Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

Quả trứng và bất động sản.

Nguyễn Ngọc Già

Trang VNN cho hay "Trứng gà ế đầy kho" [1] đến nỗi "gần đây có trang trại đã phải đổ bỏ 2 xe trứng, mỗi xe khỏang 200.000 quả". Trước đó nhiều người cũng biết trẻ em vùng cao không có thức ăn, để cải thiện bữa ăn, bọn trẻ đã đặt bẫy bắt chuột.
Ông Vũ Kỳ Truyền - một chủ trại gà giống ở Chương Mỹ (Hà Nội) cho nhà báo biết thêm:
Suốt từ tháng 2 -11.2012, chăn nuôi liên tiếp thua lỗ, có thời điểm giá trứng còn 900 đồng/quả, nhưng đến cuối năm giá trứng tăng lên là thời điểm gỡ lại tiền lỗ vốn thì Bộ Công Thương lại dùng mệnh lệnh hành chính bắt hạ giá xuống, làm cho giá trứng của hộ chăn nuôi cũng phải hạ theo".
ông Đinh Sỹ Chung, một trong 3 chủ trại lớn nhất ở Ninh Bình với quy mô lên đến 3ha hiện đang nuôi hơn 60.000 con gà, nói:
“Tôi lỗ cả năm 1,5 tỷ có ai quan tâm tới không? Nếu nói là tăng giá trứng cao, thì thời điểm cuối năm 2012 cũng chỉ đạt 2.500 đồng/quả, tức là giá bán cũng chỉ cao hơn giá thành sản xuất có 500 đồng và người tiêu dùng có ăn trứng cũng chỉ phải chi phí thêm vài nghìn đồng".

Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Trọng - Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho rằng năm 2012, người chăn nuôi thua lỗ triền miên trong suốt 7 tháng nhưng khi giá tăng lên là thời điểm gỡ lại, thì lại bị ép giảm giá xuống nên chưa thể bù lỗ.
“Hiện nay, khi giá giảm chẳng thấy có ai nhắc tới nỗi khổ của người chăn nuôi cả. Trứng hiện không phải là mặt hàng bình ổn giá, nên theo tôi nếu đã can thiệp thì phải can thiệp cả lúc giá tăng và lúc giảm để đảm bảo cho người chăn nuôi ít nhất bán được bằng giá thành sản xuất” - ông Trọng nói.
Lời ai oán từ trứng ế vẫn bỏ ngỏ, vì các chủ đầu tư không biết kêu ai (!), bởi ngay quan chức nhà nước còn phải than vãn như ông Nguyễn Đức Trọng. Các nhà đầu tư nuôi gà thịt và lấy trứng có lẽ vẫn đang làm sao tự cứu mình thay vì đi tìm "ông trời con" nào đó.
Trong một diễn biến khác, thị trường BĐS ngỡ như nhận được tín hiệu vui (cho giới đầu tư BĐS) từ số tiền (nghe có vẻ lớn) 30.000 tỉ đồng để "góp tay" "giải cứu" các vị "trưởng giả học làm sang" trong ngành BĐS, thì báo VNExpress "dội" một bài có tựa "Không hỗ trợ vay mua nhà xã hội" [2], trong đó NHNN nói rằng:
"...Việc vay để mua nhà ở xã hội, (theo cơ quan này) là không được quy định trong nghị quyết 02 của Chính phủ, đồng thời Luật Nhà ở 2005 về phát triển nhà ở xã hội cũng chỉ quy định 2 hình thức là thuê và thuê mua".
Mặc dù vậy, "...cũng như lần giải trình trước, Ngân hàng Nhà nước cho biết hoàn toàn ủng hộ bổ sung thêm đối tượng vay mua nhà ở xã hội vào chương trình này, trong trường hợp pháp luật cho phép.". Tuy nhiên, NHNN không nói khi nào thì "cái phép" này sẽ được đưa ra.
Để không làm các "đại gia" BĐS thất vọng, NHNN bảo đảm: "Liên quan đến đề nghị mở rộng đối tượng cho vay so với Nghị quyết 02 của Chính phủ, chẳng hạn như nhà dưới 80 m2 (thay vì 70 m2), thời hạn vay 20 năm (thay vì 10 năm), mua đất nền, mua nhà riêng lẻ…, Ngân hàng Nhà nước cho biết, ghi nhận và sẽ chuyển cho Bộ Xây dựng, cơ quan liên quan xem xét, nghiên cứu để tham mưu cho Chính phủ quyết định".
"Đường xa vạn dặm" vẫn trước mắt các "đại gia" BĐS trong tình trạng như nắng hạn đợi mưa rào!.
Song song với gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt những con bạc đang cháy túi (như trên), thì báo Lao Động đưa tin sốt dẻo: "Doanh nghiệp BĐS Hà Nội gửi thư ngỏ chất vấn TS Alan Phan" [3], sau khi ông Alan Phan trả lời phỏng vấn phóng viên VNExpress với tựa bài báo "Nên để thị trường BĐS rơi tự do" [4].
Dường như cuộc phỏng vấn từ phía VNExpress đã làm các "trưởng giả học làm sang" như đỉa phải vôi trong tình trạng "thập diện mai phục", "nợ vây tứ bề" lại còn gặp phải "một cái gậy trong bánh xe (đạp)". Thư chất vấn nói gì? Trích (nguyên văn):
1/ Hiện nay, các DN BĐS thường chỉ có từ một đến vài chục phần trăm vốn tự có, phần còn lại là vay ngân hàng (mà ai cũng biết NH là trung gian, kinh doanh từ nguồn tiền gửi của nhân dân). Vậy nếu các DN BĐS phá sản, thực chất, ai sẽ là người mất tiền?
2/ Ở rất nhiều dự án, người dân đã đóng một phần tiền, thậm chí là rất nhiều tiền, nếu phá sản chủ đầu tư không tiếp tục xây và không thể giao nhà cho họ, cũng không có khả năng hoàn trả tiền; vậy ai sẽ là người mất tiền?
3/ Ông cho rằng, DN BĐS “chết”, nhà băng “chết”, chứng khoán tụt giảm... cũng không sao, miễn là Chính phủ bảo đảm người dân sẽ không mất tiền. Vậy, xin ông cho biết giải pháp mà Chính phủ cần phải làm để bảo đảm người dân sẽ không mất tiền nếu tình trạng nêu trên xảy ra?
4/ Ông đã nhận định rằng, để thị trường rơi tự do, giá nhà có thể giảm thêm 30-50% nữa. Vậy theo ông, khi giảm đến mức đó mới là “giá trị thực” (bằng mức đầu tư của DN) hay đã thấp hơn? Theo đánh giá của ông, giá BĐS tại Việt Nam hiện đang ở mức nào? Và ông căn cứ vào cơ cấu giá như thế nào để đưa ra nhận định đó? Cơ sở nào để ông đưa ra nhận định: Không cần giải cứu, thị trường địa ốc sẽ đi lên sau 4-5 năm?...
(hết trích)
Việc Ông Alan Phan trả lời hay không thì không biết, bởi đó là quyền tự do ngôn luận và cũng bởi ông Alan Phan không phải là viên chức nhà nước có trách nhiệm buộc phải trả lời người dân, dù đó là người dân giàu hay nghèo.
Ở góc độ cá nhân, người viết chỉ thấy buồn cười cho những câu hỏi ngớ ngẩn đến độ không cần giải thích và cũng chẳng thay mặt ông Alan Phan trả lời (đại) làm chi!.
Chỉ mượn diễn đàn này để chia sẻ với dân nghèo mấy điều:
- Thông qua 4 câu hỏi (ngớ ngẩn) đó, các "trưởng giả học làm sang" lòi chành cái dốt đặc cán mai về: kiến thức kinh tế, pháp luật cho đến kiến thức quản lý nhà nước.
- Thông qua 4 câu hỏi (ngớ ngẩn) đó, các "trưởng giả học làm sang" lòi chành ra cái "đầu tiểu nông" lạc hậu và đặc quánh lòng tham.
- Thông qua 4 câu hỏi (ngớ ngẩn) đó, các "trưởng giả học làm sang" lòi chành ra thói ngụy biện kém cỏi khi "lôi" "người dân" vào làm bình phong nhằm đỡ đạn trong cơn túng quẫn và bế tắc không tài nào tìm ra lối thoát cho BĐS. Tựu trung là thói "cố đấm ăn xôi".
- - Thông qua 4 câu hỏi (ngớ ngẩn) đó, các "trưởng giả học làm sang" lòi chành ra thói "mượn dao giết người". Một khi thị trường BĐS tanh bành té bẹ thì: "trăm sự" là tại ông Alan Phan hết cả đấy (!!!). Mọi nguồn cơn phẫn nộ của người dân thay vì trút lên đầu bộ "ba con quỷ" (doanh nghiệp BĐS - Ngân hàng - Chính quyền) được trông mong trút lên đầu ông Alan Phan. Một khi (rủi như) người dân ùn ùn kéo nhau ra bank rút tiền như Cyprus vừa rồi, thì các tên trọc phú cũng có cớ mà đổ thừa cho... ông Alan Phan.
Nếu tôi là ông Alan Phan, thay vì trả lời cho đám "đầu đất", tôi sẽ vạch mặt bọn chúng ra để vừa tránh kiểu "trăm dâu đổ đầu tằm" cho mình, vừa giúp người dân nhận ra chân tướng hèn hạ và thâm hiểm của bọn mafia đỏ đang trong cơn giãy chết.
***
Đám "đầu đất", thông qua 4 câu hỏi đặt ra cho Alan Phan đã chơi trò hai mặt, vừa xem ông như là "cái cọc" trong lúc chết đuối, nếu ông Phan trả lời những gì lợi cho chúng thì chúng lẳng lặng tóm lấy và thực hiện ngay, những gì bất lợi cho chúng thì chúng sẽ cũng... tóm lấy để quật lại ông và đổ hết tội lỗi cho cá nhân ông.
Rất tiếc bánh xe chúng đang chạy đã mòn vẹc với những nan hoa ọp ẹp, không đỡ nổi cả cái thân xe đạp ốm yếu đang phải chất trên mình nó là những tên trọc phú béo phì phởn phơ. Nay, những tên phì "da" đang dần nhận ra việc ngã lộn đầu xuống "hố BĐS". Muộn lắm rồi!
Tất nhiên, độc giả có quyền cho rằng: thật lố bịch, kệch cỡm và khập khiểng khi đặt quả trứng bên cạnh một biệt thự hay căn hộ 5 sao.
Dù sao cả thị trường trứng và thị trường BĐS cũng có chỗ giống nhau, đó là thị trường. Mọi thị trường đều phải chịu điều tiết bởi những quy luật khách quan, vừa công bằng vừa nghiệt ngã. Bất cứ một tác động chủ quan nào không tuân theo quy luật và không bám theo diễn biến liên tục của thị trường sẽ nhận lãnh hậu quả khốc liệt.
Những tay trọc phú nào nghe nói: "thị trường BĐS CHẮC CHẮN sẽ hồi phục sau 7 năm, sau 10"; thì coi như nghe bác sĩ khuyên con bệnh AIDS thời kỳ cuối rằng: "Đừng lo lắng quá! Hãy về tịnh dưỡng. Người ta sắp tìm ra phương thuốc hữu hiệu rồi, chỉ trong khoảng 1 năm nữa thôi, những người mang căn bệnh thế kỷ này sẽ được chữa khỏi".
Nguyễn Ngọc Già
_______________

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"