Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Xã hội hiện đại không thể thiếu tranh luận

Nguyễn V. Trung

Kính gửi: Trang mạng Dân Luân
20120907095413_canhbaoan.jpg
Tôi là Nguyễn V. Trung, cán bộ trong cơ quan nhà nước. Tôi mong trang mạng đăng lá thư này để chia sẻ cùng bạn đọc.
Là một người Việt Nam, chúng ta đều hưởng chung tiếng xấu hoặc thơm lây tiếng tốt. Có dịp đi nước ngoài, nhiều lúc tôi rất xấu hổ vì những thói xấu của đồng hương như: lấy đồ ăn nhiều, xả rác tùy tiện,… Những bản thông báo chỉ dành riêng cho người Việt như trên và tôi lại là một người Việt, làm sao không chạnh lòng?
Tôi nghĩ đây không chỉ là nỗi niềm của riêng tôi, mà là của bất cứ ai mang dòng máu Việt có lòng tự trọng. Lâu nay trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã đưa tin, mổ xẻ nhiều về chủ đề này. Tuy nhiên giải pháp cho vấn đề thì chưa có và người ta có xu hướng xem như là một dân tộc tính. Nhiều người, nhất là các nhà nghiên cứu tên tuổi còn viện dẫn nhiều tư liệu trong lịch sử, từ nguồn gốc văn minh lúa nước, từ nền sản xuất tiểu nông (ông Vương Trí Nhàn là một điển hình),… để chứng minh rằng các thói xấu đó ăn sâu vào trong máu, trong xương người Việt rồi, không thể bỏ được.

Đi nhiều, thấy người Việt nhiều nơi văn minh, tôi cũng phân vân với luận điểm trên. Tuy nhiên tôi thấy rằng họ nói rất có lý. Tôi nghĩ chắc phải mất vài ba thế hệ đào thải mới có người Việt lịch thiệp. Với nền giáo dục bát nháo hiện nay tôi còn bi quan hơn cho tiền đồ trên.
Thật bất ngờ, tôi được đọc một bài báo đăng trên trang mạng Vietnamnet (đường dẫn tại đây), tác giả Nguyễn Văn Thạnh đã đưa ra lý luận logic, dẫn chứng thuyết phục để chỉ ra rằng các thói xấu người Việt Nam là do lỗi hệ thống gây ra. Càng ngẫm, tôi càng thấy đúng. Vợ chồng tôi làm trong môi trường nhà nước, để sống đúng lương tâm nhiều lúc rất khó khăn. Bạn bè tôi từ giáo viên, bác sĩ, doanh nhân,… họ là người có học bài bản nhưng đều làm việc “trái lương tâm hết”: đưa nhận phong bì, gói ghém quà cáp, biếu xén, chạy chọt,… Cũng vì cuộc sống nên mới làm thế. Ngẫm lại, thấy cũng vì hệ thống này buộc phải làm thế, không làm không được.
Tôi chia sẻ bài viết cho bạn bè với mục đích được bàn luận, tranh luận với nhau. Tuy bài viết có đụng chạm vài vấn đề nhạy cảm (ôn lại thời bao cấp) nhưng ngôn ngữ ôn hòa, cầu thị của tác giả làm cho người đọc thấy nhẹ nhàng. “Mong nhận được tranh luận từ phía quý độc giả. Tranh luận đưa chúng ta gần đến giải pháp khoa học hơn. Tất cả vì mục tiêu duy nhất là dân tộc phú cường, văn minh”.
Vấn đề tác giả đề cập mang tính logic khoa học, không đả phá như một số người có tinh thần cực đoan mà tôi hay gặp. Tôi nghĩ bài viết được mạng chính thống đưa tin trong nhiều ngày, có đến hơn 11 trang bình luận sẽ được duy trì cho đọc giả xem. Thật bất ngờ là bài báo đã gỡ bỏ. Tôi như bị ai bóp nghẹt không cho nói tiếp.
image003_8.jpg
Một bài viết hay và trí tuệ bị gỡ bỏ, thay bằng những sex, cướp, giết, hiếp, chân dài...

Tôi viết bài này gửi Dân Luận để phản đối cách làm việc của báo mạng Vietnamnet. Trang mạng đã bịt miệng không cho đọc giả tranh luận một vấn đề có ảnh hưởng đến toàn dân tộc.
Trong xã hội hiện đại không thể thiếu tranh luận, tranh luận giúp ta hiểu vấn đề hơn, từ đó mới có giải pháp hợp tình hợp lý để giúp đất nước phát triển. Bịt miệng dân chỉ sinh ra than oán mà thôi.
Tìm kiếm lại bài báo, tôi thấy tác giả Nguyễn Văn Thạnh đã không sợ chính quyền gây khó khăn, đã lên tiếng trên Dân Luận.
Tôi ủng hộ sự lên tiếng này của tác giả, chúng ta cần phải được tranh luận chứ không thể chỉ đọc những tin như: “những chuyện kinh ngạc về vùng kín của nàng” hay “tình một đêm của gã đẹp trai showbiz Việt”,… Nếu không cho người dân tranh luận, chỉ cho dân đọc những tin như: sex, hiếp, chân dài,… là một chính sách ngu dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch mặt thủ đoạn thâm độc của thực dân Pháp khi thực hiện chính sách ngu dân là làm cho dân ta mê muội trong thuốc phiện. Ngày nay dân có độc lập, nước có chủ quyền, tại sao lại rút bài báo, tại sao lại thực hiện chính sách ngu dân?
Nguyễn V. Trung
Thành phố HCM

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"