Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

Câu chuyện về việc vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin

Trần Đức Việt
Nhà báo tự do

Các bạn hỏi tôi về chuyện vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin làm tôi rất khó trả lời. Đầu tiên là kiến thức tôi hạn hẹp, sau đó tôi không phải là nhà nghiên cứu chuyên sâu về chủ nghĩa Mác-Lênin, trong phạm vi một bài ngắn thì khó trả lời cho gãy gọn vấn đề. Tôi sẽ cố gắng đáp ứng câu hỏi của các bạn, nhưng xin nhắc đây chỉ là ý kiến khái quát nhất, và cũng chỉ tham khảo thôi.
Các bạn đều đã biết, chủ nghĩa Mác-Lênin gồm 3 bộ phận cấu thành (khỏi phải nhắc lại 3 bộ phận đó là gì). Phần triết học Mác-Lênin đã được ông I.V. Stalin tóm tắt trong bài Chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, công bố lần đầu trong quyển Lịch sử Đảng cộng sản (b) Liên Xô, xuất bản năm 1938. Sau này các nhà nghiên cứu triết học các nước XHCN có phê bình là ông chưa nói hết vấn đề. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng ông đã khái quát toàn bộ quan điểm quan trọng nhất của triết học Mác-Lênin trong một bài viết, tương đối dễ hiểu. Các bạn nên đọc tác phẩm này để nắm triết học Mác-Lênin từ một trong những người đã sáng tạo ra nó (Bản dịch quyển Lịch sử Đảng cộng sản (b) Liên Xô đã được xuất bản nhiều lần ở Việt Nam, hoặc có thể tìm trong Stalin toàn tập, bản tiếng Việt). Khi đã đọc triết học Mác-Lênin rồi thì sẽ đến vấn đề vận dụng triết học này vào cuộc sống. Triết học Mác-Lênin, cũng như các triết học khác, chỉ có tính định hướng. Bản thân triết học không tác động gì vào đời sống, nhưng các chính sách "suy diễn" ra từ triết học thì tác động đến chính sách, và đến lượt mình, các chính sách cụ thể tác động vào đời sống. Tôi lấy ví dụ, trong tác phẩm nói trên Stalin nói: Vì mâu thuẫn tồn tại khách quan nên không thể che dấu mâu thuẫn mà phải làm rõ nó ra, đấu tranh để giải quyết mâu thuẫn. Từ nhận định này, Stalin cho rằng công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội càng phát triển thì cuộc đấu tranh giai cấp càng gay gắt. Tiến thêm một bước, Stalin kết luận: "Phải đuổi ra khỏi đảng những đảng viên chân chính nhưng muốn hòa hoãn với các đảng viên lừng chừng". Trong chính sách cụ thể, Stalin đã đàn áp khốc liệt những người không đồng ý với ông. Cuộc thanh trừng năm 1937-1938 ở Liên Xô là kết quả của việc "vận dụng" triết học Mác-Lênin vào đời sống chính trị, xã hội ở Liên Xô thời đó. Vào thời kỳ "băng tan" do N.X.Khơrutsop khởi xướng, quan điểm trên của Stalin được coi là sai lẩm. Nhưng dù sao thì chúng ta vẫn phải thấy lý luận của Stalin là một cách hiểu và vận dụng triết học Mác-Lênin trong thực tiễn.

Sang đến Trung Quốc, ông Mao còn "vận dụng và phát triển" triết học Mác-Lênin ở mức "ghê hồn" bằng việc "đấu tố" địa chủ trong xã hội, "đấu đầu óc tư, phê phán xét lại" trong nội bộ đảng. Trong tác phẩm lý luận Bàn về mâu thuẫn, chính Mao Trạch Đông dạy bảo các đảng viên: Phải phân biệt rõ mâu thuẫn đối kháng và không đối kháng, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, mâu thuẫn địch ta...Nhưng trong thực tiễn, chính sách dùng Hồng vệ binh "đấu tố" một loạt đảng viên cao cấp, trung cấp và cả đảng viên thường và dân thường đã cho chúng ta thấy thật ra lý luận chẳng đáng giá một xu. Để bảo vệ vị trí tối cao, người đứng đầu của đảng cộng sản không quan tâm gì đến "lý luận", ai cũng có thể thành "lực lượng thù địch", phải giải quyết bằng phương pháp giải quyết mâu thuẫn Địch - Ta.
Do hoàn cảnh lịch sử, một phần quan trọng cùa phương pháp giải quyết mâu thuẫn theo chủ nghĩa Mác-Lênin từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam. Khỏi phải dẫn chứng cuộc cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ, đấu tranh với nhóm nhân văn-giai phẩm...các bạn đều biết hậu quả thế nào. Cho đến thời điểm này, các cuộc "đấu tố" vẫn không dừng lại. Các vụ án xử lý người bất đồng chính kiến, người đấu tranh cho dân chủ...trong thởi gian gần đây chứng minh cho nhận định trên. Đến đây có bạn sẽ hỏi: Vậy thì triết học chủ nghĩa Mác-Lênin sai hay là vận dụng sai? Theo tôi thì cả hai, triết học Mác-Lênin có chỗ sai và vận dụng càng sai.
Triết học Mác-Lênin xem mâu thuẫn giữa hai mặt đối lập là động lực của sự phát triển. Sự vật luôn phát triển, vận động là tuyệt đối, đứng im là tương đối...Bây giờ chúng ta thử nhìn nhận bằng cách nhìn khác. Chẳng hạn nhìn thế giới theo cách nhìn của Kinh Dịch. Theo Kinh Dịch thì thế giới có hai mặt Âm và Dương. Các quá trình sẽ tuân theo quá trình: Sinh, Thành, Suy, Hủy. Âm cũng vậy mà Dương cũng vậy. Khi Âm tăng trưởng thì Dương suy giảm và ngược lai. Cái quan trọng đối với người nghiên cứu là trong quá trình phải xem xét cân bằng âm, dương. Xét theo Kinh Dịch thì tăng trưởng và suy hủy là quá trình tự thân, không phải cuộc đấu tranh âm dương là động lực phát triển. Cũng còn những bộ môn khác giải thích về sự phát triển của thế giới, ở đây tôi lưu ý các bạn là không nên bó hẹp tầm nhìn của mình trong khuôn khổ triết học Mác-Lênin. Cũng như bộ môn suy luận có lý khác, nếu chỗ nào triết học Mác-Lênin tỏ ra không phù hợp với thực tiễn thì nên...vứt bỏ đi, như các nhà khoa học và hoạt động xã hội Đông Âu đã làm. Tôi không dẫn chứng nhiều việc vận dụng sai, vì chính các nhà lý luận Mác-Lênin đã làm điều này nhiều năm qua. Ngày nay có một số người tách Mác và Lênin riêng ra, thậm chí còn tách riêng Mác với Lênin, Stalin, Mao...Đấy là kiểu nghiên cứu 'chẻ sợi tóc làm tư", không có giá trị gì về học thuật, theo tôi thì không nên quan tâm đến các nhà nghiên cứu kiểu ấy làm gì cho mất thì giờ.
Bộ phận cấu thành thứ hai của chủ nghĩa Mác-Lênin là kinh tế chính trị. Quan điểm cơ bản, cốt lõi của Mác là việc giai cấp tư sản bóc lột giá trị thặng dư. Để xóa bỏ hoàn toàn, triệt để việc bóc lột, Mác đề nghị công hữu hóa toàn bộ tư liệu sản xuất. Tất cả các nước XHCN đều vận dụng lý luận này của Mác bằng cách quốc hữu hóa tư liệu sản xuất, tổ chức làm ăn tập thể, nhà nước nắm lấy nhà máy, công xưởng, trong nông nghiệp thì tổ chức hợp tác xã, nông trường quốc doanh...Chính sách kinh tế kiểu này đã làm các nước XHCN thua kém các nước tư bản trong đời sống kinh tế và ngày càng thua kém nặng nề. Vì sao vậy? Để hiểu vấn đề cần phải trả lời câu hỏi: Động lực phát triển kinh tế là gì? Đã có nhiều bộ môn nghiên cứu, trả lời câu hỏi này, và câu trả lời rất khác nhau. Theo thuyết "trọng thương" thì thương nghiệp là động lực chính phát triển kinh tế. Thuyết "trọng nông" lại cho rằng nông nghiệp mới là động lực. Có thuyết cho động lực phát triển là khoa học, theo thuyết này thì cần phát triển nhanh các trường đại học. Có thuyết bảo rằng dân số quyết định sự phát triển kinh tế, theo thuyết này nước nào đông dân thì số lượng lao động nhiều và sẽ là nước giầu. Có thuyết quy về vị trí địa lý thuận lợi...Mác nghiên cứu các thuyết đó, ông cho rằng các yếu tố trên đều đóng góp phần mình vào việc phát triển kinh tế nhưng không phải là yếu tố quyết định. Theo Mác, quy luật giá trị thặng dư là động lực phát triển kinh tế của chủ nghĩa tư bản. Ông xem quy luật giá trị thặng dư là quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản. Quy luật này dựa trên nền tảng chế độ tư hữu. Nhìn lại lịch sử chúng ta thấy: Từ buổi bình minh của loài người đến trước thời điểm cách mạng tư sản, kinh tế phát triển không có gì đột biến. Sau cách mạng tư sản, kinh tế nhân loại phát triển vượt bậc. Người ta tính rằng số lượng sản phẩm do chủ nghĩa tư bản làm ra gấp rất nhiều lần số lượng sản phẩm thời trước đó. Cách mạng tư sản đã đem lại cuộc cách mạng kỹ thuật, chuyển từ lao động thủ công sang lao động cơ khí, nhờ đó loài người mới tạo ra nhiều sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Đầu thế kỷ XX, cách mạng XHCN nổ ra ở Nga và sạu đó là nhiều nước khác. Các nước XHCN áp dụng lý luận của Mác xóa bỏ quyền tư hữu, cũng có nghĩa là xóa bỏ nền tảng động lực phát triển kinh tế trong đời sống xã hội. Theo suy luận đơn thuần, bỏ một động lực này thì phải thay bằng động lực khác, kinh tế mới phát triển được. Nhưng các nhà lãnh đạo ở các nước XHCN không tìm ra động lực nào để thay thế động lực đã mất đi. Vào những năm 80 của thế kỷ XX, Trung Quốc và Việt Nam tiến hành khoán hộ, thực chất là trả một phần quyền tư hữu cho nông dân. Ở Việt Nam đề ra chính sách "ba lợi ích", vẫn là việc trả bớt quyền tư hữu cho người lao động. Chính sách nói trên đã giúp kinh tế có hướng tăng trưởng. Nhưng không nên trông chờ vào chính sách nửa vời đó, chúng chỉ cho kết quả nửa vời. Có thể nói vắn tắt thế này: Chính sách trao trả một phần quyền tư hữu cho người lao động đã chỉ cho chúng ta thấy cái sai rất cơ bản của Mác trong vấn đề kinh tế: Xóa bỏ chế độ tư hữu là hoàn toàn sai lầm. Nếu sai lầm gốc ấy không được sửa thì dù có "vận dụng sáng tạo" đến đâu đi nữa thì cũng vẫn hỏng. Muốn sửa đổi chủ nghĩa Mác-Lênin thì phải sửa từ gốc, từ những khái niệm cơ bản nhất. Nhưng như thế thì rất mất thời gian, không bằng bỏ luôn cái chủ nghĩa này đi mà làm lại từ đầu. Tong thực tiến khoa học đã có tiền lệ về việc thay học thuyết này bằng học thuyết khác, có gạn lọc lấy những cái hay của học thuyết bị bỏ đi để làm giầu cho học thuyết mới. Ví dụ như có thời ở Liên Xô đề cao học thuyết Mít-su-rin, ý tưởng cơ bản là "mọi sự vật có ảnh hưởng qua lại với nhau, do đó người ta có thể thông qua môi trường xung quanh để cải tạo giống". Học thuyết Mor-gan Men-đen lại cho rằng giống cây trồng được quyết định bởi các gien trong tế bào, yếu tố ngoại cảnh có tác động nhưng không phải là quyết định. Các nhà lãnh đạo Liên Xô phủ định học thuyết Mor-gan Men-đen, kết quả dẫn đến là toàn bộ nền nông nghiệp Liên Xô bị lạc hậu so với các nước tiên tiến. Người ta đã đổ lỗi cho ông Lư-sen-cô, người đứng đầu ngành nông nghiệp Liên Xô thời đó, nhưng thật ra Lư-sen-cô làm khác đi sao được, khi Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã ra nghị quyết bác bỏ học thuyết Mor-gan Men-đen. Đến lúc các nhà lãnh đạo nhận thức ra vấn đề, công nhận học thuyết Mor-gan Men-đen thì nông nghiệp Liên Xô đã phải trả giá đắt. Ngày nay, thế giới công nhận học thuyết Mor-gan Men-đen, nhưng vẫn tiếp thu nhiều phương pháp cải tạo giống của Mit-su-rin, cái gì hay thì vẫn có chỗ dùng.
Ngày nay dư luận xã hội đang đặt lại vấn đề dân chủ. Thế dân chủ là gì? Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời đơn giản: Dân chủ là để người dân mở miệng ra nói. Ông Lênin thì giải đáp câu hỏi về dân chủ trong tác phẩm lý luận Nhà nước và cách mạng. Căn cứ vào kinh nghiệm của Công xã Pari, ông kết luận dân chủ vô sản cao hơn dân chủ tư sản một triệu lần. Yếu tố cơ bản để khẳng định "triệu lần hơn" thể hiện ở 2 điều: một là, người lãnh đạo cao nhất của công xã hạ lương của mình xuống ngang một công nhân thường; hai là, bất cứ người lãnh đạo nào cũng bị cách chức ngay nếu không hoàn thành nhiệm vụ. Bây giờ nhìn vào thực tế xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa chúng ta không thấy ở đâu áp dụng lý luận này của Lenin. Tại Việt Nam, trong những năm đầu hòa bình lập lại ở miền Bắc, nhà nước có một quy định: Lương người bị lãnh đạo không được cao hơn người lãnh đạo. Bạn hãy nhớ đây là quy định dưới thời Hồ Chí Minh. Ở bất cứ nước XHCN nào cũng nói ra rả: Chủ nghĩa Xã Hội dân chủ hơn chủ nghĩa Tư Bản triệu lần, nhưng không chính quyền XHCN nào tuân theo chỉ dẫn "cơ bản" của Lênin. Vậy chúng ta kết luận thế nào? Có hai kết luận. Một là, tất cả các chính phủ XHCN đều vận dụng sai lý luận của chủ nghĩa Lênin về dân chủ. Hai là, cách hiểu về dân chủ của chủ nghĩa Lênin là sai. Nếu hạ lương người lãnh đạo cao nhất xuống ngang công nhân thường và ai không hoàn thành nhiệm vụ bị cách chức ngay thì như ông Nguyễn Sinh Hùng nói, sẽ chẳng còn cán bộ làm việc nữa. Bản chất của dân chủ không phải như thế, nhưng trong phạm vi bài viêt ngắn này tôi chưa có diều kiện nói rõ thêm về dân chủ, xin khất vào dịp khác. Với lại chủ nghĩa Mác-Lênin môt khi đã sai lầm ở những điều cơ bản nhất rồi thì không nên bàn đến việc "vận dụng đúng" làm gì, vì dù có vận dụng đúng đi chăng nữa cũng không giải quyết được vấn đề do thực tiễn đặt ra.
Để kết thúc bài viết này tôi xin nhắc các bạn rằng ở Việt Nam hiện nay không chấp nhận tư do tư tưởng, các "dư luận viên" và công an mạng luôn rình rập chờ những người có ý kiến khác để đàn áp. Vì vậy các bạn hãy tự mình nghiên cứu vấn đề đang quan tâm và biết cách hành động đúng, giúp ích cho nhân dân trong thực trạng xã hội hiện nay.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"