Phạm Chí Dũng gửi RFA
Hai sinh viên Phương Uyên và Nguyên Kha tại Tòa án nhân dân tỉnh Long An ngày 16 tháng 5, 2013
Sài Gòn một buổi chiều nắng vàng rộm và buồn. Hai ngày nữa, phiên xử
phúc thẩm Phương Uyên và Nguyên Kha tái khởi sự. Một cảm giác nặng lòng
trì lên mọi người. Căn phòng nhỏ như chìm trong một cảm xúc đè nén khó
tả.
Phép thử đầu tiên cho đối tác toàn diện - sau chuyến đi của ông
Trương Tấn Sang – nhân vật số hai của Đảng - đến Washington, với hàng
loạt thỏa thuận mở ra một “kỷ nguyên mới” cho dân tộc Việt Nam, tái hiện
bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Mỹ Harry Truman gần bảy
chục năm về trước.
Những bạn trẻ đều đã trưởng thành
Mẹ của Phương Uyên kể với tôi, vài ngày trước có một số điện thoại lạ
gọi vào máy chị, khuyên nhủ và cả khuyên giải làm sao để Uyên không
“căng” với cơ quan an ninh điều tra. Nhưng bé Uyên làm sao biết được
chuyện này? Uyên lớn rồi, đã đủ trưởng thành, và hơn nữa còn đủ tư cách
để tự quyết định về cuộc đời của mình, về con đường mà Uyên đã và sẽ đi
theo.
Tôi chợt nhớ lại hình ảnh một cô bé Phương Uyên trong trại giam Long
An vào lần tôi được gặp. Cặp mắt vẫn hồn nhiên, nhưng có một áng gì đó
thăm thẳm, suy tư và đau đáu về những gì còn ở phía trước. Một nét đẹp
dịu dàng và thánh thiện mà không cho phép người khác tưởng rằng Uyên sẽ
buông xuôi tất cả.
Căn phòng nhỏ của chúng tôi cũng chìm trong suy tư. Suy tư về số phận
của những người bạn trẻ như Uyên và Kha, về những dấu hiệu và động thái
xuất hiện vài ngày trước phiên tòa phúc thẩm. Mọi người đều đã biết Kha
buộc phải viết đơn từ chối luật sư bào chữa. Mọi người còn nghe vài
nguồn thông tin từ Long An cho hay, thậm chí mẩu chuyện điều tra đối với
Kha có thể “chuyển hướng” nếu Kha chịu nhân nhượng một vài điểm nào đó.
Không ai tranh luận hoặc đưa ra quyết định về những việc đang xảy đến
với Uyên và Kha. Anh Nguyễn Tường Thụy và anh Kha Lương Ngãi chỉ nói
rằng “những bạn trẻ đều đã trưởng thành”, và không có lý do gì phải thỏa
hiệp với những chuyện không cần thỏa hiệp.
Cách đây vài ngày, một phái đoàn của Hạ nghị viện Hoa Kỳ đã đến Sài
Gòn. Ít nhất cũng đã diễn ra một thỏa hiệp không tuyên bố khi phái đoàn
này gặp cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển mà không bị gây khó dễ
gì đáng kể. Không khí có vẻ bớt siết nóng như vậy lại khá là khác với
những cố gắng không thành công của Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ Dan Baer
khi ông muốn tiếp xúc với hai nhà bất đồng chính kiến có tiếng ở Việt
Nam là Luật sư Nguyễn Văn Đài và bác sĩ Phạm Hồng Sơn. Câu chuyện thất
bại của Dan Baer lại xảy ra đúng vào dịp một cuộc đối thoại nhân quyền
Việt - Mỹ được tái lập tại Hà Nội vào tháng Tư năm 2013, sau khi bị phía
Mỹ đình hoãn vào cuối năm trước.
Những nhân vật sốt sắng với chủ đề nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam
trong phái đoàn Hạ nghị viện Mỹ đã tìm hiểu nhiều, rất nhiều về những
gì đã và đang xảy ra ở Hà Nội, Sài Gòn, Nghệ An, Tây Nguyên và cả An
Giang. Không chỉ là những tù nhân lương tâm còn bị giam giữ như Điếu
Cày, Tạ Phong Tần, Cù Huy Hà Vũ…, mà cả những người đang có nguy cơ bị
xếp vào vòng lao lý hoặc giới blogger có triển vọng “nhập kho” - như một
từ ngữ dân gian đang được kích hoạt ở Việt Nam.
Và nghe đâu, những người đã thúc đẩy cho sự hình thành Dự luật nhân
quyền Việt Nam lẫn Dự luật chế tài nhân quyền Việt Nam đã không bỏ qua
hai trường hợp Phương Uyên và Nguyên Kha sắp đưa ra xét xử phúc thẩm.
Nếu chiếu theo quan điểm của những người đã tiếp ông Trương Tấn Sang vào
cuối tháng Bảy năm 2013 thì những trường hợp như Uyên và Kha phải được
trả tự do vô điều kiện.
HR 1897 – số hiệu của Dự luật nhân quyền Việt Nam – vừa được Hạ nghị viện Hoa Kỳ thông qua có lẽ cũng vì lý do ấy.
Ngay tại thời điểm này, một trùng hợp ngẫu nhiên sắp diễn ra là phép
thử đầu tiên sau cuộc gặp của ông Sang với người Mỹ lại là Nguyên Kha -
một người đồng hương với ông. Sự trùng hợp này cũng có thể khiến người
ta nhớ đến một sự trùng hợp khác: ngay trước chuyến đi của ông Sang đến
Bắc Kinh gặp Tập Cận Bình, một người đồng hương khác của chủ tịch nước
là Đinh Nhật Uy đã bị bắt khẩn cấp, với cáo buộc liên quan điều 258 Bộ
luật hình Sự.
Hai trùng hợp nhỏ biến thành một trùng hợp lớn: cả Nguyên Kha lẫn
Nhật Uy đều có cùng một người mẹ. Chỉ trong chưa đầy một năm, người mẹ
đó đã bị tước đi cả hai sinh linh nương tựa của mình.
Còn bây giờ, những người cầm quyền ở Việt Nam sẽ “nương tựa” vào đâu?
Người ta đang nói không ngớt về câu chuyện “đi dây” giữa Bắc Kinh và
Washington. Chỉ có điều, Biển Đông lại cách nước Mỹ cả một Thái Bình
Dương, khác hẳn với “người bạn Bốn tốt” cùng chung đường biên giới mà
không ít lần gây tai họa cho người láng giềng vẫn cam phận “Mười sáu chữ
vàng” của mình.
Nắng chiều vẫn rơi nhè nhẹ, nhưng hoàng hôn đã bớt sậm màu. Anh Huỳnh
Kim Báu, một trong những người nhiệt thành của phong trào Lực lượng ba ở
Sài Gòn trước năm 1975, vào lần này cũng nhiệt tình không kém với đề
nghị tất cả mọi người cùng đi thăm Phương Uyên và cùng tham dự phiên tòa
phúc thẩm Uyên - Kha.
Sáu năm sơ thẩm cho Uyên và tám năm sơ thẩm cho Kha là quá nặng, ai
cũng nghĩ thế và nói như thế. Và nếu có thể trải lòng hơn, những mầm non
của dân tộc không đáng bị vùi dập đến thế.
Chưa bao giờ, chưa ở đâu, những con người viết hoa phản đối đường
lưỡi bò Trung Hoa lại cần được thăng hoa như ở đây, vào lúc này.
Những tín hiệu và động thái đối ngoại vẫn chầm chậm biến hiện. Nghe
nói gia đình Nhật Uy đang được gợi ý làm thủ tục bảo lãnh cho Uy được
tại ngoại. Mà nếu được tại ngoại thì sẽ có nhiều khả năng được đình chỉ
điều tra.
Tất nhiên, vụ của Uy không thể là lớn nếu xét theo hệ quy chiếu nội
bộ. Và nếu quả thực vụ việc Đinh Nhật Uy ổn thỏa, những người yêu chuộng
dân chủ có thể hy vọng một tương lai không đến nỗi tăm tối cho Phương
Uyên và Nguyên Kha.
Thế cờ ngoại giao và “đối tác toàn diện” đã giăng ra, việc có hay
không luật sư bào chữa cũng có thể chỉ là tiểu tiết. Vấn đề chỉ còn là
án được giảm như thế nào mà thôi.
Thậm chí, nếu thẩm phán Lê Thị Hợp sớm khỏi bệnh và luật sư Lê Quốc
Quân được đưa ra xét xử vào thời điểm này - nửa tháng sau tuyên bố về
đối tác toàn diện Việt - Mỹ, thì hẳn số phận của Quân có thể đồng cảm
với một cái ghế nào đó trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đặc cách
dành cho Việt Nam.
Chiều đã tắt nắng, nhưng căn phòng chợt thoáng một nét cười. Chúng tôi sắp được gặp Phương Uyên rồi…