Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Từ Rosa Parks đến Nguyễn Đắc Kiên

Đinh Từ Thức
Cùng ngày 27 tháng 2, 2013, có hai nguồn tin phát xuất từ hai nơi cách nhau nửa quả địa cầu, nhưng xem chừng rất gần nhau:
- Tại Điện Capitol, trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ, Tổng thống Obama làm lễ cống hiến Tượng Vinh danh Rosa Parks.
- Tại Hà Nội, nhà báo Nguyễn Đắc Kiên nhận quyết định “không còn tư cách là phóng viên báo Gia đình & Xã hội”.
Từ năm 1776, nước Mỹ đã có bản Tuyên ngôn Độc lập nổi tiếng thế giới mở đầu bằng câu thừa nhận mọi người sinh ra đều bình đẳng, tiếp theo là bản Hiến pháp năm 1791 kèm 10 tu chính được coi là đạo luật nhân quyền căn bản vẫn còn giá trị đến ngày nay. Nhưng một tuyên ngôn hùng hồn chứa đựng tinh thần cao cả với một hiến pháp bảo đảm các quyền bất khả xâm phạm của con người không đương nhiên thể hiện một chế độ tốt đẹp và một xã hội công bằng. Tuy có những văn kiện đẹp như vậy, nhưng gần một thế kỷ sau khi lập quốc, Tổng thống Lincoln đã phải chịu đựng cuộc nội chiến thiệt hại hơn sáu trăm ngàn người để giải phóng nô lệ, và thêm gần một thế kỷ nữa, học sinh da đen vẫn không được học cùng trường với học sinh da trắng, và người da đen vẫn không được ăn chung trong tiệm, hay ngồi chung với người da trắng trên xe bus.

Rosa Parks là một phụ nữ da đen làm nghề khâu vá. Vào tháng 12 năm 1955, bà Parks bị tài xế xe bus bắt đứng lên nhường chỗ cho người da trắng. Bà nhất định không chịu, ngồi chờ bị bắt. Và bà đã bị bắt đúng như chờ đợi. Thái độ can đảm của bà đã gây một phong trào phản kháng sâu rộng, không những trong hàng ngũ người da đen, mà được cả sự ủng hộ của những người da trắng yêu tự do và trọng sự công bằng. Phong trào đi đến thắng lợi, và cuối cùng, tượng bà Rosa Parks đã đứng chung với tượng George Washington tại Quốc hội Hoa Kỳ, vào ngày 27 tháng 2, 2013 – cùng ngày tại Việt Nam, nhà báo Nguyễn Đắc Kiên mất việc, vì đã can đảm lên tiếng chống lại người có địa vị cao nhất trong Đảng nắm độc quyền cai trị, là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Để biết thêm sự nghiệp của bà Rosa Parks, xin trích sau đây ít lời của ông Obama trong diễn từ cống hiến Tượng:
Sáng nay, chúng ta mừng một người thợ may, yếu về dáng vóc nhưng mạnh về can đảm. Bà đã thách thức những sai trái, và thách thức bất công. Bà đã sống một cuộc đời hoạt động và một cuộc đời có nhân phẩm. Và chỉ trong một lúc, với những cử chỉ giản dị nhất, bà đã giúp làm thay đổi cả Hoa Kỳ – và thay đổi cả thế giới.
Rosa Parks không giữ một chức vụ dân cử nào. Bà không làm chủ cơ nghiệp nào; đã sống một cuộc đời xa những địa vị quyền lực cao cả. Thế mà hôm nay, bà đã có chỗ đứng xứng đáng cùng với những người đã kiến tạo đất nước này.
Vào một buổi chiều mùa Đông năm 1955, Rosa Parks đã không để người ta đẩy bà ra khỏi chỗ ngồi của mình. Khi người lái xe đứng dậy bắt bà nhường chỗ, bà đã không nhường. Khi ông ta doạ gọi người tới bắt, bà nói giản dị “ông có thể làm như thế”. Và ông ta đã làm đúng như lời đe doạ.
Mấy ngày sau, Rosa Parks thách thức vụ bắt bà. Một mục sư trẻ 26 tuổi mới đến thành phố, ít ai biết tới, đã hỗ trợ bà – người đó mang tên Martin Luther King Jr. Hàng ngàn người ở Montgomery, Alabama, cũng làm như vậy. Họ bắt đầu một vụ tẩy chay – giáo viên và công nhân, tu sĩ và người giúp việc, dưới trời mưa lạnh cóng và nóng như thiêu, ngày nọ sang ngày kia, tuần này qua tuần khác, tháng trước đến tháng sau, họ đi bộ hàng dặm đường nếu cần phải đi, xếp đặt đi chung xe nếu có thể, không màng tới chuyện đôi chân nứt nẻ, hay mệt nhọc sau cả ngày làm việc – đi bộ cho nể trọng, đi bộ cho tự do, tiến bước bởi quyết tâm khẳng định phẩm giá của mình đã được Chúa ban cho.
Ba trăm tám mươi lăm ngày sau khi Rosa Parks từ chối nhường chỗ của mình, vụ tẩy chay chấm dứt. Những người da đen đàn ông đàn bà và trẻ em lại lên xe bus ở Montgomery, mới bỏ lệnh kỳ thị, và ngồi tại bất cứ nơi nào còn chỗ trống. Và với thắng lợi đó, cả một thành trì kỳ thị, giống như những bức tường ở cổ thành Jericho [1], bắt đầu từ từ sụp đổ.
… Chỉ một mình bà Parks ngồi lì trên chiếc ghế đó, tay ôm ví, mắt nhìn qua cửa sổ, đợi bị bắt. Giây phút đó cho chúng ta biết sự việc đã thay đổi như thế nào, hay không thay đổi; chọn lựa chúng ta đã làm, hay không làm. Như Kinh Thánh đã nói đúng, “bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương” [2]. Hoặc vì bất động hay ích kỷ, hoặc vì sợ hãi hay chỉ giản dị vì thiếu ý hướng về đạo đức, chúng ta thường sống như trong sương mù, chấp nhận bất công, hợp lý hoá sự bất công và bỏ qua những chuyện không thể tha thứ.
Giống như người lái xe bus, nhưng cũng giống như những hành khách trên xe bus, chúng ta nhìn sự việc như chúng xảy ra – trẻ con đói khát trong một đất nước phong phú, cả một khu phố bị tàn phá vì bạo động, gia đình nghiêng ngửa vì mất việc hay bệnh hoạn – và chúng ta bào chữa vì sao không hành động, và chúng ta tự nói với mình, cái đó không thuộc trách nhiệm của tôi, tôi chẳng có thể làm gì được.
Rosa Parks cho biết luôn luôn có vài thứ chúng ta có thể làm. Bà ấy nói rằng tất cả chúng ta đều có trách nhiệm, với chúng ta và giữa người này với người khác. Bà ấy nhắc nhở chúng ta rằng sự thay đổi đã diễn ra như thế nào – không phải chủ yếu bởi sự khai sơn phá thạch của những người nổi tiếng và quyền lực, mà bởi vô số những hành động can đảm thường là của những người vô danh và tử tế và những người mẫn cảm và trách nhiệm đã cứng đầu, tiếp tục phổ biến quan niệm của chúng ta về công lý – quan niệm của chúng ta về những gì có thể.
Chỉ một hành động bất tuân lệnh riêng lẻ của Rosa Parks đã phát động một phong trào. Những bước chân mệt mỏi của những người đi bộ trên những con đường bụi bặm của Montgomery đã giúp cho cả nước nhìn thấy những gì trước đây họ như mù loà. Chính nhờ những người đàn ông và đàn bà đó mà tôi đứng đây ngày hôm nay. Chính nhờ họ mà con cháu chúng ta lớn lên trong một đất nước tự do hơn và công bằng hơn, một đất nước trung thực hơn với tín điều của các nhà lập quốc [3].
Bà Rosa Parks đã bị mất việc sau hành động cứng đầu của mình, và ông Obama đã nói về bà Parks đúng vào ngày Nguyễn Đắc Kiên mất việc vì thái độ không chịu khuất phục của mình. Sự trùng hợp về thời gian và hoàn cảnh cho người ta cảm tưởng vụ Rosa Parks và Nguyễn Đắc Kiên tuy xa nhau về thời gian và không gian, nhưng quá gần nhau về nguyên do xuất phát. Ngày kết thúc hành động của bà Parks cũng là ngày mở đầu hành động của Nguyễn Đắc Kiên.
Thái độ không sợ hãi của Nguyễn Đắc Kiên khá giống thái độ can đảm của bà Parks, nhưng trong khi nhìn thấy phần kết thúc vẻ vang hành động của bà Parks, người ta chưa thể tiên đoán việc làm của anh Kiên sẽ ra sao. Bà Parks đã đánh động được lương tâm của một số đông. Những người có cơ hội thức tỉnh này, sau đó đã làm những gì cần phải làm, theo lương tâm và nhận thức của mình, không phải vì bà Parks, hay theo chân bà. Việc làm của anh Kiên cũng đã gây được xúc động trong số đông, “Lời Tuyên bố của các công dân tự do” là một bằng chứng. Nhưng nếu chỉ có thế, việc làm của anh sẽ chẳng đi đến đâu, và sẽ sớm vào quên lãng.
Bà Parks đã được ghi nhớ và vinh danh, không phải vì bà là anh hùng hay siêu nhân, mà chính vì hành động đơn lẻ của bà đã được số đông ủng hộ, đưa đến thành công. Đó là thành công của quần chúng, bắt nguồn từ một hành vi can đảm cá nhân.
Thái độ can đảm của anh Kiên bắt nguồn từ cuộc thảo luận về dự án sửa đổi Hiến pháp. Nhưng dù Hiến pháp được sửa đổi không còn điều 4, nó sẽ không là chiếc đũa thần biến một xã hội tự do dân chủ và công bằng thành hiện thực. Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ, Hiến pháp Hoa kỳ là những văn kiện tuyệt vời, nhưng tám năm sau khi bà Parks đã nổi tiếng về hành vi can đảm của mình, vẫn có ông George Wallace, Thống đốc Alabama, chính tiểu bang nơi bà Parks sinh sống, lớn tiếng tuyên bố trong diễn văn nhậm chức của mình trước toà nhà lập pháp tiểu bang vào năm 1963: “Kỳ thị bây giờ! kỳ thị ngày mai! kỳ thị mãi mãi!” (Segregation now!, segregation tomorrow!, segregation forever!). Không phải chỉ tuyên bố suông, ngày 11 tháng 6, 1963, Thống đốc George Wallace đã thể hiện lời hứa qua hành động. Ông đứng chặn trước cửa University of Alabama ngăn không cho hai sinh viên da đen vào trường. Tổng thống John Kennedy phải gửi Vệ binh Quốc gia tới hộ tống cho các sinh viên này nhập học.
Cho nên, chẳng lấy làm lạ, khi gần 70 năm trước Việt Nam cũng đã có bản Tuyên ngôn Độc lập với những lời lẽ tuyệt vời chép lại từ Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, với tên nước Việt Nam kèm theo chế độ “Dân chủ Cộng hoà”, với khẩu hiệu “Độc lập Tự do Hạnh phúc”, nhưng ngày nay vẫn có một Tổng Bí thư Đảng lớn tiếng tuyên bố những ai đòi tam quyền phân lập, đa nguyên đa đảng, và không chấp nhận độc quyền lãnh đạo của Đảng là bọn “suy thoái’, cần “xử lý”. Trước đó cả năm, ngày 27 tháng 2, 2012, tại Hội nghị cán bộ toàn quốc về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, ông Trọng đã tuyên bố về sự lãnh đạo của Đảng “Trước đây đã như vậy, hiện nay đang như vậy, và sau này cũng sẽ vẫn như vậy”. Ông Trọng nói như đinh đóng cột, kém gì George Wallace!
Nhưng Hoa Kỳ được như ngày nay, nhờ họ đã thay đổi không ngừng, kể cả George Wallace. Hai mươi năm sau khi nêu cao quyết tâm sống chết với chủ trương kỳ thị, vào năm 1982, George Wallace công khai thừa nhận trước những người da đen, và trước dư luận rằng ông đã hoàn toàn sai lầm về chủ trương kỳ thị. “I have regretted it all my life.” (Tôi hối tiếc về điều đó đến mãn đời).
Để không cản đường tiến của Hoa Kỳ, những người như George Wallace đã phải thay đổi, và hối tiếc việc làm của mình. Họ không tự ý thay đổi đâu. Chính những người như Rosa Parks, những người tuy thấp cổ bé miệng, nhưng cùng hành động, đã tạo thành một khối “cao cổ lớn miệng”, đủ sức bắt những kẻ như Wallace phải thay đổi. Và may thay, ngay cả với những người như Wallace, thay đổi không phải là chết — như nỗi sợ của Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết “bỏ điều 4 Hiến pháp là tự sát” – thay đổi còn là mở đường sống. Sau khi thay đổi 180 độ, từ chủ trương kỳ thị tới chống kỳ thị, George Wallace đã đắc cử Thống đốc Alabama lần thứ tư, với sự ủng hộ của đa số cử tri da đen.
Ai sẽ làm những người như Nguyễn Phú Trọng và Đảng của ông ta phải thay đổi, để Việt Nam có thể tiến lên? Không cần phải đợi có những người như Gorbachev hay Yeltsin. Một người như Nguyễn Đắc Kiên, trong một khoảnh khắc được thôi thúc bởi ý thức trách nhiệm, đã bất chấp sợ hãi, đương đầu với cường quyền, tạo được sự chú ý trong quần chúng. Như Rosa Parks, Nguyễn Đắc Kiên đã làm bổn phận của mình, trước hết là bổn phận đối với mình, không tiếp tục chấp nhận sống nhục, sau là bổn phận đối với xã hội, và đất nước. Rosa Parks đã tạo được một phong trào, đi đến thành công. Nguyễn Đắc Kiên có may mắn như Rosa Parks không, điều đó còn tuỳ thuộc vào thái độ của những người khác. Nếu đa số những người cùng thời với anh chịu tiếp tục cúi đầu sống nhục dưới quyền tự tung tự tác của một đảng cầm quyền như hiện nay, thì may lắm, anh sẽ còn là một chú thích nhỏ trong một trang sách báo lịch sử nào đó.
Phải cần bao nhiêu người, bao nhiêu hành động cụ thể mới đủ để làm bùng lên ngọn lửa Nguyễn Đắc Kiên đã nhóm? Trách nhiệm với đất nước và tình yêu tổ quốc không phải là thứ có thể cân đo đong đếm để có thể trả lời bằng những con số chính xác. Chỉ cần một vụ tự thiêu của Hoà thượng Thích Quảng Đức để đốt cháy cả chế độ của Tổng thống Ngô Đình Diệm nửa thế kỷ trước. Cũng chỉ cần một anh Bouazizi tự thiêu đã đủ làm sụp đổ cả chế độ độc tài của Tổng thống Ben Ali ở Tunisia hai năm trước. Nhưng với trên một trăm vụ tự thiêu của người Tây Tạng trong hai năm qua vẫn chưa đủ để tạo chú ý của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Chỉ cần một Giải Nobel, Aung San Suu Kyi đã đủ để thay đổi cục diện Miến Điện, trong khi chủ nhân Giải Nobel Đạt Lai Lạt Ma vẫn lui tới Bạch Ốc nhưng chưa thể đặt chân trên quê hương mình, và chủ nhân Giải Nobel Lưu Hiểu Ba chỉ làm chật thêm nhà tù Trung Quốc. Chừng nào độc tài còn ngự trị, chừng đó người dân chưa làm đủ bổn phận đối với dân tộc mình, đất nước mình.
Cũng cần nói thêm, không phải Tổng thống Obama mang mầu da đen, rồi có quyền tự ý ra lệnh làm tượng bà Parks đem vào đặt ở Quốc hội. Theo đạo luật quy định về việc đặt tượng tại United States Capitol National Statuary Hall ở Quốc hội Hoa Kỳ, có hiệu lực từ ngày 2 tháng 7, 1864, mỗi tiểu bang được quyền đề nghị hai pho tượng. Chính tiểu bang Alabama từng bốn lần bầu cho “vua kỳ thị” George Wallace làm thống đốc, đã chi tiền đúc tượng Rosa Parks. Trong khi tượng Rosa Parks, người phụ nữ da đen đầu tiên, đứng chung với tượng George Washington, thì George Wallace, dưới mồ với nỗi hối tiếc cả đời.
Để phù hợp với đà tiến của xã hội, chỉ trong 58 năm, Hoa Kỳ đã “đổi trắng thay đen”. Trong khi ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam cương quyết: “Trước đây đã như vậy, hiện nay đang như vậy, và sau này cũng sẽ vẫn như vậy”.


[1]Jericho, địa danh được nhắc tới nhiều trong Kinh Thánh, nằm phía Tây sông Jodan, được coi là thành phố cổ nhất, xuất hiện từ 11 ngàn năm trước, đã trải qua nhiều phế hưng.

[2] “For now we see through a glass, darkly” trích thư Thánh Phao Lồ gửi tín hữu Cô-Rin-Tô, chương 13, đoạn 12, lời dịch trong Kinh Thánh trọn bộ, Cựu Ước và Tân Ước. Bản dịch của 22 dịch giả do Toà Tổng Giám mục TPHCM thực hiện 1998.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"