Alan Phan
“Mặt trời trong tôi lặn để bình minh lại đến… My sun sets to rise again” - Robert Browning
Kính thưa Quý Vị
Dù chỉ mới nhận được 15 câu hỏi “chất vấn” của Quý Vị qua báo chí,
tôi cũng xin phản hồi sớm vì sự mong đợi của rất nhiều đọc giả; cũng như
để tỏ lòng tôn kính với “1,000 (?) đồng nghiệp” của tôi. Tôi cũng đã
từng làm một nhà đầu tư dự án BDS (real estate developer) ở tận xứ Mỹ xa
xôi vào cuối thập niên 1970’s. Sau 7 năm huy hoàng với lợi nhuận, tôi
và các đối tác đã trắng tay trả lại mọi vốn và lời trong dự án lớn ở
Arizona vào năm 1982. Do đó, tôi khá đồng cảm với trải nghiệm “của thiên
trả địa” hiện tại của Quý Vị.
Tôi không quen bị “chất vấn”, không phải là một cậu học trò phải thi
trắc nghiệm, cũng không có “quyền lợi” hay “nghĩa vụ” gì trong tình
huống này, nên xin phép được trả lời các bậc đàn anh theo phong cách của
mình. Vả lại, những chi tiết nhỏ nhặt của 15 câu hỏi đã được “trả lời”
qua các bài viết của tôi trong vài năm qua (còn lưu lại tại www.gocnhinalan.com).
Thêm vào đó, nhiều BCA (bạn của Alan) cũng đã ra công sức phản biện qua
các lời bình trên trang web này và các mạng truyền thông khác. Quý Vị
tự tìm tòi nhé.
Cốt lõi của vấn đề
Một khuynh hướng chung khi tìm giải pháp cho vấn nạn BDS hiện nay của
Việt Nam là đóng khung bài toán trong các công thức tài chánh. Vài
doanh nghiệp BDS nhờ tôi tư vấn tìm vốn vì họ nói không thể tiếp cận
được các nguồn tài trợ. Câu trả lời của tôi là vấn đề BDS thuộc chuyện thị trường.
Vốn trong dân tại Việt Nam được các nhà chuyên gia nước ngoài ước
tính vào khoảng 60 tỷ US dollars; và vốn từ Việt kiều và các nhà đầu tư
ngoại có thể lên thêm khoảng 20 tỷ (các số liệu này có thể sai nhưng
chúng ta sẽ không bao giờ tìm được một thống kê chính xác và chính thống
về các con số nhậy cảm ở Việt Nam). Tuy nhiên, dù với con số nào, số
tiền này cũng thừa đủ để giải quyết mọi hàng BDS tồn kho.
Trên góc cạnh thị trường, khi người bán đáp ứng được nhu cầu người mua
về sản phẩm và dịch vụ (gồm nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là giá
cả và chất lượng) thì giao dịch xẩy ra. Do đó, câu hỏi cốt lõi là những
BDS mà quý vị đã và đang sản xuất có mức giá và chất lượng theo đúng nhu
cầu của người tiêu dùng chưa? Theo tôi biết, nhu cầu về phân khúc nhà
cho người thu nhập thấp rất cao; nhưng sản phẩm gần như quá ít. Trong
khi đó, nguồn cung cầu tại phân khúc nhà cao cấp lại mất cân bằng và
lượng tồn kho có thể phải mất 10 năm mới tiêu thụ hết.
Tóm lại, khủng hoảng BDS hiện nay là một tính toán sai lầm của nhà sản xuất BDS về giá cả và loại hàng.
Giá thành quá cao?
Nhiều người trong Quý Vị biện bạch là giá BDS cao ngất trời vì giá
đất, giá nguyên vật liệu, chi phí hành chánh và bôi trơn… quá cao. Thật
tình, lý giải này chỉ chứng tỏ tính chất làm ăn thiếu hiệu quả vì không
biết những tính toán căn bản về đầu tư cho dự án; cũng như cho thấy yếu
kém của các quyết định bầy đàn và chụp giựt.
Nhưng đôi khi, tình thế ngoại vi cũng có thể làm sai trật mọi tính
toán. Chẳng hạn khi tôi bắt đầu dự án Arizona nói trên vào 1979, chúng
tôi đã không ngờ là lãi suất lên đến 16-18% mỗi năm khi hoàn tất, thay
vì 8-9% như dự tính. Giá nhà vẫn hợp lý, nhưng phần lớn người Mỹ mua nhà
bằng tín dụng, nên dự án phải phá sản. Dù không phải lỗi của chủ quan,
nhưng chúng tôi hiểu rõ luật chơi của thị trường và cúi đầu chấp nhận.
Người mua nhà, hay ngay cả vợ con bạn bè của Quý Vị, thật sự không
quan tâm đến lý do tại sao giá nhà lại cao hay thấp thế này? Vừa mua
thuận bán thôi.
Một chút lịch sử
Dĩ nhiên, tất cả bàn luận trên đây dựa trên quy luật thị trường.
Nhiều bạn sẽ nói là nền kinh tế chúng ta có “định hướng xã hội” nên
chánh phủ phải nhẩy vào can thiệp hay cứu trợ khi “con cái” gặp hoạn
nạn.
Chắc Quý Vị còn nhớ, có khi giá nhà đất lên cao cả mấy trăm phần trăm
mỗi năm vào thập kỷ 1995-2006, không ai kiến nghị chánh phủ phải can
thiệp để cứu người tiêu dùng bằng cách ngăn chận mọi sự tăng giá (nhiều
khi phi pháp). Các nhà sản xuất BDS quên mất “định hướng xã hội” của
Viêt Nam và ủng hộ triệt để nguyên lý thị trường.
Bây giờ, vào nửa hiệp sau của trận bóng, các cầu thủ lại yêu cầu
trọng tài áp dụng một luật chơi mới? Tính bất nhất này làm mọi biện luận
của Quý Vị trở nên ngây ngô cùng ngạo mạn.
Hệ quả khi bong bóng BDS nổ
Trước hết, khi nói về hệ quả, tôi xin mọi người ghi nhận công trạng
của những nhà đầu cơ BDS trong việc tạo ra khủng hoảng hiện nay. Tất cả
những suy thoái, trì trệ và việc kém hiệu quả trong các đầu tư để công
nghiệp hóa hay gia tăng sản lượng nông, hải, sản… đều có thể truy nguồn
đến những bong bóng tài chánh như BDS, chứng khoán và ngân hàng. Khi
dòng tiền tấp nập chảy về lãnh vực này để hưởng lợi nhuận dễ dàng và
nhanh chóng, chúng ta đã hy sinh những đầu tư xã hội cần thiết và dài
hạn như y tế, giáo dục, công nghệ cao, nông nghiệp… Tai hại của sự lãng
phí và tham ô trong việc sử dụng tài lực quốc gia này sẽ làm cả dân tộc
trả giá trong nhiều thập kỷ sắp đến.
Nếu nhìn từ định hướng CNXH, các doanh nhân và quan chức có liên hệ
đến việc đầu cơ, thao túng và lèo lái dòng tiền đầu tư… để thổi phồng
các bong bóng tài sản đều có thể bị kết tội dưới nhiều luật lệ. Hú hồn.
May mà Quý Vị còn chữ “kinh tế thị trường” để mà núp bóng.
Ngoài ra, về các hệ quả tương lai khi bong bóng BDS nổ, Quý vị đã tự
đặt cho mình một vị trí quá quan trọng trong nền kinh tế chung. Dĩ nhiên
có thể hơn 50% các doanh nghiệp kinh doanh BDS và vật liệu xây dựng
cũng như 50% các ngân hàng nhỏ yếu sẽ chết vì nợ xấu… nhưng tôi chắc
chắn là “không có Mợ thì chợ vẫn đông”. Thực ra, những doanh nghiệp,
ngân hàng… này cũng đã chết lâm sàng rồi. Họ kéo dài hơi thở để đợi chút
oxygen từ tiền thuế và phí của người dân. Hiện tại, họ không đóng góp
chút gì cho sản lượng quốc gia trong khi tiếm dụng một phần nguồn lực
không nhỏ.
Về các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, một số lớn đã ngất
ngư vì không thể cạnh tranh với sản phẩm của Trung Quốc, Thái Lan… tại
sân nhà hay sân người. Đổ lỗi cho tình hình BDS chỉ là một thủ thuật
phát sinh từ thói quen lười biếng.
Con ngáo ộp thứ hai Quý Vị đem ra hù dọa là con số vài chục ngàn
trong số 53 triệu công nhân toàn quốc (với tỷ lệ thất nghiệp khoảng 2.2%
theo thống kê nhà nước) sẽ bị ảnh hưởng khi bong bóng BDS nổ tung. Nếu
nền kinh tế chúng ta phát triển bền vững và bài bản, sự tạo ra việc làm
cho các công nhân này chỉ là chuyện nhỏ.
Con ngáo ộp thứ ba của Quý vị là các người dân bỏ tiền trong các ngân
hàng sẽ chịu mất mát khi vài ngân hàng đóng cửa. Theo tôi hiểu, mỗi tài
khoản hiện nay được bảo hiểm đến 50 triệu VND và đang được NHNN đề xuất
lên 100 triệu VND (vì lạm phát nhiều năm qua). Tỷ lệ mất mát cho những
tài khoản trên 100 triệu VND tại các ngân hàng sẽ rất nhỏ; vì các nhà đa
triệu phú thường không ngu để mất tiền như Quý Vị tiên đoán. Họ có
nhiều giải pháp sáng tạo hơn Quý Vị và nhà nước nhiều.
Những hệ quả tích cực
Trong bài “Thị trường sẽ cứu chúng ta” (www.gocnhinalan.com)
tôi đã ghi nhận 5 hệ quả tích cực hơn khi bong bóng BDS nổ. Đó là số
lượng vài trăm ngàn gia đình lần đầu sở hữu một căn nhà vừa túi tiền,
hiện tượng tâm lý “an cư lạc nghiệp” tạo cú kích cầu tiêu dùng, gây lại
niềm tin cho kinh tế, loại bỏ các thành phần phi sản xuất yếu kém, tăng
thu ngân sách và thu hút đầu tư nội ngoại.
Trong đó, quan trọng nhất là việc tạo một tầng lớp trung lưu mới, hết
sức cần thiết cho mọi sự phát triển bền vững. Nhìn qua các xã hội đã mở
mang tại Âu Mỹ Nhật Úc, tầng lớp trung lưu với những tài sản thâu góp
được thường là đầu tàu cho chiếc xe kinh tế. Họ tạo ra thị trường tiêu
dùng lớn nhất, họ đóng thuế nhiều nhất, họ làm việc cần cù nhất, họ nợ
nhiều nhất (tốt cho ngân hàng và các ông chủ), họ có niềm tin cao nhất
vào đất nước …vì họ có quá nhiều thứ để mất. Một xã hội bất ổn là khi
phần lớn người dân không có gì để mất.
Hệ quả khi bong bóng không nổ
Tôi thì lại lo sợ về những hệ quả trái ngược nếu quyền lực của Quý vị
thành công và thuyết phục nhà nước bơm tiền dân cứu Quý Vị và các ngân
hàng yếu kém.
Trước hết, nền kinh tế zombies (xác chết biết đi) này sẽ kéo dài ít nhất là một thập kỷ nữa.
Khi phải in tiền đủ để cứu trợ, nạn lạm phát sẽ bùng nổ lại và tỷ giá
VND sẽ rơi. Nhiều người đã quay qua Mỹ quan sát về các gói cứu trợ ngân
hàng tư và đề nghị NHNN dùng giải pháp này cho Việt Nam. Một ghi chú
nhỏ: chánh phủ Mỹ cho các ngân hàng này vay vốn với lãi suất cực rẻ;
nhưng không cứu các doanh nghiệp hay giá BDS; và sau khi gây lại vốn sở
hữu bị mất trong cuộc khủng hoảng tài chánh 2008, hầu hết các ngân hàng
đã trả tiền lại cho chánh phủ. Giải pháp này không thể thực hiện ở Việt
Nam vì các ngân hàng thương mại Việt không đủ uy tín, thương hiệu, tầm
cỡ, tính minh bạch hay khả năng quản trị để tiếp cận nguồn vốn nội hay
ngoại (vẫn rất dồi dào).
Chánh phủ hiện đã bội chi vì các vấn đề kinh tế xã hội từ khủng hoảng
và nguồn thu từ thuế và phí đang bị thu hẹp đáng kể. Dùng những tài lực
hiếm hoi để nuôi các zombies phi sản xuất là kéo dài cuộc suy thoái cho
các thành phần khác trong nền kinh tế.
Nhưng tệ hại nhất là khi tung tiền cứu nguy cho “bồ nhà”, chánh phủ
sẽ gởi một thông điệp bào mòn mọi niềm tin còn sót lại của các nhà đầu
tư trong và ngoài nước. Đó là: “mọi sai phạm lầm lẫn sẽ được che đậy và
bảo vệ; và các quy luật của thị trường có quyền đi “nghỉ mát” khi quyền
lợi của các nhóm lợi ích bị xâm phạm”.
Những giải pháp sáng tạo
Sau cùng, nếu con phượng hoàng có thể bay lên từ đống tro tàn thì các
zombies cũng có thể tái tạo lại một đời sống mới. Trong nền kinh tế trí
thức toàn cầu này, sáng tạo vẫn là một điều kiện tiên quyết cho mọi
doanh nghiệp.
Tôi không kinh doanh BDS từ năm 1982, nên tôi không dám “múa rìu qua
mắt thợ”. Nhưng tôi nhận thấy có những đại gia “thật lớn” của BDS đã
phát triển mạnh trong khủng hoàng này. Bầu Đức của HAGL chọn giải pháp
“xuất ngoại” khi bán tháo BDS tại Việt Nam và đem tiền đổ vào Lào và
Myanmar. Ngài Vượng của Vincom đạt được danh tỷ phú đô la với phân khúc
trung tâm thương mại cao cấp trong thời bão táp. Mr. Quang của Nam Long
thì thành công với vốn ngoại và mô hình EHome cho phân khúc trung lưu.
Các trường hợp phát triển như anh Thìn Đất Xanh hay anh Đực Đất Lành là
những thí dụ khác.
Trong lãnh vực vật liệu xây dựng, sản phẩm nhà tiền chế theo dây
chuyền hay các vật liệu từ công nghệ cao và xanh đã biến nhiều doanh
nhân thế giới thành tỷ phú. Trí tuệ Việt chắc chắn phải có rất nhiều…
Ngô Bảo Châu… trong ngành BDS. Đây là tương lai của BDS Việt trong mong
đợi của mọi người; không phải hình ảnh của các zombies níu kéo vào dây
trợ sinh trên giường bệnh.
Thay cho lời kết
Tôi thực sự khâm phục khả năng lobby của Hiệp Hội BDS và các thành
viên. Tạo được một bong bóng khiến giá trị BDS lên đến 25 lần thu nhập
trung bình của người dân là một thành tích đáng ghi vào kỷ lục Guinness.
Tôi cũng tiên đoán là chánh phủ rồi cũng sẽ tung nhiều gói cứu trợ BDS
mặc cho sự can gián của nhiều chuyên gia và đa số người dân. So với Quý
Vị, tiếng nói của chúng tôi không đủ trọng lượng để chánh phủ lưu tâm.
Do đó, cuộc tranh cãi nên dừng lại ở đây để những người dân chưa có nhà không nên kỳ vọng vào một phép lạ trong tương lai gần.
Nhưng trong sâu thẳm, tôi vẫn mang nhiều hy vọng. Có thể một lúc nào
đó, những tinh hoa của đất Việt sẽ quên đi quyền lợi cá nhân của mình và
gia đình… để san sẻ lại cho các người dân kém may mắn hơn. Không phải
để làm từ thiện, mà nhận trách nhiệm rộng lớn hơn với cộng đồng, và với
thế đứng của Việt Nam trên thương trường quốc tế. Để doanh nhân Việt
được tự hào với tư duy sáng tạo cởi mở và khả năng vượt khó bền bỉ. Để
thế hệ sau còn có chút niềm tin và lực đẩy khi họ phải ra biển lớn cạnh
tranh.
Riêng đối với những vị đã mất mát tài sản vì sai phạm đầu tư, tôi xin
chia sẻ nơi đây câu thơ của tiền nhân mà tôi tự an ủi mình sau khi ký
giấy trao lại cho ngân hàng toàn bộ dự án Arizona và ra đi với bàn tay
trắng,” Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu… Gặp thời thế thế thì phải thế”. Dù
sao, chỉ 3 năm sau đó, tôi lại kiếm được nhiều tiền hơn trong một mô
hình kinh doanh khác.
Mong Quý vị mọi điều may mắn và mong tinh thần “kẻ sĩ” mãi cháy sáng trong cuộc đời Quý vị.
Thân ái,
Alan Phan
Alan Phan
Tham khảo: Các bài về BDS từ trang 185 của cuốn sách
“Đi Tìm Niềm Tin Thời Internet” của Alan Phan do nhà sách Thái Hà xuất
bản (2012). Và các bài về BDS trên web site www.gocnhinalan.com.
Những ảnh hưởng tích cực sau đây sẽ quay về giúp nền kinh tế tiến về một định hướng bền vững hơn.
1. Khi đa số người dân sở hữu một căn nhà, tầm nhìn và niềm tin của
họ vào tương lai vững vàng hơn. Bây giờ họ có một tài sản gì để mất; do
đó, sự đóng góp của họ vào nền kinh tế sẽ năng động và tích cực.
2. Niềm tin này mới là “gói kích cầu” quan trọng hơn cả cho thị
trường tiêu dùng và nó sẽ kích hoạt các cơ sở công nghiệp cũng như nông
nghiệp gia tăng sản xuất, giảm lượng tồn kho và cải thiện năng suất lao
động để cạnh tranh. Nên nhớ là tiền dự trữ trong dân nhiều gấp 3 lần
tiền dự trữ của chánh phủ;
3. Khi các zombies (xác chết biết đi) bị loại bỏ khỏi hệ thống ngân
hàng và thị trường chứng khoán, những định chế sống sót sẽ mạnh hơn nhờ
thị phần gia tăng; sẽ chăm chú hơn vào ngành nghề cốt lõi (sau bài học
đầu tư đa ngành) và lo trau luyện những kỹ năng cần cho sự cạnh tranh
dài hạn;
4. Lạm phát hay tỷ giá sẽ không tăng tốc lâu dài, vì chánh phủ không
cần in tiền thêm để cứu ai (một thông điệp rất rõ cho các DNNN) và ngân
sách sẽ bội thu nhờ thuế phí tăng thu từ sự tăng trưởng GDP; cũng như
nguồn ngoại tệ sẽ dồi dào hơn với sinh lực mới của khu vực xuất khẩu;
5. Khi kinh tế vĩ mô ổn định và khi luật thị trường thay thế luật
“hành dân”, niềm tin quay lại với các nhà đầu tư quốc tế và kiều hối.
Kênh ngoại tệ này sẽ thâu ngắn sự hồi phục và giúp chúng ta một lợi thế
cạnh tranh mới.