Tấn Hà
Ngày 22/03/2013 ông Nguyễn Đình Lộc “lên ti vi” (từ
đây xin gọi là bác Lộc cho thân thiện và đúng với vị trí thường dân
cũng như tuổi tác của ông Lộc hiện nay) đã gây nên một cơn sốt trên mạng
Internet.
Người
ta thi nhau ném đá, tung chưởng hội đồng vào bác Lộc – một cụ già về
hưu, nay đã 78 tuổi – người này tuy hiển nhiên phải là một tay Cộng Sản
gộc vì trước kia đã từng làm đến chức bộ trưởng Bộ Tư pháp của chế độ
Cộng Sản ở Việt Nam nhưng lại là cựu quan chức đầu tiên và cao cấp nhất
trong chính phủ đã có hành động đồng thuận đòi xóa bỏ Điều 4 trong Hiến
pháp 1992 cùng với các nhân sĩ trí thức Cộng sản khác.
Bác Lộc – người đã trực tiếp tham gia ký vào “Kiến nghị 72” và
giữ vai trò trưởng đoàn trao trực tiếp bản kiến nghị kể trên cho Quốc
hội của CSVN ngày 04/02/2013. Thực tế trong video clip trên VTV1 ngày
22/03/2013 bác Lộc cũng chỉ nói những điều có thật diễn ra trong quá
trình bản thân hợp tác như thế nào cùng Nhóm 72 và diễn tiến chuyện đi
trao bản kiến nghị đó. Đặc biệt là bác Lộc đã không có bất cứ tuyên bố
nào nghiêm trọng, đại ý “lấy làm tiếc” hay “xin rút tên ra khỏi Nhóm
72”…
Chuyện
khen chê hay chỉ trích, thậm chí là lên án một ai đó, một điều gì đó
hoàn toàn là quyền tự do ngôn luận. Nhưng công luận cũng cần có cái nhìn
khách quan và nhân bản xuất phát từ thực tế hiện tại. Điều đó đảm bảo
rằng, xã hội dân sự mạng Internet thực sự là một môi trường tự do, bình
đẳng và công bằng. Có lẽ cách tốt nhất để hiểu người khác là hãy đặt
cương vị mình vào hoàn cảnh của họ thì sẽ có cái nhìn khách quan nhất.
Dường
như những người chỉ trích bác Lộc đã ngộ nhận bác là một nhà đấu tranh
chuyên nghiệp và cứ thế lên án nhà đấu tranh này là “trở cờ”, “phản
bội”, “hèn nhát” v.v.. Sự thật thì Nhóm 72 nhân sĩ nói chung và bác Lộc
nói riêng, đã đưa ra được một bản Dự Thảo Hiến Pháp có
ý nghĩa dân chủ đích thực. Việc này đã tạo nên những yếu tố tích cực
cho công cuộc đấu tranh dân chủ chủ hóa Việt Nam – vốn là quyền lợi,
nghĩa vụ và trách nhiệm của toàn dân tộc.
Người
ta cũng ngộ nhận rằng, cứ đấu tranh là phải cứng rắn đến cùng, điều này
chỉ đúng trong trường hợp chiến tranh nóng, chiến tranh du kích. Đối
với đấu tranh ôn hòa thì lại khác, đôi khi người ta phải tiến từ từ,
thậm chí có những giai đoạn phải tạm giảm cường độ, thậm chí có những
thời điểm bắt buộc phải có những thỏa thuận “ngừng bắn” với đối phương
để chờ thời cơ. Đó là những đặc điểm khác biệt của phương pháp đấu tranh
bất bạo động.
Đối
với từng trường hợp cụ thể, khi đối mặt với bộ máy công quyền, nhất là
lực lượng công an an ninh, chẳng ai nên dại dột mà mất công gây căng
thẳng dẫn đến việc, từ đối đầu với chế độ Cộng Sản thành ra lại đi đối
đầu với cá nhân một vài nhân viên công an cấp dưới, cuối cùng vô tình
lại trở thành thù oán cá nhân. Có thể thông cảm cho những bức xúc cá
nhân nào đó, nhưng sẽ chẳng ai khuyến khích chuyện một người bị gọi lên
đồn công an “làm việc” lại có hành vi chửi bới bù lu té tát, xưng mày
tao khiếm nhã với công an…
Ngay
cả ông tổ của chiến thuật đấu tranh bất bạo động như Mahatma Gandi hoặc
nhà nghiên cứu đấu tranh ôn hòa nổi tiếng – Tiến Sĩ Gene Sharp – cũng
đã từng chỉ ra những tình thế mà những người đấu tranh ôn hòa cần gặp
gỡ, thương thuyết với nhà cầm quyền, thậm chí có những thỏa thuận nào đó
nhằm giảm tải mức độ căng thẳng. Lech Wanlesa – nhà đấu tranh vĩ đại
của Ba Lan thời Cộng Sản – sau này là tổng thống đầu tiên của Ba Lan,
cũng đã từng phải ký một vài thỏa thuận mang tính thỏa hiệp với chế độ
Cộng Sản Ba Lan để được tha tù…
Như
vậy nếu ai đó cứ bắt những người đấu tranh ôn hòa phải trở thành những
chiến binh thép thì rất không thực tế. Tệ hơn, những người chỉ trích,
lên án trên mạng Internet nhằm vào những đối tượng như đối với trường
hợp bác Lộc, phần lớn lại là những người ẩn danh. Sẽ là một điều đáng
xấu hổ khi đứng trong bóng đêm mà “vung tay” như vậy. Và nếu họ còn trẻ
thì lại là một điều đáng xấu hổ hơn, khi bản thân mình thì phải chui
nhủi giấu mặt nhưng lại lớn tiếng chê bai một cụ già đã ở cái tuổi an
phận thủ thường để chờ về với ông bà, rằng (thì là) không dũng cảm!
Trong
đấu tranh ôn hòa, chúng ta không quên ngợi khen những người như blogger
Điếu Cày, tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, cô Phạm Thanh Nghiên vv… Nhưng ngay cả
việc nhận tội một cách có chừng mực trước công an và tòa án cũng không
thể coi là một hành động đầu hàng. Mặt khác, những hành vi “khai tất tần
tật”, “khai tuốt tuồn tuột”, rồi đổ lỗi cho bạn đấu tranh, nói mình bị
dụ dỗ lôi kéo vv.., lại là điều xấu. Trong chiến trận, người ta coi
trọng yếu tố dũng cảm, liều chết, nhưng cũng vẫn phải nói “mưu trí, dũng
cảm”. Ngược lại, trong đấu tranh bất bạo động thì yếu tố mưu trí, khôn
khéo, luôn được đặt lên hàng đầu.
Nhân
chuyện về bác Lộc, cũng xin nhắc đến một việc khác cũng “nóng” không
kém. Số là trên trang báo “Nhân Dân” của nhà cầm quyền CSVN lâu nay xuất
hiện nhiều bài báo rất xấu quy chụp, bôi nhọ người đấu tranh là thế này
thế khác. Đặc biệt là bài “Quay đầu lại là bờ” của
một tác giả ma – Tuyên Trần – phổ biến trên Báo Nhân Dân ngày
21/03/2013. Bài báo kể trên đã rất kệch kỡm và ngu dốt khi nói về những
người đấu tranh, nó còn thể hiện sự kém hiểu biết về thực tế của xã hội
dân sự tự do.
Đã
là đấu tranh tự do thì đó là một sự mở rộng không giới hạn, ai thích
lên tiếng thì cứ tự nhiên, không ai cấm. Và họ muốn trở thành nhà đấu
tranh độc lập hay tìm một tổ chức để làm phương tiện tốt hơn thì họ đều
có quyền đó. Đối với những tổ chức đấu tranh chính quy thì có những nét
riêng, nhưng đôi lúc cũng không tránh khỏi những sự thiếu chặt chẽ trong
khâu quản lý nhân sự. Đặc biệt là đối với những nhà đấu tranh tự do
hoặc đối với một tổ chức nào đó, nhưng do hoàn cảnh bị đàn áp mà tổ chức
đó trở nên không có được sự chỉ đạo sát sao.
Như
vậy, đối với những nhà đấu tranh ôn hòa, hôm nay họ có thể gia nhập
phong trào đấu tranh, nhưng ngày mai họ có thể rút lui, không ai có
quyền can thiệp, và vì vậy cũng đừng nên nặng lời chỉ trích họ. Sự lên
tiếng của một cá nhân, hay một nhóm, dù ở mức độ nào cũng đều đáng trân
trọng. Mặt khác, vì là tự do cho nên ngay cả công an chìm cũng có thể
“tham gia đấu tranh” để ngầm phá hoại phong trào từ bên trong, những
người đấu tranh bắt buộc phải chấp nhận thực tế này. Như vậy để tránh bỏ
sót, bất cứ ai lên tiếng đấu tranh đều xứng đáng được vinh danh, bất
luận người đó là ai.
Những
đặc điểm trên là cái tuyệt hay của xã hội dân sự tự do: Anh muốn nói gì
thì nói, làm gì thì làm, hôm nay xã hội thấy hay thấy tốt thì họ cổ xúy
anh, ca ngợi anh, nhưng ngày mai người ta phát hiện ra anh “có vấn đề”
hoặc mắc sai lầm thì họ sẽ lại phản đối anh như thường. Đối với những
người nổi tiếng (các văn nghệ sĩ, chính trị gia, tỉ phú, tổng thống…) họ
luôn bị xã hội, nhất là cánh báo chí xoi mói. Chính nhờ điều này mà
những người nổi tiếng luôn phải giữ mình cho tốt, sao cho xứng đáng với
tên tuổi của họ. Và bỗng nhiên những chuyện “khó chịu” đó lại có tác
dụng răn dạy không ngờ!
Cần
đi sâu một chút như vậy để báo Nhân Dân và tác giả Tuyên Trần hiểu rõ
thế nào là xã hội dân sự tự do. Và như vậy, ở đâu đó, một lúc nào đó có
một vài người đấu tranh sống chưa đạt với tiêu chí khắt khe của xã hội
thì đó hoàn toàn là điều dễ hiểu. Chưa kể đến chuyện có những kẻ đội lốt
đấu tranh nhằm luồn sâu phá hoại phong trào, họ cứ thoải mái “mắc sai
lầm” cá nhân nhằm hạ uy tín chung của người đấu tranh. Đó cũng là cái
khó cho bất kể một cuộc đấu tranh phản kháng ôn hòa nào. Và chúng ta hãy
khoan vội kỳ vọng vào những vị “thánh sống” kiểu như Hồ Chí Minh, vì
trên đời này không có người nào như vậy, thậm chí đó là người tu hành
thoát tục thì cũng còn có những phần trăm ngoại lệ.
Trong
lúc đất nước đang cần mọi thành phần, mọi giới, mọi tôn giáo, mọi lứa
tuổi cùng chung sức trong công cuộc tháo gỡ chế độ độc tài CSVN, hãy
nhìn nhận mọi sự lên tiếng với góc nhìn tích cực nhất. Và chúng ta hoàn
toàn có thể hiểu, đồng thời chấp nhận hành động “lên ti vi” của bác
Nguyễn Đình Lộc. Không những thế, chúng ta nên bình thường hóa việc đóng
góp vào các nỗ lực chung, hãy một lần làm một cái gì đó cho đất nước
nếu mình nhận thức điều đó là có lợi, hay đơn giản chỉ là giải tỏa bức
xúc cá nhân, và họ có thể rút lui trong trật tự khi cảm thấy mình không
đủ sức. Đó là những điều thực tế và đó cũng là nhân bản!
.
T.H.