Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

Hãy “giải mã” bằng cách tôn trọng những người đã và đang hy sinh tranh đấu cho dân tộc

Nguyễn Chánh

 Bài viết của một người con gởi cho bố sau khi được bố gởi cho đọc bài “Góp ý giải mã một thế hệ dấn thân”. Nếu thấy có thể được, xin quí vị phổ biến cho mọi người đọc để cùng nhau suy nghĩ.
Kính,
Nguyễn Ngọc Minh 
From: Chanh Nguyen <XXX@gmail.com>
To: Minh Nguyen <XXX@sbcglobal.net>
Subject: Re: “Giải mã” một thế hệ dấn thân 
Thưa Ba,
Hà Sĩ Phu là ai vậy Ba? Tình cờ con thấy được T. K. T. trên Facebook, không ngờ nhà văn nhi đồng trước 75 này vẫn còn sống để viết về kỷ niệm cũ và chê xã hội bây giờ. Hay nhưng không tích cực như ông Hà này mà con đoán qua bài này là người miền Nam một thời “thân Cộng”?
Ba không bình luận nhưng con có cảm giác là Ba đồng ý với ông này. Con cũng thích và đồng ý với chủ trương “giải mã”, nhưng thấy lý luận “Hai khử một” ngây thơ. Rõ ràng ông Hà, cũng như nhiều người khác, vẫn bị vướng mắt vào danh từ, vào hai chữ “Cộng sản” mà không thấy rằng “nguời đáng kính” của ông không được kính vì họ là tư bản hay Cộng sản mà vì trước hết họ là “người chân chính”, là “thế hệ dấn thân” cho dân tộc.

Quan điểm này của con rất phổ thông trong thế giới tự do. Mỗi lần lái xe từ phi trường vô thủ đô trên Lee Highway con đều cảm thấy phục dân Mỹ. Là tướng cầm đầu quân miền Nam, Robert E. Lee làm cho Lincohn thất điên bát đảo. Không có một người nào trong lịch sử lại gây ra nhiều thảm trạng trên đất Mỹ như vậy. Và dĩ nhiên là chế độ nô lệ mà Lee phục vụ thì quá tệ. Nhưng dân Mỹ đã nhìn lại cuộc đời của ông, những dằn vặt trong quyết định bỏ Bắc vềNamđể mà khâm phục và tôn trọng Lee, an American, not Lee a Confederate General. Lịch sử loài nguời, cả lịch sử VN, có nhiều nhân vật mâu thuẫn, khác chiến tuyến nhưng đếu “đáng kính” và “được kính”. Ngày trước ở Đà Lạt, gần trường Võ Tánh là trường Bùi Thị Xuân, vợ Trần Quang Diệu là tướng Tây Sơn đã hạ thành Qui Nhơn, bức tử Võ Tánh, Ngô Tùng Châu. Ngày nay họ đều được coi là anh hùng dân tộc.
Nhưng lính tráng mọi nơi đều được huấn luyện phải phân biệt bạn thù, thiện ác rõ rệt giống như dạy con nít để bắn chém không run tay. Con có cảm tưởng là nền giáo dục ViệtNam(cũng như mấy ông cha, mấy ông mục sư ở đây) không tạo điều kiện để vượt qua cái tinh thần quân đội ấu trĩ đó. Chống Cộng hay theo Cộng, nguời Việt thường thương ghét rất rõ ràng, tuyệt đối và hay lý luận xà quành để rồi cuối cùng choảng nhau chỉ vì ngôn từ. Hà Sĩ Phu cũng không là ngoại lệ.
Muốn “giải mã” cho những đảng viên ông cho là đáng kính, Hà Sĩ Phu kêu họ phải hoàn toàn từ bỏ Cộng sản. Nếu không thí theo “quy luật Hai khử một” của ông, họ sẽ là “Bố mày, sao lưu manh thế” hay là “Bố mày, sao ngu dốt thế”. Những người tự nhận là “Cộng sản chân chính” mà ông Hà cho là đáng kính thì cũng theo chính ông hoặc là quân lưu manh hoặc là dân ngu đần. Con đọc mà phải cười ra tiếng. Nếu không nghĩ là ông ta chắc thuộc thế hệ của Ba và là người vẫn có lòng với đất nước thì con đã chọc là “trí thức nửa mùa” rồi. Ông ham lý luận mà quên rằng ông kính họ vì họ là người có nhân cách và đã một thời dấn thân cho dân tộc và ông không chấp nhận đuợc là họ lại không cùng quan điểm, hay đúng hơn là không cùng danh từ với ông.
Con người chân chính không cần định nghĩa, sống gần là biết. Còn thế nào là người “Cộng sản chân chính”? Con cũng như Ba và rất nhiều người khác đều công nhận lý tưởng bình đẳng không giai cấp, làm tùy sức, hưởng tùy nhu cầu rất cao đẹp. Chỉ có điều là lý tưởng đó hơi không tưởng (theo con nghĩ) và phương pháp vô sản chuyên chính lại trái ngược với bản chất con người. Ngày nay những nước mang danh Cộng sản, Tàu, Việt Nam, Bắc Hàn đều khác xa với lý tưởng Cộng sản, thực chất không khác gì những tập đoàn độc tài lo trục lợi cá nhân của Marcos, Suharto, Saddam… những con người và chế độ “thoái hoá” đã từng một thời tàn sát dân họ trên danh nghĩa “chống Cộng”. Thế thì người theo lý tưởng Cộng sản chống lại “Cộng sản thoái hoá” có gì thiếu lương thiện đâu. Và ai dám nói họ ngu mà không biết ngượng khi những nước Bắc Âu như Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy không đổ máu, không súng đạn mà xã hội càng lúc càng tiến gần tới lý tưởng Cộng sản một cách tự nhiên và dân chủ. Một trăm năm trước, ai dám nói rằng không cần bạo lực để chống lại tệ nạn xã hội. Dân trí thức nửa mùa ngày nay cũng khôi hài như mấy em sinh viên mới bập bễnh cơ học lương tử đã dám cười làNewtonsai lầm.Newtonsai thật, nhưng mấy em không đủ tài để chê. Người “Cộng sản chân chính” ViệtNamhôm nay có ai còn kêu gọi vô sản chuyên chính, hay quyết tiêu diệt người không cùng quan điểm không? Con nghĩ là không.
Vậy thì thay vì lý giải tào lao, hãy “giải mã” bằng cách tôn trọng những người đã và đang hy sinh tranh đấu cho dân tộc thay vì lo phè phỡn tư lợi cá nhân dù là họ ở phe nào. Sự bất đồng quan diểm và đường lối đưa đến những lựa chọn khác nhau mà người duy nhất có đủ tư cách sẽ không phải là đảng viên, là thầy tu, hay là giới trí thức mà là toàn dân, mỗi người một lá phiếu. Theo con đây chính là cách thực tiễn để “lấy đích dân chủ – độc lập – phú cường làm sợi dây liên kết” để cùng chống tham nhũng, chống bạo quyền thay vì tối ngày cãi vã vì những ngôn từ và khái niệm đã xa vời thực tế trong khi bọn vô liêm sỉ tiếp tục đào khoét.
Bất đồng quan điểm chính trị là chuyện thường, biết tôn trọng người có nhân cách và khí độ dù khác phe, khác quan điểm là chuyện thường ở những nước tiến bộ (Mỹ có vẻ hiện đang đi lùi ở đây) mà dân Việt Namthường không có. Thay vì “lý” (một chiều và ngây thơ) nên dùng “lòng” mà những người có tư cách và tâm hồn ai cũng có thể cảm nhận để “giải mã”. Thời Chiến tranh Vùng Vịnh lần đầu, con còn là sinh viên. Một bữa ngồi ăn đọc báo chung với mấy thằng bạn, cả Việt lẫn Mỹ. Trả lời phóng viên hỏi về tình hình quân đội Iraq, tướng Schwarzkofp trả lời là Saddam và bộ hạ sống trong nhung lụa, không có gì phải sợ như Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp. Tụi con tất cả đều khoái trá nói với mấy thằng Mỹ “Yup, don’t mess with us”. Ngay cả những đứa có người thân từng đi cải tạo và cuối tuần vẫn chạy xuống Santa Ana biểu tình chống Cộng cũng đã vô tình để tinh thần dân tộc lên trên những ý niệm chính trị ngu ngơ.
Chuyện chính là phải có được quyền bầu cử và quyền đối lập. Cộng sản, tư bản, cộng hoà, dân chủ, đảng xanh, đảng vàng gì cũng được… tự do chính trị là bước căn bản đầu tiên, là mục tiêu chung của những người “chân chính” mà mọi tập đoàn độc tài để tư lợi đều tìm mọi cách để cản trở. Tập trung chống lại chuyện đó, thay vì “chống Cộng” hay “theo Cộng” như nhũng tay đồ gàn lắm lý luận, thiếu thực chất.
Con hứng chí viết ào ạt nhưng tự tâm vẫn biết rằng mình sống thoải mái ở Mỹ, không có tư cách phê bình những người đang đứng mũi chịu sào, tranh đấu cho dân tộc. Chỉ tiếc rằng “thế hệ dấn thân” nay đã là những ông già bà lão. Con không biết những Ngô Kha, Lê Khắc Cầm [hai trí thức “dấn thân” nổi tiếng ở Huế trước 1975; Ngô Kha là liệt sĩ – BVN] ngày nay để ngưỡng mộ. Không thấy có “thanh niên tranh đấu”, “thanh niên phụng sự xã hội” nhưng thấy nhiều “thanh niên thời trang”. Không trách họ được, nhưng con cũng không có nhiều hy vọng như Ba.
Đi Montréal về, tụi con sẽ thu xếp lên San Jose.
Con, Chánh

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"