Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh
Đó là
vòng vây hữu hình của nhiều nhà báo chiều qua, khi cố tìm cách vào dự
một Hội nghị ở Mặt trận tổ quốc mà không được. Nó lại hé lộ một “vòng
vây” vô hình khác.
Trước hết xin trở lại
chuyện một tài liệu gần đây được độc giả gửi tới hộp thư của blog Ba
Sàm, bản ghi chép nội dung cuộc nói chuyện của Chủ tịch nước Trương Tấn
Sang tại CLB Thăng Long, ngày 19/2/2013, nơi sinh hoạt của các vị cựu
quan chức. Do không có phần âm thanh đi kèm, nên chúng tôi không đăng vì
khó xác định mức độ khả tín, chỉ dè dặt trích đoạn liên quan lực lượng
vũ trang để tham khảo (sau đó có nhiều trang mạng đã đăng lại toàn văn):
“Về
vai trò của Đảng với quân đội. Tôi cho rằng Đảng ta lập ra quân là để
bảo vệ Tổ quốc, nhân dân chứ không phải là lập ra là bảo vệ, trung thành
với Đảng, vì vậy quân đội phải trung thành, bảo vệ Tổ Quốc, nhân dân
rồi mới đến Đảng, có như vậy mới đúng chứ. Nay vì theo tập quán, nhận
thức vẫn chưa thực hiện được.”
Nếu như căn cứ vào
sức nóng của vô số lời chỉ trích, quy kết đủ kiểu trên truyền thông nhà
nước đối với bất cứ ai muốn Hiến pháp có nội dung khẳng định lực lượng
vũ trang phải trung thành với Tổ quốc, Nhân dân là trên hết, chứ không
phải là với đảng (CSVN), thì cũng có thể đoán được những thái độ khó
chịu tới đâu với phát biểu được cho là của CTN ở trên.
Còn mới đây, trên
mạng lại có thông tin rằng đang có âm mưu “bao vây” ông CTN. Chưa rõ
thực hư ra sao thì chiều qua một “Hội nghị lấy ý kiến nhân sĩ, trí thức,
luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo góp ý
vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ
quốc VN tổ chức, có CTN tham dự, hình như minh chứng cho dư luận đó.
Một vòng vây hữu hình
là các nhà báo muốn vào dự mà không được và một “vòng vây” vô hình là
khoảng trống giữa ông CTN với công luận khi người ta ngăn cản báo giới
dự mà không rõ lý do thực là gì, cùng những nội dung tường thuật sơ sài,
bị cắt xén trên vài báo đài nhà nước.
Theo các nhà báo cho
biết, nghe tin có Hội nghị quan trọng, nhiều báo đã cử phóng viên đến
mặc dù không nhận được giấy mời. Tới nơi, họ mới biết chỉ có 3 cơ quan
được mời là báo Nhân dân, Đài truyền hình VTV và trang web Mặt trận tổ
quốc, ngay cả báo Đại đoàn kết của Mặt trận cũng không có tên. Báo Đại
biểu nhân dân của Quốc hội có giấy mời của Mặt trận Tổ quốc mà cũng
không được vào.
Không khí của một phiên chợ cóc bắt đầu! Thắc mắc, hỏi han, tranh cãi, giãi bày …
Một chàng phóng viên
của Tiền phong đã “lọt lưới” do vận comple nghiêm chỉnh làm ban tổ chức
tưởng là đại biểu. Phóng viên báo Đại đoàn kết sau khi có sự can thiệp
của Mặt trận, cũng đã qua cửa ải, kéo theo vài phóng viên báo khác, do
“lừa” là người các ban của Đại đoàn kết.
Các phóng viên được
giải thích là việc này do Văn phòng Chủ tịch nước quyết định. Nhưng lại
có phóng viên cho là họ bị lực lượng an ninh chuyên trách bảo vệ các
cuộc gặp lãnh đạo viện lý do này nọ để ngăn cản. Không khí càng nóng
hơn, theo kiểu mà Aziz Nesin đã
từng diễn tả, tức là thấy bị ngăn chặn quá phi lý, cánh nhà báo càng tò
mò, nghi là CTN sẽ có thông điệp gì đó quan trọng lắm. Thế là một loạt
phóng viên dùng điện thoại di động nhắn tin trực tiếp vào máy của CTN,
đại ý thắc mắc “sao chúng cháu không được vào?”
Có lẽ do “con khóc”
nên “mẹ mới cho bú”, nhưng chỉ cho vài “con” thôi. Sau giờ giải lao, một
vài báo được phép vào, chủ yếu là báo giấy như Tuổi trẻ, Thanh niên,
Sài Gòn Giải phóng, … Đám báo mạng, là thứ khá nguy hiểm (?), như
VietNamNet, Dân trí, VNExpres thì vẫn phải chầu rìa.
Hội nghị bàn về một
vấn đề hệ trọng hàng đầu của cả nước, tại một tổ chức mang danh lớn nhất
của quần chúng cả nước, với sự có mặt của một “nguyên thủ quốc gia” mà
úp úp mở mở như vậy đó.
Hội nghị kéo dài tới 6 giờ tối.
Thử lướt qua nội dung vài báo đài tường thuật vụ này xem sao.
TTXVN có một bài khá dài, nội dung không có gì đáng chú ý, kể cả phát biểu được tóm lược của CTN. VOV News rất dễ thấy đã lấy lại bài của TTXVN, nhưng lộn ngược đầu đuôi, thế là ổn. Lao động có một bản tin không thể ngắn hơn. Tin của Thanh niên và Tuổi trẻ nhiều chữ hơn Lao động một chút. Các báo Quân đội ND, Dân Việt, Pháp luật&Xã hội không được vào dự, thôi thì lấy lại của TTXVN là an toàn nhất. Bài trên Nhân dân cũng là một bản “tóm lược”.
Riêng Tiền phong, có trích dẫn một câu của CTN nhận xét về các ý kiến trong hội nghị:
“Đó là những phát biểu rất độc lập, rất có giá trị và cũng rất hay, không theo một khuôn mẫu nào”.
Đáng chú ý có phát biểu của “ông hội đồng” Đặng Văn Khoa,
người từng nổi tiếng xông xáo, thẳng thắn phản ánh những bức xúc của xã
hội. Có 3 báo đài sử dụng phát biểu của ông, nhưng theo 2 cách khác
nhau.
VTV chỉ “nhặt” đoạn ông Khoa ủng hộ tuyệt đối “đảng
là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”. Một ông nghị được lòng dân
như vậy mà đăng đàn “bỏ phiếu” cho đảng thì còn gì hiệu quả bằng?!
Chợt
thắc mắc là tại sao chưa nghe ai so sánh hậu quả nghiêm trọng đối với
toàn xã hội của những lối cố tình bóp méo, che đậy thông tin, một cách
có hệ thống, với những hành động tội ác, như giết người, cướp của …, xem
kẻ nào đáng tội chết hơn. Bởi vì cũng phát biểu của ông Khoa, VNEconomy vàVietnamNet có
thêm nhiều chi tiết cho thấy nó đã bị VTV cắt xén bớt, có thể sẽ đem
lại những tác động khác hẳn tới độc giả, ảnh hưởng đến bước tiến bộ xã
hội:
“Hiến pháp vẫn
cần khẳng định sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Nhưng nên chăng cần lắng
nghe các ý kiến trái chiều, tránh quy kết”, ông Khoa tâm tư.” (VNN).
“Tự giới thiệu là
người ngoài Đảng, doanh nhân Đặng Văn Khoa, ủy viên Ủy ban Trung ương
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói, những phát biểu thẳng thắn của Chủ tịch
nước về những mặt được, chưa được của Đảng đã nhận được sự đồng cảm của
dân.”
“…để mở ra thời
kỳ mới về dân chủ của đất nước, cần mở rộng quyền dân chủ trực tiếp, cần
để nhân dân phúc quyết Hiến pháp. … ông Khoa góp ý, ‘tôi khẳng định
rằng Hiến pháp vẫn cần khẳng định sự lãnh đạo của Đảng. Nhưng nên chăng
cần lắng nghe các ý kiến trái chiều, tránh quy kết’.” (VNEconomy).
Cả hai báo này còn đề
cập một số nội dung đáng chú ý khác và lời hẹn của CTN sẽ trở lại để
nghe thêm ý kiến của các vị trong Mặt trận một lần nữa, sau khi gợi ý sẽ
“đặt hàng” về các vấn đề còn chưa rõ.
Vậy thì, ta vẫn sẽ
phải chờ đợi xem tới đây liệu sẽ tái diễn một cuộc “bao vây” tương tự
hay không, cũng giúp giải đáp rằng có hay không một “vòng vây” vô hình
khác ngăn cách CTN với công luận.