Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

Liệu Việt Nam có phải là con hổ mới của châu Á?

Marco Breu & Richard Dobbs
Anh Khôi chuyển ngữ, CTV Phía Trước


Rõ ràng là có rất nhiều thứ đã thay đổi kể từ khi chiến tranh chấm dứt ở Việt Nam. Trong hơn 25 năm qua, đất nước nhỏ bé này đã chuyển mình một cách đáng kể. Vào năm 2007, Việt Nam đã bước vào sân chơi kinh tế lớn nhất toàn cầu bằng cách trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization – WTO). Điều này đã nhanh chóng thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển mạnh mẽ, chuyển đổi Việt Nam từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu trở thành một trong những nơi cung cấp dịch vụ và sản xuất hàng chất lượng cao. Nhưng nếu đất nước này muốn giữ vững tốc độ phát triển mạnh mẽ này thì trong vài năm tới, Việt Nam sẽ phải nâng cao năng suất lao động trong các ngành công nghiệp và dịch vụ.
Sau đây là 10 điểm đáng chú ý lấy từ bản báo cáo của McKinsey Global Institute “Giữ vững tốc độ tăng trưởng của Việt Nam: Một bài toán về năng suất”. Đọc tiếp và bạn có thể sẽ thấy những điều ngạc nhiên thú vị.
1. Việt nam tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ quốc gia châu Á nào khác ngoại trừ Trung Quốc
Việt Nam – đất nước đã bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh – đã trở thành một trong những câu truyện kinh tế thành công nhất châu Á trong vòng một phần tư thế kỷ qua. Kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam áp dụng các thay đổi thông qua công cuộc đại cải cách “Đổi Mới” vào năm 1986, đất nước này đã nới lỏng giao thương và các dòng chảy ngoại tệ, cho phép các thành phần kinh tế tư nhân được tư do hoạt động hơn. Trong giai đoạn đó, nền kinh tế này đã tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ một nền kinh tế nào ở châu Á ngoại từ Trung Quốc, với chỉ tăng trưởng GDP hàng năm ở mức 5.3%. Bất chấp thời kỳ khủng hoảng tài chính ở châu Á trong những năm 1990 và suy thoái kinh tế toàn cầu gần đây (Việt Nam tăng trưởng trung bình 7% mỗi năm trong giai đoạn 2005–2010) – một thành tích mà khó có nền kinh tế châu Á nào có thể so sánh được.
2. Việt Nam đang dần rời xa những cánh đồng
Nền kinh tế Việt Nam giờ đây không chỉ quanh quẩn với nông nghiệp. Trên thực tế, đóng góp của nông nghiệp vào GDP đã giảm từ 40% xuống còn 20% chỉ trong 15 năm – tốc độ chuyển dịch còn nhanh hơn rất nhiều so với những gì đã xảy ra ở các nước châu Á khác. Để đạt được một sự thay đổi tương tự, Trung Quốc đã mất 29 năm và con số là 41 năm đối với Ấn Độ.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, tỉ lệ người dân lao động trong ngành nông nghiệp đã giảm 13%, lượng thụt giảm này đã chuyển qua và làm tăng tỉ lệ người lao động trong ngành công nghiệp lên 9.6% và ngành dịch vụ 3.4%. Sự chuyển dịch lao động này đã đóng góp rất đáng kể đối với nền kinh tế Việt Nam bởi vì năng suất trong các khối kinh tế này khác nhau rất nhiều. Trong vòng 10 năm, đóng góp của nông nghiệp vào GDP đã giảm 6.7%, trong khi đó ngành công nghiệp đã tăng 7.2%.
3. Nhưng Việt Nam vẫn là nước dẫn đầu trong ngành xuất khẩu hồ tiêu, điều, gạo và cà phê
Theo số liệu thống kê của năm 2010, Việt Nam là nước xuất khẩu hồ tiêu đứng đầu thế giới trong 4 năm liên tục với 116.000 tấn. Xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng xếp hàng thứ hai chỉ sau Thái Lan, và xuất khẩu cà phê cũng chỉ thua Brazil. Ngoài ra, các mặt hàng khác như chè cũng xếp hàng thứ năm và hải sản như cá thu, tôm, mực và cá da trơn cũng thuộc vào top 6.
4. Việt Nam không phải là “Trung Quốc+1”
Chi phí nhân công tăng ở Trung Quốc đã làm cho nhiều nhà đầu tư quyết định chuyển chu trình sản xuất sang Việt Nam với rất nhiều cơ hội thuê được nhân công rẻ mạt. Xu hướng này đã làm cho nhiều CEO tin rằng Việt Nam sẽ trở thành một phân xưởng lớn tiếp theo ở Châu Á – một phiên bản nhỏ hơn của Trung Quốc, hay Trung Quốc+1.
Nhưng Việt Nam khác biệt rất lớn so với Trung Quốc ở hai khía cạnh. Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam hoạt động được là nhờ vào nhiều sự tiêu thụ cá nhân hơn là so với nền kinh tế Trung Quốc. Ở Việt Nam, tổng lượng tiêu thụ hộ gia đình chiếm tới 65% GDP, trong khi con số này ở Trung Quốc là 36%. Thứ hai, trong khi tốc độ tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc chủ yếu là nhờ sản xuất hàng xuất khẩu và đầu tư vốn cao, thì nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá cân đối giữa sản xuất và dịch vụ – mỗi ngành đóng góp tầm 40% GDP. Sự phát triển của Việt Nam tương đối đồng đều giữa các ngành kinh tế. Trong năm năm vừa qua, sản lượng đầu ra của ngành công nghiệp (bao gồm xây dựng, sản xuất, khai thác, và những ngành phục vụ công cộng) và các mảng dịch vụ khác đã tăng trưởng đồng đều với nhau ở mức 8% mỗi năm.
5. Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn
Việt Nam xuất hiện trong hầu hết trong danh sách những nền kinh tế mới nổi đầy hứa hẹn dành cho các nhà đầu tư nước ngoài. Những bản điều tra của Phòng thương mại và đầu tư và the Economist Intelligence Unit thuộc Anh Quốc đã liên tục xếp hạng Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất đối với vốn FDI chỉ sau nhóm tứ hùng BRIC gồm Brazil, Russia, India và China. Vốn đầu từ FDI có đăng ký đổ vào Việt Nam tăng từ 3.2 tỉ USDtrong năm 2003 lên 71.7 tỉ USD trong năm 2008 trước khi giảm mạnh do khủng hoảng toàn cầu xuống còn 21.5 tỉ USD trong năm 2009.
Ở đây, một lần nữa, Việt Nam không hề giống với Trung Quốc. Khoảng gần 60% FDI của Trung Quốc được đổ vào ngành sản xuất thủ công, so với chỉ 20% tại Việt Nam. Phần lớn trong 80% còn lại được đầu tư vào các ngành khai thác mỏ, dầu và khí đốt (40%) và bất động sản (15-20%). Các chỉ số tăng trưởng này phản ánh sức tăng trưởng nhanh chóng của ngành du lịch tại Việt Nam và số liệu thống kê cho thấy lượng khách nước ngoài đã tăng thêm một phần ba kể từ năm 2005.

Kỳ sau sẽ là 5 điểm đáng chú ý tiếp theo lấy từ bản báo cáo của McKinsey Global Institute. Mời quý độc giả theo dõi trong phần II.
© Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2013
Nguồn: Foreign Policy

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"