Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

Tụi bây muốn gì

Đã có ai làm thống kê thxem số người không đội nón bảo hiểm chết vì :
  • Tai nạn 
  • Công an
Số nào cao hơn ở VN?  

Đào Tuấn

Phải chăng đã đến lúc Bộ Công an cũng như chính quyền phải cấm tiệt các hành vi truy đuổi, sử dụng vũ khí quân dụng để đối xử với một hành vi vi phạm hành chính của lương dân, một hành vi có thể nhìn thấy bằng mắt thường
3 tư thế của người “Cảnh sát nhân dân” vừa xuất hiện trên báo chí trong chỉ 3 ngày qua. Ngày 20.3, ở Pleiku, Gia Lai, hơn chục cán bộ công an và dân quân tự vệ xã Trà Đa đuổi bắt, thậm chí “vào tận trong nhà máy để tìm kiếm”, “lên đạn súng AK, rút súng ngắn chĩa vào đầu” một người dân. Và quát hỏi “Tụi bây muốn gì”. Bị đánh tới tấp, anh nạn nhân “chạy vào phòng bảo vệ đóng cửa trốn”, nhưng bị các cán bộ dùng dùi cui và báng súng đập vỡ cửa kính để mở cửa vào. Không dừng lại đó, nhóm công an xã này còn dùng súng bắn vào phòng.

Lỗi của anh này là “Không đội mũ bảo hiểm”. Và tư thế của anh với những nhà chức trách là tư thế quay lưng, cắm cổ, để chạy, chỉ vì thiếu một cái mũ.

Chủ tịch UBND xã Trà Đa Nguyễn Đình Thức 1 ngày sau đó thanh minh: “Lực lượng của chúng tôi chưa được chính quy, quá trình xử lý còn nóng nảy, chứ nếu là người được đào tạo qua trường lớp thì làm gì có chuyện như thế xảy ra”.
À, thế ra chính dân chúng phải chịu trách nhiệm về sự “không chính quy”.
Ở Đà Nẵng, PV Infonet chụp lại được hình ảnh “người dân và CSGT chỉ mặt nhau khẩu chiến” khi một sĩ quan cảnh sát, bụng bự, mặt đỏ gay vung tay vung chân chỉ mặt dân vô cùng phản cảm. Sự phản cảm không chỉ là tư thế đối đầu mà còn ở những lời lẽ “ngoài chợ” người ta dành tặng cho nhau xung quanh một cái biển số “tử” 13 nút.
Và ở Hà Nội, trật tự đô thị “múa gậy” chặn xe người dân giữa phố.
Chặn đầu. Chỉ mặt. Và đuổi bắt. Nếu muốn có một hậu quả để có thể gióng lên một lời cảnh báo thì hẳn nhiên đó phải là câu chuyện vừa xảy ra ở Bình Dương khi lực lượng chức năng Phường Chánh Nghĩa truy đuổi một người dân khiến anh này đâm vào cột đèn tử vong tại chỗ.
Lỗi của nạn nhân xấu số, thật kinh khủng, cũng chỉ là “Không đội mũ bảo hiểm” chứ chẳng có gì là “phi nghĩa” cả.
Mới biết chánh nghĩa hay phi nghĩa không phải là ở cái tên.
Đọc xong những dòng tin kiểu này, một câu hỏi, vì thế, không thể không đặt ra: Hay giờ đây việc thiếu một cái mũ trên đầu cũng là hành vi phạm pháp đặc biệt nghiêm trọng, đến độ “nhà chức trách” phải truy đuổi, phải vung gậy, phải lên đạn, phải nổ súng, theo lối đồ sát như vậy?
Câu trả lời của thực tế từ Nam ra Bắc là “Đúng”. Nhưng sự lạm quyền chưa phải là câu trả lời cuối cùng.
Câu trả lời chính xác có vẻ đã được Trưởng Công an Phường Thịnh Quang, ông Nguyễn Duy Hưng vô tình tiết lộ. Trả lời Tiền phong “nhân sự kiện” trật tự phường “múa gậy chặn đầu xe”, ông Hưng thật thà: Thú thật do áp lực nặng quá, một tháng bị giao chỉ tiêu 50 triệu đồng, nên anh em mới đi lập chốt, đi phạt. Lỗi nặng nhất là ô tô, nhưng không xử phạt được vì toàn chỗ quen biết, quen ông nọ, ông kia… không làm được.
Cái chết của một nạn nhân đặt ra vấn đề hết sức nghiêm túc vấn đề “nhà chức trách” và nhân dân. Phải chăng đã đến lúc Bộ Công an cũng như chính quyền phải cấm tiệt các hành vi truy đuổi, sử dụng vũ khí quân dụng để đối xử với một hành vi vi phạm hành chính của lương dân, một hành vi có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Và áp lực “chỉ tiêu” khiến lực lượng trật tự nghiệp dư ngang nhiên “múa gậy” giữa phố, giữa ban ngày, giữa thủ đô, giữa cả trăm cả ngàn ánh mắt bất bình của người dân, cho thấy việc đặt ra một chỉ tiêu phạt là hết sức phi lý, hết sức ngớ ngẩn cần phải được dẹp bỏ ngay lập tức.
“Tụi bây muốn gì” ư?
Chúng tôi chỉ xin 2 chữ bình an mà đáng lẽ ra, những người ăn lương từ thuế các anh phải là người bảo vệ.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"