Trần Lê
(NCTG) “Tự do tụ tập (và tự do thể hiện ý nguyện của mình
trong các cuộc tụ tập) là một trong những quyền con người cơ bản và hiến
định của tất cả mọi người sinh sống trên lãnh thổ Hungary, bất kể là
công dân sở tại hay người nước ngoài”.
Từ vài tháng nay, kể từ khi chính quyền Trung Quốc gia tăng chính
sách gây hấn tại Biển Ðông, đe dọa an ninh và sự toàn vẹn lãnh thổ của
Việt Nam - đặc biệt, kể từ khi người Việt trong và ngoài nước liên tiếp
tổ chức những cuộc biểu tình yêu nước - NCTG đã nhận được nhiều câu hỏi
của bà con trong cộng đồng.
Ða phần những thắc mắc liên quan đến khả năng tổ chức tại Hungary một
cuộc tuần hành bày tỏ ý chí tự cường dân tộc, phản đối tham vọng xâm
lấn tại Biển Ðông của Bắc Kinh, thông qua việc tuyên bố “đường lưỡi bò”
và liên tiếp có những biểu hiện dùng vũ lực đối với ngư dân, cũng như
xâm phạm hải phận Việt Nam.
Cho dù các thông tin “nóng sốt” nhất có thể được đăng tải và phân
tích hàng ngày, cập nhật hàng giờ trên các phương tiện truyền thông, thì
nhu cầu được giải đáp những câu hỏi (có thể “đời thường”, bình dân
nhất) vẫn là mong muốn của nhiều độc giả, nhất là đối với những ai quan
tâm đến những gì xảy ra xung quanh mình
Không phải ngẫu nhiên mà mạng tin điện tử
(Hungary), đã mở một chuyên mục hỏi và đáp trên tinh thần: “Để bạn
khỏi “quê” khi phải cất lời trong một đám đông. Sẽ có người, thay bạn,
đặt những câu hỏi đơn giản nhất mà có thể bạn không dám đặt...”, với mục
đích cung cấp thông tin ở mức phổ thông cho người đọc trong những vấn
đề nổi cộm của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, ngoại giao...
Một số bài với tính chất như vậy đã được NCTG chuyển ngữ tại đây: “Hỏi và đáp về cúm A/H1N1”, “Xung đột tại dải Gaza: Vì đâu” (Phần 1 và Phần 2),
v.v..., và nhận được sự quan tâm của nhiều độc giả. Trên tinh thần đó,
NCTG sẽ mở một mục “Hỏi và đáp về...” tương tự, như một thử nghiệm giúp
bạn đọc tiếp cận những thông tin, chủ đề hữu ích và cần thiết cho tri
thức và đời sống hàng ngày.
Mong nhận được những ý kiến góp ý, “xây dựng” của quý độc giả! (NCTG)
- Chúng ta có được biểu tình chống chính sách bành trướng của Trung Quốc tại Hungary không?
Có, đương nhiên, tại sao không? Nhưng... bình tĩnh, từ từ đã nào...
- Cậu lại định giở luật ra chứ gì? Thôi được, sống ở Tây, phải
quen... cái gì mà cậu hay bảo ấy nhỉ... “thượng tôn pháp luật” hả? OK,
chỉ đừng lôi những cái quá khó hiểu ra đây thôi nhé...
Không có gì khó hiểu cả, mọi thứ đơn giản thôi mà. Ở Hungary, quyền
biểu tình, mít tinh, xuống đường, tuần hành, biểu dương lực lượng...
được quy định chung trong cái gọi là Ðạo luật Tụ tập (dạo này cậu hay nghe trên truyền thông Việt Nam cụm từ “tụ tập đông người”, đúng không?).
Tự do tụ tập (và tự do thể hiện ý nguyện của mình trong các cuộc tụ
tập) là một trong những quyền con người cơ bản và hiến định của tất cả
mọi người sinh sống trên lãnh thổ Hungary, bất kể là công dân sở tại hay
người nước ngoài.
Bên cạnh quyền tự do lập hội, quyền tự do tư tưởng, quyền tự do công
bố những suy nghĩ, ý kiến của mình, quyền tự do lương tâm, quyền tự do
tôn giáo... thì tự do tụ tập cũng là một phần của những quyền tự do mang
tính tập thể...
- Ngắn gọn lại đi xem nào! Lắm quyền quá, ù cả tai...
... nghĩa là, đó là những quyền của các tổ, nhóm trong xã hội. Những
tổ, nhóm như thế được hình thành và hoạt động tự do, người dân có quyền
tham gia hay không tham gia, nhưng nhà nước hay bất cứ tổ chức, cá nhân
nào khác không được phép ngăn cản.
Ði sâu thêm chút nữa, quyền tự do tụ tập gắn bó chặt chẽ với quyền tự
do lập hội, vì sự hành xử quyền tự do tụ tập là bước đầu của sự lập
hội, mặt khác, tụ tập là điều kiện cần thiết, tiên quyết của sự lập hội,
tổ chức các tổ, nhóm...
- Lạc đề quá, tớ không muốn hội hè gì, rắc rối rách việc lắm, chỉ
cần được đi biểu tình phản đối bọn Tàu thôi. Trở lại vấn đề chính đi,
đừng “chính trị chính em” gì cả!
Tùy cách nhìn của cậu, thế nào là chính trị. Thực chất, quyền tự do
tụ tập là một phần của tự do ngôn luận, vì ai cũng có quyền cùng những
người khác công khai thể hiện quan điểm của mình trong những công việc
chung, về những sự kiện mà xã hội quan tâm...
- Nói thì hay, nhưng dễ bị quy chụp là “ý kiến của thiểu số”, “phản động” lắm đấy...
Trong những xã hội dân chủ và văn minh (Hungary tớ tạm liệt vào hàng
đó) thì tự do ngôn luận không phải chỉ là thứ đặc quyền của những quan
điểm hay ho, đẹp đẽ, được đông đảo các thành viên của xã hội hưởng ứng -
mà cả những giai tầng hay tổ, nhóm bị coi là thiểu số, ít được ưa
thích, cũng có quyền lên tiếng.
Thế nên luật pháp Hungary đảm bảo quyền lên tiếng công khai của những
nhóm thiểu số về chính trị, quan điểm, tôn giáo, tín ngưỡng... như cậu
chẳng hạn. Chỉ cần cậu tôn trọng pháp luật và các bổn phận, thì nhà nước
không thể cấm cậu thể hiện sự bất mãn, bất bình... và vận động người
khác cũng làm như cậu...
- Hượm đã, tạm thời tớ chả phàn nàn gì nhà nước Hungary cả, tớ chỉ đang bất bình với bọn Tàu Cộng thôi...
Thì cũng vậy, xét trên góc độ “tụ tập đông người”. Chỉ cần cậu tuân thủ vài nguyên tắc. Thứ nhất, tụ tập phải ôn hòa:
thay vì thể hiện ý kiến quan điểm của mình (cái này cậu cứ tự nhiên,
tha hồ!), cậu đừng phá phách, sử dụng vũ lực, hoặc làm những trò phi
pháp khác...
- Thế nào là ôn hòa? Ði lại im phăng phắc, không cờ hoa, biểu ngữ, miệng dán băng keo?
Cậu đùa à? Mặc sức phất cờ, hô khẩu hiệu, hò hét thả cửa cũng chả
sao, nếu cậu muốn phản đối ai đó hoặc cái gì đó. Thế mới là biểu tình
chứ... Miễn là đừng mang theo vũ khí, đừng hành hung người khác...
Và cái này liên quan đến điểm thứ hai mà cậu phải để ý: cậu không
được bắt người khác đi cùng cậu, buộc họ phải nghe cậu phát biểu hay hò
hét. Ai thích họ sẽ tự đi cùng cậu... bản chất của sự tụ tập được quy
định trong luật là người tham dự phải tự nguyện...
- Cái này không sao, bản thân tớ cũng tự nguyện thôi mà, làm gì
có ai bắt buộc hay... cho tiền đâu? Ta vào cuộc đi, cụ thể vào nhé: phải
xin phép ai và như thế nào?
Nói một cách chính xác thì ở Hungary, tụ tập không phải xin phép...
- Tự do nhỉ, làm gì có chuyện như thế?
Nếu cậu tụ tập ở nhà riêng, tại công sở, nhà văn hóa... thì cậu thậm
chí còn chả cần phải nói với chính quyền. Bao lần cậu đi dự Tết Trung
Thu, đón Xuân, họp hành cộng đồng... đấy...
- OK, nhưng tớ muốn đi biểu tình ngoài đường kia mà?
Thì cái đó gọi là tụ tập ở nơi công cộng. Khi đó, không phải cậu, mà
người tổ chức sự kiện có trách nhiệm thông báo với chính quyền - tối
thiểu 72 giờ trước khi sự kiện diễn ra - cụ thể là cơ quan công an sở
tại. Ở Budapest thì là Sở Cảnh sát Budapest...
- Thế thì khác gì ở ta? Họ sẽ cấm thôi! Thế mà bảo là không phải xin phép!
Bỏ cái khái niệm “xin – cho” đã ăn sâu vào óc cậu mấy chục năm nay đi
nào! Ở đây, đơn giản chỉ là, Ban tổ chức đệ một thông báo bằng văn bản
lên cảnh sát, cảnh sát họ sẽ xem xét, và cứ đúng luật thì họ “ghi nhận”
thông báo đó, và cậu tha hồ biểu tình. Vậy thôi...
Nhớ nhé, không có “xin”, “cho” gì ở đây cả...
- Nghe được đấy... thế cảnh sát họ sẽ “xem xét” cái gì để tớ được đi biểu tình?
Rất đơn giản: chỉ cần “sinh hoạt” của cậu không ảnh hưởng một cách
quá nghiêm trọng tới sự hoạt động của các cơ quan lập pháp và tư pháp
(tòa án), và ở lộ trình mà cậu sẽ đi, có thể tổ chức được giao thông
theo cách khác (theo tuyến đường khác)...
- Ồ, đừng lo mà, tớ chỉ đi trên vỉa hè, rất trật tự, không làm phiền ai đâu...
Tùy cậu, nếu cậu muốn thì cứ tha hồ đi dưới lòng đường, biểu tình thì
phải “đường ta ta cứ đi” mới ấn tượng và đạt “hiệu quả thẩm mỹ” chứ.
Miễn là những cái này (thời điểm, địa điểm hoặc lộ trình, lượng người dự
tính, các dữ liệu của nhóm chủ trương, v.v...) phải được thông báo
trước cho cảnh sát bằng văn bản.
- Nếu chỉ thế thôi thì quá dễ dàng... tớ sợ họ sẽ cấm vì nhiều lý
do khác chứ. Ví dụ họ không thích người nước ngoài “làm loạn”, thêm vào
đó, Hungary đang thân thiện với Trung Quốc mà...
Cảnh sát Hungary tuyệt đối không được đưa ra quyết định cấm vì lý do
chính trị, họ không có quyền làm điều đó vì trên nguyên tắc, họ là cơ
quan bảo vệ trật tự trị an chứ không liên quan đến đảng phái nào, cũng
chả phải quan tâm đến “lợi ích” của chính phủ. Slogan của họ là “Phục vụ
và bảo vệ” dân kia mà...
Ðương nhiên, khi đệ thông báo, Ban tổ chức cần nêu mục đích hoặc
“chương trình nghị sự” của cuộc tụ họp, nhưng chỉ “để biết” mà thôi.
Cảnh sát không quan tâm, và càng không bao giờ có quyền xem xét nội
dung, lý do biểu tình, hoặc bác bỏ biểu tình vì nó “không phù hợp”,
“phản động”, v.v...
Nhắc lại nhé, cảnh sát chỉ có thể cấm tụ họp vì hai lý do đã nhắc tới
ở trên và nhóm chủ trương có thể kiện quyết định hành chính đó của cảnh
sát lên tòa trong vòng 3 ngày kể từ khi nó được công bố. Khi ấy, tòa sẽ
ra phán quyết trong vòng 3 ngày tiếp tới...
- Tự do vô chính phủ quá nhỉ... Thế tớ mới hiểu tại sao bên này
người ta cứ biểu tình dài dài... Sao chính phủ họ lại... khờ thế nhỉ, cứ
để dân họ “chửi” cho?
Nói đúng ra thì làm gì có ai thích bị “chửi”, bị làm khó? Chính phủ
mà được “rảnh tay” thi họ cũng cấm tiệt ấy chứ, tớ nghĩ vậy...
Có điều, trở lại những gì đã nói ở đầu, bên này chính phủ hay bất cứ
ai cũng phải “thượng tôn pháp luật”. Sau bao nhiêu năm, Châu Âu mới
“kiện toàn” được những nguyên tắc pháp luật dân chủ và tôn trọng người
dân đến thế, và chính phủ nếu muốn yên chuyện thì cứ vui vẻ (bề ngoài)
mà “ngậm bồ hòn làm ngọt” thôi...
Vấn đề cơ chế nó quan trọng ở chỗ đó. Cơ chế lành mạnh thì người dân
được tự do, được đối xử bình đẳng và văn minh hơn, hạn chế được rất
nhiều sự lạm quyền, độc đoán, thậm chí phi nhân...
- Thôi, thôi, lại tìm cách “xả” đấy hả... Tớ đang nghĩ, ngộ nhỡ
chỉ có tớ và vài người nữa muốn “tụ tập tự phát”, “đi ngang qua”... thì
sao nhỉ? Cậu biết đấy, tiếng tăm tớ ú ớ, thấy công an là sợ... nói gì
đến chuyện vác mặt lên Sở Cảnh sát xin phép?
Lại “xin phép” rồi, tớ nhắc lại: chỉ cần “thông báo” thôi!
OK, câu hỏi cậu thông minh phết đấy, mà dân Hung họ cũng đã nghĩ đến
chuyện đó rồi. Mấy năm trước, Tòa án Hiến pháp Hungary đã ra phán quyết
liên quan đến vấn đề ấy.
Thứ nhất, tụ tập tự pháp thì không cần phải thông báo, vì làm gì có... Ban tổ chức đâu?
Thứ nhì, có những trường hợp khẩn cấp mà người ta không thể chờ 72
tiếng kể từ khi thông báo thì mới đi biểu tình. Tòa án Hiến pháp “phán”
rằng, bản thân việc thông báo muộn không thể là lý do để cấm biểu tình,
tuần hành ôn hòa...
Nghĩa là cậu sẽ có rất nhiều lựa chọn đấy, nếu cậu muốn thể hiện lòng
yêu nước thông qua việc tham gia, hoặc tổ chức biểu tình ở bên này...
- Nghe mà sướng! Nhưng có nhiều lựa chọn quá, đâm hoa mắt, chưa
biết chọn cái nào... Vả lại, nhiều người cứ bảo tớ, “Thăng Long phi
chiến địa”, “Tàu nó dọa thôi, nó không dám làm gì ta đâu”, “đã có Ðảng
và Nhà nước lo hết rồi, mỗi người cứ gắng làm tốt phần việc của mình
đi”...
Mà tớ thì, nói thật, dạo này làm ăn kém, khủng hoảng quá, lại cứ
hay bê trễ chợ búa vì ngóng tin tức “mạng lề trái”, thu nhập sút giảm,
vợ hay la lắm, cũng nao núng tinh thần. Phải để xem cái đã...
Thì có ai bắt cậu phải làm gì đi ngược lại mong muốn của cậu đâu. Cứ bình tâm mà suy xét.
Cứ bảo Tây họ hời hợt, nhưng tớ thấy như Hung chẳng hạn, họ có rất
nhiều câu hay ho về tình yêu nước, Tổ quốc. Như câu này chẳng hạn: “Có
thể yêu Tổ quốc theo nhiều cách, nhưng không thể không yêu Tổ quốc”
(Sokféleképpen lehet szeretni a hazát, de a hazát nem szeretni, nem
lehet - Vadai Ágnes).
Ðơn giản đúng không, mà đáng suy ngẫm lắm đấy. Một nước nhỏ, yếu,
trong lịch sử cứ tham chiến lần nào to là ắt lại bại trận thảm hại lần
ấy, đất đai thì bị cắt tùm lum cho nước ngoài, ấy thế mà một bà Quốc vụ
khanh cũng nói được câu khá chí lý, đất nước ấy cần tôn trọng và khâm
phục lắm đấy...
- Biết rồi, khổ lắm... Tớ đi nấu cơm đây, vợ réo rồi...
Trần Lê