Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

TÂM THƯ CỦA NÒNG NỌC GỬI HAI NGÀI: GIÁO SƯ NGÔ BẢO CHÂU VÀ GIÁO SƯ ĐÀM THANH SƠN (lần 2)

Tác giả: Nòng Nọc 
Image
Ảnh: Hai ngài Giáo sư Ngô Bảo Châu và Giáo sư Đàm Thanh Sơn đều khỏe mạnh (internet)
Kính thưa các ngài giáo sư quý mến
Hôm nay, tôi lại mạo muội viết thư này gửi đến các ngài sau lá thứ lần thứ nhất ngày 18/03/2013 trên hailuablog. Tôi không dám chắc là các ngài đã đọc lá thư đó vì các ngài bận trăm công nghìn việc, hơn nữa đó lại là tâm thư của một kẻ dấu tên, một kẻ vô danh tiểu tốt tự nhận mình là một con Nòng Nọc nhỏ bé, chưa qua hết giai đoạn biến đổi hình thái để trở thành một con ếch trưởng thành.
Tôi không dám gửi tâm thư tới trang web của các ngài vì tôi nghĩ tới khả năng các ngài xóa bỏ nó trước khi đọc nội dung này là rất lớn.
Thiên hạ sẽ dễ dàng nhận ra hơi thở hay cái vẫy cánh của con đại bàng hơn là nghe thấy tiếng khóc thảm thiết của một con Nòng Nọc, dù cho con Nòng Nọc đó có thể gục chết trước khi có người phát hiện ra tiếng khóc của nó.
Vì vậy, tôi sẽ vô cùng hạnh phúc, vô cùng biết ơn tất cả những ai đưa tâm thư này tới hai ngài.

Knh thưa các ngài quý mến
Cách đây hai ngày, tôi đã được đọc một bản dự thảo hiến pháp, do một tác giả có tên là Đỗ Anh Tuấn, một tác giả mới toanh trên diễn đàn dư luận, nhất là mới toanh trong giới luật học từ khi chính quyền lên tiếng yêu cầu nhân dân góp ý sửa đổi HP 1992. Các ngài có biết không, khi đọc tôi đã cay mũi, dù có thể là khó nói nhưng bản dự thảo hiến pháp đó, với chằng chịt những dòng gạch bỏ, những ý kiến thêm vào, những chú thích để làm sáng rõ yêu cầu, lý do cho việc chỉnh sửa và bổ sung bên cạnh; không bao giờ, không thể nào được đưa ra từ những người đọc bản dự thảo HP 1992 một cách hời hợt. Nó cho thấy, bản dự thảo HP 1992 mà quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đưa ra như một bài kiểm tra của một “người học trò” quá yếu kém, quá cẩu thả thậm chí lươn lẹo trong cách dùng câu chữ nhằm “qua mặt” những người thầy của mình, nếu chỉ sơ ý một chút, bài kiểm tra sẽ được chấm “PASSED”. Nhưng thật may, các ngài đã chỉ ra đây là một bài kiểm tra cần phải làm lại.
Bài kiểm tra đó, những lỗi sai phạm nghiêm trọng, hiện nay mới đang nằm trong tay các ngài. Có chăng là một chút hé mở ra trong sân khấu mà các ngài là người điều khiển, ở một giới hạn nhất định chưa thể rộng rãi đến với dân chúng.
Các ngài dự định sẽ xử lý ra sao với bài kiểm tra đó khi nó là bài kiểm đầu tiên, tối quan trọng quyết định cho cả “một số phận con người”? Chỉ tuyên bố, cậu ta không đạt hay sao trong khi việc “được lên lớp trên” hay kết quả cuối cùng lại nằm ngoài tầm kiểm soát của các ngài?
Phát hiện ra sai phạm chưa đủ để đi đến chân lý mà còn phải dấn thân để bảo vệ chân lý nữa.
Tôi thường theo dõi các buổi gặp gỡ, tiếp xúc của các ngài với báo chí, các buổi nói chuyện của Giáo sư Ngô Bảo Châu với học sinh sinh viên về kinh nghiệm để hun đúc niềm đam mê trong học thuật, trong việc tìm kiếm, phát hiện ra chân lý. Ngài nói chuyện rất hay giáo sư Châu ạ. Có lẽ cũng không khó hiểu là tại sao các ngài lại quan tâm đến giáo dục hơn cả. Giáo dục là cái gốc của mọi cái gốc, nó liên quan trực tiếp đến con người, chủ thể tiến hóa nhất, có quyền lực nhất để thay đổi tất cả. Chẳng có một đất nước nào nghèo nàn, kém phát triển lạc hậu hay suy thoái mà lại có một nền giáo dục phát triển được. Và ngay tại Việt Nam, các nhà hoạch địch chiến lược cũng luôn luôn nói rằng, giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đầu tư cho giáo dục là một sự đầu tư vững bền và hiệu quả nhất.
Chắc các ngài cũng không ngạc nhiên khi tỉ phú số một thế giới, Bill Gates và vợ ông ấy lại quyết định dành hơn 95% tài sản của mình cho hoạt động từ thiện, trong đó hai lĩnh vực mà họ quan tâm hàng đầu là sức khỏe và giáo dục. Có thể dễ dàng nhận ra, sức khỏe hay tính mạng của con người là quý nhất, rồi sau đó, để con người có thể phát triển một cách bền vững không gì tốt hơn là họ phải có tri thức, tri thức đó sẽ giúp họ tìm ra cách sống sao cho tốt nhất, hiệu quả nhất, tối ưu nhất. Người Việt Nam có câu “để giúp nhau hãy cho anh ta cái cần câu thay vì cho con cá” hay nói một cách dễ hiểu, dạy họ biết cách tạo ra chứ đừng cho họ sản phẩm có sẵn.
Các ngài cổ vũ cho tinh thần ham học hỏi, thành lập viện Tóan cao cấp, mở ra trang web thichhọctoan….và có thể sẽ còn nhiều việc nữa. Thế nhưng xin ngài hãy một lần thành thật với bản thân mình rằng các ngài có dám kỳ vọng vào một sự thay đổi cho giáo dục tốt hơn qua những việc làm của ngài, hay đó cũng chỉ là một hành động như muối bỏ biển? Có khó gì đâu để liệt kê những vụ việc tiêu cực xảy ra ở Đồi Ngô, sự tràn lan bằng giả (ngay cả những vị có chức vụ to oạch trong cơ quan nhà nước như nghi án bằng tiến sĩ giả của ông Vũ Viết Ngoạn-chủ tịch UB giám sát tài chính quốc gia) hay học giả bằng thật, sự giả dối trong nghiên cứu khoa học, nạn chạy trường, nạn tham nhũng, bệnh thành tích,…. vẫn hoành hành bất chấp hàng loạt những cố gắng như “cởi trói” cho giáo dục, trao quyền cho các trường đại học, những “phong trào ba không”, “Nói không với bệnh thành tích”….Tất cả là một hiện thực chua chát, đau xót vẫn hằng ngày, hằng giờ xảy ra.
Các ngài có biết tất cả sự tụt hậu, yếu kém, nhức nhối của nền giáo dục nước ta có có từ đâu không? Tất cả đều do thể chế chính trị mà ra.
Có lẽ, dù có thể làm các ngài phật ý, tôi cũng xin nói rất thật, các ngài quả là diễm phúc, quả là may mắn khi được bước chân qua các nước phát triển có nền giáo dục lành mạnh, nhân văn từ rất sớm. Diễm phúc đó không phải ai cũng có được.
Làm sao có thể có được một nền giáo dục nhân văn khi những bài giảng luôn luôn được “kèm vào đó định hướng tư tưởng chính trị”. Những bài học lịch sử luôn luôn là “Phát xít Nhật (1945), Thực dân Pháp (1954), Đế quốc Mỹ (1973)” trong khi cuộc chiến tranh xâm lược sau cùng nhất lại là chiến tranh xâm lược của Trung Quốc vào 1974 (cưỡng chiếm Hoàng Sa) 1979 (chiến tranh biên giới phía Bắc) và 1988 (chiếm một phần quần đảo Trường Sa)? Vậy mà, sách giáo khoa bây giờ lại không hề nhắc đến kẻ thù này mà lập lờ chen vào đó những “sai sót chết người”, còn chính quyền thì tuyên truyền cho nhân dân về sự “giúp đỡ” về quan hệ “răng môi”, về tình anh em, cùng chung lý tưởng XHCN của Việt Nam với Trung Quốc?
Còn về nghiên cứu khoa học, các ngài có buồn cười không khi nhan nhản trong hệ thống chính quyền từ cấp vụ, cục, bộ; bằng tiến sĩ nhiều vô kể. Sẽ là lố bịch khi một kẻ mang học hàm GS/PGs, tiến sĩ nhưng chưa hề có một công bố khoa học trên các trang báo chuyên ngành uy tín quốc tế, chưa bao giờ từng kinh qua môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp nhưng bọn họ lại được ngồi ở vị trí cầm trịch để “xem xét/ giải quyết/ ra quyết định” cho những đề tài nghiên cứu khoa học. Chuyện ăn cắp ý tưởng/phân công/chia phần cho ông A bà B nào đó làm chủ nhiệm những đề tài cấp bộ, cấp nhà nước đang trở nên phổ biến. Họ là người xin duyệt đề án trong hội đồng X nhưng lại là người được quyền xét duyệt trong hội đồng Y, anh xét cho tôi, rồi tôi sẽ xét cho anh….Cứ thế, nghiên cứu khoa học như những miếng bánh mà họ chia chác cho nhau…..để rồi, chẳng hề được ứng dụng, chẳng hề có ai kiểm tra tính khả thi của nó … cứ lần lượt ra đời.
Tất cả đều do thể chế chính trị, khi sự độc quyền cai trị, quyền lực không bị kiểm soát và giám sát….nó đẻ ra rất nhiều ung nhọt làm băng hoại những giá trị nền tảng nhất, những giá trị căn bản nhất trong đó giáo dục và khoa học là hai lĩnh vực không có chỗ đứng cho dối trá và cẩu thả, vẫn bị chi phối.
Một cây xanh, muốn sinh trưởng và phát triển lành mạnh, không thể thiếu dưỡng chất, nước (được rễ đưa lên) và ánh sáng mặt trời qua hệ thống quang của diệp nhục trong lá đưa vào hệ thống mạch. Khi thể chế chính trị gò bó, lệch lạc, nó giống như người ta trồng cây xanh trên một mảnh đất đã nghèo dinh dưỡng mà lại bị bức tường che chắn hết ánh sáng. Vì vậy, hành động quan tâm hỗ trợ, cổ vũ cho giáo dục của các ngài, được ví như một cánh tay đưa ra vin cành, kéo một vài chiếc lá vàng hoe đưa về phía mặt trời, liệu các ngài “đứng” ở vị trí đó được bao lâu, sức lực bao nhiêu để làm việc đó?
Chúng ta không thể “nhổ” cả cái cây đã quá lớn, hệ thống rễ quá sâu rồi dời đi chỗ khác. Chỉ còn một cách, ngoài việc dùng phân bón, hãy tạo ra một không gian cần thiết, một quang năng đủ cho cây quang hợp bằng cách đạp đổ bức tường kia. Nếu không, chúng ta đứng đó nhìn cái cây sẽ chết; giống như nền giáo dục của chúng ta hiện nay, đang từ từ chết lâm sàng.
Một môi trường đầy đủ ánh sáng, trong lành, tự do, dân chủ sẽ là điều kiện tốt nhất cho mọi sự “vươn mình” không chỉ cho giáo dục mà cho kinh tế, văn hóa, y tế,…cùng phát triển.
Và đó là lý do tại sao chính ta cần thay đổi thể chế chính trị này.
Không có gì buồn cười bằng, chính quyền Việt Nam luôn tung hô “Kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đến khi hàng hóa, thủy sản xuất sang các nước phát triển, họ ra các khoản luật chống phá giá, lúc đó chúng ta cứ phải theo đuôi họ, năn nỉ họ rằng “ừ, Việt Nam chúng tôi là có nền kinh tế thị trường đó, không có sự hỗ trợ của chính phủ cho hàng thủy sản đâu nên các ngài đừng dùng luật chống phá giá với chúng tôi, mong các ngài thông cảm ”. Tại sao cứ phải đeo cái thòng lọng vào cổ mình như thế? Và nói thật, đến bây giờ tôi cũng chẳng biết, chẳng hiểu về một nền kinh tế lai căng giữa cơ chế thị trường và định hướng XHCN là gì nữa. 
Vì vậy, nếu đã cố gắng xin các ngài hãy cố thêm chút nữa. Đã yêu thương sinh viên- thế hệ tương lai của đất nước- thì hãy yêu thêm chút nữa. Hãy đưa ra một bản dự thảo hiến pháp trên cơ sở lấy ý kiến của cư dân mạng, rồi sau đó các ngài hãy gửi thẳng cho ủy ban dự thảo HP của quốc hội trước khi thời hạn góp ý kết thúc, để xem họ sẽ trả lời ra sao. Tôi tin rằng, “bài kiểm tra yếu kém và ngụy tạo” cần phải cho đối tượng biết lý do vì sao họ không “PASSED” mà nhân dân sẽ là người ra quyết định cuối cùng.
Đồng hành cùng những nỗ lực khác, chúng ta cần phải xô đổ bức tường chật chội tù túng đó. Nhân dân sẽ đồng hành với các ngài và hãy tin các ngài không đơn độc đâu. Nếu không như thế, “nghị quyết” cuối cùng của trang Cùng viết Hiến Pháp sẽ đi về đâu, gửi cho ai đọc?  Liệu các ngài có cam đảm thêm một chút nữa hay không?
Một cái vẩy tay của người khổng lồ mạnh hơn hàng trăm thậm chí hàng nghìn lần sự oằn lưng ráng sức của một người tí hon. 
Dân tộc này, núi sông này không thể cúi mặt mãi được.
Kính chúc các ngài nhiều sức khỏe, nhiều thành công hơn nữa trong sự nghiệp.
Và tôi, dù chỉ là một kẻ yếu đuối, rất hèn mọn vẫn đang ngày đêm trông ngóng sự lên tiếng của các ngài.
Nòng Nọc

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"