TM1111
“Tôi yêu tiếng nước tôi“Từ khi mới ra đời
“Mẹ hiền ru những câu xa vời
“À ơi...”
Bà ngoại sinh mẹ tại nhà Bảo Sanh Ngô Liên đường Trần Quang Khải, Tân
Định. Sau này mỗi lần có dịp dẫn mẹ và cậu Hai đi ngang nhà bảo sanh
ngoại thường chỉ tay vào tòa nhà cho biết “Má sanh hai đứa trong nàỵ” Cụ
của con, mẹ chồng của ngoại, đưa ngoại vào nhà sanh khi ngoại chuyển
bụng. Ông ngoại chỉ xuất hiện sau khi mẹ đã được cắt rốn, tắm rửa sạch
sẽ, bọc tả áo thơm tho. Ông ngoại mặc quân phục thẳng nếp, mang giầy nhà
binh cồm cộp vào thăm mới biết vợ mình sinh con gái và đặt tên cho mẹ.
Ngày còn bé mỗi lần đi ngang nhà Bảo sanh Ngô Liên mẹ thường thả hồn
dệt mộng khi lớn lên mẹ sẽ lấy chồng, sẽ vào nhà bảo sanh sinh con, và
sau khi “đi biển mồ côi một mình” sẽ có một ông mặc quân phục oai vệ
tươi cười bước vào ngắm nghía tác phẩm của hai người. Không có trí tưởng
tượng dồi dào phong phú nào báo cho con bé hay mơ mộng hão huyền biết
rằng mẹ sẽ sinh con bên kia bờ đại dương tại nhà thương Kaiser ở
Hayward, California. Rằng bố không đợi đến lúc con sạch sẽ thơm tho mới
xuất hiện mà đích thân đưa mẹ vô nhập viện theo ngày giờ đã định sẵn với
bác sĩ để “thúc” con ra đời. Rằng bố ở lại chia xẻ với mẹ từng nỗi nhọc
nhằn hơn hai mươi tiếng đồng hồ, và là người được chiêm ngưỡng dung
nhan như mèo ướt của con trước cả mẹ. Trong chín tháng cưu mang con mẹ
vẫn hằng mong con “xí được” cái mũi cao Tây phương của bố, ngờ đâu đến
lúc con chào đời bố lại phải thông tin cho mẹ biết “Thúy này, nó hưởng
cái mũi (tẹt dí) của em!”
Trí mơ mộng trẻ thơ của mẹ từ ngày còn bé cũng đã khẳng định sẵn rằng
tất cả những gì mẹ được đón nhận thời thơ ấu sẽ được lập lại cho con
của mẹ một cách nguyên thủy trọn vẹn: tình thương bao la, sự giáo huấn
nghiêm nhặt, lời ru ngọt ngào, tiếng nói thiết tha... Mẹ ôm chặt con vào
lòng cất tiếng sẽ ru:
“Ù ơ ví dầu cầu ván đóng đinh
“Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi
“Khó đi mẹ dẫn con đi
“Con đi trường học, mẹ đi trường đời”
“Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi
“Khó đi mẹ dẫn con đi
“Con đi trường học, mẹ đi trường đời”
Con có hiểu không mà con cứ cựa quậy cái đầu bé xíu chỉ bằng nắm tay
còn móp mép các góc cạnh vào ngực mẹ, dụi dụi có vẻ rất bằng lòng. Con
lớn lên trong sự nuôi dạy chăm sóc của ngoại và bố mẹ. Tiếng Việt, tiếng
Anh, ngôn ngữ nào cũng súc tích từ ngữ yêu thương, cũng dồi dào cách tỏ
tình trìu mến. Khi mẹ ôm con ngồi cạnh ngoại mình sử dụng tiếng Việt.
Con bập bẹ kêu “Bà Wại”, biết trả lời “Mẹ đi làm” khi ai hỏi mẹ đâu,
biết chỉ tay vào đèn Noel sáng lóng lánh trước nhà kêu “bong bóng”. Khi
bố mẹ âu yếm con mình dùng tiếng Anh. Con hát thuộc lòng bài “I love
you, you love me” của chú khủng long Barney cho bố mẹ nghe. Năm con lên
năm mẹ dẫn con đến trường Pioneer Elementary vào học lớp mẫu giáo. Năm
con lên sáu mẹ đưa con đến trường Hòa Bình nhập lớp vỡ lòng Viêt ngữ.
Ngày đầu tiên đến trường Hòa Bình con mặc áo đầm đẹp, mang vớ dài
trắng, diện giầy “kẻng”, tung tăng theo mẹ vào lớp. Sau buổi họp phụ
huynh đến lớp đón con mẹ sửng sốt nghe thầy hiệu phó mách: “Này, con bé
của chị hay khóc nhè đấy nhé!” Con đi trường Mỹ còn nhỏ tuổi hơn mà con
có khóc nhè đâu! Hóa ra trong lớp chỉ có mình con mang hai dòng máu, hai
di sản ngôn ngữ và văn hóa trong người. Tất cả các em khác đều có cha
mẹ người Việt nên từ bé chỉ sử dụng duy nhất tiếng Việt ở nhà. Phần con
chỉ biết trả lời “Con tên gì, mấy tuổi” nhưng đến các câu hỏi khác con
lúng túng, hãi sợ, rồi oà khóc một cách ngon lành giữa lớp!
Bố mẹ xin phép nhà trường cho bố vào lớp ngồi cùng để “hỗ trợ tinh
thần” con. Trong xã hội Mỹ bố tài giỏi hơn người nhưng vào lớp Mẫu giáo
Việt ngữ bố vất vả hơn ai. Bố lúng túng nhồi nhết tấm thân hộ pháp của
mình vào bộ bàn ghế nhỏ xíu đóng cho các em năm sáu tuổi. Bố cố gắng
nhồi nhét các nguyên âm, phụ âm Việt ngữ trúc trắc xa lạ vào trí nhớ đã
bảo hòa, phùng mang trợn mắt đọc ‘a, e, ê, o, ô, ơ ... sắc, huyền, hỏi,
ngã, nặng” cùng với con. Về nhà ôn bài con giúp bố đánh vần “bờ e be, bờ
ê bê”. Con cười giọng đọc ngọng nga ngọng nghịu của bố nên cảm thấy
mình “chì” hơn bố nhiều. Bố con hủ hỉ cùng nhau “dồi mài kinh sử” suốt
năm cho đến ngày lễ mãn khóa. Con nghe đọc tên mình thì te te bước lên
sân khấu đứng thộn mặt ra cùng với các bạn. Thầy hiệu trưởng, cha xứ,
quí vị đại diện cộng đoàn đọc những bài diễn văn hoa mỹ nhắc nhở các em
học sinh phải luôn cố gắng duy trì ngôn ngữ nước nhà, bảo tồn văn hóa
dân tộc, tiếp nối lịch sử bốn ngàn năm văn hiến... để đừng thẹn mặt
giòng giống Lạc Hồng. Con nghe tai này chạy tọt sang tai kia, cứ đứng
đực ra như ông phỗng đá trên diễn đàn. Đến lúc nhà trường xướng danh con
lãnh phần thưởng hạng nhất lớp mẫu giáo cả bố mẹ lẫn ngoại đều sửng sốt
không ngờ! Trên đường về bố mẹ hết lời khen ngợi con yêu của bố mẹ được
đứng đầu lớp. Con trố mắt ngỡ ngàng: “Ủa, thế à?” May mà cô giáo không
nghe được chứ nếu không chắc phần thưởng sẽ bị cúp mất đấy con ạ!
Từ số vốn “ba, be, bi” khiêm nhượng con tập tễnh bước lên lớp một. Số
học sinh quá đông không đủ chỗ ngồi nên “học sinh danh dự” là bố phải
rút lui. Có được lối thoát đường đường chính chính bố thở phào nhẹ nhỏm!
Mỗi chủ nhật con một mình thui thủi vào lớp. Mẹ biết con ước gì được
ngủ nướng buổi sáng Chủ nhật, được xem Tivi trả thù suốt trong tuần bị
cấm đoán, không phải dậy sớm tắm rửa ăn uống, chuẩn bị sách vở, ôn bài
để đến trường... Con biết thân biết phận rằng từ mười hai giờ trưa đến
ba giờ chiều ngày chủ nhật là giờ phút “bất khả xâm phạm”. Được ai mời
sinh nhật, họp mặt, hòa nhạc con đều phải từ chối hoặc xin phép đến muộn
sau giờ học. Con uất ức vì “bị mất quyền công dân” nên rền rỉ đòi ngoại
đi theo ngồi với con, cho con cầm tay ngoại mân mê suốt từ nhà đến
trường để vơi bớt nỗi niềm đau khổ. Mẹ thương tình treo mồi lơ lửng dụ
khị khi tan lớp cho con đi nhà sách Borders xem sách uống trà, đi Petco
mua cá về nuôi, thu xếp với chú Anthony cho con ghé nhà cu Mark chơi để
an ủi phần nào cực hình ngày chủ nhật.
Tiếng Anh con ngày càng thông thạo lưu loát còn ngược lại ngôn ngữ
Việt ngày càng trở nên bí hiểm hơn đối với con. Con đánh vần ra rả một
cách máy móc nhưng bắt đầu chắp nối vần Anh vào vần Việt:
“Ba đi ra đi vô
“Đo đự vì xa nhà...”
“Đo đự vì xa nhà...”
làm ngoại cũng phải bật cười ngán ngẩm cho “con Mỹ con” của bố mẹ.
Ngày xưa khi học nói tiếng Anh mẹ nêm đủ cả các dấu sắc, huyền, hỏi,
ngã, nặng vào cho đậm đà gia vị. Còn con bây giờ đọc tiếng Việt thì
quẳng tuốt các dấu đi cho đời thêm đơn giản. Con nghe ngoại và mẹ nói
chuyện khi hiểu không khi không, mà hình như tầm hiểu biết của con có
một sự tính toán chọn lựa rất khôn ngoan. Khi nào sai bảo việc gì thì
luôn luôn: “Con không hiểu”, “Con không biết”, nhưng nếu ngoại kể hôm
nay đi chợ mua được quà bánh gì thì lập tức “Á, cho con ăn với!”. Con
bắt đầu vá víu những lổ thủng trong tiếng Việt nghèo nàn của mình bằng
cách dặm thêm tiếng Anh khi nói chuyện với ngoại, vì: “Bây giờ ngoại đã
là công dân Mỹ rồi, ngoại phải nói tiếng Anh mới được!” Trong nhà bắt
đầu có lối giao tiếp mới nửa nạc nửa mỡ, hỏi bằng tiếng Việt nhưng được
trả lời bằng tiếng Anh. Dầu gì thì những mẫu đối thoại “Mỹ Việt đề huề”
này cũng giúp cho bố đỡ phần lạc lõng: chỉ cần chú ý theo dõi năm mươi
phần trăm câu chuyện bằng tiếng Anh từ “phe ta” bố cũng có thể tự suy
đoán ra gần hết mọi chuyện, chứ nếu mẹ con bà cháu mình chỉ đấu toàn
tiếng Việt với nhau thì hóa ra bố lại bị bỏ rơi hoàn toàn. Ba người đánh
một, chẳng chột cũng què mà, cũng tội nghiệp cho bố chứ.
Ấy vậy mà cuối năm lớp một con vẫn được lãnh phần thưỏng hạng nhì,
vượt hẳn sự mong ước của mẹ. Khi gọi các học sinh ưu tú lên lãnh thưởng
thầy Uyển chơi một màn phỏng vấn đột suất trên sân khấu. Cu cậu hạng
nhất trong lớp con được thầy ban cho câu hỏi:
- Hôm nay em mặc áo màu gì, quần mầu gỉ?
- Hôm nay em mặc áo màu gì, quần mầu gỉ?
Cu cậu trả lời ngon lành:
- Em mặc ắo màu trắng, quần màu xanh nước biển.
Mẹ ngồi dưới này mà tim đập bộp bộp. Con của mẹ giỏi đánh vần như vẹt
chứ nói chuyện tiếng Việt còn “mỏi tay” quá mà, làm gì nặn ra nổi một
câu trả lời đàng hoàng gẫy gọn. May sao đến phiên con có lẽ thầy biết
tỏng “con Mỹ con” ăn nói còn lúng ba lúng búng nên nhẹ tay cho một câu
“cứu bồ”:
Trong lớp mình có học từ ngữ “cười ha hả”, em thử diễn tả cười ha hả là như thế nào cho mọi người biết.
Trong lớp mình có học từ ngữ “cười ha hả”, em thử diễn tả cười ha hả là như thế nào cho mọi người biết.
Ui chao, lại một phiên hú hồn thoát nạn!
Làm sao giúp cho cóc của mẹ mở miệng được nhỉ? Ngày xưa mẹ học tiếng
Việt tự nhiên dễ dàng như ăn cơm, uống nước, hít thở khí trời, như con
mẹ học tiếng Anh trên đất Mỹ ngày nay. Ừ phải đấy, con bé sinh tại nhà
bảo sinh Ngô Liên được nuôi nấng dạy dỗ trên đất Việt, nơi mọi người
thấm nhuần “mẹ hiền ru những câu xa vời” từ tấm bé. Còn con bé sinh tại
nhà thương Kaiser không hề biết đến một quốc gia nhỏ hình cong chữ S bên
kia bờ Thái bình dương, nơi mọi người sử dụng một thứ tiếng nói thanh
thoát trầm bỗng như nhã nhạc du dương. Con vất vả lúng túng học tiếng
Việt trên đất Mỹ cũng như mẹ bị vướng vấp khi học tiếng Anh trên đất
Việt, cố cong mồm cong lưỡi phát âm những từ ngữ xa lạ của một dân tộc
mà mình chưa hề diện kiến.
Bao nhiêu năm xa gia đình sang xứ người lập nghiệp mẹ chắt chiu dành
dụm chẳng dám về thăm nhà. Nay thì mẹ long trọng hứa sẽ đưa con về thăm
quê cha đất tổ của mẹ cho con biết cội nguồn. Con nghiêm nghị “chỉnh” mẹ
rằng mẹ thì “về thăm” Việt nam chứ con chỉ là “đi thăm” mà thôi. Ngồi
máy bay hơn hai mươi tiếng đồng hồ con háo hức bồn chồn không hề chợp
mắt, liên tục hỏi mẹ bao giờ đến nơi, bao giờ mẹ cho con đi xem cây dừa.
Bước xuống phi trường con choáng váng với cái nóng nung người, hoa mắt
nhìn xe cộ điên đảo ngược xuôi. Con hoảng sợ bị bao nhiêu người xúm lại
vò đầu bẹo má, rộn rã hỏi thăm hàng tràng tiếng Việt con chẳng hiểu đâu
là đâu. Nửa đêm con mớ ngủ bật dậy, đầu ướt đẫm mồ hôi, ôm ngoại khóc
nức nở “Cho con về lại Union City đi, xứ sở này không phải của con!”
Ấy vậy mà chỉ ít hôm sau con “nhập gia tùy tục” một cách ngon lành. Sáng thức dậy dện nguyên “ba la ma” chễm chệ bước sang vỉa hè thím Hai ngồi bệt xuống xơi phở. Trưa theo anh Trứ chị Thúy An ra công viên đánh đu, tu sữa đậu nành ướp đá, mút cà rem câỵ Chiều đến ngóng cậu Hai đi làm về nhảy phóc lên xe Honda ôm lưng cho cậu chở đi một vòng.
Ấy vậy mà chỉ ít hôm sau con “nhập gia tùy tục” một cách ngon lành. Sáng thức dậy dện nguyên “ba la ma” chễm chệ bước sang vỉa hè thím Hai ngồi bệt xuống xơi phở. Trưa theo anh Trứ chị Thúy An ra công viên đánh đu, tu sữa đậu nành ướp đá, mút cà rem câỵ Chiều đến ngóng cậu Hai đi làm về nhảy phóc lên xe Honda ôm lưng cho cậu chở đi một vòng.
Ngày nào mẹ cũng sốt ruột thăm dò xem “người Việt thầm lặng” đã mở
miệng chưa hay còn phải thì thào vào tai mẹ bằng tiếng Anh nhờ thông
dịch lại dùm. Thủy và Trang con dì Thanh rất thích xúm xít chơi với con
nhưng cứ than phiền với mẹ:
-Dì Thúy! Dì Thúy biểu nó nói tiếng Việt đi. Sao nó không nói gì hết vậy?
Mẹ bật cười:
- Nó đâu có biết nói đâu con!
- Nó đâu có biết nói đâu con!
Ngày mợ Hai tuyên bố “sắp cãi lộn đưọc rồi đó em” cũng là ngày mẹ con bà cháu chuẩn bị khăn gói ra về.
Sau mùa hè con lại trở lại đời sống Mỹ, xem Tivi, giao tiếp với thầy
cô bạn bè toàn bằng tiếng Anh. Về nhà con huyên thuyên kể lại cho bố mẹ
nghe những mẫu chuyện đầu cua tai nheo xảy ra tại trường bằng tiếng Anh,
nghe bố mẹ giảng bài ở trường cho con cũng bằng tiếng Anh. Bao vốn
liếng tiếng Việt thu thập trong mùa hè trôi tuột đi như nước chảy lá
môn. Mỗi lần mẹ gọi về Việt nam thăm nhà cậu mợ Hai đều bảo gọi con ra
nói chuyện. Con vờ trùm chăn ngủ hay chui xuống gầm bàn trốn chẳng chịu
ra.
Mẹ phục lăn vợ chồng bác Bắc tập cho Việt Anh, Việt Mỹ nói tiếng Việt
rành rẽ đến độ hai bác giảng bài cho con cũng bằng tiếng Việt rồi để
cho các con mình tự chuyển sang tiếng Anh viết vào vở nộp cho thầy cô.
Đúng là không hổ danh con của giảng sư Việt học tại đại học Berkeley!
Ngày con nghỉ học mẹ thu xếp với hai bác cho con ngồi xe điện theo mẹ đi
làm buổi sáng rồi thả con xuống trạm nơi có hai bác đón sẵn để con chơi
cả ngày với Việt Mỹ. Chiều về mẹ đáp xe qua trạm gần nhà hai bác “bốc”
con về. Ngồi trên xe mẹ hớn hở hỏi con: “Hôm nay con chơi với Việt Mỹ có nói tiếng Việt nhiều không?” Con trả lời tỉnh bơ: “Làm gì có. Tụi con nói tiếng Anh không à!” Kỳ vọng của mẹ lại tan vèo như mây khói!
Lên lớp hai Việt ngữ con càng vất vả chật vật với những vần ngược
trúc trắc trong sách. Mẹ cho con đọc đi đọc lại bao lần vẫn sai. Mẹ bắt
con viết đi viết lại bao lần vẫn đầy lỗi. Con bực tức, chán nản, càu
nhàu, cự nự, tìm đủ cách sinh sự với mẹ mỗi lần hai mẹ con ôn bài. “Mẹ
phải ngồi sang bên này cho gần con, không được ngồi bên kia.”... “Mẹ đọc
nhanh lên đi chứ, sao chậm như rùa bò vậy?”... “Mẹ phải đợi con viết
hết bài rồi mới được nhắc chữ sai, không được nhắc ngay tại chỗ...” Con
vùng vằng khi bị sửa lỗi, luôn mang thầy con ra khống chế mẹ: “Mẹ không
biết, thầy con bảo phải viết là “tắt mắt” chứ không phải là “thắc mắc”,
phải viết “ăm tằm” chứ không phải “âm thầm” v.v..” Mỗi lần xem các bài
viết trong lớp của con mẹ đau lòng khi thấy những từ Việt đơn giản được
con “Mỹ hóa” một cách ngon lành: “thịt thà” biến thành “tịt tà”, “rau
thơm” thì phết luôn thành “rotung”! Những bài kiểm tra chính tả của con
thật xứng đáng được liệt vào những hiện tượng “only in America”:
“Vì cẳm nặn
“Chú bị căm
“Cô ăm tằm
“Chăm shock chú...”
“Chú bị căm
“Cô ăm tằm
“Chăm shock chú...”
Con đi “vấn kế Khổng Minh” với dì Julia và được dì bày vẽ phải kiên
nhẫn thăm dò đưòng đi nước bước, đợi cho hội đủ cả các yếu tố “thiên
thời, địa lợi, nhân hòa” thì hẵng chộp lấy thời cơ. Một hôm nhân mẹ vui
cười hớn hở vì con đạt điểm cao ở trường Mỹ con thỏ thẻ xin mẹ cho con
nghỉ học tiếng Việt. Đang tươi như hoa mẹ bỗng sa sầm mặt lại, nghiêm
nghị nhắc nhở cho con biết rằng mẹ có thể cho phép con nghỉ học đàn,
nghỉ học bơi, nghỉ sinh hoạt hướng đạo, nhưng không bao gì mẹ cho phép
con bỏ học tiếng Việt! Mẹ lo con mẹ bị “mất gốc” nên nhất định bắt ép
con cho bằng được. Cô Cẩm ở Việt nam đọc thư mẹ thở than liền sốt ruột
viết sang: “Nên nhớ là con mày có đến hai cái “gốc” lận đấy, gốc Mỹ
của bố nó và gốc Việt nam của màỵ Đừng mắng nó mất gốc mà tội nghiệp
nó.” Bác sĩ Woo thì nghiêm giọng cảnh cáo mẹ: “Bà phải ép buộc
nó ngay từ bây giờ mới được. Bây giờ nó khóc lóc oán trách nhưng sau
này nó sẽ nhớ ơn bà. Cứ nhìn tấm gương tầy liếp của tôi đâỵ Bây giờ tôi
hối tiếc ngày xưa không chịu học tiếng Hoa thì đã quá muộn rồi!”
Cuối năm lớp hai con không được lên lớp, phải ngồi lại một năm nữa.
Điều này mẹ cũng đoán trước qua những bài kiểm, bài thi trong lớp, qua
những thành tích “lôi tôi lếck thếck”, “ngốc ngếck ngờ ngệck”... của
con. Cô Linh tiệm bánh cũng đã căn dặn mẹ từ đầu: “Cứ cho tụi nó vô
“ngồi” đi, “ngồi” hết năm này qua năm khác, “ngồi” tới bao giờ “thấm”
thiệt kỹ thì lên lớp khác. Học trường Mỹ mười hai lớp chứ học trường
Việt có sáu lớp thôi, mỗi lớp “ngồi” hai ba năm đâu có sao!” Ấy vậy
mà mẹ cũng xót xa thầm cho con của mẹ, sợ con ở lại lớp xấu hổ, sợ con
mang mặc cảm không nhá nỗi tiếng Việt nên buông trôi mọi cố gắng. Phải
chi mẹ là bà tiên có phép nhiệm mầu, vung chiếc đũa thần trong giấc ngủ
say nồng để khi con bừng tỉnh dậy bỗng chốc thông làu lưu loát. Đã bốn
năm ì ạch con mẹ vẫn chưa “thoát nạn mù chữ”. Đường còn dài đăng đẳng,
không biết con có đi đến đích được không. Không biết mẹ còn củng cố ngôi
vị “bà mẹ độc tài” được bao lâu. Càng ngày con càng lớn, càng muốn tách
khỏi sự đặt để khống chế của mẹ. Mẹ không muốn con sinh ra ghét bỏ
tiếng Việt chỉ vì bị mẹ ép buộc quá mức, để rồi sau này lớn lên con nhớ
mãi không quên những ngày chủ nhật hắc ám nặng nề. Ngày con còn bé mẹ đã
từng mất ăn mất ngủ vì những “vấn nạn trầm kha” như làm sao tập cho con
biết ngồi bô, biết bỏ tả, làm sao cho con bỏ bú tay... Bây giờ nghĩ lại
mẹ không khỏi buồn cười cho cái tật hay lo vớ vẩn của mình. Nay thì mẹ
canh cánh bên lòng không biết làm sao cho “con tôi yêu tiếng nước tôi”.
Ước chi năm mười năm sau nhìn lại ngày này mẹ được hãnh diện tự hào cho
“cô gái Việt” của mẹ và lại được dịp tự cười cho cái tật hay lo của
mình.
“Khó đi mẹ dẫn con đi,
“Con đi trường học, mẹ đi trường đời”
“Con đi trường học, mẹ đi trường đời”
Gắng lên nhé con yêu của mẹ!