Sáng nay, ngồi cà phê bên cạnh mấy ông già. Một ông nói về học sinh thời nay không biết ông Lê-Nin là ai. Chuyện một hồi cũng lái qua chuyện góp ý cho hiến pháp sửa đổi. Mình nghe được và viết lên câu chuyện sau. Mình đặt tên là BÀI HỌC GIAI CẤP.
Sao Hồng
Ông về hưu vui thú “điền viên” với mấy
chậu cây cảnh và giò phong lan. Nghề cũ của ông chẳng để lại gia sản gì
cho con cháu. Nhưng cũng có cái nhà mặt tiền ở phố sầm uất. Cũng ăn may
cả thôi. Ông thường nói thế.
Con gái học xong cao học làm cho ngân
hàng nước ngoài. Con rễ thì đi nghiên cứu sinh ở Mỹ, theo diện ngân
sách. Âu cũng là nhờ “nhân thân và lý lịch tốt” của ông bà sui.
Vợ ông mất sớm. Ông có mỗi mẹ nó. Thương
con, ông chẳng tục huyền. Khi lấy chồng, con gái vẫn ở với ông. Mẹ nó
bận suốt ngày. Có khi chủ nhật cũng đi. Có mỗi thằng con, mẹ nó giao phó
cho ông.
Cháu ngoại
ông tuổi mới lớn. Học cuối cấp phổ thông cơ sở. Nó thông minh và ham học
hỏi. Nó yêu quý ông ngoại. Thường thì nó tự đạp xe đi học. Hôm nào nắng
gắt quá hay trời mưa, thương cháu, ông lấy xe máy chở nó đi.
Bố nó thì ở xa, thành ra ông là chổ dựa
tinh thần cho nó. Chỉ phiền cho ông là hay hỏi ông những câu cắc cớ.
Nhiều khi cũng khó mà trả lời cho thấu đáo.
***
Hôm nay, ông đang ngồi xem nhà đài vê tê
vê phát cái chương trình bàn luận về góp ý hiến pháp sửa đổi. Thằng cháu
chạy từ lầu trên xuống, hỏi ông:
- “Một la mã năm lê nin” là ai hở ngoại?
- … là một trong những “lãnh tụ giai cấp vô sản” đó cháu. Ơ, mà cháu đọc lại xem cái tên ổng coi?
- Dạ. “Một la mã năm lê nin” ông à.
- Không. Không. Cháu phải đọc là “Vờ-la-đi-mia I-lích Lê-nin”. Hai chữ trước là viết hoa của chữ “Vê” và chữ “I ngắn” đó cháu.
- A, cháu hiểu rồi. Thế “giai cấp vô sản” là gì ạ?
- Là “giai cấp công nhân không có tư liệu sản xuất, phải bán rẻ sức lao động cho bọn tư sản là kẻ chiếm hữu tư liệu sản xuất”.
- Thế “tư sản” là gì ạ?
- .. là ”người thuộc giai cấp chiếm hữu các tư liệu sản xuất chủ yếu, sống và làm giàu bằng cách bóc lột lao động làm thuê”…
- Thế a. “Tư liệu sản xuất” là gì ạ?
- “Tư liệu sản xuất là vật liệu, công
cụ, điều kiện sản xuất, đất đai nhà cửa,…” nhiều thứ lắm; để sản xuất ra
của cải vật chất, cháu à…
- Ông giỏi quá. Vừa xem ti-vi vừa trả lời hay hơn cô giáo giảng bài.
- Sở trường nghiên cứu của ông trước đây mà cháu.
- Thế chị Osin cũng “giai cấp vô sản” ạ?
- Không. Chị Osin thuộc giai cấp nông
dân. Nông dân có nhiều thành phần. Nhiều đất đai ruộng vườn có người cày
cấy thuê thì là địa chủ. Ít hơn tí mà tự sản xuất thì “trung nông” và
“bần nông”. Chị osin không có đất cấy cày thì là… cố nông.
- Ơ, nhưng cháu nghe cô giáo nói giờ làm gì còn cố nông ạ.
- Cũng còn đấy cháu. Ruộng đất được
chia, sau đưa vô hợp tác xã trở thành “tài sản toàn dân”. Giờ bị bán làm
dự án. Rỗi sẽ có bần cố nông lại đó con. Chị Osin không còn đất đai nữa
thì lên phố làm thuê…
- A, cháu hiểu rồi. Như vậy, trong nhà mình, mẹ cháu là “giai cấp tư sản”, chị Osin là “giai cấp vô sản”. Đúng không ông?
- Ờ… ờ… mà không đúng cho lắm. Từ từ… để ông xem ti-vi đã.
- Thì nhà mình có đất đai nhà cửa. Nghe
nói mẹ cháu có cổ phần trong ngân hàng và đang cho “vay vốn sản xuất”.
Không tư sản là gì! Thế bố cháu thuộc giai cấp nào ạ?
- Ờ ờ… Bố cháu hả? Giờ ở nước ta, bố cháu thuộc “đội ngũ trí thức”.
- Thế “đội ngũ trí thức” thì không xếp vào giai cấp được ạ?
- Không. Trí thức trưởng thành từ
“giai cấp công nhân” và “giai cấp nông dân” là đội ngũ riêng. Giờ người
ta gọi là “trí thức xã hội chủ nghĩa”
- Thế có “trí thức tư bản chủ nghĩa” không ạ? Bố cháu học tiến sỹ bên Mỹ thì gọi là “trí thức tư bản chủ nghĩa” chứ?
- Bậy nào. Bố học bằng tiền nhà nước làm việc cho nhà nước thì là “trí thức xã hội chủ nghĩa” đó cháu.
- A, thế thì mẹ cháu mới là “trí thức tư
bản chủ nghĩa”. Này nha, mẹ cháu học thạc sỹ bằng học bổng nước ngoài.
Giờ làm cho ngân hàng nước ngoài thì là trí thức “tư bản chủ nghĩa” đúng
không ông?
…
- Ờ ờ, thôi để ông coi thời sự đã. Kìa, ti-vi đang nói. Cháu nghe cũng đi…
Trên ti vi, một ông đại tá quân đội đang nói: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức….”
- Thế ông tướng đó thuộc giai cấp nào ạ?
- Ông ta là tá thôi. Cũng như bố
cháu, không giai cấp nào cả. Từ “giai cấp nông dân” ông vào bộ đội và
giờ là… “công cụ của nhà nước”.
- … rắc rối nhỉ. Mà ông giỏi thiệt. Rắc rối thế mà ông cứ vanh vách như đọc kinh ấy. Thế trước khi nghỉ hưu ông làm gì ạ?
- Ông làm tuyên huấn.
- Tuyên huấn là gì ạ?
- Là… tuyên truyền, huấn luyện về đường lối chủ trương, đó cháu.
- Thế ông có nghiên cứu lịch sử không ạ?
- Có chứ !
- Cháu và các bạn ghét môn sử. Cô giáo dạy chán lắm. Khi nào ông dạy thêm cho bọn cháu với nha ông?
- Cháu đang học sử Việt Nam hay thế giới?
- Bọn cháu học tất. Cả thế giới và Việt Nam. Từ cổ đại đến trung cận đại.
- Rộng thế cơ à? Thôi. Lấy cho ông cái tăm bông. Nãy giờ nghe ti vi nói, cháu quay ông đến ù cả tai đây nè.
- Thế ông có dạy thêm lịch sử cho cháu và bạn cháu được không?
- Chắc không được đâu cháu.
- Sao thế ông? Thế ông nghiên cứu lịch sử gì ạ ?
- “Lịch sử đảng ta” cháu ạ!
- Ơ… ơ…
He he….
Theo FB Sao Hồng