Nguyễn Văn Thạnh
Viết tiếp bài: Cãi nhau mà làm gì? & Việt Nam giữa ngã ba đường
1. Đi tìm nền móng dân chủ
Nếu dân chủ là một tòa nhà thì nó được xây trên nền móng nào?
Tôi đem thắc mắc này hỏi google thì chưa có một bài viết nào bàn về
vấn đề này. Vài bài viết có đề cập rải rác thông tin về các loại “móng”
như: hiến pháp, tinh thần của dân chúng, tinh thần chấp nhận sự khác
biệt, tam quyền phân lập, bầu cử tự do, đa đảng phái,…
Chưa có bài viết nào đề cập đến yếu tố kinh tế.
Tôi đem câu hỏi này hỏi một số người đấu tranh cho dân chủ ở VN, và
nhận được những ý kiến tương tự, có sự khác biệt đôi chút giữa họ. Chung
qui lại là họ tập trung vào các hình thức sinh hoạt chính trị hiện đại ở
các nước dân chủ như ta thấy.
Tôi hỏi “nếu phải chọn một cái móng cốt lỗi thì nền dân chủ nên dựa
trên cái gì?”. Đa số đều cho rằng đa đảng phái cạnh tranh nhau, bầu cử
tự do.
Không một ai đề cập đến yếu tố kinh tế!
Tôi chợt nghĩ “thật kỳ lạ, một vấn đề lớn, quan trọng đến thế, nhiều
người dấn thân tranh đấu đến thế, tại sao họ chưa bàn và thống nhất với
nhau để xác định một số điểm mấu chốt, xác định cái móng quan trọng nhất
để tập trung công sức xây dựng nhỉ?”. Dân chủ cũng như một công trình
cần phải có nền móng vững chắc mới tốt được. Lịch sử cho thấy nhiều dân
tộc xây nền dân chủ nhưng liên tục bị đổ sụp vì nó không có nền móng căn
bản.
Nếu đấu tranh cho dân chủ như là một tiến trình như xây tòa nhà, hẳn việc đầu tiên là phải xây nền móng.
Có lẽ vì chưa có bản thiết kế về nền móng tòa nhà dân chủ định xây
nên các nhóm thợ người Việt mãi cãi nhau mà chưa thúc đẩy được công việc
tiến lên như ý.
2. Dân chủ can trường:
Ngày nay từ dân chủ đã trở thành hiển nhiên và phổ biến. Gần như nền
chính trị nào cũng cho rằng mình dân chủ. Từ còn vua như Anh, Nhật,
Thái, đến hết vua như Mỹ, Pháp; từ đa đảng phái như Hàn Quốc, Đài
Loan,…đến độc đảng như TQ, Việt nam,… đều cho rằng mình là chính quyền
dân chủ.
Tuy nhiên cách đây vài trăm năm thì rất ít nước có nền dân chủ. Chúng
ta có thể xem nước Anh là cái nôi của nền dân chủ. Có một biến cố vĩ
đại xảy ra xứ sở này vào năm 1215. Vị vua anh lúc đó là John cần tiền
cho chiến tranh và tiêu xài cá nhân nên đã tăng thuế các chủ đất. Các
chủ đất bất bình đã liên kết lại với nhau tiến đánh vị vua, họ thắng và
bắt vị vua kí kết một văn bản được gọi là “Hiến chương Magna Carta” qui
định rõ quyền hạn của vua; bảo đảm một số quyền của họ, quan trọng nhất
là quyền sở hữu ruộng đất. Sự việc tuy nhỏ nhưng đã đặt nền móng cho nền
dân chủ nước Anh.
Nó đặc biệt bỡi lẽ thời đó khắp nơi trên thế giới, vua được xem là
thiên tử. Đất nước là của Vua, trời của vua, nước của vua. Vua cho sống
thì sống, không thích thì vua đuổi đi, thích thuế nhiều thì cứ việc tăng
mà không thần dân nào có quyền ý kiến.
Nó đặc biệt bỡi lẽ người Anh đã vì bảo vệ quyền lợi của mình mà liên
minh với nhau đánh lại chính quyền. Chỉ mới đụng chạm đến lợi ích là họ
đã hành động để bảo vệ.
Từ viên gạch này, giới chủ đất tiến dần lên từng bước để có tiếng nói
chính trị nhằm bảo vệ được lợi ích của mình. Họ đã thành lập nghị viện.
Họ hành động để bảo vệ quyền lợi chứ không phải vua nói sao nghe vậy
như bao thần dân ở các nước khác. Nhiều đại địa chủ ở TQ cùng thời còn
cự phú hơn họ nhưng không dám phản kháng vua, không dám bảo vệ tài sản
mình nên TQ dù văn minh trước nhưng không có dân chủ.
Vậy đó, khởi điểm của nền dân chủ là người dân chiến đấu để bảo vệ
quyền lợi cho mình, giữ kinh tế cho mình. Suy cho cùng kinh tế là mạch
máu của tự do. Từ tự do sinh ra dân chủ. (hãy nghiệm một điều, nếu vợ
bạn làm ra tiền, bạn sống phụ thuộc thì bạn cũng không có tự do trọn
vẹn).
Triết gia Roger Nash Baldwin đã tổng kết: “Chừng nào đất nước này vẫn
còn những công dân sẵn sàng đấu tranh vì quyền lợi của họ, thì chúng ta
còn được gọi là một nền dân chủ”. Nền dân chủ phương tây đã phát triển
trên nguyên lý đó.
3. “Miếng ăn” thúc đẩy con người hành động:
Câu hỏi đặt ra là vì đâu người dân lại dũng cảm đấu tranh hay vì đâu
họ lại im lặng hèn nhát? Vì quyền lợi của họ, vì tài sản, công ty của
họ. Vì quyền lợi mà họ phải chiến đấu bảo vệ, vì quyền lợi mà họ có động
lực để lê tiếng. Các nhà báo ở Việt nam hiện nay im lặng trong đớn hèn
cũng vì các tòa báo không phải là của họ mà là của nhà nước. Anh Kiên
lên tiếng là mất việc ngay. (tương tự như vậy đối với giáo viên, bác sĩ,
luật sư, nhà thầu quốc doanh,…). Chỉ đơn giản vậy thôi.
Nếu không có nền kinh tế tư nhân thì không có động lực tranh đấu. (Có
thể nhiều người chưa đồng ý luận điểm này. Họ cho răng động lực tranh
đấu còn đến từ lý tưởng, từ tinh thần nhân đạo,…Đồng ý. Nhưng động lực
chính, mạnh mẽ, dẻo dai, đoàn kết,…nhất vẫn là kinh tế tư nhân. Con
người lên tiếng mạnh nhất, đông nhất là khi quyền lợi chính họ bị xâm
phạm)
4. Nền móng của dân chủ là kinh tế tư nhân:
Suy cho cùng, làm thăng tiến và giữ vững nền dân chủ là do kinh tế tư
nhân quyết định. Do vậy có thể nói kinh tế tư nhân là cái nền móng số 1
của nền dân chủ.
Nền kinh tế tư nhân thăng tiến bao nhiêu thì nền dân chủ thăng tiến
bấy nhiêu; nền kinh tế tư nhân lụn bại thì nền dân chủ tiêu tùng. Chế độ
phong kiến, chế độ toàn trị Liên Xô, người dân không làm chủ được kế
sinh nhai nên dân chủ gần như bằng không. Chế độ dân túy của Chavez sau
quốc hữu hóa thì dân chủ cũng tiêu tan.
Một vài thông tin tham khảo thêm về các nền dân chủ trên thế giới:
Nước Anh không có bản hiến pháp thành văn nhưng vì là nền kinh tế tư nhân nên là nền dân chủ.
Nước Anh không có bản hiến pháp thành văn nhưng vì là nền kinh tế tư nhân nên là nền dân chủ.
Thể chế “mafia” của Putin với vài trùm tài phiệt và các trùm xí nghiệp quốc doanh thì cũng không có dân chủ.
Ấn độ 1947-1990 có đa đảng, có bầu cử tự do, có hiến pháp nhưng kinh tế nhà nước nên cũng không có dân chủ.
Singapore tuy một đảng nắm quyền trên nửa thế kỷ nhưng kinh tế là tư nhân nên có dân chủ.
Nhật Bản sau thế chiến, đảng LPD liên tục lãnh đạo trên 50 năm nhưng có nền kinh tế tư nhân nên nền dân chủ thăng tiến.
Hàn Quốc khi lập quốc non yếu cần có chế độ độc tài Park Chung Hee để
giữ vững ổn định xã hội, ngăn ngừa chiến tranh,… nhưng đã thăng tiến
dân chủ vì kiên trì phát triển kinh tế tư nhân. Độc tài lúc đó là cần
thiết để ổn định xã hội thời luật pháp sơ khai nhằm giúp kinh tế tư nhân
phát triển (Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore thuộc môtip này). Chính điều
này mà ngày nay HQ nổi lên các thương hiệu LG, Samsung, Huyndai,… (Độc
tài để hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển dù có thể không tốt nhưng còn
có tương lai, độc tài se duyên cùng kinh tế nhà nước thì thôi rồi).
Đất nước nào củng cố được nền kinh tế tư nhân, đất nước đó có dân
chủ. Đất nước nào kinh tế nhà nước nắm giữ tuyệt đối hoặc chi phối thì
không có dân chủ.
4. Xây móng cho nền dân chủ Việt nam:
Hiện nay, Việt nam đã thăng tiến dân chủ rất nhiều so với thời bao
cấp. Tuy nhiên vì vẫn còn kinh tế nhà nước chủ đạo nên nền dân chủ vẫn
còn hạn chế. Sự kết hợp giữa chính trị độc tôn một đảng với kinh tế quốc
doanh là một sự kết hợp duyên tình tuyệt vời để sinh ra những đứa con
như Vinashine, Vinaline,…
Đó là những đứa con nổi tiếng gần đây trong khi đó còn hàng triệu đứa
con lớn nhỏ trên khắp đất nước mà ta không thấy hoặc đã quên. Người
Việt nam ta phải công nhận là một dân tộc mau quên: chúng ta đã quên
thảm họa “mía đắng”, “chương trình đánh bắt xa bờ”,... nên mới có những
quái thai Vina, Bauxite, chương trình xi măng,… Chính những đối tượng
hưởng lợi từ các quái thai này là lực lượng ngăn cản dân chủ quyết liệt
nhất.
Chính trị bảo kê cho kinh tế để rồi kinh tế nuôi dưỡng, bảo vệ chính trị là qui luật từ ngàn xưa.
Chính trị và kinh tế như hai đường ray song song luôn phải đi cùng
nhau để nâng đỡ con tàu xã hội. Chính trị dân chủ luôn đi với kinh tế tư
nhân tự do; kinh tế nhà nước thì sớm muộn cũng phải song hành với chính
trị mất dân chủ. Các hình thức đa đảng, bầu cử tự do, hiến pháp chỉ là
phụ. Lịch sử dân chủ các nước đã chứng minh cho nhận định trên.
Chúng ta tranh đấu cho nền dân chủ nhưng không lên tiếng ngăn cản các
dự án trăm tỷ, nghìn tỷ liên tục được nhà nước tung ra; không khai trí
để toàn dân xây dựng nền kinh tế tư nhân thì thật là xây lâu đài trên
cát.
Bài tiếp: Gốc rễ độc tài