để được nhân dân, công luận phán xét. Công dân có ý kiến như thế nào, tán thành hay phản đối điều này điều khác là quyền hợp hiến, hợp pháp của họ, cũng là điều các cơ quan có trách nhiệm, cụ thể là  Quốc hội và Uỷ ban Dự thảo, chờ đợi và hoan nghênh. Trong việc nói ra quan điểm riêng, nhận xét và phản biện Dự thảo và phản biện lẫn nhau, mọi người đều bình đẳng trong tư cách công dân, dù là dân thường hay quan chức có cương vị cao hay thấp. Trong thảo luận không ai được giao quyền hoặc tự cho là có quyền quy kết tội lỗi chính trị, hình sự hay đạo đức đối với người khác ý kiến  hay không đồng ý với Dự thảo. Làm như vậy, có thể bị xem là vu cáo, lăng mạ  người khác; và đối với người có quyền lực còn có thể bị quy kết là lạm dụng quyền lực để thực hiện các hành vi nói trên.
Phản ứng của những người bị vu cáo, lăng mạ là chính đáng và có thể hiểu được. Nhưng đáp trả bằng việc mạ lỵ, xỉ vả, gắn “hỗn danh”…cho những người lăng mạ mình là việc không thể đồng tình.
Các phương tiện thông tin đại chúng cũng có thể bị coi là lạm dụng quyền lực nếu chỉ nghiêng về việc tán dương những ý kiến, lý lẽ tán thành với Dự thảo, vô cớ phê phán thô bạo những người có ý kiến khác. Không đăng tải nguyên văn những ý kiến không tán thành với Dự thảo trên thực tế làm mất không khí đối thoại, biến nó thành độc thoại một chiều, làm méo mó việc trao đổi ý kiến xây dựng Hiến pháp trên các phương tiện thông tin đại chúng, làm giảm ý nghĩa và hiệu quả của việc lấy ý kiến nhân dân xây dựng Hiến pháp.
2- Đánh tráo vấn đề, suy diễn chụp mũ, thêm thắt tuỳ tiện, cố tình tường thuật sai lệch ý kiến người khác.
Có một số người có thể lợi dụng diễn đàn xây dựng Hiến pháp, để chống phá chính thể. Họ chỉ là số ít, không được tuyệt đại đa sô nhân dân đồng tình. Nếu vì sợ ảnh hưởng của họ mà hạn chế việc khuyến khích công dân công khai thảo luận về các nội dung của Dự thảo thì chính là việc làm vô tình hỗ trợ cho hoạt động chống phá vốn chỉ rất èo uột. Việc vội vàng bênh vực một cách vụng về, thiếu lý lẽ thuyết phục, một số những điểm bất toàn, đáng tranh cãi của Dự thảo cũng có tác dụng ngược như vậy.
Nhận định và đánh giá tình hình không đúng dẫn tới cách tiếp cận và xử lý tình huống thiếu chuẩn mực, thiếu nhất quán. Gạt tất cả những ai có ý kiến khác với Dự thảo, nhất là  trên một số điểm được cho là hệ trọng, về một phía đối lập “ảo”, đồng nghĩa với việc phải mặc nhiên thừa nhận tất cả những ai nhất mực đồng tình với Dự thảo là sáng suốt, kiên định, trung thành với chính thể. Làm như thế là cấp “chứng chỉ” để một số người tự cho phép mình bỏ qua sự lương thiện, trung thực cần có trong đối thoại giữa những công dân yêu nước, để sử dụng những thủ đoạn đối với kẻ thù và thế lực đối lập.
Nét chung nhất của các thủ đoạn này là cắt xén ý kiến khác với Dự thảo, đắp điếm những điều gán ghép, suy diễn.. để dựng lên một “kẻ thù tư tưởng ảo”, rồi bằng cách “tiêu diệt kẻ thù ảo” đó, thủ tiêu ý kiến được nêu ra và bôi nhọ tác giả của nó.
Lấy việc thảo luận xung quanh Điều 4 làm ví dụ.
Điều 4 chỉ được ghi trong Hiến pháp từ 1980, một bản Hiến pháp sao chép mô hình nước ngoài, chịu ảnh hưởng của tư duy chủ quan duy ý chí mà Đại hội VI đã phê phán. Trước và sau sự kiện có Điều 4 trong Hiến pháp, địa vị chính trị thực tế của Đảng trong chính thể không có gì thay đổi. Điều đó chứng tỏ rằng, vốn dĩ từ ban đầu, Điều này không hề có ý nghĩa “sống còn” như quan niệm của một số người. Lời qua tiếng lại, ý nghĩa của Điều 4  đã bị kích lên giả tạo  như điểm nút của đấu tranh bảo vệ chính thể, làm bóp nghẹt mọi việc thảo luận nghiêm túc về nó. Nhiều công dân có trí tuệ và thiện chí thực tâm muốn bàn một cách khách quan  các khía cạnh của Điều 4 như: Xem xét lợi hại của việc nên để hay nên bỏ một Điều như vậy đối với đất nước và chính thể, nên giữ hay nên sửa Điều này trong Dự thảo, về sự cần thiết phải sớm có luật về Đảng…Đó là việc làm đúng đắn và có trách nhiệm, lẽ ra phải được tôn trọng và lắng nghe, dù đồng tình hay không. Muốn phản bác, cần làm một cách làm trung thực, lương thiện là đưa ra lý lẽ phải trái, dẫn chứng thực tiễn để phân tích, thuyết phục. Nhưng cũng có những người không đủ tự tin và lý lẽ, vẫn cố “xông ra trận địa” để lập công, ghi điểm đã không làm như vậy. Họ chọn một cách làm thiếu lương thiện là tuỳ tiện gán cho những người có ý kiến đề nghị bỏ Điều 4 là mưu toan phủ nhận sự lãnh đạo, phủ nhận vai trò lịch sử của Đảng, là dao động, “trở cờ”, chống Đảng…Lập luận đánh tráo như vậy nhằm đánh lừa một bộ phận công luận, kích động tâm trạng của cả một số người trung thực nhưng không có điều kiện tiếp cận vấn đề một cách đầy đủ, không nghe được các tiếng nói khác nhau. Trong điều kiện những người bị vu vạ không có diễn đàn để trình bày và  tự bảo vệ quan điểm của mình, việc “ăn gian” nói trên không phải không có tác dụng.
Thủ thuật nói trên cũng được áp dụng tương tự cho một số trường hợp khác, như đổ vấy cho những ý kiến muốn bảo lưu Điều 45 của Hiến pháp 1992 “Các lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân…” là “phi chính trị hoá quân đội”; đổ vấy cho những ai đề nghị không thừa nhận kinh tế nhà nước là chủ đạo, hoặc kiến nghị thừa nhận đa sở hữu về đất là “lệch lạc, chệch hướng”…
3- Phỉ báng người tham gia xây dựng Hiến pháp.
Tham gia ý kiến xây dựng Hiến pháp là lựa chọn cá nhân của công dân. Chẳng ai có thể phỉ báng những người không tham gia; nhưng càng không thể chấp nhận được những ý kiến phỉ báng những người tham gia với những lời lẽ khiếm nhã như: ngây thơ về chính trị, phối hợp với chính quyền diễn trò mỵ dân, lừa đảo công luận, hèn nhát…
Một biến thể khác của cách làm thiếu lương thiện nói trên là việc bôi nhọ  những người trước đây từng giữ cương vị có trách nhiệm khi họ phát biểu chính kiến của mình. Bằng cách đặt ra một câu hỏi móc máy “Sao trước đây khi còn đương chức ông/bà không nói”, để gán ghép tính chất cơ hội chủ nghĩa cho tất cả những người đó để bịt mồm và giảm giá trị ý kiến của họ, tự giành cho mình “độc quyền” được có ý kiến khác.
4- Tham gia ý kiến “ẩn danh”. Không ai bắt buộc phải tham gia xây dựng Hiến pháp, nhưng tham gia thì phải thể hiện chính kiến và phải chịu trách nhiệm tinh thần về chính kiến đó. Biểu hiện hiện đơn giản và tối thiểu là công khai danh tính khi viết bài hoặc phát biểu ý kiến. Nếu công luận ít nhiều có thể thông cảm với một số người dân không muốn để lộ danh tính do lo ngại bị làm khó dễ, thì lại nhất thiết đòi hỏi tác giả những bài viết tranh luận quan điểm trên các phương tiện thông tin đại chúng phải luôn luôn chính danh. Ký những bút danh lạ hoắc làm giảm giá trị của bài viết và người viết.
Lương thiện là bản tâm, là điều không thể được ai cho hay cấp chứng chỉ. Tuy nhiên xã hội có thể tạo ra các điều kiện để lương thiện phát triển, không lương thiện bị hạn chế. Đối với việc lấy ý kiến nhân dân xây dựng Hiến pháp hiện nay, xin có mấy kiến nghị:
- Các tổ chức có trách nhiệm, trước hết là Quốc hội và các tổ chức Đảng công khai hoan nghênh, khuyến khích các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng Hiến pháp; công khai khẳng định một lần nữa không có vùng cấm; sẵn sàng chấp nhận đối thoại công khai về một số chủ đề có ý kiến khác nhau.
- Các cơ quan thông tin đại chúng bên cạnh việc phổ cập rộng rãi Dự thảo trong nhân dân, phải làm tốt vai trò diễn đàn của nhân dân tham gia xây dựng Hiến pháp, đăng tải những ý kiến khác nhau, đồng tình và không đồng tình với các nội dung của Dự thảo, tổ chức các buổi toạ đàm, đối thoại giữa những người có ý kiến khác nhau.
- Nghiêm cấm mọi việc làm xuyên tạc mục đích của việc lấy ý kiến nhân dân, cũng như mọi hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử, hăm doạ, trấn áp, lăng mạ người có ý kiến khác Dự thảo.
Nguồn: Hienphap.net
* Tác giả là cựu chuyên viên cao cấp Ban Tổ chức TƯ đảng CSVN

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"