Nguyễn Ngọc Dương
Nếu tôi nhớ không nhầm thì khái niệm “Diễn biến hòa bình” ra
đời kể từ sau khi Liên Xô bị tan rã, năm 1991. Lúc ấy Đảng ta chỉ ra bốn
nguy cơ cho đất nước là: Đi chệch đường lối, Tụt hậu về kinh tế, Tham
nhũng và Diễn biến hòa bình (DBHB). Hình như chưa có từ điển nào nêu
khái niệm DBHB, trong thực tế người ta chỉ nhắc tới nó như một nguy cơ
làm phá sản đất nước, làm mất vai trò lãnh đạo của Đảng, làm sụp đổ chế
độ… DBHB được cho là sản phẩm của “các thế lực thù địch”. Những người
đảng viên như chúng tôi nghe thấy DBHB là căm ghét, là tìm cách để
“chống”, mặc dù cho đến gần đây vẫn chưa ai rõ hình thù cái “DBHB” nó
thế nào. Thông qua học tập Nghị quyết Trung ương 4 lại thấy “Một bộ phận
không nhỏ” đang “diến biến” (chắc là nói tắt chữ DBHB?) làm suy giảm
lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Mấy chục năm qua, “DBHB” và “các thế lực thù địch” cứ lởn vởn trong
đầu như một bóng ma. Trong cuộc sống, tôi đã từng chứng kiến nhiều
chuyện bi hài xung quanh hai khái niệm này. Có không ít những vị lãnh
đạo ở các cấp, các ngành khi đơn vị hay địa phương làm hỏng việc, gây
bức xúc trong nhân dân thì cứ đổ vào đầu “bọn DBHB” và “các thế lực thù
địch” là nhẹ gánh. Nó còn là con bài để một số lãnh đạo yếu kém, mất dân
chủ mang ra “dọa” đảng viên, dọa nhân dân như một lá bùa hiệu nghiệm.
Nói đến nó là ai cũng sợ, ai cũng phải cảnh giác, ai cũng căm ghét. Cũng
lạ, người ta luôn luôn phải sợ, cảnh giác và căm ghét một sự vật chưa
từng nhìn thấy!…
Nhưng gần đây, cuộc diễn biến rất nhanh chóng ở Myanma, một quốc gia
Đông Nam Á đã khiến cho tôi, một bộ óc từng được “mặc định” nhiều quan
điểm, tư tưởng như một hòn đá tảng đã bắt đầu hiểu ra thế nào là DBHB.
Những thay đổi mạnh mẽ ở Myanmar đang đưa đất nước này bước sang một
trang mới trong lịch sử hiện đại đã chứng minh cái khái niệm mù mờ kia
mấy chục năm qua. Vừa rồi, tình cờ tôi nghe một người nói vỉa hè: nữ nhà
văn Nguyên Bình với tư cách là bạn đồng môn với TBT Nguyễn Phú Trọng đã
viết cho ông lá thư ngỏ với ý tưởng nghe hơi lạ, đại ý: Đảng nên giành lấy quyền lãnh đạo một cuộc diễn biến hòa bình vì Dân tộc.
Tôi giật mình… Hóa ra “DBHB” nó chẳng có tội gì. Nó chỉ “có tội” khi
bị lợi dụng vì một mục đích xấu. Phải chăng, nếu diễn biến hòa bình được
thực hiện trong một đất nước đang rối ren, đã xác định rõ kẻ thù lại
là một điều tốt lành. Một Myanmar mấy chục năm gần như chưa một ngày
không có tiếng súng bởi sự chia rẽ sắc tộc nay đã chuyển đổi được từ chế
độ toàn trị sang chế độ dân chủ thực sự, mở mang hội nhập đầy đủ với
cộng đồng thế giới với những bước tiến mạnh mẽ trong cải cách kinh tế và
xã hội. Cuộc chuyển biến vĩ đại đã thực hiện trong hòa bình, không mất
một viên đạn, một mạng người. Vậy đó phải chăng là diễn biến hòa bình ?
Nhớ đến sự kiện Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã
hơn hai mươi năm trước. Lúc ấy, những người cộng sản trong các nước Xã
hội chủ nghĩa đều đau xót trước “thành trì” của Chủ nghĩa xã hội, thành
quả của Cách mạng tháng Mười vĩ đại do Lenine lãnh đạo bị sụp đổ. Ai đã
đánh đổ cái thành trì vĩ đại ấy? Đó phải chăng là họ “tự đổ” trong DBHB
mà không hề có một “thế lực thù địch” nào mang “gậy gộc” đến dun đổ nó.
Phải chăng, sau khi Lenine mất, Staline đã “sáng tạo” ra cái mô hình
chủ nghĩa xã hội kiểu trại lính, dần đưa cả Liên bang Xô viết và cả hệ
thống vào con đường ngày càng lạc hậu, bế tắc. Việc tự diễn biến để
chuyển đổi sang một thể chế tốt hơn là do lịch sử đặt ra cho các dân tộc
ấy. Họ đã “tự diễn biến” để cứu đất nước họ, dân tộc họ. Bất kỳ một
nhà cách mạng chân chính nào cũng đều nhằm đến mục tiêu tự do, bình
đẳng, hạnh phúc cho con người. Và, lịch sử thế giới cũng chỉ ra, kể cả
những thế lực phản động nhất cũng rêu rao mục tiêu đó để mị dân, bởi nó
là khát vọng của loài người. Song, vấn đề là hiệu quả trên con đường đi
đến mục tiêu ấy như thế nào? Con đường ấy do thực tiễn đặt ra bằng kinh
nghiệm xương máu của nhân loại chứ không phải ngồi tưởng tượng ra rồi
cứ thế cắm đầu đi. Và một khi nhận ra sai lầm thì phải biết điều
chỉnh, nếu bảo thủ thì không tránh khỏi đưa dân tộc vào con đường bế tắc
và lịch sử chắc chắn sẽ lên án. Cái gọi là “Liên xô sụp đổ” thực chất
là sụp đổ mô hình Liên bang xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo (có lẽ sai
lầm) của Đảng cộng sản, chứ đất nước Nga, các dân tộc trong Liên bang
và Đông Âu thì không hề sụp đổ, thậm chí họ đã tìm ra con đường đi yên
ổn hơn, quần chúng nhân dân được hưởng nền tự do, dân chủ hơn, đất nước
phát triển hơn… Và đó có phải là DBHB?
Một khi DBHB thực chất là sửa chữa sai lầm căn bản để cho cuộc sống
tốt hơn thì sao chúng ta không làm? Nhìn vào thực trạng đất nước ta hiện
nay, một quốc gia đang suy thoái toàn diện từ chính trị đến kinh tế,
văn hóa, xã hội và đứng trước nguy cơ nền độc lập dân tộc bị đe dọa
nghiêm trọng, bắt buộc ta phải tĩnh tâm nhìn lại một cách nghiêm túc.
Đảng ta đang giữ vai trò lãnh đạo toàn xã hội mà đã xuất hiện “một bộ
phận không nhỏ thoái hóa, biến chất” (theo cách nói của Trung ương –
Nghị quyết 4). Sự suy thoái của “bộ phận không nhỏ này” thực chất họ đã
biến thành những “nhà tư sản đỏ” (như cách nói của ông Tống Văn Công,
nguyên TBT báo Lao động, TP Hồ chí Minh), nhưng họ giấu mặt. Họ nhẫn tâm
quay lưng lại quần chúng nhân dân, những người đã theo Đảng làm nên
những kỳ tích lịch sử là Hòa bình, độc lập dân tộc và thống nhất đất
nước mấy chục năm trước. Phải chăng “Bộ phận không nhỏ” này cũng đang
muốn DBHB theo mục đích riêng của họ là vơ vét tài nguyên, của cải của
đất nước, của nhân dân cho bản thân và gia đình họ? Từ đó họ xa rời lí
tưởng cộng sản, xa rời chủ nghĩa Mark – Lenine, tư tưởng Hồ Chí Minh
nhưng lại lấy những tư tưởng đó để che đậy cho sự suy thoái của mình. Họ
coi thường quần chúng nhân dân, phá hoại niềm tin của nhân dân đối với
Đảng cũng như đe dọa trực tiếp sự tồn vong của Đảng. Vì thế Đảng đang
đứng trước nguy cơ khó lấy lại được niềm tin vốn có của nhân dân kể từ
khi thành lập đến nay. Thêm vào đó, độc lập dân tộc lại đang bị đe dọa
nghiêm trọng mà kẻ thù thì đã rõ, không một ai là người Việt Nam không
nhận ra…
Vậy sao chúng ta không chủ trương một cuộc diễn biến hòa bình để cứu
dân tộc thoát khỏi nguy cơ xuống dốc không phanh và nguy cơ một lần nữa
mất độc lập dân tộc? Tại sao chúng ta không mạnh dạn cải tổ đất nước
bắt đầu từ cải tổ chính trị, mà xuất phát điểm từ một bản Hiến pháp thực
sự dân chủ trên cơ sở tôn trọng và tiếp thu mọi ý kiến đa chiều. Phải
chăng cần xây dựng mới một bản Hiến pháp dân chủ, khoa học mà nền tảng
của nó là tiếp thu tinh hoa trí tuệ của loài người nhiều trăm năm qua có
thể giúp Đảng chỉnh đốn được khuyết tật nghiêm trọng trong xây dựng
Đảng rồi từ đó, phá vỡ được những “liên minh ma quỷ”, những “nhóm lợi
ích” câu kết với nhau phá hại đất nước trong cả kinh tế, văn hóa, giáo
dục và xã hội nói chung. Đó cũng chính là thực hiện một cuộc DBHB nhằm
loại bỏ một “Bộ phân không nhỏ thoái hoá biến chất” ra khỏi Đảng và bộ
máy Nhà nước. Để làm được điều này, đương nhiên cần xem lại những gì
không phù hợp thực tiễn cuộc sống thì nên dũng cảm vứt bỏ, kể cả những
điều mà trước kia có thể từng cho là vĩnh cửu, để nhìn thẳng vào sự
thật, vào thực tiễn của Đất nước và thế giới hiện đại. Điều đó sẽ
tránh cho Đảng không bị vướng vào những mâu thuẫn khó giải quyết
trong đường lối của mình từ chính trị, kinh tế, xã hội đến đối ngoại…
Nếu sự cải tổ đất nước bắt đầu từ một bản Hiến pháp thực sự dân chủ,
đất nước sẻ cởi mở hơn, sẽ quy tụ được lòng dân, trước hết là những trí
thức, bộ phận tinh túy của trí tuệ dân tộc vào hiến kế cho Đảng thoát ra
khỏi những khó khăn trên con đường lãnh đạo của mình. Các đồng chí lãnh
đạo cao cấp của Đảng cũng đã từng khẳng định “Có dân thì có tất cả,
không có dân thì không có gì cả” (Phạm Văn Đồng) mà tiêu biểu trí tuệ
của nhân dân chắc chắn phải là đội ngũ trí thức. Nói cách khác, phải
chăng thực chất làm một cuộc DBHB của chúng ta dưới sự lãnh đạo của Đảng
là từ đổi mới chính trị mà bắt đầu bằng đổi mới Hiễn pháp thực sự tiến
bộ ?
Nghĩ rằng, Đảng ta luôn tôn trọng những ý kiến khác nhau để xem xét,
cân nhắc, không định kiến nên tôi đã mạnh dạn “lạm bàn” sơ bộ về DBHB
trong điều kiện đang có “Một bộ phận không nhỏ thoái hóa biến chất”, làm
giảm sút lòng tin của nhân dân, làm suy yếu Đảng, trở thành nguy cơ cho
sự tồn vong của Đảng, như NQ 4 đã chỉ ra. Lại nữa, Đảng ta cũng đang
chủ trương sửa đổi Hiến pháp 1992 để phù hợp với giai đoạn mới của Đất
nước thì phải chăng đây chính là thời cơ cho chúng ta mạnh dạn sửa đổi
căn bản để làm công cụ thực hiện một cuộc “DBHB”, nhằm lấy lại tất cả
những gì đã mất và có nguy cơ mất tiếp.
Phải chăng đây là thời cơ “vàng” cho Đảng ta?
Nguyễn Ngọc Dương
Nguyên phó trưởng Ban Dân vận tỉnh ủy Lào Cai,
nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lào Cai,
đảng viên 44 năm tuổi đảng.
Nguyên phó trưởng Ban Dân vận tỉnh ủy Lào Cai,
nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lào Cai,
đảng viên 44 năm tuổi đảng.