Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

Đảng Dân Chủ Việt Nam: Khả năng xuất hiện bước ngoặt chính trị ở Việt Nam

Đảng Dân Chủ Việt Nam

Kính gửi Dân Luận,
Xin được gởi đến Quý vị bài viết sau đây để phổ biến rộng rãi cho công luận.
Xin cảm ơn và kính chào Quý vị.
Trần Anh Phương
Chánh Văn Phòng
Đảng Dân Chủ Nhân Dân
Tình hình chính trị Việt Nam đang diễn biến nhanh, có khả năng tạo ra những mấu chốt xoay chuyển trong năm nay. Từ đầu tháng 3 đến giờ hội nghị trung ương 7 của đảng Cộng sản Việt Nam vẫn chưa thể nhóm họp vì bộ chính trị đảng này đang phải đấu nhau quyết liệt. Các xu thế thay đổi chính trị khác nhau đang ngày càng rõ hơn và ẩn đằng sau các cuộc đấu tranh giành quyền lực. Vừa xuất hiện một yếu tố rất nặng cân làm thay đổi đáng kể cán cân giữa các xu thế. Đó là Nguyễn Tấn Dũng đã tỏ dấu hiệu rõ rệt đứng về phía phương Tây. Cú xoay thế này của lực lượng cơ hội đã làm cho xu hướng lệ thuộc vào Trung Quốc của lực lượng thủ cựu bị yếu thế nặng nề và có khả năng phá vỡ sự liên kết giữa Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang nhằm loại trừ Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trước Quốc hội vào tháng 5 tới.

Đã có dấu hiệu cho thấy Mỹ và các đồng minh Đông Bắc Á là Nhật Bản và Hàn Quốc quyết định hậu thuẫn cho Nguyễn Tấn Dũng vượt qua cửa ải này. Tình trạng kinh tế tồi tệ làm cho Việt Nam lệ thuộc nghiêm trọng vào thị trường của những nước này và EU. Một mặt Việt Nam vẫn cần tiền đổ vào để giải cứu ngân hàng và bất động sản không sụp đổ kéo theo sự tan rã của cả nền kinh tế và chính trị. Mặt khác vẫn cần duy trì được thị trường xuất khẩu mà hiện nay là nguồn thu chủ lực giúp đất nước còn lây lất được phần nào trước cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Trong khi Trung Quốc hoàn toàn dư năng lực để đổ tiền vào cứu trợ ngân hàng và bất động sản cho Việt Nam thì nước này lại là một gánh nặng nhập siêu khổng lồ đối với Việt Nam trong giao thương giữa hai nước. Mức thâm hụt thương mại này đã lên đến 12 tỷ USD năm ngoái, vượt quá mức thặng dư thương mại mà Việt Nam có được từ Mỹ, Nhật, Hàn và EU. Do vậy việc nhận cứu trợ từ Trung Quốc là điều không thể xảy ra vì nó sẽ càng làm cho sự sụp đổ kinh tế của Việt Nam diễn ra nhanh chóng hơn. Đó là chưa kể đến những tác động chính trị như những hậu quả tất yếu của việc nhận cứu trợ từ Trung Quốc là: (1) Các nước phương Tây sẽ gia tăng các hàng rào thương mại để ngăn cản hàng xuất khẩu Việt Nam vào thị trường của họ. Hậu quả của tác động này sẽ rất nhanh chóng và khốc liệt đối với nền kinh tế, xã hội, chính trị của Việt Nam. (2) Phong trào phản đối Trung Quốc từ trong nước sẽ có dịp bùng phát mạnh mẽ với sự hậu thuẫn ngầm của những nhân vật chóp bu trong đảng Cộng sản Việt Nam không muốn theo Trung Quốc. Rất nhiều khả năng Nguyễn Tấn Dũng sẽ là một trong những nhân vật này. Ngay cả khi chính quyền Cộng sản Việt Nam không nhận cứu trợ từ Trung Quốc thì làn sóng phản đối Trung Quốc vẫn sẽ gia tăng mạnh mẽ từ các lực lượng quần chúng. Đến thời điểm thích hợp thì lực lượng ủng hộ thân Mỹ trong đảng Cộng sản Việt Nam sẽ thừa gió bẻ măng và đẩy lên thành một phong trào mạnh mẽ.
Chuyến thăm Nga của Tập Cận Bình mới đây kèm với các hợp đồng mua vũ khí Nga hơn 2 tỷ USD và những thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa hai nước này là một cái tát vào chính quyền Cộng sản Việt Nam. Nó làm niềm tin của bộ chính trị đảng này cho rằng họ mua vũ khí của Nga để có được sự bảo kê quân sự từ nước này lung lay trầm trọng. Nga lộ mặt là một kẻ lái súng trục lợi giữa những cuộc tranh chấp xung đột. Điều này sẽ dẫn tới áp lực buộc phải chấp nhận những điều kiện của Mỹ để nước này dỡ bỏ cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Việc Việt Nam chấp nhận ngồi vào bàn để đối thoại nhân quyền với Mỹ vào giữa tháng 4 tới theo những nghị trình mà Việt Nam đã không đồng ý vào cuối năm 2012 chứng minh rằng áp lực nói trên đang rất lớn và có tác dụng.
Cùng lúc với chuyến thăm này của Tập Cận Bình, ở Việt Nam xảy ra hai sự kiện đáng chú ý: (1) Tàu quân sự Trung Quốc bắn cháy cabin tàu đánh cá của Việt Nam. Báo chí nhà nước được bật đèn xanh khai thác sự kiện này. (2) Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc bất ngờ công bố và khởi công dự án xây dựng nhà máy “lớn nhất thế giới” tại Thái Nguyên với sự tham dự của Nguyễn Tấn Dũng. Đây chính là cái phao để ông này có thể vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội vào tháng 5 tới, nhưng cũng sẽ là một sợi dây cương để điều khiển ông ta xoay thế về phía Mỹ và các đồng minh Đông Bắc Á của họ. Với bản tính dễ dàng xoay trở của Nguyễn Tấn Dũng, dấu hiệu này hứa hẹn một bước ngoặc thay đổi chính trị ngọan mục của Việt Nam.
Với thực trạng kinh tế chính trị xã hội của Việt Nam hiện nay, bước ngoặc này rất có nhiều khả năng xảy ra trong năm nay 2013 vì nền kinh tế Việt Nam không còn đủ sức lây lất dài hơn nữa và các phong trào dân chủ Việt Nam đang dần nhanh chóng tụ về mục tiêu chung là quyền con người. Sự hội tụ này đang tạo ra một sức mạnh ngày càng tăng, áp lực không nhỏ lên chính quyền Cộng sản Việt Nam buộc phải có những nhân nhượng nhằm cải cách chính trị theo hướng tiến bộ hơn. Sự chia rẽ trong hàng ngũ cấp cao của đảng Cộng sản Việt Nam đối với các xu thế thay đổi ngày càng sâu sắc và là một hệ quả tất yếu của tất cả những tác động bên ngoài lẫn bên trong đã kể trên.
Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa lịch sử, phải lựa chọn giữa xu thế tiến bộ của thế giới văn minh hoặc phải đứng hẳn về phía thụt lùi lệ thuộc vào Trung Quốc. Không còn có thể đi dây ngoại giao được nữa.
Ngày 27 tháng 3 năm 2013
ĐẢNG DÂN CHỦ VIỆT NAM
Bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi
Phó Tổng Thư Ký

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"