Tôi viết bài này dành cho hai Đặc san Đất Quảng và Mũ Đỏ Xuân Quí tỵ vừa qua. Nay thấy cô Huỳnh Khánh Vy
vừa lên tiếng về hoàn cảnh của gia đình và cá nhân cô; tôi đăng lên đây
như một sự ủng hộ. Trân trọng kính gởi đến anh Huỳnh Ngọc Tuấn và gia
đình.
Đồng thời tôi cũng nghĩ đến bao người “thấp cổ bé miệng” khác
đang bị khủng bố, hành hạ bới một nhà nước lúc nào cũng tự xưng là của
nhân dân! Mỗi chúng ta hãy góp một tay, dù bằng hành động nhỏ nhoi nhất
để xoa dịu và giúp đỡ những con người đáng thương.
—————————————————
Năm 1987 tôi đưa vợ con đi vượt biên qua ngã Campuchia. Lúc đó hai
đứa con tôi mới 5 và 3 tuổi. Chúng tôi đi xe đò xuống Tân Châu, theo
những người buôn thuốc tây vượt biên giới đến Nam Vang. Sau đó theo
người tổ chức đi xuống hải cảng Kampong Som, ngủ trong rừng 3 đêm rồi
xuống tàu qua Thái. Bây giờ đôi lúc rảnh rỗi ôn lại chuyện cũ, vợ chồng
tôi cứ giựt mình, bảo nhau, “Sao lúc đó mình gan quá, nói dại, nếu có bề
gì thì ân hận biết bao!”
Khi đi vượt biên, tất cả chúng ta đều thế cả, rất liều mạng mà không
thấy sợ hiểm nguy, chỉ sợ bị bắt lại để rồi phải kéo lê quãng đời mà
mình đã cương quyết lìa bỏ. Không gan góc gì đâu, mà cái hoàn cảnh khó
khăn trăm bề, cái tâm trạng bế tắt niềm tin về tương lai lúc đó đã giúp
chúng ta vượt qua những điều mà những người sống nơi yên bình không dám
nghĩ tới.
Bây giờ các con tôi đã trưởng thành, thế mà những kỳ nghỉ hè tụi nó
đi du lịch những nơi xa xôi, có vẻ thiếu an ninh thì vợ tôi lại lo, sợ
có gặp rắc rối gì thì trễ nãi… việc học! Nỗi lo đó tuy có phần thái quá,
nhưng là tâm trạng chung của các bậc cha mẹ đang sống nơi an toàn. Lo
cho con, muốn cho tương lai con cái suôn sẻ, là điều chính đáng. Ai cũng
thế cả!
Viết ra những dòng riêng tư trên chỉ vì tôi nghĩ đến tinh thần cao cả
của một phụ huynh khác. Đó là anh Huỳnh Ngọc Tuấn, một người dân Quảng
Nam, đang sống trong nước, gần đây thường viết các bài nghị luận trên
các trang mạng. Anh Tuấn có 3 người con, đều ở tuổi con tôi, Huỳnh Thục
Vi, Huỳnh Khánh Vy và Huỳnh Trọng Hiếu. Cả bốn cha con anh đều hiện đang
bị nhà cầm quyền Việt Nam làm khó dễ chỉ vì những bài viết trình bày
quan điểm của họ.
Trong số những người tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền ở trong
nước, gia đình anh Huỳnh Ngọc Tuấn là một trường hợp đặc biệt. Người cha
thay vì thương con theo “lẽ thường tình”, đã khuyến khích con mình đi
vào con đường chông gai. Theo những lời kể trên trang Facebook cá nhân
của Huỳnh Thục Vi, cũng như “lời kêu cứu” của chính anh Huỳnh Ngọc Tuấn
trong thời gian qua, công an thị xã Tam Kỳ và tỉnh Quảng Nam đã sách
nhiễu và cả hăm dọa đến sự an toàn của cha con anh.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho phóng viên Thanh Quang của đài RFA, anh nói:
““Tôi cũng không biết được người ta sẽ tính gì. Người ta có quyền lực
nên mình khó lường đoán được người ta sẽ tính những gì. Những áp lực mà
người ta gây ra cho gia đình tôi đã tạo ra sự bất an, sự căng thẳng cho
gia đình tôi. Và tôi biết là người ta sẽ không dừng lại ở đây. Còn sự
việc tiếp theo như thế nào thì tôi chưa biết!”
Sự lo ngại của anh là hoàn toàn chính đáng, bởi vì sự bất minh, tàn
bạo, thậm chí côn đồ của kẻ cầm quyền đã quá rõ ràng! Trong những năm
qua sự bạo hành của công an rất phổ biến. Nhiều người dân được “mời” đến
trụ sở công an, khi ra khỏi đã phải đi ngay vào nhà thương cấp cứu. Có
trường hợp người bị bắt bị công an tra tấn đến gãy cỗ gây thương vong
như ông Trịnh Xuân Tùng ở Hà Nội hay chết trong trụ sở công an và sau đó
được giải thích là tự tử như trường hợp anh Nguyễn Công Nhựt ở Bình
Dương. Có cả một em bé 11 tuổi bị bắt vào đồn công và bị đánh bầm cả
người một cách dã man. Các sự kiện “công an đánh dân” này vẫn đang còn
tiếp diễn và gây bất mãn trong dư luận quần chúng.
Đó là vài sự kiện mà tôi lặp lại để nhấn mạnh về tình trạng nguy hiểm
của gia đình anh Huỳnh Ngọc Tuấn. Mong mỏi góp thêm một tiếng chuông
cảnh báo đến các tổ chức bảo vệ nhân quyền, các cơ quan truyền thông, và
đồng bào trong và ngoài nước lưu tâm đến trường hợp của anh.
Một sự kiện đáng mừng là năm nay Tổ chức theo dõi Nhân Quyền Human
Right Watch vừa trao giải Hellman/Hammett cho 5 người Việt Nam, trong đó
có anh Huỳnh Ngọc Tuấn và cô Huỳnh Thục Vi. Khi tôi viết những dòng này
thì Huỳnh Trọng Hiếu bị cấm xuất cảnh đi Mỹ để nhận giải thưởng thay
cha và chị. Việc làm đó của nhà cầm quyền Hà Nội cho thấy họ rất ấu trĩ,
bế tắc, vô luật pháp. Ngăn cấm, khủng bố, tù đày chắc chắn không bao
giờ dập tắt được tinh thần bất khuất của gia đình anh Huỳnh Ngọc Tuấn,
mà ngược lại chỉ làm cho gia đình anh thêm kiên trì trên con đường đã
chọn.
Phần khác của bài viết này, tôi xin trình bày suy nghĩ của mình với
bạn đọc, và ngay cả với những người đang cầm quyền tại Việt Nam, về
những người con của anh Huỳnh Ngọc Tuấn.
Tôi đã thật sự ngạc nhiên, vui mừng và hãnh diện khi đọc những bài
viết của các bạn trẻ này. Ngoài kiến thức, họ còn có tấm lòng thật đáng
quý. Tôi không hề muốn “tung hô” họ, vì mọi sự tung hô đều vô nghĩa đối
với những người dám bỏ tất cả để tranh đấu cho công lý, không phải chỉ
cho riêng mình mà cho cả dân tộc, trong hoàn cảnh rất khó khăn. Tuy vậy
thật là bất công, thiếu sót nếu không nhắc đến lòng can đảm và sự hy
sinh của họ.
Có thể nói gia đình anh Huỳnh Ngọc Tuấn là tấm gương rất tốt cho mọi
gia đình Việt Nam. Các con anh là mẫu người mà tuổi trẻ Việt Nam hôm nay
cần nhìn vào và tự vấn. Họ không hẳn tuợng trưng cho sự hoàn hảo, nhưng
chắc chắn là tấm gương đánh thức nhiều gia đình người Việt chúng ta
hiện nay, cả trong và ngoài nước. Tôi muốn nói đến thái vộ vô cảm, mũ nĩ
che tai, vinh thân phì gia, sống chết mặc bay của nhiều người trong dân
ta; dẫu thái độ tiêu cực này cũng do nhiều điều kiện khách quan, như
hậu quả của những năm dài đau thương, cơ cực đã ảnh hưởng đến tâm lý cầu
an và hưởng thụ.
Trong một xã hội cực kỳ nhiễu nhương, cá lớn nuốt cá bé, đam mê quyền
lợi vật chất, coi nhẹ giá trị tinh thần, nhiều bậc cha mẹ đã không ngại
tìm mọi cách để con mình vươn lên “hơn người.” Người dân trong nước sau
những năm dài đói kém, bị khủng bố đã tìm mọi cách để có được cuộc sống
dễ thở hơn. Vì thế chẳng có gì lạ khi các bậc cha mẹ lo lắng khuyên bảo
con mình lo học và… du học để đạt được một tương lai ổn định, tươi
sáng. Đối với đồng bào hải ngoại, sau những gian truân để thoát khỏi
“thiên đường cộng sản” đã thở phào nhẹ nhõm, coi như đã dứt bỏ đưọc một
cục nợ và dồn hết sức mình vào cuộc sống mới. Nơi xứ người, sự xa mặt
cách lòng và nhịp sống bận rộn, đã làm không ít người hầu như quên hẳn
những khó khăn và bất công mà đồng bào mình trong nước đang gánh chịu.
Dù ở đâu thì tình trạng chung là nhiều người đang rất thờ ơ với hiện
tình đất nước. Nói cho công bằng, cũng nhiều người trăn trở, nhưng dấn
thân vào một công việc cụ thể nhằm giải thể chế độ cộng sản thì rất ít.
Phỏng có mấy ai muốn bản thân và con cái mình gặp khó khăn trên đường
đời, dù sự khó khăn đó là nghĩa vụ cao cả của công dân? Mưu cầu một cuộc
sống đầy đủ tiện nghi vật chất, được hưởng thụ những thú vui về âm nhạc
, nghệ thuật, thể thao… không phải là điều sai trái; tuy vậy vô cảm
trước khó khăn của đồng bào, bàng quang trước các vấn nạn của đất nước
là điều rất đáng trách.
Bất hạnh của dân ta hôm nay là Cộng sản đang nắm quyền . Vì bản chất
độc tài, họ tiêu diệt mọi mầm mống có phương hại đến sự độc quyền cai
trị. Cùng với việc đàn áp cuộc các cuộc biểu tình biểu lộ lòng yêu nước
của người dân, kẻ cầm quyền dung dưỡng lối sống sa đọa, khuyến khích các
thú vui nhằm tạo sự thờ ơ của tuổi trẻ trước các vấn đề chính trị, xã
hội của đất nước. Lối sống ích kỷ, gian dối, thiếu tôn trọng của công
đang phổ biến. Các vụ chạy bằng, chạy điểm, chạy chức đến lối sống thác
loạn, các vụ bạo hành của các em học sinh còn rất nhỏ đã cho thấy một xã
hội băng hoại từ gốc đến ngọn. Trước mối hiểm nguy từ giặc Tàu, thành
phần rường cột của nước nhà là thanh niên lại bị ru ngủ. Hành vi thái
quá của giới trẻ kiểu thức cả đêm chờ đợi, khóc lóc thảm thiết khi chào
đón các “ngôi sao” nước ngoài là một điều hoàn toàn không thích hợp
trong hoàn cảnh đất nước bị đe dọa, dân chúng còn đói khổ.
Trước tình trạng phổ biến đó, hiếm thấy ai như anh Huỳnh Ngọc Tuấn,
đã khuyến khích các con của anh sống có lý tưởng. Đó là yêu sự thật, yêu
tự do, yêu công lý, yêu quê hương. Anh dư biết khi theo đuổi con đường
như vậy, trước mắt các con anh sẽ chịu thiệt thòi, thậm chí tù tội. Điều
đó chính một viên công an đã trực tiếp khuyên anh nên “ngăn cản bé Vi”
vì rằng :”Cô ta còn trẻ, tương lai còn dài, đừng nên đánh mất đời con
gái.” Viết đến đây tôi lại nhớ có anh công an cũng khuyên chị Lê thị
Công Nhân như thế. Những người tự nhận đang theo đuổi lý tưởng cao đẹp
mà lại có những suy nghĩ đầy ích kỷ và vô trách nhiệm. Đó chính là hậu
quả tất nhiên của những năm dài hấp thụ sự dối trá có hệ thống, từ lãnh
tụ “sáng ngời” cho đến kẻ thừa hành vô học.
Là một người cha, hẳn anh Huỳnh Ngọc Tuấn cũng có mơ ước cuộc sống
bình yên, tương lai tốt đẹp cho các con, nhưng với anh, ước vọng thăng
tiến cho toàn xã hội được đặt ưu tiên. Dấn thân tranh đấu cho một xã hội
tự do, dân chủ, công bằng dù chịu thiệt thòi về mình là điều gia đình
anh Huỳnh Ngọc Tuấn đã và đang làm. “Biết chắc sẽ bị đày đọa mà không
nhất định lùi bước.”Cha con anh đã từng phát biểu trong nhiều cuộc phỏng
vấn như thế. Đó là chỗ hơn người, đáng trân trọng, đáng ngưỡng mộ của
gia đình anh. Cách anh Huỳnh Ngọc Tuấn hướng dẫn con cái là điều mà
những bậc phụ huynh như chúng ta nên suy gẫm.
Riêng đối với những người cầm quyền, từ vị trí cao nhất cho đến viên
công an khu vực, thiết nghĩ họa hoằn có ai còn chút quan tâm đến tương
lai dân tộc, họ nên trân trọng những bạn trẻ sống có lý tưởng như các
con anh Huỳnh Ngọc Tuấn. Thử nghĩ, nếu lớp trẻ cứ mãi sống ích kỷ, chạy
theo những thị hiếu thấp hèn thì tương lai đất nước sẽ ra sao? Trong
tình hình nước ta hiện nay, khi giặc Tàu đang mưu đồ thôn tính, việc
đoàn kết toàn dân, nuôi dưỡng những mầm non có lòng yêu nước là điều hết
sức cần thiết. Đàn áp, khủng bố, tiêu diệt những mầm non yêu nước là
cách dâng nước cho giặc nhanh nhất. Và tất nhiên, nước mất thì người dân
sẽ trở thành nô lệ, trong đó có con em của tất cả chúng ta, không chừa
một ai.
Chính ông Nguyễn Phú Trọng hôm 12 tháng 12 năm 2012 vừa qua tại Hà
Nội, trong buổi nói chuyện với đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản, đã
“than phiền” rằng một bộ phận thanh niên đã “ít quan tâm đến tình hình
đất nước.” Nếu ông ta nói điều đó với lòng thành thì ông ta nên khuyến
khích thanh niên noi gương các con anh Huỳnh Ngọc Tuấn. Nhưng thực chất
cũng như bao diễn văn, huấn thị trước đây, đó cũng chỉ là lời đầu môi
chót lưỡi, dối trá mị dân của người cộng sản. Vì tham lam đến tối mắt,
người cộng sản đã không nhìn ra những viên ngọc quí hiếm hoi của dân tộc
nên đã vùi dập nhằm làm lu mờ những viên ngọc ấy! Bất hạnh thay!
Đất Quảng Nam thế kỷ trước được rạng danh bởi nhà cách mạng Huỳnh
Thúc Kháng; thế kỷ này gia đình anh Huỳnh Ngọc Tuấn, tuy không liên hệ
máu mủ với cụ Huỳnh, lại một lần nữa làm cho người dân xứ Quảng thêm
phần hãnh diện. Trong nỗi đau đất nước tụt hậu về mọi mặt, nguy cơ mất
nước gần kề, gia đình anh Huỳnh Ngọc Tuấn đã cho chúng ta một niềm hy
vọng.
©Caubay
(Bài viết cho Đặc san Đât Quảng và Mũ Đỏ Xuân Quí tỵ 2013)