Tối 25-2-2013, trong thời sự 19h, VTV1 phát đoạn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “giáo huấn” tại Vĩnh Phú: “…
Vừa rồi đã có các luồng ý kiến thì cũng có thể quy vào được là suy
thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chứ gì nữa … Xem ai có tư
tưởng là muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của
đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Muốn ‘tam quyền phân lập’
không? Hả? Muốn ‘phi chính trị hóa quân đội’ không? Người ta đang có
những quan điểm đấy!… Đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy.
Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa! Chỉ ở đâu nữa nào? … Tham gia
đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể … thì nó là cái gì?! … Cho nên
các đồng chí quan tâm xử lý cái này.”.
Mô Phật! Một lần nữa, tôi nghe mà không tin vào lỗ tai mình! (lần
trước, ông Trọng hể hả về chuyến đi một số nước châu Âu và Vatican:
“Mình phải vị thế thế nào thì người mới thế chứ”; đã đề cập qua bài “Cái
tầm của Tổng Bí thư”; nhiều người nhận xét ông Trọng như “trẻ con”).
Gác sang một bên chuyện chụp mũ, hăm dọa, trấn áp, bịt miệng, nhồi sọ…
trong câu nói trên. Xin chỉ bàn đúng sai trong quan niệm về đạo đức,
dưới nhãn quang của những người “cách mạng”.
Mọi đảng viên có lẽ không ai không đọc, hoặc chưa từng nghe nói đến
bài viết “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” của
Hồ Chí Minh – trong cương vị Chủ tịch Đảng Lao động VN (Đảng CSVN ngày
nay). Tiêu đề bài viết này, về sau phổ biến gần như một trong nhiều khẩu
hiệu của đảng. Có nhiều quan niệm về chủ nghĩa cá nhân, lên án có (khi
bàn về công bằng xã hội), ủng hộ có (khi bàn về nhân quyền và sáng tạo
của trí thức). Tuy nhiên, từ trước đến nay, trong tư duy được “định
hướng” của lãnh đạo và đảng viên theo tinh thần bài viết trên của Hồ Chí
Minh, người theo chủ nghĩa cá nhân là người chỉ cốt lo thu vén cho mình
và gia tộc, làm phương hại lợi ích tập thể, quốc gia, dân tộc. Chưa một
đảng viên nào làm nổi và/hoặc dám làm cái việc phản biện “chân lý” trên
của Hồ Chí Minh. Viết bài trên, Hồ Chí Minh khẳng định, với những người
cách mạng, chủ nghĩa cá nhân chính là biểu hiện vô đạo đức rõ nhất. Cụ
thể, ai biết đặt lợi ích bản thân dưới lợi ích tập thể, lợi ích tập thể
dưới lợi ích quốc gia hoặc hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích tập thể,
hy sinh lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể vì lợi ích quốc gia là có đạo
đức.
Tương tự, trong các dịp khác Hồ Chí Minh cũng đề cao quan điểm “mình
vì mọi người”, “chí công vô tư”, coi đó là thước đo đạo đức cán bộ, đảng
viên. Mọi người có lương tri đều hiểu, chủ trương duy trì nền độc tài
đảng trị, các lãnh đạo đảng CSVN triệt tiêu mọi nguồn lực trí tuệ bất
phục tùng chủ nghĩa cộng sản. Không có đa nguyên, không có cạnh tranh
thì trì trệ, xơ cứng là tất yếu. Điều đó không chỉ đúng trong chính trị –
xã hội, mà đúng trong mọi lĩnh vực, kể cả tự nhiên. Giáo điều và xơ
cứng, chủ trương kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đảng làm hao tổn
khổng lồ tài nguyên, tiền vốn, kỹ thuật, chất xám và nhân lực… vào những
Vinashin, Vinalines… vô chủ, cha chung không ai khóc – những bồ thóc
béo bở của lũ chuột tham nhũng. Chủ trương nhà nước độc quyền sở hữu đất
đai, đảng tạo cơ hội “vàng” cho đám tham quan câu kết với các chủ đầu
tư “đục nước béo cò”, tước đoạt tàn bạo hàng triệu ha ruộng đất, nhà ở
và phương kế sinh nhai truyền thống của hàng triệu hộ dân.
Muốn duy trì điều 4 trong Hiến pháp, ông Trọng muốn giữ độc quyền
đảng trị. Tuy nhiên, không ít đảng viên, kể cả không ít đảng viên cấp
cao, đều biết rõ cái độc quyền ấy thực chất chỉ cốt duy trì quyền uy
chính trị và đặc quyền đặc lợi vật chất cho những đảng viên có chức
quyền biến chất. Hầu hết các đảng viên cấp thấp, không có chức quyền,
không đặc quyền đặc lợi, hoặc có chức quyền nhưng lại có lương tri đều
băn khoăn, lo lắng cho vận mệnh của đất nước trước hiện tượng suy thoái
đạo đức của “một bộ phận không nhỏ” đảng viên hiện nay.
Không ít đảng viên tâm huyết và có trí thức nhận ra sự thật phũ
phàng: quay lưng với mọi thành tựu chính trị – xã hội của nhân loại (đa
nguyên chính trị, tam quyền phân lập, phi chính trị hóa quân đội), đảng
CSVN đã quá lạc hậu, xơ cứng, bế tắc về đường lối, đang bị những kẻ vô
liêm sỉ, cơ hội xấu xa núp bóng để đục khoét tham nhũng trắng trợn, trở
thành vật cản kìm hãm vô cùng tai hại cho sự phát triển đi lên của đất
nước, làm Việt Nam càng ngày càng tụt hậu và trở nên xa lạ so với khu
vực và thế giới.
Đảng CSVN có hơn 3 triệu đảng viên, và số đảng viên hưởng đặc quyền
đặc lợi chỉ là một phần trong số đó, trong khi cả nước có gần 90 triệu
dân. Giữ điều 4 Hiến pháp là gì, nếu chẳng phải là khư khư độc quyền
đảng trị như “đười ươi giữ ống”, giữ lợi ích bất chính cho một thiểu số
người, bất chấp phương hại nặng nề tự do, hạnh phúc của nhân dân, kéo
lùi tương lai phát triển của đất nước?
Như vậy, theo nhận thức của người viết bài này, rõ ràng quan điểm
trên về đạo đức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu ở Vĩnh Phúc
hoàn toàn trái ngược với quan điểm của Hồ Chí Minh trong bài viết “Nâng
cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.
Chúa ơi! Tôi ước gì mình nhận thức sai, chứ cỡ Tồng Bí thư mà cũng nhận thức sai thì nguy to rồi!