Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

Lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ Quốc

Nguyễn Trọng Vĩnh


Cũng như một ông gì trước đây, mới rồi, để bảo vệ cho Điều 70 trong Dự thảo Hiến pháp sử đổi, ông Tô Lâm nói: “Đảng Cộng sản lập ra và rèn luyện các lược lượng vũ trang, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng Cộng sản, vậy Điều 70 ghi Lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam là đúng”.
Vậy hãy thử đưa thực tế ra để xem ông Tô Lâm nói đúng hay sai:
Sau khi về nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lập ra Mặt trận “Việt Nam độc lập đồng minh” gọi tắt là “Việt Minh” và trong khu rừng Trần Hưng Đạo ở Cao Bằng, chính Người lập ra Đội Võ trang tuyên truyền giải phóng quân gồm 34 người và giao cho đồng chí Văn (tức Võ Nguyên Giáp) chỉ huy, Người không nhân danh Đảng Cộng sản, Người cũng chưa lấy tên Hồ Chí Minh, nhân dân gọi Người là “ông Ké”.

Lúc ấy ít người nói đến Đảng Cộng sản Đông Dương, nhân dân thường chỉ biết “Việt Minh”, tán thành chương trình “Việt Minh”, theo “Việt Minh”, ra nhập tổ chức “Việt Minh”…
Sau Cách mạng Tháng 8, thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, có chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Trong cuộc đấu tranh với bọn “Việt Nam Cách mạng đồng minh hội” và bọn “Quốc dân đảng” theo Tàu dựa vào bọn tướng Tàu Lư Hán, Tiêu Văn định lật đổ chính phủ Hồ Chí Minh thì hàng ngày hàng chục vạn dân Hà Nội và các tỉnh xung quanh rầm rập biểu tình, hô vang “Ủng hộ Việt Minh”, “Ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh”, do đó mà giữ được chính quyền.
Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa phát triển từ 34 chiến sĩ “Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân” thành quân đội quốc gia để bảo vệ nước, bảo vệ chính quyền. Thời gian đầu gọi là Vệ quốc quân (chứ không gọi là Vệ Đảng quân), cho nên mới có bài hát: “Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi, chiến đấu vì nhân dân không hẹn ngày về…”. Đội quân Nam tiến giúp đồng bào miền Nam đánh Pháp vẫn mang tên “Vệ quốc quân”. Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói Trung với nước, hiếu với dân nên trên báo chí và trong các văn kiện sau này ghi “Quân đội ta từ nhân dân mà ra, trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Tháng Giêng năm 1946, vì sách lược, Bác Hồ đã tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản (thực tế là rút vào bí mật). Như vậy, trên công khai với dân và với quốc tế là không có Đảng Cộng sản, thế thì làm gì có chuyện Hồ Chủ tịch khi nói chuyện công khai với lớp học sĩ quan, Người lại nói Quân đội phải trung với Đảng Cộng sản? Tôi đọc Tuyển tập Hồ Chí Minh xuất bản lần thứ nhất không thấy trang nào ghi Hồ Chủ tịch nói câu ấy. Trong Tuyển tập xuất bản lần thứ 2 năm 2000 có thể người ta đã sửa thế nào đó.
Nói Đảng lãnh đạo các lực lượng vũ trang thì đúng. Đảng lãnh đạo toàn dân chứ không riêng gì đối với lực lượng vũ trang. Đảng lãnh đạo, nhưng lực lượng vũ trang vẫn là của nước, trong đó có Đảng, lực lượng vũ trang bảo vệ được nước thì cũng bảo vệ được cả Đảng, việc gì Đảng phải giành lấy cho riêng mình, “bắt phải trung thành tuyệt đối với Đảng”? Đảng lãnh đạo là nói chung, nhưng phải có binh sĩ là con em nhân dân hết lòng yêu nước, hăng hái chiến đấu, có những tướng lĩnh trí dũng và vị Tổng tư lệnh đức độ, tài ba kiệt xuất trực tiếp rèn luyện và chỉ huy thì mới chiến thắng.
Ông Tô Lâm còn lý luận bừa rằng “Ở các nước có nhiều Đảng thì Đảng nào cầm quyền quân đội phải theo Đảng ấy”. Không đúng! Hãy lấy nước Mỹ và nước Pháp làm ví dụ:
Ở Mỹ, dù người của Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ trúng cử Tổng thống, thì quân đội vẫn là quân đội của nước Mỹ, không phải của Đảng nào. Tổng thống được dân bầu ra là người của dân, Tổng thống của dân, của nước Mỹ, nắm quyền điều khiển quân đội nhân danh nước Mỹ không nhân danh Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ. Không phải khi ông Bush làm Tổng thống thì quân đội theo Đảng Cộng hòa, khi ông Obama làm Tổng thống thì quân đội theo Đảng Dân chủ, ở Mỹ còn tùy thuộc Quốc hội nữa.
Ở Pháp cũng vậy, người của Đảng nào nắm quyền thì quân đội vẫn là quân đội của nước Pháp. Bất cứ ứng cử viên của Đảng nào được đa số cử tri bầu làm Tổng thống, có nghĩa là nhân dân Pháp giao cho thay mặt nhân dân điều hành công việc của nước Pháp cũng như điều khiển quân đội. Quân đội tuân theo mệnh lệnh của Tổng thống là tuân theo người thay mặt cho nhân dân Pháp và nhà nước Pháp, trung thành với nước Pháp, chứ không phải khi ông Sarkozy làm Tổng thống thì quân đội theo Đảng UMP, hoặc ông Hollande làm Tổng thống thì quân đội Pháp theo và trung thành với Đảng Xã hội.
Suốt từ năm 1946, mọi lời nói, mọi việc làm của Bác Hồ đều là Trung với nước, hiếu với dân, từ cái ca tráng men uống nước phát cho bộ đội cũng in chứ Trung với nước, hiếu với dân. Lá cờ nhỏ mà Bác Hồ tặng cho trường Võ bị lục quân Trần Quốc Tuấn khi Bác đến thăm cũng ghi Trung với nước, hiếu với dân. Trong bức thư Người gửi cho thanh niên ngày 2/9/1965 dòng thứ 20 Người cũng dặn: “Phải luôn luôn nâng cao chí khí cách mạng, trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Trong Hiến pháp 1980, tại Chương IV Điều 51 ghi “Các lực lượng vũ trang nhân dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân…”.
Trong Hiến pháp 1992, tại Chương IV Điều 45 vẫn còn ghi “Các lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân…”.
Nay dự thảo sử đổi Hiến pháp lại thêm điều 70 ghi “Các lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng Cộng sản…”, gạt Tổ quốc ra một bên hay đứng trên Tổ quốc, như vậy là có động cơ gì, ý đồ gì?
Lại nói về Đảng lãnh đạo
Từ thành công trong cuộc Cách mạng Tháng 8, thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cho đến cuộc chiến đẩy lùi 60 vạn quân Trung Quốc xâm lược, không ai có thể phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Cộng sản. Không những không phủ nhận mà nhân dân rất tôn trọng và tự giác tuân theo theo sự lãnh đạo của Đảng mà chả cần có “Điều 4 Điều 3 nào”. Vì sao được như vậy? Vì mục đích duy nhất của Đảng là phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, Đảng không có lợi ích riêng tư nào khác. Tổ chức Đảng trong sạch, có Đảng viên hư hỏng chỉ là số rất rất ít. Đảng có phạm sai lầm thì công khai kiểm điển trước dân, xin lỗi dân, thành tâm tích cực sửa chữa, người phụ trách chính từ chức.
Nếu bây giờ Đảng kiên quyết loại trừ hết những Đảng viên thoái hóa biến chất ra khỏi Đảng, khôi phục tính chất cộng sản chân chính của Đảng, kiên quyết bài trừ tham nhũng, xóa bỏ lợi ích nhóm, thực hiện dân chủ, trở lại gắn bó với dân, trọng dụng nhân tài thứ thiệt, phát huy tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, hết lòng phục vụ đất nước thì nhân dân lại tôn phục, tự nguyện theo sự lãnh đạo của Đảng, chả cần đến Điều 4.
Nếu không thay đổi, tham nhũng cứ phát triển, nhiều đảng viên thoái hóa biến chất hư hỏng về đạo đức lối sống, vẫn nắm các chức quyền, Đảng suy thoái, kinh tế quốc doanh thua lỗ, thất thoát lớn tiền của của nhà nước, kinh tế sa sút nghiên trọng dẫn đến nước nghèo, dân khổ thì dù cứ khăng khăng áp đặt “Điều 4” “Hiến hóa” quyền của Đảng, Đảng vẫn mất lòng tin của dân.
Lại còn tình trạng chuyên quyền độc đoán, nhiều cấm, nhiều tăng, đối với những người có ý kiến quan điểm khác với lãnh đạo, phản biện những chủ trương chính sách sai, đề nghị những ý kiến thành tâm xây dựng… thì chụp cho là suy thoái, phản động, chống Đảng, chống nhà nước, bị địch kích động, mua chuộc…, dân oan đi khiếu kiện cũng coi là chống đối, gây mất trật tự, phải xử lý.
Hành xử như trên chỉ gây bất bình, phẫn uất trong nhân dân, dồn đẩy người ta đến chân tường thì tình hình sẽ thế nào???
Ngày 24/3/2013
Nguyễn Trọng Vĩnh

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"