Người Hàn Quốc đầu tiên tui biết tên, không phải Jang Don Gun, Lee
Young Ae, Kim Ki Duk hay ông Kim lấy cô hàng xóm cạnh nhà; mà chính là
Park Chung Hee - tổng thống thứ ba của Đại Hàn Dân Quốc, và là cha đẻ
của bà Park Geun Hye, nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc vừa nhậm chức
cách đây vài ngày. Nhiều bạn trẻ bây giờ biết T-ara, Hyun A, SNSD… và
khóc lên ngất xuống với các thần tượng, có lẽ cũng nên biết thêm vài
chuyện khác, cho dù đã ở thời quá khứ.
Hồi năm 97, một lần về trường thăm thầy cô thì gặp Ku Su Jeong, lúc
đó đang làm luận văn thạc sĩ ở khoa Sử. Cô hỏi bâng quơ như kiểu thăm dò
xem tui có biết gì về lính Nam Hàn tham chiến ở Việt Nam không, vì sách
sử trong nước rất ít đề cập tới. Tui không dưng nóng máu, bảo ông Park
Chung Hee là người phải chịu trách nhiệm cho cái chết của gần 300 thường
dân ở Quảng Ngãi quê tui, từ 4,5 tuổi đã nghe ông bà truyền khẩu: “Xé
xác Rồng Xanh, phanh thây Mãnh Hổ. Máu phải trả bằng máu…”, sao mà không
biết được. Thế là quen nhau!
Ku Su Jeong thật sự là một người đặc biệt. Đề tài luận văn của cô là
“Tại sao quân đội Nam Hàn tham chiến ở Việt Nam 1965-1973”. Cho tận khi
Ku Su Jeong qua Việt Nam, ở Hàn Quốc không hề có một tài liệu nào từng
nhắc tới những năm ngắn ngủi ở Việt Nam của quân đội nước này dưới thời
Park Chung Hee.
Lịch sử Việt Nam ghi lại:
Với khoảng 300.000 lính Hàn, từ 1965 các đơn vị chiến đấu lần
lượt đổ bộ xuống quân cảng Đà Nẵng và chính thức tham chiến: gồm Sư đoàn
bộ binh Mãnh Hổ đóng ở Qui Nhơn, Sư đoàn bộ binh Bạch Mã đóng ở Phú Yên
và Lữ đoàn thuỷ quân lục chiến Rồng Xanh đóng tại Quảng Ngãi. Mỗi năm
nhận khoảng 1-1,5 tỉ USD viện trợ Mỹ và chưa kể các lợi ích kinh tế
khác. Đây là một trong những nguyên nhân mấu chốt làm nên sự phát triển
của Nam Hàn trong thập niên 60-70; do đó mấy anh Vixi nhà mình hay gọi
miệt thị là “Lính đánh thuê Park Chung Hee".
Trong từ ngày 9 đến 27.11.1966, lữ đoàn Rồng Xanh đã giết
gần 300 mạng sống, hầu hết là người già, phụ nữ và trẻ em tại
các thôn, xã thuộc huyện Sơn Tịnh – Quảng Ngãi; trong cuộc thảm sát
cũng mang một cái tên rất hay: “chiến dịch Mắt Rồng”.
Một lần sưu tìm tài liệu ở thư viện Tổng Hợp, Ku Su Jeong đã đọc được
vài dòng ngắn ngủi, thông tin và số liệu về cuộc thảm sát ở Quảng Ngãi.
Và cô quyết định tìm hiểu sự thật. Đến năm 1999, loạt phóng sự về các
vụ thảm sát của lính Nam Hàn tại Việt Nam của Ku Su Jeong được đăng trên
nhật báo The Hankyoreh 21 và đã gây ra phản ứng trái chiều từ dư luận
Hàn Quốc; đa phần là các cựu chiến binh. Nghe kể, mấy ông này khích động
còn ném cả bom xăng vào tòa soạn.
Nhưng, từ Ku Su Jeong mà người Hàn Quốc nhìn nhận lại sai lầm quá
khứ. Nhiều tổ chức xã hội của Hàn Quốc đã xây dựng các phong trào vận
động “Thành thật xin lỗi Việt Nam”, quyên góp thuốc men, tiền bạc để xây
dựng bệnh xá và trường học ở Sơn Tịnh, xây dựng Công viên Hòa bình Hàn -
Việt tại Phú Yên… Đặc biệt là các cựu binh bắt đầu lên tiếng, như hồi
ký của đại tá Kim Ki Tae - nguyên chỉ huy của Đại đội 7 Lữ đoàn Rồng
Xanh. Ông đã thú nhận và miêu tả các cách bắn giết, tàn sát man rợ để
bảo đảm không còn người dân nào ở các thôn xã này sống sót…
Cũng ở Sơn Tịnh, hai năm sau xảy ra thảm sát làng Mỹ Lai, nhưng ồn ào hơn nên gần như ít người nhớ vụ này.
Gần 20 năm qua lại giữa Việt Nam – Hàn Quốc, với 2 luận văn sử học về
Việt Nam; từng nhận giải thưởng sử học Phạm Thận Duật và được lấy ý
tưởng để ĐD Văn Lê làm phim tài liệu Di chúc những oan hồn (đoạt giải
Bông sen vàng) và vở kịch Giữa hai bờ sương khói của chị Minh Ngọc (đoạt
giải kịch bản xuất sắc nhất tại Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên
nghiệp toàn quốc 2004)… Tiến sĩ Ku Su Jeong trở nên quen thuộc với nhiều
người Việt Nam. Các bài viết về cô bạn sinh viên ngày đó ngập các báo;
duy chỉ có vài chi tiết khá hay mà chỉ những người từng đồng hành cùng
Ku Su Jeong về Quảng Ngãi mới biết.
Một buổi sáng dân xã Tịnh Sơn thấy một phụ nữ trẻ quì gối cúi đầu
ngay trên ngõ chính dẫn vào thôn Diên Niên. Cô quì từ sáng đến trưa thì
nắng bắt đầu chang chang trên đỉnh đầu, cái nắng hè ở miền Trung ác liệt
dữ lắm. Lúc đó tui với mấy người bạn ngồi trong một hàng nước bàn nhau
nên khuyên cô ấy đứng lên, rồi không ai dám bước ra; nhưng cũng biết
chắc Ku Su Jeong không chịu đứng dậy. Người dân trong thôn đi qua đi lại
nhìn ngơ ngác và bắt đầu xì xầm. Đến chiều thì có một ông già trong
thôn đi tới, ông đứng nói gì đó mà Ku Su Jeong cũng chẳng hiểu; rồi ông
kéo cô đứng lên. Lúc đó cô đã lả người đi vì mệt và đói. Hình ảnh một
phụ nữ trí thức quì gối xin tha thứ cho những đồng bào mình, ám ảnh tui
suốt. Từ câu chuyện và cách hành xử với lịch sử của một cô gái Hàn Quốc,
lại nghĩ về những câu chuyện ở Việt Nam bị bưng bít; mà không biết tới
bao giờ mới có người dám quì xuống để lương tâm đối diện với sự thật...